Nếu siêu sao cũng dàn xếp tỉ số?
Bóng đá đang dần lộ diện là một trò chơi bị giả dối hóa có hệ thống và không còn chuẩn mực nào định hình lại nổi giá trị của nó. Nhưng trò chơi ấy không thể kém hấp dẫn hơn ngay cả khi nó bị giả dối hóa.
Giả dối ở khắp nơi
Trên 380 trận đấu từ 2008-2011 ở châu Âu, trung tâm của bóng đá thế giới, bị phanh phui là có dàn xếp tỉ số. 425 trọng tài, cầu thủ, các quan chức và tội phạm của 15 quốc gia dính dáng đến quá trình tác động kết quả. Giám đốc của Europol (cảnh sát liên châu Âu) còn khẳng định đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong số các trận đấu bị cáo buộc dàn xếp, có cả một trận ở Champions League, đấu trường được coi là đảm bảo chất lượng nhất hiện nay vì số tiền thưởng khổng lồ nó mang lại cho các đội. Tờ Daily Mail thậm chí còn “vạch mặt” rằng đó là trận đấu diễn ra ngay trên Anh, tại một trong những thánh đường của bóng đá thế giới: Anfield, trận Liverpool đánh bại Debrecen năm 2009. Ngoài ra, một trận ở EURO, một ở vòng loại World Cup, cũng được cho là đã bị dàn xếp.
Trận đấu của Liverpool và Debrecen năm 2009
Dàn xếp tỉ số với quy mô lớn như thế đòi hỏi tính hệ thống và tổ chức rất cao, và đó không phải là lần đầu tiên, thế giới phát hiện ra những hệ thống giả dối hóa bóng đá tinh vi như thế.
2 năm trước là một vụ dàn xếp tỉ số ở quy mô lớn ở Đức. Cuối năm 2011, gần trăm người, bao gồm cả cánh nhà báo, quan chức, trọng tài và cầu thủ, bị bắt giữ vì một vụ dàn xếp quy mô khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Calciopoli 2005 tại Ý là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự cấu kết tinh vi giữa các quan chức của LĐBĐ Ý và các quan chức CLB, giới trọng tài, lẫn các cầu thủ trong việc diễn một màn kịch bóng đá trước công chúng, dù cuối cùng thì nó được cho rằng chỉ là sản phẩm của một người cầm đầu, là Giám đốc điều hành Luciano Moggi của Juventus.
Nhưng trong đó, chúng ta không thấy một thần tượng thể thao nào sụp đổ. Trách nhiệm không được quy về cá nhân họ. Những sự dối trá về mặt nhân cách thì được khai thác chủ yếu bởi các trang lá cải sẵn sàng bới móc đời tư người nổi tiếng, như chuyện lừa dối vợ của John Terry, hay Tiger Woods.
Từ sự sụp đổ lớn nhất của thể thao thế giới
Thể thao thế giới chứng kiến sự sụp đổ của nhiều tượng đài trong năm 2012, nhưng đau xót nhất là trường hợp của Lance Armstrong. Huyền thoại từng 7 lần vô địch Tour de France đã thừa nhận rằng anh sử dụng doping để chiến thắng. Cũng theo một phương thức tinh vi và có hệ thống đến mức đủ để vượt qua xấp xỉ 500 lần xét nghiệm doping!
Nhưng câu trả lời của anh trong buổi phỏng vấn với Oprah Winfrey gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Hỏi: “Theo quan điểm của anh, không dùng doping thì có thể vô địch Tour de France 7 lần liên tiếp không?” Trả lời: KHÔNG.
Lance là một nhà thể thao gian lận, đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng rõ ràng là con người có những giới hạn không thể vượt qua và không hẳn câu trả lời của anh là một sự bào chữa vô lý trắng trợn.
Scandal Lance Armstrong làm rung chuyển thế giới
Tượng đài do Lance dựng lên cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn cầu, và thể thao lúc này không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà còn là nơi tạo cảm hứng và tạo ra giấc mơ cho nhiều người. Dù khi hình tượng ấy sụp đổ, thì chúng ta hiểu rằng giấc mơ ấy luôn là một sản phẩm ngụy tạo.
Nhưng nó vẫn là một sự tiếp nối của vòng tuần hoàn: Giả dối tạo ra giấc mơ, nhưng bảo vệ sự thật vẫn sẽ là nhu cầu để trả thể thao về với giá trị nguyên bản của nó. Người Mỹ đã sẵn sàng vạch mặt kẻ gian dối lớn nhất trong lịch sử thể thao, dù đó là người đã tạo cho nước Mỹ một tượng đài thể thao, và cả tượng đài về nghị lực sống. Như Lance Amrstrong.
Châu Âu hãy học người Mỹ
Calciopoli 2005 đã làm sụp đổ tượng đài Juventus, đội bóng đã thống trị Serie A và làm mưa làm gió tại châu Âu thời điểm ấy. Nhưng từ sự thật phanh phui ấy, chỉ hơn nửa thập kỷ sau, chúng ta có một đội Juventus khỏe mạnh và thậm chí là hấp dẫn nhất trong 10 năm qua. Họ cũng là đội đầu tiên sở hữu tư một sân đấu ở Ý, và có nền tảng tài chính vững mạnh từ nhiều năm qua.
Vụ dàn xếp tỉ số ở Đức bị phanh phui cũng không thể cản người Đức đẩy mạnh cuộc cách mạng bóng đá và xây dựng một hệ thống phát triển bóng đá tốt bậc nhất ở châu Âu hiện nay. Thậm chí, nó còn là bài học để họ phát triển một cách căn cơ và khoa học hơn nữa.
Tôn trọng sự thật trở thành cách thức cơ bản để thể thao thật sự phát triển, dù thành tích và các khoản lợi kiếm được từ sự gian dối bao giờ cũng dễ dàng.
Lance Armstrong đã gian dối để thỏa mãn “nhu cầu” tạo dựng một thần tượng và cho dù những đóng góp của anh cho thế giới nhờ việc tạo dựng thần tượng đó là có thật, nhưng Ủy ban chống doping của Mỹ đã tôn trọng sự thật hơn tất thảy, và sẵn sàng hạ bệ người hùng ấy để phơi bày sự thật.
Nếu vụ dàn xếp tỉ số quy mô lớn lần này thực sự được phanh phui, chúng ta sẽ phải chuẩn bị tâm lý để đối diện với nhiều sự sụp đổ hình tượng khác, thậm chí là vĩ đại cỡ Lance Armstrong cũng không phải là ngoại lệ.
Bóng đá đã trở thành một ngành công nghiệp và đôi khi bắt buộc phải trở thành một màn kịch để “hút khách hơn”. Nhưng vạch ra sự gian trá không phải là điều cản trở sự vĩ đại, dù gian trá ấy đã từng làm nên sự vĩ đại (giả hiệu). Diego Maradona đã từng bị phát hiện dùng doping vào năm 1994, nhưng không ai hạ bệ nổi ông trong trái tim những người yêu bóng đá. Thể thao Mỹ vạch mặt kẻ nói dối vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao, nhưng không có nghĩa là nó đã bị bôi nhọ, mà thậm chí là ngược lại.
Và chúng ta cùng nín thở chờ đợi. Nếu vụ này dừng lại ở những đồn đoán và nghi ngờ, thì sự gian trá lại chiến thắng. Công chúng vẫn xem bóng đá và hưởng thụ những cảm xúc của nó, nhưng cảm giác bị lừa dối luôn lẩn khuất sẽ “giết chết” những cảm xúc ấy từng ngày.
Trái lại, dám hạ bệ những thần tượng tầm cỡ huyền thoại như Lance Amstrong (có thể tương đương Messi trong bóng đá), chứng tỏ bóng đá vẫn còn sống, chứ không phải tồn tại trong gian dối và nghi ngờ.
Theo TTVH
Vụ doping của Lance Armstrong sẽ lên phim
Vụ bê bối doping của cua rơ lừng danh một thời Lance Armstrong nhiều khả năng được tung lên màn ảnh dưới bàn tay chỉ đạo của đạo diễn nổi tiếng Jeffrey Jacob Abrams (còn được biết đến với tên gọi J.J.Abrams).
Cuộc đời thăng trầm của Armstrong sẽ lên phim - Ảnh: AFP
Theo trang Deadline.com, hai hãng phim Paramount Pictures và Bad Robot sẽ cùng hợp tác với đạo diễn J.J.Abrams và nhà sản xuất Bryan Burk để thực hiện một tác phẩm điện ảnh có nội dung xoay quanh những ngày tháng thăng hoa và sau đó là sụp đổ của Armstrong.
Hồi tuần trước, trong cuộc trả lời phỏng vấn với "nữ hoàng talkshow" Oprah Winfrey, cua rơ người Mỹ thừa nhận đã sử dụng doping để giành 7 chức vô địch Tour de France suốt những năm 1999 và 2005.
Ngoài ra, trang Natmonitor.com cho biết, bộ phim nói về Armstrong có thể sẽ dựa trên một phần nội dung từ quyển sách Cycle of Lies: The Fall of Lance Armstrong (tạm dịch: Vòng tròn của những dối trá: Sự sụp đổ của Lance Armstrong) do tác giả Juliet Macur viết. Cuốn sách này được ví như một phác họa rõ ràng và chân thật nhất về diễn biến vụ doping liên quan đến Armstrong.
Đây không phải lần đầu tiên cuộc đời và những bí ẩn xoay quanh câu chuyện doping của Armstrong được người ta cố gắng đưa lên màn ảnh.
Một dự án phim trước đây từng được lên kế hoạch thực hiện với sự tham gia diễn xuất của Jake Gylenhall trong vai Armstrong. Dù vậy, đạo diễn J.J.Abrams vẫn chưa tiết lộ ai sẽ được thủ vai chính trong bộ phim sắp tới.
Theo TTVN
Armstrong bắt đầu cuộc sống ở "địa ngục" Cua rơ Lance Armstrong sẽ bắt đầu đối mặt với hàng loạt vụ kiện sau khi thú tội sử dụng doping trong cuộc phỏng vấn với "nữ hoàng talkshow" Oprah Winfrey, trong đó Chính phủ Mỹ đang xem xét việc trừng trị cua rơ từng một thời là niềm tự hào của thể thao quốc gia, theo tờ New York Times hôm 20.1....