New York tổ chức đại nhạc hội mừng tái sinh
Thị trưởng New York Blasio thông báo kế hoạch tổ chức đại nhạc hội vào tháng 8 để kỷ niệm thành phố tái sinh hậu Covid-19.
“Bạn có thể thấy mọi thứ đang hồi sinh. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khuấy động, muốn làm cho nó rầm rộ hơn”, Thị trưởng New York De Blasio nói trong cuộc họp báo hôm 7/6, thông báo về kế hoạch tổ chức đại nhạc hội vào tháng 8.
Hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho sự kiện này, song nhà sản xuất âm nhạc kỳ cựu Clive Davis đã được mời tham gia lên kịch bản. Đây chỉ là một chương trình trong “Tuần lễ về nhà”, bao gồm chuỗi sự kiện chào mừng New York tái sinh sau những ngày tháng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Thị trưởng Blasio tiết lộ đại nhạc hội sẽ là sự kiện đỉnh cao cho một tuần “tuyệt vời, đáng nhớ, chỉ có một lần trong đời để đánh dấu sự hồi sinh của New York”. Ông cho biết đại nhạc hội được lên kế hoạch vào ngày 21/8, song chưa chắc chắn.
Người dân đi lại trên đường phố New York, Mỹ, hôm 7/6. Ảnh: AFP.
Nhà sản xuất Davis hy vọng sẽ mời được 8 ngôi sao âm nhạc “mang tính biểu tượng” tham dự sự kiện kéo dài ba tiếng và được phát sóng trên toàn thế giới. Davis tiết lộ thêm sự kiện có thể thu hút tới 60.000 người, trong đó nhiều vé mời được phát miễn phí và cũng có chỗ dành cho người quan trọng.
Tuyên bố của Thị trưởng Blasio được đưa ra khi thành phố đông dân nhất của Mỹ đang rục rịch tìm cách tái khởi động ngành du lịch. Toàn bang New York cũng đang dỡ bỏ nhiều hạn chế ngăn chặn Covid-19 và sẽ tiếp tục nới lỏng thêm khi đạt được mục tiêm tiêm chủng 70%.
Video đang HOT
Hơn 63% dân số trưởng thành tại New York đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trước khi đạt được 7% còn lại, người chưa tiêm vaccine Covid-19 ở New York phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 1,8 mét với người khác trên tàu điện và xe buýt cũng như các nơi công cộng khác.
New York trên con đường trở lại
Hôm ấy, sáng 19/5, chúng tôi hăm hở lao lên khu trung tâm New York, lòng thầm nghĩ hẳn là đường phố sẽ nhộn nhịp với những gương mặt sáng bừng vì không phải đeo khẩu trang, hẳn là tôi sẽ thấy hình ảnh một New York vui tươi với nhiều màu sắc văn hóa đặc sắc như hồi mùa Hè 2019 khi đại dịch chưa xảy ra...
19/5/2021 là ngày New York chính thức mở cửa lại hoàn toàn sau hơn một năm lao đao vì đại dịch, trải qua những thời điểm phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế khi có tới gần 20.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong vòng 3 tháng.
Người dân tập trung trong công viên Bryant tại New York, Mỹ, ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Là phóng viên thường trú TTXVN tại New York, chắc chắn chúng tôi không thể bỏ lỡ dịp đưa tin về cái ngày trọng đại mà người đứng đầu New York, Thống đốc Andrew Cuomo, đã tuyên bố là "thời điểm lịch sử" của bang. Theo quyết định của Thống đốc Andrew Cuomo, từ 19/5/2021, người dân New York được phép không phải đeo khẩu trang khi ra đường và không cần áp dụng giãn cách xã hội.
Hiển nhiên đó phải là ngày rất đặc biệt của gần 20 triệu dân New York, trong đó có gần 8 triệu người ở thành phố New York, nơi từng được biết đến là tâm dịch của thế giới. Trong nhiều cuộc phỏng vấn của chúng tôi với người dân nơi đây khi đại dịch diễn ra suốt hơn một năm qua, ai cũng bày tỏ mong chờ được quay trở lại cuộc sống bình thường, được ném chiếc khẩu trang bất đắc dĩ và ngẩng cao đầu ra phố với nụ cười rạng rỡ... Thậm chí nhiều cô gái mong mỏi đến ngày được trang điểm lộng lẫy ra phố cho "thiên hạ ngắm nhìn nhan sắc".
Thế nhưng, quang cảnh đường phố vào đúng ngày tất cả mong chờ bấy lâu lại chẳng giống những gì tôi mường tượng. Hầu hết người dân vẫn đeo khẩu trang, hiếm hoi lắm mới thấy có người thỉnh thoảng kéo khẩu trang xuống hít thở nhanh một vài giây rồi lại vội vàng kéo lên che mặt, như thể chậm một chút thì một biến thể mới nào đó của virus SARS-CoV-2 sẽ có cơ hội xâm nhập ngay. Lác đác mới có vài người qua lại "dám tận hưởng" quyền không phải đeo khẩu trang mà giới chức New York vừa công bố. Có vẻ như người dân đã quá quen với chiếc khẩu trang bảo vệ họ đi qua đại dịch khủng khiếp hơn một năm qua.
Cũng kể từ ngày 19/5, giới chức bang cho phép các công sở, trung tâm mua sắm, bảo tàng, nhà hát, phòng tập và các loại dịch vụ đều không phải hạn chế số lượng khách. Các gia đình có quyền tụ họp lên tới 50 người, còn các sự kiện tiệc trong nhà có thể đón tới 500 khách nếu tất cả những người tham dự đều đã tiêm chủng. Quy định là vậy nhưng người dân New York chưa chuẩn bị đủ tâm lý để có thể sống bình thường trở lại. Khi đi trên phố và thử không đeo khẩu trang, tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt ái ngại liếc nhìn mình... Có lẽ những mất mát quá lớn suốt hơn một năm qua giờ đây khiến New York cần thêm thời gian để thích nghi lại với những thói quen bình thường trước đại dịch.
Sau hơn một tuần New York được mở cửa lại hoàn toàn, ngày 26/5, Thống đốc Andrew Cuomo công bố thêm một quyết định táo bạo: cho phép tất cả các tụ điểm đông người có quyền sử dụng hết 100% công suất sức chứa nếu khách là những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Người đứng đầu bang đưa ra quyết định tự tin như vậy bởi sau khi bỏ quy định phải đeo khẩu trang khi ra đường và không áp dụng giãn cách xã hội trong hơn một tuần vừa qua, số ca mắc mới COVID-19 tại New York vẫn tiếp tục giảm, còn số người đã được tiêm chủng đầy đủ đang tăng lên từng ngày nhờ nhiều chính sách của bang hỗ trợ, khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Hiện tại, ai đồng ý đi tiêm chủng sẽ được chính quyền trả tiền đi bằng Uber nếu cần, thậm chí ai đi tiêm chủng trong khoảng thời gian từ 24-28/5 thì được thưởng vé xổ số có cơ hội trúng thưởng từ 20 USD lên tới 5 triệu USD.
Tính tới hết ngày 26/5, bang New York đã tiêm chủng xong cho 8.888.842 người từ 18 tuổi trở lên. Hiện tỷ lệ dương tính mỗi ngày với SARS-CoV-2 của thành phố New York chỉ dao động ở mức 1,47% số ca xét nghiệm.
Vào những ngày này, nếu muốn cảm nhận một chút không khí thực sự của New York trước đại dịch, bất kỳ ai tới đây nên trải nghiệm đi lại bằng phương tiện công cộng phổ biến nhất của thành phố: tàu điện ngầm. Các tuyến tàu điện ngầm cũ kỹ nhưng hết sức hiệu quả và chất lượng của New York đã chính thức trở lại hoạt động 24/24 giờ như trước đây sau hơn một năm tê liệt vì đại dịch.
Từ bến Grand Avenue Newtown gần nhà, tôi hăm hở lên tàu R thẳng tiến lên trung tâm. Bước vào khoang tàu, một cảm giác quen thuộc ùa tới khi lại bắt gặp những hàng người chen vai thích cánh ngồi, đứng sát cạnh nhau vì đông, nhưng vẫn đảm bảo lịch sự. Điểm khác biệt duy nhất là tất cả mọi người vẫn đeo khẩu trang. Trong lòng bỗng thấy ấm áp là lạ khi nhìn thấy những ánh mắt đủ màu sắc không còn trĩu nặng vì lo lắng như thời điểm cách đây hơn một năm.
Với hầu hết người dân New York, hệ thống tàu điện ngầm giống như một biểu tượng bất hủ tượng trưng cho nhịp sống sôi động, không ngủ của thành phố. Chính vì vậy, khi hệ thống tàu được hoạt động trở lại 24/24 giờ thì điều đó cũng có nghĩa là thành phố lung linh bậc nhất thế giới đang hồi sinh trở lại. Đây đó ở những ga tàu, tôi đã bắt đầu thấy những đôi bạn trẻ nắm tay nhau thật gần, đu đưa theo tiếng nhạc đang vẳng ra từ một nhóm biểu diễn ngẫu hứng gần đó...Cảnh tượng tưởng như hết sức bình thường đó đã không thể có được trong suốt năm đại dịch vừa qua.
Quảng trường Thời đại, biểu tượng của New York đã lung linh ánh sáng và đông đúc trở lại, dù các sân khấu nhạc kịch Broadway trứ danh của thành phố vẫn chưa được sáng đèn trong suốt mùa Hè này.
Và nữa, bạn có thể cảm nhận cuộc sống tươi đẹp đang thực sự trở lại tại đây nếu tới các công viên và bãi biển nằm rải rác ở khắp thành phố và bang New York. Dọc theo các thảm hoa nhiều màu khoe sắc đón hè là những đoàn người dài say sưa ngắm cảnh và mạnh dạn cất vào túi những chiếc khẩu trang để xuất hiện trong tấm hình selfie với nụ cười tươi rói chào thế giới.
Thành phố New York có lẽ cũng là một trong những nơi trên thế giới có nhiều công viên xanh nhất thế giới: 2.300 công viên lớn nhỏ tại đây đã trở thành những không gian đặc biệt quan trọng cho người dân hít thở và duy trì sức khỏe trong những tháng đại dịch bùng phát tồi tệ nhất. Giới chức New York cũng chủ động mở rộng diện tích công viên công cộng trong những năm gần đây để người dân có thêm không gian cho các hoạt động ngoài trời.
New York quả không hổ danh là một trong những điểm đến yêu thích của dân du lịch trên khắp thế giới, bởi trong lúc người dân phải cách ly vì đại dịch suốt năm 2020 thì thành phố đã kịp xây xong thêm một công viên nổi tọa lạc ngay tại quận Manhattan, trung tâm New York.
Mang tên Little Island (Đảo nhỏ), dự án trị giá 260 triệu USD này đã nhanh chóng trở thành một điểm nhấn ấn tượng cho thành phố và đã kịp mở cửa đón du khách đúng vào ngày New York được mở lại hoàn toàn. Dường như bất chấp đại dịch, New York vẫn luôn dành cho những ai muốn tới đây những niềm vui bất ngờ nhất, chưa kể những bãi biển đầu hè nước còn khá lạnh nhưng đã sẵn sàng chào đón hàng nghìn người tới tận hưởng bầu trời trong xanh và cái nắng chói chang.
Người dân tập trung tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 14/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các dịch vụ trong nhà vẫn chưa thể thu hút trở lại lượng khách như trước đại dịch, có lẽ một phần vì giới khoa học cho rằng vaccine cũng không thể đảm bảo an toàn 100% cho những người đã tiêm chủng, khuyến nghị người dân nên thường xuyên ở những không gian ngoài trời hơn là trong nhà đông người. Hơn nữa, New York cũng mới tiêm chủng xong chưa tới 50% số người trưởng thành.
Các phòng tập thể thao vẫn vắng vẻ dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) tuyên bố những người đã tiêm chủng có thể tập tại trung tâm mà không phải đeo khẩu trang. Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Linda Sharp, huấn luyện viên tại New York Sports Club cho biết mặc dù các lớp tập đã mở cửa nhưng chưa có nhiều hội viên muốn trở tập luyện bởi lo ngại nguy cơ mắc COVID-19 vẫn còn.
Để tìm hiểu xem các dịch vụ chăm sóc tóc và làm đẹp, nơi các chị em vẫn lui tới thường xuyên, đã thực sự "bình thường hóa" hay chưa, tôi rẽ vào tiệm tóc Nina trên đường Broadway thử trải nghiệm cắt gội. Trong căn phòng khá rộng rãi, các nhân viên tại đây vẫn đeo khẩu trang dù họ là những người được giới chức bang New York cho tiêm chủng ngay từ đợt đầu năm do đặc thù công việc cần tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Chị chủ tiệm nhanh nhảu nhắc tôi cứ đeo khẩu trang dù tôi nói đã tiêm vaccine rồi, đồng thời chỉ tay vào tấm biển treo trên tường nêu rõ yêu cầu đó đối với khách hàng.
Quả thật, một năm đại dịch khủng khiếp vừa qua đã để lại quá nhiều di chứng, không chỉ là thiệt hại về tính mạng con người, tiền bạc vật chất, nền kinh tế tê liệt mà còn là tâm lý nơm nớp lo sợ đại dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào của tất cả người dân...
Nhưng tôi tin, New York đang thực sự trở lại, mạnh mẽ hơn, ấn tượng hơn. Và có lẽ, một New York mới sẽ không chỉ được nhắc tới với những biểu tượng đã gắn liền với tên tuổi của thành phố như Tượng Nữ thần Tự do, Quảng trường Thời đại hay sân khấu Broadway. Những nhà hàng xinh xắn với không gian mở dọc theo các tuyến phố lớn mọc lên như nấm trong suốt thời gian đại dịch và cả những tuyến đường rộng đã được giới chức thành phố biến thành những không gian đi bộ có lẽ từ nay cũng sẽ trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của New York.
Việt Nam kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ tại Mali Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 26/5 đã họp trực tuyến thảo luận về biến động chính trị vừa qua tại Mali, trong đó có việc quân đội Mali bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Chính phủ chuyển tiếp. Ông Sadio Camara tới trụ sở Bộ Quốc phòng...