Nga cảnh báo các nước Bắc Âu không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ
Theo Bộ Ngoại giao Nga, những địa điểm như vậy sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp trong một cuộc xung đột trực tiếp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS/TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cơ sở ở Bắc Âu chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moskva và NATO, theo kênh RT (Nga).
Bình luận trên của bà Zakharova được đưa ra khi Tổng thống mới đắc cử của Phần Lan Alexander Stubb gần đây cho rằng tư cách thành viên NATO mang lại cho nước này một “khả năng răn đe hạt nhân thực sự” dưới dạng tên lửa của Mỹ.
“Bạn không cần phải là một nhà hoạch định quân sự mới hiểu rằng những cơ sở như vậy sẽ là nguồn đe dọa trực tiếp và tất nhiên chắc chắn sẽ được đưa vào danh sách các mục tiêu hợp pháp được xác định theo kịch bản xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO”, bà Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo ở Sochi ngày 6/3, khi nói về tuyên bố của ông Stubb.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm: “Chúng tôi hiểu rằng đây chính xác là điều mà Mỹ và các vệ tinh của nước này đang thúc đẩy” và lưu ý rằng trái với mong đợi của một số quan chức cấp cao, việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ làm xấu đi an ninh của các nước sở tại, thay vì củng cố an ninh.
Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đã trở thành thành viên mới của NATO vào tháng 4 năm ngoái. Tổng thống Stubb, người mới nhậm chức vào tháng này, cho biết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ sẵn sàng cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được vận chuyển qua – nhưng không được lưu trữ trên – lãnh thổ Phần Lan, gọi những vũ khí hủy diệt hàng loạt này là “sự đảm bảo cho hòa bình”.
Ông Stubb đã nhắc lại lập trường này ngay sau khi nhậm chức. Nhưng luật pháp hiện hành của quốc gia Bắc Âu này cấm lưu trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, vào tháng 12 vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã ký một thỏa thuận quân sự với Washington, cho phép Mỹ tiếp cận không hạn chế tới 15 cơ sở trên lãnh thổ của mình để lưu trữ thiết bị quân sự và đạn dược.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ Nga. Bà Zakharova đã chỉ ra vào thời điểm đó rằng thỏa thuận quốc phòng về cơ bản mang lại cho Washington quyền kiểm soát toàn bộ Bắc Âu. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết chính quyền Phần Lan hiện tại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc chuyển từ quan hệ láng giềng sang đối đầu.
Cũng trong ngày 6/3, Điện Kremlin đã nêu các điều kiện mà Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh các nguyên tắc trong chính sách hạt nhân của Moskva.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov nói: “Mọi thứ liên quan đến vũ khí hạt nhân đều được quy định trong học thuyết hạt nhân của chúng tôi. Nếu có điều gì đó đe dọa sự tồn vong của Nga, thì vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng”, lưu ý thêm rằng ngoài điều này, việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể.
Theo ông Peskov, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các nước vùng Baltic đã tăng cường luận điệu chống Nga và Belarus. Tình hình ở biên giới phía Tây và phía Nam của Belarus vẫn căng thẳng và sự hiện diện quân sự của lực lượng NATO trong khu vực không ngừng gia tăng. Trong những điều kiện này, Belarus và Nga đã triển khai một đơn vị quân sự chung cấp khu vực và Moskva bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Bộ Quốc phòng Nga: Moskva đã phá huỷ hàng trăm tên lửa Mỹ ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Moskva đã phá huỷ lượng lớn đạn dược của các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất sau khi tấn công một kho dự trữ ở miền trung Ukraine.
Trong bản cập nhật hàng ngày hôm 9/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công ở gần làng Uman, vùng Cherkasy của Ukraine bằng loại vũ khí tầm xa có độ chính xác cao. Cụ thể, Nga đã phá hủy hơn 300 quả tên lửa của hệ thống phóng loạt HIMARS. Một lượng lớn đạn pháo M777 của Mỹ cũng đã bị nhắm mục tiêu.
Nga cũng tuyên bố đã phá huỷ hơn 45.000 tấn đạn dược do NATO cung cấp ở miền nam Ukraine cùng với 5 kho đạn khác.
Vào cuối tháng 7, Nga cho biết nước này đã phá huỷ hơn 100 quả tên lửa của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất ở vùng Dnepropetrovsk của Ukraine, tiêu diệt 120 binh sĩ Ukraine đang canh gác cơ sở này, cũng như lính đánh thuê và chuyên gia kỹ thuật nước ngoài. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đang tích cực theo dõi các máy bay chiến đấu và chuyên gia nước ngoài đến Ukraine, lưu ý rằng số lượng đã giảm từ 2.741 xuống 2.190 vào đầu tháng 7.
Báo cáo cũng cho biết từ ngày 8/7 đến ngày 5/8, 175 lính đánh thuê đã gia nhập lực lượng của Kiev. Tuy nhiên, Nga cho rằng số lượng này không đủ để bù đắp những tổn thất trong lực lượng của Ukraine.
"Trong thời gian quy định, chúng tôi có thể xác nhận một cách đáng tin cậy về việc tiêu diệt 335 chiến binh nước ngoài", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đồng thời cho biết thêm rằng 398 tay súng khác đã tự nguyện rời lãnh thổ Ukraine.
Phía Ukraine chưa bình luận về những tuyên bố nói trên.
Chia rẽ sâu sắc về xung đột Nga - Ukraine ở 4 nước Trung Âu Các thủ tướng của CH Séc, Hungary, Ba Lan và Slovakia cho biết ngày 27/2 rằng bốn quốc gia Trung Âu này đang bị chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine và cách giải quyết xung đột. Quan chức Nga cảnh báo về kịch bản NATO triển khai quân tới Ukraine Nga phản ứng về thông tin NATO triển khai...