Nga cảnh báo NATO gây xung đột tồi tệ hơn Thế chiến II, tiết lộ số lính Ukraine tử trận tháng 9
Trong khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng có vẻ như nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài xung đột trực tiếp với NATO, dẫn tới hậu quả tồi tệ hơn Thế chiến II, Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ riêng trong tháng 9, Ukraine đã mất 17.000 lính.
Xe tăng Abrams của Mỹ khai hỏa. Ảnh: US Army
Theo đài RT ngày 27/9, trong một bài đăng trên Telegram vào hôm trước, cựu Tổng thống Nga, ông Dmitry Medvedev, cho rằng phương Tây đang đẩy thế giới đến gần hơn với một cuộc xung đột toàn cầu chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bằng cách cung cấp vũ khí hạng nặng hơn bao giờ hết cho Ukraine và ca ngợi chủ nghĩa phát xít.
Ông Medvedev hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh và phát biểu nêu trên là nhằm phản ứng trước thông tin về việc xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất đến Ukraine và việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cùng đứng dậy cổ vũ một cựu binh trong đơn vị Đức Quốc xã chiến đấu vì nền độc lập của Ukraine trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Ông Medvedev cho rằng có vẻ như Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài xung đột trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời nhấn mạnh tới các báo cáo nói rằng Washington đã hứa cung cấp cho Kiev Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa hơn.
Theo ông Medvedev, NATO đã “biến thành một khối phát xít công khai tương tự như phe Trục của Hitler, nhưng có quy mô lớn hơn”. Dẫu vậy, Nga vẫn sẵn sàng đối đầu với khối này nếu cần.
Cựu Tổng thống Nga cảnh báo một cuộc xung đột như vậy sẽ dẫn tới những hậu quả tàn khốc cho nhân loại. “Kết quả sẽ là những tổn thất nặng nề hơn nhiều cho nhân loại so với năm 1945″, ông Medvedev nhấn mạnh.
Đài RT cho rằng ông Medvedev có quan điểm cứng rắn về quan hệ của Nga với phương Tây trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Moskva và Kiev.
Vào tháng 9, ông đề nghị đình chỉ quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU) sau khi khối này ủng hộ việc cấm công dân Nga mang ô tô cá nhân và điện thoại thông minh vào lãnh thổ của mình, với lý do có khả năng vi phạm lệnh trừng phạt.
Video đang HOT
Trước đó, ông đã chỉ trích những người phương Tây ủng hộ Kiev là liên minh “ủng hộ Đức Quốc xã” và liên tục cảnh báo về khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Moskva cũng nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn đến sự tham gia ngày càng sâu sắc hơn của các thành viên NATO vào cuộc xung đột đang diễn ra và có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Trong một diễn biến liên quan tới xung đột Nga-Ukraine, phát biểu tại một cuộc họp với các tướng lĩnh, chỉ huy quân đội ngày 26/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tiết lộ rằng quân đội Ukraine tiếp tục chịu tổn thất nặng nề trong gần 4 tháng sau cuộc phản công được cường điệu hóa.
Theo ông Shoigu, chỉ trong tháng 9, phía Ukraine đã mất hơn 17.000 quân và hơn 2.700 thiết bị quân sự. Danh sách khí tài của Ukraine bị lực lượng Nga phá hủy bao gồm 7 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất, 2 xe tăng Leopard do Đức sản xuất và 1 xe tăng Challenger do Anh sản xuất, 77 khẩu pháo M777 do Mỹ sản xuất và 51 pháo tự hành từ Đức, Pháp, Ba Lan và Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu chủ trì cuộc họp có sự tham dự của Đô đốc Viktor Sokolov qua video ngày 26/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Reuters
Tại cuộc họp này, Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên bang Nga đã xuất hiện. Trong khi hôm trước, lực lượng đặc biệt Ukraine tuyên bố ông Sokolov đã thiệt mạng ở Crimea cùng với 33 sỹ quan khác trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Sevastopol hồi tuần trước.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Shoigu cho biết Ukraine đã mất hơn 66.000 quân và hơn 7.600 thiết bị hạng nặng kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công hồi tháng 6. Với cập nhật ngày 26/9, số tổn thất của Ukraine kết từ khi tiến hành phản công là trên 83.000 quân và 10.300 thiết bị quân sự.
Tuần trước, tờ Washington Post của Mỹ đưa tin Kiev đang bị tổn thất đặc biệt nặng nề về thiết giáp ở mặt trận Zaporozhye, đồng thời cho biết thêm lực lượng Nga đã phá hủy nhiều xe chiến đấu bộ binh Marder do Đức sản xuất và Stryker do Mỹ chế tạo.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ottawa. Ảnh: AFP/TTXVN
Về việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cổ vũ một cựu binh Đức Quốc xã người Ukraine, ngày 25/9, người đứng đầu chính phủ Canada đã bày tỏ hối tiếc về việc này.
Phát biểu với báo giới tại Hạ viện Canada, ông Trudeau đã mô tả vụ việc trên là “cực kỳ đáng lo ngại.” Ông cũng cho rằng đây là sự cố khiến Quốc hội Canada nói riêng và người dân Canada nói chung cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Chủ tịch Hạ viện Canada Anthony Rota cũng đã ra tuyên bố xin lỗi về những gì đã xảy ra. “Tôi đặc biệt muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới cộng đồng Do Thái ở Canada và trên toàn thế giới. Tôi chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động của mình,” ông Rota nói.
Theo The Guardian, ngày 26/9, sau cuộc gặp với các lãnh đạo đảng ở Ottawa, ông Rota đã quyết định từ chức.
Trước đó vào hôm 22/9, trong bài phát biểu trước Quốc hội Canada, ông Rota đã ca ngợi Hunka là “một cựu binh Canada gốc Ukraine trong Thế Chiến thứ hai, người đã chiến đấu vì nền độc lập của Ukraine chống lại quân Nga” và là “một anh hùng của Ukraine, một anh hùng của Canada.”
Tuy vậy, Hunka thực chất lại là thành viên của một đơn vị Đức Quốc xã. Sau sự việc trên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi đòi ông Rota từ chức vì đã mời cựu binh từ thời phát xít Đức tới Hạ viện.
Trước hội nghị ở Litva, quan chức Ukraine ngày càng bi quan về việc gia nhập NATO
Giới chức Ukraine ngày càng tỏ ra bi quan về khả năng tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình gia nhập NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của liên minh này diễn ra ngày 11/7 tại thủ đô Vilnius của Litva.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Guardian, Ukraine dự kiến được trao một gói đảm bảo an ninh vào phút cuối tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là đảm bảo của các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp và Đức rằng sẽ tiếp tục viện trợ và huấn luyện quân sự cho Ukraine trong dài hạn.
Mỹ và Đức nói riêng dường như không sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO trong khi cuộc xung đột với Nga đang diễn ra. Điều này khiến những người thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không hy vọng nước này có được một con đường cụ thể để trở thành thành viên NATO.
Ngày 8/7, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, thừa nhận rằng điều còn thiếu là một quyết định giúp Ukraine trở thành thành viên NATO nhanh hơn, trong đó có thông tin rõ ràng về lời mời gia nhập cho Ukraine. Ông Kuleba cho rằng hội nghị NATO tại Litva sẽ là thời điểm đặc biệt để đẩy nhanh điều này.
Về vấn đề này, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Ukraine chưa sẵn sàng trở thành thành viên của NATO. Ông nói gia nhập NATO là một quá trình cần thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn, từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác. Theo ông Biden, NATO cần vạch ra một lộ trình hợp lý cho quá trình trở thành thành viên. Ông nói Mỹ có thể viện trợ quân sự cho Ukraine tương tự như hỗ trợ Israel từ trước tới nay.
Ukraine cho rằng trở thành thành viên NATO là sự đảm bảo thực tế lâu dài duy nhất cho an ninh của nước này.
Trước đó, ngày 7/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sẽ có lời tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO.
Điều lo ngại của NATO về kết nạp Ukraine khi chiến sự với Nga đang diễn ra liên quan đến điều 5 của hiến chương thành lập NATO. Điều này nêu rõ từng thành viên nhất trí rằng tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ được coi là tấn công nhằm vào toàn bộ khối. Điều 5 yêu cầu các quốc gia thành viên tham gia bảo vệ đất nước đang bị tấn công.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng người dân Mỹ lo ngại về việc Mỹ liên quan tới một cuộc xung đột ở châu Âu.
Điều này có nghĩa là các nước sẽ nhấn mạnh vào những lời hứa khác với Ukraine tại Vilnius. Trọng tâm của những điều này có thể là những đảm bảo mới, nhấn mạnh đến việc cung cấp vũ khí dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác, trong đó có cả hỗ trợ kinh tế.
Theo tờ Financial Times, các thành viên NATO đang gây sức ép buộc Mỹ và Đức thể hiện lập trường ủng hộ Ukraine nhiều hơn trong vấn đề gia nhập NATO. Trước đó, tờ Telegraph đưa tin Đức có kế hoạch tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới rằng Ukraine không nên được cấp tư cách thành viên trong NATO. Tờ báo cho biết Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực đưa ra đề xuất "Bucharest ", tức là một loạt đề nghị an ninh song phương dành cho Ukraine, thay vì đề nghị Ukraine trở thành thành viên NATO. Các đề xuất bảo đảm an ninh riêng lẻ cho Ukraine sau đó sẽ được kết hợp thành một thỏa thuận bảo trợ dưới dạng một biên bản ghi nhớ, được NATO và EU tán thành.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga yêu cầu các mối quan ngại về an ninh liên quan đến NATO được tôn trọng. Theo đài RT (Nga), ông Medvedev đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu ngày 2/7. Ông nói: "Điều mà Nga luôn kêu gọi là không mời các vùng lãnh thổ cũ của đất nước chúng tôi gia nhập NATO. Đặc biệt là với những nước mà chúng tôi có tranh chấp lãnh thổ". Ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ ngăn chặn mối đe dọa về việc Ukraine gia nhập NATO bằng mọi cách.
Ông Medvedev cũng cảnh báo rằng vì các thành viên NATO nói rằng họ không thể kết nạp một quốc gia đang tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, nên cuộc xung đột hiện tại Ukraine sẽ còn kéo dài, bởi sự tồn vong của nước Nga đang bị đe dọa.
Cựu Tổng thống Nga lên tiếng về đề nghị triển khai vũ khí hạt nhân của Ba Lan Ông Dmitry Medvedev cảnh báo một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra nếu Mỹ triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt tới Ba Lan. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik Trong một bình luận trên mạng Telegram theo đề nghị của hãng thông tấn TASS ngày 1/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev...