Nếu rơi vào tình cảnh học sinh hỗn láo với giáo viên như cô Tuất thì nên làm gì?
Chuyện học sinh hỗn láo trong giờ học với cô Nguyễn Thị Tuất, giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B ( huyện Quốc Oai, Hà Nội) đang là vấn đề nóng mấy ngày qua.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến cô Tuất bất lực trong việc ổn định lớp học:
“Với 6 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện cùng bề dày nhiều năm kinh nghiệm dạy học, có thể thấy rằng, trước đó, cô Tuất được đánh giá tốt về mặt chuyên môn. Thế nhưng, hiện tại lại xảy ra như vậy có lẽ vì:
Thứ nhất, chính bản thân cô Tuất cảm thấy bất lực trước những học sinh trong lớp của mình. Sự bất lực thể hiện ở chỗ cô Tuất không ổn định lớp được, không thực hiện đúng vai trò của một người giáo viên là tổ chức lớp học đi vào nền nếp để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao. Bất lực vì không phải là 1, 2 cá nhân học sinh mà đó là cả một tập thể lớp đang “chống lại” cô.
Hình ảnh học sinh tụm năm tụm ba làm việc riêng trong giờ học của cô Tuất. Ảnh cắt từ clip.
Khi đã bất lực rồi thì họ muốn buông xuôi. Mặc dù trước đó như cô Tuất nói với báo chí là đã nhiều lần phản ánh với Phòng Giáo dục huyện, nhà trường cũng biết vấn đề nền nếp lớp cô Tuất dạy nhưng chưa có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Thứ hai, cô Tuất đang cảm thấy có những tiêu cực phía sau khi chứng kiến sự bất hợp tác của học trò. Cảm nhận của cô Tuất có thể đúng hoặc sai.
Nếu có sự tiêu cực phía sau thì một mình cô Tuất chống lại tiêu cực đó không dễ dàng. Hoặc sự thực không hề có sự tiêu cực thì nhà trường cần tìm cách để cô Tuất thấy cảm nhận của cô ấy là sai.
Thứ ba, cô Tuất đã giảm bớt nhiệt huyết với nghề. Trong thời đại hiện nay, nhiều giáo viên cảm nhận rằng, quyền của họ ít dần đi, trách nhiệm ngày một nhiều hơn. Trong trường hợp của cô Tuất, cô ấy còn cộng thêm hai lý do ở trên nữa. Khi một người giáo viên đã giảm sự nhiệt huyết trong giáo dục thì họ sẽ không còn đủ “lửa” để quyết tâm chấn chỉnh nền nếp lớp học nữa. Mặc dù, chắc chắn trong quá khứ cô Tuất không như vậy, vì nếu như vậy thì cô sẽ không bao giờ đạt được những thành tích như chúng ta đều biết”.
Để dạy dỗ một học sinh cá biệt đã khó, huống hồ, trong sự việc này, cô Tuất đối mặt với sự chống đối của cả lớp.
Một học sinh cá biệt thì xử lý được, cả một tập thể lớp hỗn láo thì xử lý như thế nào? Thạc sĩ Hiền cho biết:
“Bản thân tôi, khi tôi học cấp 3, lớp tôi cũng là một tập thể cá biệt. Lúc đó, chúng tôi còn cảm thấy rất vui khi chiến thắng giáo viên, chiến thắng những luật lệ ở trường. Giờ nghĩ lại thấy xấu hổ lắm.
Để xử lý một tập thể lớp như thế, tôi xin chia sẻ cách làm của chính thầy chủ nhiệm lớp cấp 3 của chúng tôi – thầy Dũng. Có thể cách đó chưa phù hợp với lớp cô Tuất vì lứa tuổi khác, hoàn cảnh khác. Nhưng với cách của thầy, đến bây giờ, khi chúng tôi đã ra trường gần 20 năm nay nhưng vẫn luôn nhìn về thầy với sự kính trọng.
Thứ nhất, thầy luôn cho chúng tôi thấy rằng mình đang làm tất cả mọi thứ vì quyền lợi của học sinh và vì muốn tốt cho học sinh.
Nếu người giáo viên thực sự đang làm tất cả vì học sinh, muốn tốt cho học sinh, đôi khi chỉ bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng những lời giáo huấn, nâng đỡ cho học trò của mình, kể cả đôi lúc quát nạt, nghiêm khắc thì học sinh vẫn cảm nhận được. Lúc đó, học trò sẽ luôn đứng về phía mình. Đương nhiên, hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó chắc chắn không có sự tiêu cực. Còn trong trường hợp cô Tuất chúng ta chưa biết sự thật như thế nào.
Thứ hai, trước một tập thể đang có vấn đề về nội quy như thế, giáo viên và học sinh trong lớp phải tự thỏa thuận về nội quy lớp học và nghiêm túc thực hiện. Nội quy đó bám sát vào thực tế đang diễn ra trong lớp.
Đương nhiên, những nội quy này khi được đưa ra, mình không áp dụng một cách cơ học, vừa làm theo sự thỏa thuận đó, vừa làm theo cái tình, dựa vào cái tâm để học sinh đó biết rằng, giáo viên làm như vậy là bởi vì con vi phạm, cô phạt con là muốn cho con thay đổi, muốn tốt cho con.Chừng đó thôi thì chưa đủ.
Thứ ba, để dẫn dắt cả một tập thể, chính người giáo viên phải liên tục đổi mới về phương pháp dạy học.
Học sinh mỗi năm mỗi khác, công nghệ luôn cập nhật, chương trình cũng có sự thay đổi. Có thể giáo viên đã có kinh nghiệm 30 năm, nhưng nếu giáo viên không đổi mới phương pháp, họ vẫn dùng phương pháp cũ áp dụng cho học sinh mới thì chưa chắc phương pháp đó đã mang lại hiệu quả như họ muốn.
Cho nên, bắt buộc người giáo viên phải luôn đổi mới về phương pháp dạy học để tạo ra chất lượng giờ dạy tốt nhất. Khi học sinh vào nền nếp, cảm nhận được cái tâm của giáo viên, giờ học của giáo viên đem lại cho các bạn niềm vui, sự hiểu bài, điểm cao thì các bạn sẽ đua nhau học, học với sự hăng say nhất.
Lúc đó, kiến thức của học sinh sẽ vững vàng, đạo đức của học sinh cũng sẽ tốt”.
Mục tiêu của hoạt động giáo dục là phát triển đồng bộ cả 3 mặt: kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Hoạt động giáo dục cần sự phối hợp đồng bộ của 4 bên: giáo viên, nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong sự việc này, khi học sinh có những hành động và lời nói không đúng mực với cô Tuất như vậy, nhà trường và phụ huynh cũng phải có trách nhiệm.
“Về phía nhà trường, trong bất kỳ tình huống nào, điều quan trọng là phải nâng đỡ giáo viên của mình.
Video đang HOT
Khi chúng ta là một tập thể, chúng ta đã cùng nhau trải qua lúc vui, lúc buồn, lúc thành công, lúc khó khăn trong nghề thì phải biết trân trọng những người cùng trong tập thể của mình. Làm sao để tập thể như ngôi nhà thứ hai của mỗi người.
Vì thế, khi một giáo viên nào đó gặp khó khăn thì cả trường phải tìm cách giúp đỡ.
Ví dụ, khi giáo viên gặp khó khăn về chuyên môn, thì tập thể cùng nhau tìm cách hỗ trợ để giáo viên có thêm kiến thức, kỹ năng, nâng đỡ giáo viên để họ có thêm động lực làm việc. Trong hoàn cảnh cô Tuất cũng vậy, nếu tập thể nhận thấy nền nếp học sinh kém, thì đó còn là trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm, sự chủ động của đồng nghiệp để làm cho lớp ổn định lại nền nếp, chứ không phải trách nhiệm riêng của cô Tuất.
Để tạo động lực làm việc cho giáo viên, vai trò của người cán bộ quản lý rất quan trọng. Chính vì vậy, trong những lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, chúng ta vẫn có chuyên đề tạo động lực làm việc cho giáo viên. Học xong chuyên đề đó, người giáo viên sẽ có thêm kĩ năng tự tạo động lực làm việc cho mình, người quản lý có thêm kĩ năng tạo động lực làm việc cho tập thể.
Về phía phụ huynh, con là con của mình, còn nhà trường là môi trường cho con học tập. Thế nên, vai trò của gia đình rất quan trọng, phụ huynh không thể giao con cho nhà trường và hời hợt trách nhiệm của mình trong quá trình giáo dục con. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục con em mình, kể cả về kiến thức, kỹ năng hay hành vi đạo đức.
Chúng ta thấy ở lớp cô Tuất, học sinh có những hành vi không đúng với giáo viên. Với cương vị là người làm cha, làm mẹ, khi thấy con mình có hành vi không đúng với giáo viên, dù giáo viên đó có không đúng thì bố mẹ cũng không thể hùa theo được, mà phải dạy dỗ con hành vi cư xử cho đúng chuẩn mực.
Vì cô ấy vẫn là cô giáo của con, đó là người lớn, đó là người bằng tuổi cha mẹ, cô bác của con cho nên cách con hành xử như thế là không được phép.
Trách nhiệm của phụ huynh là cần giáo dục con khi thấy con mình có những hành vi không đúng”, Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh.
Phụ huynh vẫn thường có câu đầy tin tưởng: “trăm sự nhờ thầy cô” khi gửi gắm con mình, thế nhưng, khi có vấn đề gì xảy ra ở trường thì nhiều người sẽ nói ngay: “con nít biết gì đâu, lỗi ở thầy cô cả”, thế nên, sẽ không ngoa khi ai đó ví von nghề giáo là nghề nguy hiểm.
Giáo viên đánh học sinh thì rõ ràng không thể chấp nhận được, giáo viên sẽ bị kỷ luật vì những hành động như vậy. Tuy nhiên, nếu học sinh đánh cô giáo thì xử lý như thế nào?
“Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông đang áp dụng quy định về khen thưởng, kỷ luật tại Thông tư 08/TT năm 1988.
Đối với hành vi đánh giáo viên, học sinh có thể bị áp dụng một trong 03 hình thức kỷ luật là: Cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 01 tuần lễ, đuổi học 01 năm.
Ngoài quy định về kỷ luật tại trường học, trường hợp cố ý đánh giáo viên gây thương tích, học sinh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, học sinh có hành vi cố ý gây thương tích đối với thầy giáo, cô giáo của mình (kể cả gây thương tích dưới 11%) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khỏe của người khác.
Về điều luật thì như vậy, nhưng trong quá trình làm giáo dục thì giáo viên ít khi nhắc đến luật, các thầy cô vẫn trên cái tâm để giáo dục học sinh chứ không áp dụng cơ học như trong luật. Rõ ràng có những giáo viên khi bị học sinh đánh thì vẫn luôn dùng những cách thức nhẹ nhất để cảm hóa học sinh của mình”, Thạc sĩ Hiền nhấn mạnh.
Ai đã vấy bẩn tâm hồn những đứa trẻ ở Tiểu học Sài Sơn B?
Ai cũng mong câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi.
Vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội tố mình bị nhà trường trù dập đang được cơ quan chức năng làm rõ hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ai cũng mong ngóng câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Để thật sự khách quan, chúng tôi đề nghị cần phải làm rõ: Chất lượng rèn luyện đạo đức cũng như chất lượng học tập 2 môn học này của học sinh trước và sau khi cô Tuất nhận lớp thực sự thế nào? Học sinh viết bậy trên bài kiểm tra và vở bài tập sao không bị xử lý mà dồn trách nhiệm vào mình giáo viên bộ môn?
"Học sinh rất ngoan và mặt bằng kiến thức của các con tốt"
Đó là khẳng định của một giáo viên đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Tuất tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội với Báo Vietnamnet trong bài viết "Vụ cô giáo tố bị 'trù dập' ở Quốc Oai: Nghi ngờ về clip học trò láo, hỗn" đăng ngày 30/3/2021 [1].
Ảnh chụp màn hình ý kiến của một người được cho là giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B chia sẻ với VietnamNet về vụ việc đang gây bão dư luận liên quan đến tố cáo của cô Nguyễn Thị Tuất.
Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên khác của Trường Tiểu học Sài Sơn B cho hay tâm lý của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi các thông tin về vụ việc liên quan đến trường được lan truyền trên mạng, khiến dư luận "dậy sóng".
"Việc này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các phụ huynh, học sinh của trường" , cô giáo này nói.
Theo cô giáo này, khi xem các hình ảnh trên các trang mạng, cô nghi ngại liệu có được cắt ghép hay không. Bởi khi xem kỹ thì thời gian ghi hình vào buổi trưa mà buổi trưa là thời gian các con ăn bán trú. Chưa kể thời gian vào ngày 20/5 - mốc thời gian rất xa thời điểm hiện tại.
Hay hình ảnh học sinh trùm chăn trong giờ học, đây là tấm chăn mà các con sử dụng trong giờ nghỉ trưa những ngày trời lạnh hoặc đắp thêm khi bật điều hòa, chứ không phải học sinh mang đi để làm việc gì đó nhằm mục đích xấu.
Cô giáo này cho hay, trong các giờ dạy của mình, các học sinh đều rất ngoan, lễ phép, lắng nghe và lớp học luôn trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.
"Tôi không hiểu sao cô Tuất luôn nghĩ xấu cho học sinh trong khi tâm hồn của các con rất non nớt, ngây thơ như một tờ giấy trắng như thế. Tại sao không lắng nghe, chia sẻ việc tại sao các con lại không muốn học cô, không muốn nghe cô giảng. Học sinh khối 4 và 5 đã có những bước phát triển tâm sinh lý nhất định, tôi nghĩ ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên khi lên lớp cần phải lắng nghe, chia sẻ với các em".
Theo cô, sự việc dù chưa rõ đúng sai nhưng ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường lẫn bản thân cô cũng như các đồng nghiệp. Do đó, cô giáo này mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ mọi việc.
Một thông tin khác về chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của học sinh Tiểu học Sài Sơn B
Tìm hiểu về Trường Tiểu học Sài Sơn B, chúng tôi vô tình đọc được bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" của tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí tuệ đăng trên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo ngày 16/12/2020 [2].
Bài viết dẫn lời cô N.T.T, giáo viên tại Trường tiểu học Sài Sơn B cho hay, thời gian qua, học lực của học sinh tại trường xuống mức rất thấp. Cá biệt, một số em còn vò nát bài, viết, vẽ bậy lên kiểm tra và vở bài tập.
Cụ thể, trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối lớp 4, cô T. phát hiện nhiều học sinh "hổng" nặng về kiến thức. "Đối với môn Lịch sử, cả khối lớp 5 rất ít học sinh đạt điểm hoàn thành (trên trung bình). Cá biệt, tại một lớp 4, qua khảo sát có tới 100% học sinh đạt điểm dưới 5", cô N.T.T chia sẻ.
Theo phản ánh của cô T. và ghi nhận thực tế của phóng viên, trong các bài kiểm tra 2 môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5, nhiều em có dấu hiệu "mất gốc" kiến thức.
Điển hình, bài kiểm tra môn Địa lý của em H. T. H. lớp 4 viết sai khá nhiều lỗi chính tả cơ bản như "rệt vải" (dệt vải), "chồng lúa" (trồng lúa),...
Không dừng lại ở đó, một số học sinh khác thể hiện sự nhầm lẫn, không phân biệt được các đơn vị đo lường. Trong bài kiểm tra môn Địa lý của em N. P. Y. N lớp 5, học sinh này viết "Diện tích nước ta dài 3300 km2".
Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: "Tại sao em phải trả lời cô?"
Ngoài các bài kiểm tra, trong vở bài tập của học sinh trường tiểu học Sài Sơn B cũng đầy rẫy các ngôn từ viết rất "bậy". Cụ thể, trong vở bài tập của em N.V.T lớp 4, học sinh này viết những từ ngữ như: "không biết", "đ... biết", "không nói", "cút" ,....
Ngôn từ "bậy" thể hiện ngay trong vở bài tập được cho là của học sinh Trường Tiểu học Sài Sơn B, ảnh chụp màn hình bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ)
Trước tình trạng nói trên, cô N.T.T cho biết đã phản ánh vấn đề này với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Tuy nhiên, không những nhận được cảm thông và chỉ đạo khắc phục, BGH lại cho rằng cô N.T.T đang đi ngược với thông tư hướng dẫn của Bộ giáo dục & Đào tạo.
"Vừa qua, BGH giao cho tôi phải dạy và thực hiện với bản chất lượng quá cao, hơn số học sinh hoàn thành tốt. Điều này là bất thường so với lực học của học sinh. Cũng qua kiểm tra, tại lớp 4 của trường có duy nhất 01 em đạt điểm 5, còn lại đều dưới trung bình" - cô T. chia sẻ.
Theo nhà quản lý, tất cả lỗi thuộc về giáo viên?
Liên quan tới vấn đề này, PV ( tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo, người viết chú thích ) đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin phản ánh. Theo đó, ông Thắng cho biết, cô N.T.T đã có nhiều lần phản ánh tới Phòng giáo dục huyện,lãnh đạo phòng cũng đã nắm được vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tất cả vấn đề nói trên nằm ở chỗ giáo viên không nắm được phương pháp, giảng dạy học sinh sai. Về việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dậy không "đến nơi đến chốn" nên chỉ có 1, 2 học sinh viết "linh tinh".
"Cô T tự ý khảo sát, cô ấy không nắm được phương pháp dạy. Thế bây giờ cô đọc kỹ hướng dẫn chưa, đi dự giờ chưa, học hỏi đồng nghiệp chưa?....
Làm gì có chuyện chất lượng, chỉ có 1-2 đứa học sinh cá biệt, cô ấy dạy không đến nơi đến chốn thì học sinh mới viết linh tinh vào đấy" , ông Thắng khẳng định.
Tuy ông Thắng cho biết, việc hổng kiến thức, viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra chỉ là tình trạng cá biệt nhưng theo ghi nhận của PV, có rất nhiều bài kiểm tra, vở bài tập có dấu hiệu nói trên.
Bên cạnh cách giải thích thiếu hợp lý với thực tế PV ghi nhận, với tình trạng nêu trên, ông Thắng không nêu lên được trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục của huyện. Cùng với đó, các giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng không được đưa ra.
Để xác minh, làm rõ vụ việc nói trên, PV đã liên hệ tới BGH Trường Tiểu học Sài Sơn B nhưng chưa nhận được phản hồi [2].
Ai đang vấy bẩn tâm hồn trẻ?
Viết bậy, chửi bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những lời lẽ ai nghe cũng sốc "Đ... biết" ; "không nói", "cút",.... Ở góc độ giáo dục là không thể chấp nhận được. Do đó, thiết nghĩ ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai - Nguyễn Khắc Thắng cần cho công luận biết, có đúng là ông đã trả lời tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí Tuệ như trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" hay không?
Bởi nếu đúng như vậy, thì với tư cách là một nhà giáo, người viết cho rằng đây là một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.
Rõ ràng, những ngôn từ học sinh viết bậy lên bài kiểm tra, nó không còn dừng lại ở việc thiếu sự tôn trọng giáo viên mà là sự xúc phạm, coi thường chính người thầy đang dạy dỗ mình hằng ngày trên lớp. Một báo động về sự xuống cấp trầm trọng đạo đức của học sinh trong nhà trường.
Học sinh vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, răn đe. Những đứa trẻ tiểu học dễ dàng ngộ nhận những hành vi của mình đối với giáo viên như thế là đúng, là không hề gì.
Và cứ như thế, lần này rồi còn nhiều lần khác sẽ trở thành thói quen, thành chuyện bình thường, dẫn đến hậu họa thật khôn lường. Sự thờ ơ của nhà trường sẽ đào tạo ra những đứa trẻ chẳng coi ai ra gì thì thật nguy hiểm cho xã hội.
Nguy hại hơn, nếu thông tin trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" là chính xác, phản ánh đúng câu trả lời của ông Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì còn gì để nói, khi người đứng đầu ngành giáo dục huyện Quốc Oai cho rằng đó chỉ là "viết linh tinh" và lỗi do giáo viên không biết dậy.
Học sinh tiểu học luôn được ví như tờ giấy trắng. Đây là giai đoạn vàng để hình thành nhân cách một con người. Cha mẹ, thầy cô chính là những người vẽ những nét chữ đầu tiên.
Nếu các em được dạy dỗ nghiêm túc sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan. Ngược lại, những đứa trẻ hư, hỗn láo phản ánh sự dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn mà trách nhiệm chính từ phía gia đình, sau mới là nhà trường.
Lẽ ra, trước tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức của học sinh, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên thông báo và tìm cách phối hợp giáo dục. Và, chính nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này.
Cụ thể là, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và sau cùng mới đến giáo viên bộ môn.
Bởi, một giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học sẽ có ít nhất 23 tiết dạy trong lớp/tuần. Hầu như ngày nào, giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt trong lớp.
Còn giáo viên bộ môn chỉ có vài ba tiết một tuần, dạy lớp này vài tiết sẽ qua dạy lớp kia. Thời gian dạy để hoàn thành kiến thức còn chưa đủ thì lấy thì giờ đâu mà ngồi giảng dạy đạo đức cho các em?
Cô Tuất có sai sẽ có nhà trường giải quyết. Nhưng học sinh hành xử thế này cần phải có biện pháp răn đe nghiêm khắc. Mọi sự dung túng đều làm hại con trẻ.
Không xử lý học sinh nghiêm, hậu quả sẽ là khôn lường
Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, khi một học sinh hư, có những biểu hiện không tốt, giáo viên bộ môn sẽ trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm.
Thầy cô chủ nhiệm sau nhiều lần phối hợp với gia đình không đạt kết quả sẽ báo cáo với nhà trường.
Ban giám hiệu mà trực tiếp là hiệu trưởng sẽ có nhiều buổi làm việc với học sinh và phụ huynh. Sẽ có nhiều biện pháp giáo dục, răn đe để các em thấy sai mà sửa chữa cũng là làm gương cho những học sinh khác không dám vi phạm.
Những hành vi của học sinh trong video cô Tuất cũng cấp hay thông tin được cho là học sinh Tiểu học Sài Sơn Bị viết bậy vào sách là không thể chấp nhận được.
Trước khi làm rõ các thông tin này có đúng hay không, nhà trường và phòng giáo dục vội dồn trách nhiệm vào một giáo viên một tuần cũng chỉ có một hoặc vài tiết lên lớp, liệu có bất thường?
Nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra: Tại sao hành vi hư hỏng của học trò lại được bao che, dung túng đến mức như thế?
Tại sao lại dồn trách nhiệm vào mỗi một giáo viên bộ môn? Còn trách nhiệm giáo chủ nhiệm? Trách nhiệm người quản lý nhà trường ở đâu?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-truong-sai-son-b-nghi-gi-vu-co-vu-co-giao-to-bi-tru-dap-723395.html?fbclid=IwAR3vK-yXM4O1DiXQqecFTNO83ZXhO4aSaxUbnqmU-HO5WQ6g5bItAbNxOhw
[2]https://sohuutritue.net.vn/truong-tieu-hoc-sai-son-b-hoc-sinh-viet-bay-vao-bai-kiem-tra-coi-thuong-giao-vien-d86263.html?fbclid=IwAR0SL9Gat6JHjri_CaauVwv8lhQQXYtgUFXrDXBoRjMFItyfeUtlcHQYMck
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Để học sinh "bắt nạt" cô giáo, đừng nghĩ chỉ riêng cô Tuất đau! Để học sinh "nổi loạn" trong giờ học và liên tục có những hành vi không đúng mực, không phải chỉ riêng lỗi của giáo viên mà còn là sự thờ ơ đáng trách của trường. Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất (hiện là giáo viên trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện...