New Zealand: Trung Quốc nên hành xử như nước lớn ở Biển Đông
Đọc diễn văn tại Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Gerry Brownlee nói Trung Quốc hãy hành xử như nước lớn trong vấn đề Biển Đông.
Đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập – Ảnh: Reuters
Trang tin tức Scoop của New Zealand ngày 28.9 dẫn lời ông Brownlee tuyên bố các nước lớn chỉ có thể làm cho vị thế của mình được công nhận khi biết chia sẻ và giúp giảm thiểu căng thẳng với nước nhỏ.
Giữa bài phát biểu ca ngợi quan hệ tốt đẹp New Zealand – Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch hợp tác 5 năm giữa lực lượng phòng vệ New Zealand và quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Brownlee tuyên bố: “Dẫu chúng tôi không liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, New Zealand chống lại các hành động đe dọa hòa bình và làm xói mòn lòng tin”.
Scoop bình luận rằng tuyên bố này rõ ràng nhắm đến các hành động phi pháp của Trung Quốc trong việc san lấp, xây dựng đảo nhân tạo cùng các cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cả cộng đồng quốc tế lên án – Ảnh: Reuters
Ông Brownlee nói tiếp: “Chúng tôi lo ngại rằng các diễn biến đang xảy ra đã vượt quá nỗ lực trong khu vực trong việc kiềm chế căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tranh chấp giảm thiểu căng thẳng”.
Video đang HOT
Rồi bộ trưởng Brownlee kết luận rằng nỗ lực đối thoại để giải quyết các tranh chấp là cách hành xử chuẩn mực của nước lớn.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Đảo Trung Quốc xây ở Trường Sa được ví với Lầu Năm Góc
Trung Quốc thiết lập khu tổ hợp lớn, chảo anten và có thể cả hệ thống radar vượt đường chân trời tại các bãi đá nước này đang cải tạo ở Trường Sa
Ảnh vệ tinh gần đây của đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy việc xây dựng của Trung Quốc trên đá này tham vọng hơn so với đánh giá trước đó, với khu tổ hợp có thể cạnh tranh với Lầu Năm Góc về quy mô, theo Diplomat.
Tổ hợp này có diện tích khoảng 61.000 m2. Lầu Năm Góc của Mỹ có diện tích 116.000 m2, không tính sân bên trong.
Trung Quốc đã thiết lập các thiết bị tinh vi trên đá Chữ Thập, trong đó có một chảo anten tròn và có thể là một tháp radar.
Ảnh chụp ngày 13/7 cho thấy 7 địa điểm trên đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Chữ Thập được dỡ bỏ và thay thế. Ba trong số đó dường như được sửa để đặt ống dẫn bên dưới đường băng, có thể nhằm thoát nước hoặc tưới tiêu. Toàn bộ cải tiến được hoàn thành vào đầu tháng 9. Đường băng nhanh chóng mở rộng thêm 60 m ở mỗi đầu, với chiều dài hiện tại khoảng 3.125 m.
Một dải đường màu tối mới xuất hiện trong ảnh chụp đầu tháng 9, song song với đường băng. Một số nhà phân tích cho rằng mặt bằng này có thể đang được chuẩn bị để thiết lập một đường băng mới. Tuy nhiên, đây nhiều khả năng là dải đất trồng cây để chống xói mòn đất, theo giáo sư David J. Rogers, thuộc chương trình Kỹ thuật Địa chất tại Đại học Khoa học & Công nghệ Missouri, người am hiểu các công trình quân sự ở khu vực Thái Bình Dương.
Rogers cho rằng dải đất này có thể nhằm giữ đất ở bên hướng ra biển của đường băng chính và làm giảm xói mòn do bão gây ra, cũng như có khả năng cung cấp nông sản.
Trung Quốc cũng đang xây dựng trên các đá khác của Trường Sa là Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, và Gạc Ma. Các cơ sở ở đây được trang bị các tháp cảm ứng tối tân, bệ theo dõi và phóng vũ khí, radar theo dõi và chỉ dẫn hướng bắn, cùng một loạt cảm biến điện tử và hệ thống liên lạc qua vệ tinh. Ảnh chụp ngày 23/8 cho thấy đá Châu Viên có một hệ thống anten mới, chưa hoàn thành. Ông Rogers liên tưởng nó đến mạng lưới radar vượt đường chân trời Jindalee của Australia, có tầm hoạt động lên đến 3.000 km.
Hệ thống trên đá Châu Viên dường như là một ma trận các cột anten cao tới 19 m. Trung Quốc có thể sử dụng radar vượt đường chân trời để hỗ trợ việc phóng tên lửa DF-21D, được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay".
Các cơ sở mới tại 4 đá này đều có một công trình cao khoảng 8 - 10 tầng, dường như để làm chỗ đóng quân hoặc là trung tâm chỉ huy, điều khiển và liên lạc. Các bục đa giác nhô lên có thể là bệ phóng vũ khí. 4 bục đa giác nhô lên của công trình trên đá Tư Nghĩa có đặc điểm giống với hệ thống phòng không tầm gần (CIWS) do radar kiểm soát, tuy nhiên không thể xác nhận điều này với độ phân giải hình ảnh hiện tại.
Kích thước, hình dạng và mục đích dự đoán của những tòa nhà này làm liên tưởng đến một cấu trúc từ thời Thế chiến II là tháp pháo phòng không. Một số tháp ở Vienna, Berlin và Hamburg vẫn đứng vững vì rất khó phá hủy chúng. Lầu Năm Góc, cũng bắt đầu được xây dựng từ thời Thế chiến II, trên vùng đất ngập nước và lấp bằng hàng triệu mét khối đất cùng 700.000 tấn cát nạo vét từ sông Potomac, khá giống hoạt động nạo vét và bồi đắp quy mô lớn Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa.
Phương Vũ
Ảnh: Victor Robert Lee, Digital Globe and Airbus Defense & Space
Theo VNE
Trung Quốc xây đường băng ở Trường Sa 'để phát hiện tàu ngầm Mỹ' Trung Quốc xây đường băng trái phép ở Đá Vành Khăn nhằm củng cố khả năng phát hiện tàu ngầm do thám của Mỹ và phương Tây ở Biển Đông, theo nhận định của một số chuyên gia. Trung Quốc đang xây trái phép đường băng ở Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo ảnh vệ tinh chụp...