New Zealand hoãn bầu cử do Covid-19
Thủ tướng New Zealand Ardern tuyên bố lùi cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra thêm 4 tuần, tới ngày 17/10, sau khi tái xuất hiện các ca nhiễm nCoV.
“Quyết định này sẽ cho tất cả các bên có thời gian vận động tranh cử trong 9 tuần tới và cũng giúp Uỷ ban Bầu cử đủ thời gian để đảm bảo có thể tiến hành cuộc bầu cử”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố hôm 17/8, thêm rằng bà đã dành ngày cuối tuần để tham khảo ý kiến các lãnh đạo và Uỷ ban Bầu cử trước khi đưa ra quyết định.
New Zeland, ban đầu ấn định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 19/9, đang phải đối mặt với các ca nhiễm nCoV quay trở lại khi phát hiện 4 người trong một gia đình ở Auckland nhiễm virus hôm 11/8.
Điều này đã chấm dứt 102 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng của New Zealand cũng như buộc Auckland, thành phố lớn nhất đất nước, phải phong tỏa. Thủ tướng Ardern thừa nhận cộng đồng đang lo lắng về sự quay trở lại của các ca nhiễm mới.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại thành phố Christchurch hôm 13/3. Ảnh: Reuters.
Ngoài Auckland bị phong tỏa, phần còn lại của New Zealand sẽ duy trì trạng thái hạn chế cấp độ hai, bao gồm quy định không tụ tập quá 100 người. Các quy tắc trên giúp bổ sung cho loạt biện pháp hạn chế có hiệu lực từ đầu tuần trước.
Video đang HOT
Giới chức New Zealand đang nỗ lực điều tra nguồn gốc của cụm dịch lần này. Một trong những giả thuyết hàng đầu được đặt ra là nCoV xâm nhập qua hàng nhập khẩu, vì một thành viên gia đình làm việc tại kho đông lạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng nCoV lây lan qua thực phẩm đông lạnh là rất thấp.
Thủ tướng Ardern đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, với tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục khoảng 60%, do sự lãnh đạo của bà trong đại dịch Covid-19, cuộc tấn công tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch năm ngoái và vụ phun trào núi lửa White Island.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 21,8 triệu người nhiễm và hơn 770.000 người chết. New Zealand hiện ghi nhận hơn 1.600 ca nhiễm và hơn 22 ca tử vong.
22 năm được trả tiền để làm phù thủy
Ông Ian Brackenbury Channell, người Anh, được trả 10.000 USD/năm để trở thành phù thủy của thành phố Christchurch từ năm 1998.
Ian Brackenbury Channell, người được gọi bằng cái tên đơn giản là "Phù thủy", đã trở thành gương mặt quen thuộc ở thành phố Christchurch suốt hàng chục năm qua sau khi ông đến đây định cư vào những năm 1970.
Phần lớn thời gian ông đứng ở quảng trường chính của thành phố, trước nhà thờ, vận chiếc áo choàng dài màu đen, đội mũ chóp nhọn, với bộ râu xồm xoàm và một cây quyền trượng. Tuy nhiên, ông khẳng định ngoại hình tương đồng với nhân vật Gandalf trong bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn", vốn được quay ở New Zealand, chỉ là trùng hợp và mình có vai trò nhiều hơn là mua vui cho du khách.
Ông Ian Brackenbury Channell, phù thủy của thành phố Christchurch, hôm 2/6. Ảnh: CNN
Từ năm 1998, ông là phù thủy chính thức của Christchurch, được Hội đồng thành phố trả lương 16.000 đôla New Zealand/năm để "cung cấp các hoạt động phù thủy và các dịch vụ khác tương tự phù thủy như một phần công việc quảng bá cho thành phố Christchurch", theo một phát ngôn viên của hội đồng.
Qua nhiều năm, ông trở thành một người gắn bó với hình ảnh của Christchurch, thậm chí có trang riêng và được xếp hạng đánh giá trên TripAdvisor. Ông thường xuất hiện tại các sự kiện dân sự trong thành phố.
"Mỗi ngày, thế giới càng phức tạp hơn, vì thế niềm vui là thứ có sức mạnh lớn nhất bây giờ", ông nói.
Hầu hết thời gian ở quảng trường được ông dành để nói về triết học và lôi cuốn công chúng vào các ý tưởng của mình về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến những gì được cho là bất bình đẳng trong cuộc điều tra dân số của New Zealand.
Ông Channell cùng người dân chờ đón vợ chồng Hoàng tử William đến thăm Christchurch hồi tháng 4/2014. Ảnh: AFP
Hành trình đến với nghề phù thủy của ông bắt đầu khi làm việc tại một trường đại học ở Australia vào những năm 1970. Ông đã thử mang những điều thú vị và phi lý vào lớp học của mình và nhận được hầu hết sự ủng hộ từ các lãnh đạo trường đến người vợ khi đó. Bà đã chia tay khi ông ngày càng dành nhiều thời gian để làm phù thủy.
Tuy nhiên, khi vượt biển tới New Zealand, ông mới tìm thấy một bầu không khí chào đón hơn. Trước khi được đưa vào biên chế của hội đồng thành phố Christchurch, ông đã được Hiệp hội Giám đốc Phòng trưng bày Nghệ thuật New Zealand công nhận là tác phẩm nghệ thuật sống vào những năm 1980.
Phòng trưng bày nghệ thuật của thành phố Auckland thậm chí chính thức đưa ông vào vào bộ sưu tập của họ, với lý do phương tiện nghệ thuật của ông chính là "sự hiện diện cụ thể của người nghệ sĩ" và giá trị của nó là "vô giá". Năm 2009, để đánh dấu vị trí của mình trong đời sống xã hội Christchurch, ông đã được trao tặng Huân chương Phục vụ của Nữ hoàng Anh.
Dù không đổi tên một cách hợp pháp, Channell vừa có hộ chiếu Anh vừa có bằng lái xe New Zealand đều dưới tên "Phù thủy". Trang web của ông cho thấy hình ảnh một bức thư mà ông nhận được từ Thủ tướng New Zealand năm 1990, đề nghị ông trở thành "phù thủy của New Zealand, Nam Cực và các khu vực ngoài khơi liên quan", thêm rằng "chắc chắn trong khu vực này có tiềm ẩn bùa chú, những lời cầu nguyện, lời nguyền và các vấn đề siêu nhiên khác vượt quá thẩm quyền của các Thủ tướng".
Ông Channell và môn đệ Ari Freeman. Ảnh: CNN
Channell, hiện 87 tuổi, đang bắt đầu rời khỏi nhiệm vụ của mình và 6 năm qua đã nhận Ari Freeman, một nghệ sĩ 39 tuổi, để truyền nghề, người hy vọng một ngày nào đó sẽ kế thừa vị trí của ông Channell.
Tuy nhiên, Freeman, trưởng một nhóm nhạc funk, không chắc hội đồng thành phố có tuyển anh vào làm việc khi ông Channell cởi mũ và gác lại quyền trượng hay không.
"Tôi muốn hiện tượng phù thủy tiếp diễn và tôi sẽ hoàn thành tốt vai trò đó", anh nói. "Phải có một ai đó làm điều gì đó bất thường để tạo ra sự thay đổi trong hệ tư tưởng của thời đại. Và những người đó là các thầy phù thủy".
Thủ tướng New Zealand bị kiện vì áp lệnh phong tỏa Hai người đàn ông kiện Thủ tướng Jacinda Ardern do cho rằng bà phong tỏa New Zealand ngăn Covid-19 "vì lợi ích chính trị". Các nguyên đơn không được nêu tên hôm nay đệ đơn lên Tòa án tối cao ở Auckland, New Zealand, cáo buộc Thủ tướng Ardern áp mức cảnh báo cấp 4 trên cả nước khiến họ "bị nhốt trong...