Nếu MH370 không bao giờ được tìm thấy thì sao?
Cuộc tìm kiếm máy bay MH370 đã kéo dài hơn một tháng rưỡi qua và cho đến nay, tung tích chiếc máy bay vẫn còn là một bí ẩn lớn. Vậy nếu như chiếc máy bay Boeing 777 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn không bao giờ được tìm ra thì sao? Hãng tin CNN đưa ra các khả năng có thể tiếp diễn nếu điều này xảy ra.
1. MH370 mất tích sẽ trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất thế giới
Nữ phi công huyền thoại người Mỹ Amelia Earhart – Ảnh: Wikipedia
Vụ máy bay MH370 mất tích sẽ sánh ngang với vụ mất tích của nữ phi công huyền thoại người Mỹ Amelia Earhart, vốn là một trong những bí ẩn chưa được khám phá trong lịch sử hàng không thế giới.
Nữ phi công này đã phát đi tín hiệu vô tuyến cuối cùng từ chiếc Lockheed Model 10E biệt danh “Electra”, với nội dung rằng mình không thể tìm thấy dải đất nào có thể hạ cánh được.
Giới chuyên gia hầu như đồng ý với kết luận rằng chiếc máy bay của Earhart đã hết xăng và đâm xuống biển vào ngày 2.7.1937, khi cô đang đi tìm hòn đảo Howland.
Đây là điểm dừng cuối cùng để tiếp nhiên liệu trước khi bay đến Honolulu và hoàn tất hành trình theo dự định tại Oakland, bang California.
Ngoài ra, bí ẩn MH370 cũng sẽ được so sánh với “Tam giác quỷ” Bermuda, theo CNN. Nhiều tàu thuyền, máy bay và con người đã biến mất mà không để lại dấu vết trong vùng biển nằm ở phía tây Đại Tây Dương này.
2. Sẽ có một khoản tiền bảo hiểm khổng lồ được chi ra
Một phụ nữ viết lời cầu chúc cho hành khách MH370 lên tấm bảng đặt tại sân bay Kuala Lumpur – Ảnh: Reuters
Hiện chưa có thống kê về số tiền bồi thường mà Malaysia Airlines phải trả cho thân nhân các hành khách trên máy bay MH370, nhưng đây chắc chắn sẽ là một con số rất lớn, CNN nhận định.
Video đang HOT
Một số luật sư từng xử lý những vụ rơi máy bay ước tính, số tiền bảo hiểm chi cho từng hành khách trên chiếc máy bay Malaysia có thể từ 400.000 đến 10 triệu USD.
Mức bảo hiểm quy định cho các hãng hàng không là 2 – 2,5 tỉ USD/máy bay, luật sư về các vụ kiện tụng hàng không Dan Rose của hãng Kreindler & Kreindler (Mỹ) nói với CNN. Điều này đồng nghĩa, mỗi cá nhân trong tổng số 239 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay MH370 sẽ được bồi thường khoảng 10 triệu USD.
Theo Công ước Montreal, một hiệp ước quốc tế về hàng không được ký kết hồi năm 1999, các hãng hàng không phải trả cho người thân của mỗi hành khách bị nạn một khoản tiền ban đầu từ 150.000 đến 175.000 USD.
Tuy nhiên, thân nhân hành khách có thể kiện đòi bồi thường thêm. Boeing, hãng chế tạo chiếc máy bay, cũng có thể bị kiện.
Nhưng gia đình các hành khách sẽ không có lý do để đòi bồi thường cho đến khi máy bay được tìm ra, giống như khi điều tra một vụ giết người mà không có xác chết, theo CNN.
3. Thay đổi chính sách
Nhà chức trách Mỹ đã thông qua một tiêu chuẩn mới quy định thời lượng của hộp đen trên máy bay phải kéo dài trong 90 ngày, nhằm giúp đội tìm kiếm có thêm thời gian tìm ra hộp đen nếu máy bay gặp nạn.
Hộp đen có thể phát đi tín hiệu trong 90 ngày sẽ làm gia tăng đáng kể cơ hội tìm ra một chiếc máy bay bị mất tích dưới đại dương, CNN cho biết.
Thời lượng pin hộp đen máy bay MH370 là 30 ngày và nó đã gần hết pin ngay tại thời điểm các thiết bị định vị bắt được các tín hiệu điện tử tình nghi là của hộp đen máy bay này, hãng tin Mỹ cho hay.
4. Gia đình nạn nhân sẽ không bao giờ biết được câu chuyện đằng sau thảm kịch
Thân nhân hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 – Ảnh: Reuters
Nếu muốn được thấy như thế nào là đau đớn, hãy nhìn vào gương mặt của thân nhân hành khách MH370, CNN bình luận.
“Tôi biết rằng cơ may con trai tôi và những người khác trên chiếc máy bay còn sống ngày càng trở nên thấp đi khi thời gian trôi qua”, một người đàn ông tóc hoa râm tên Wen, người thân của hành khách Trung Quốc trên máy bay MH370, nói với một nhà ngoại giao Malaysia.
“Để biết là người nào đó còn sống, anh phải nhìn thấy họ. Để biết ai đó đã chết, anh cần phải thấy xác họ. Đó là tất cả những gì tôi yêu cầu”, ông Wen nói trong tiếng nấc.
Theo TNO
Malaysia trì hoãn công bố báo cáo về MH370
Báo cáo sơ bộ về MH370 đã được nộp lên LHQ nhưng không được công khai rộng rãi.
Ngày 25/4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết chính phủ nước này sẽ công bố báo cáo sơ bộ về sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 vào tuần tới.
Ông Najib đưa ra tuyên bố bất ngờ trên trong bối cảnh chính phủ Malaysia tiếp tục bị gia đình các nạn nhân giận dữ công kích, và nhiều người không chịu chấp nhận kết luận của phía Malaysia rằng chiếc máy bay đã đâm xuống biển nếu không có chứng cứ vững chắc.
Trước đó, chính phủ Malaysia đã gửi báo cáo sơ bộ này lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc nhưng lại không công khai các thông tin trong báo cáo, khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của họ.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak
Các chuyên gia hàng không cho rằng báo cáo sơ bộ về các vụ tai nạn hàng không thường chỉ là những dữ liệu và con số thực tế, không chứa đựng thông tin gì quá mật để không công bố rộng rãi trước dư luận.
Trước sức ép từ gia đình các nạn nhân và báo chí, ông Najib tuyên bố: "Tôi đã chỉ đạo một đội điều tra nội bộ gồm nhiều chuyên gia để xem xét báo cáo này, và nhiều khả năng chúng tôi sẽ công bố báo cáo vào tuần sau."
Bảy tuần đã trôi qua kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777 mất tích, và giờ đây ông Najib lại từ chối tuyên bố thẳng rằng MH370 đã biến mất mãi mãi vì "lo cho gia đình các nạn nhân đang đau khổ".
Thủ tướng Najib trả lời phỏng vấn của CNN: "Trước đây tôi có thể tuyên bố như vậy, nhưng ngay trong lúc này tôi nghĩ là tôi cần phải tính đến cảm xúc của các thân nhân, và các bạn cũng biết rằng nhiều người trong số họ đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận kết luận trên trừ phi có chứng cứ vững chắc."
Thân nhân người Trung Quốc lên án chính phủ Malaysia
Việc Malaysia từ chối tuyên bố MH370 đã biến mất dưới đáy biển diễn ra chỉ một tháng sau khi chính phủ nước này thông báo qua tin nhắn cho thân nhân hành khách rằng "không ai có mặt trên máy bay sống sót".
Chính phủ Malaysia đã nhiều lần bị thân nhân hành khách, chủ yếu là người Trung Quốc, công kích dữ dội vì không "nỗ lực hết mình" trong chiến dịch tìm kiếm MH370.
Trong khi đó, chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trên Ấn Độ Dương đã phải tạm ngừng một ngày sau khi một cơn bão nhiệt đới tràn vào khu vực này. Đến hôm nay, máy bay tìm kiếm vẫn chưa thể cất cánh được vì mưa to và gió lớn, trong khi tàu chiến của 26 quốc gia vẫn tiếp tục rà soát trên mặt biển bất chấp sóng lớn.
Khu vực tìm kiếm MH370 hiện nay trên nam Ấn Độ Dương
Đây là chiến dịch tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không thế giới, và hiện nay lực lượng chức năng đang tập trung vào một khu vực nơi họ dò được tín hiệu "ping" được cho là phát ra từ hộp đen của máy bay.
Tàu ngầm mini Bluefin-21 của hải quân Mỹ đã quét được hơn 90% diện tích đáy biển khu vực tìm kiếm song vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích. Nhà chức trách Úc cho biết tàu ngầm này sẽ tiếp tục được triển khai tới các khu vực tìm kiếm mới.
Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng tiết lộ rằng khu vực mà máy bay có thể đâm xuống biển rộng khoảng 80 km và dài khoảng 500 km. Lực lượng tìm kiếm sẽ phải áp dụng chiến lược mới nếu họ không thể tìm thấy dấu vết gì trong khu vực hiện nay.
Ông Abbott nói: "Nếu đến cuối giai đoạn này mà vẫn không tìm thấy gì, chúng tôi sẽ từ bỏ khu vực tìm kiếm cũ, xem xét lại chiến lược, nhưng chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi làm mọi thứ để giải mã bí ẩn này."
Theo Khampha
Vụ máy bay Malaysia: MH370 không rơi ở Ấn Độ Dương? "Khả năng MH370 đã hạ cánh đâu đó là có thể xảy ra vì chúng tôi đã không tìm ra bất kỳ mảnh vỡ nào có liên quan đến MH370..." Không rơi ở Ấn Độ Dương? Thanh Niên trích nguồn từ nhật báo New Straits Times (Malaysia) cho hay, thành viên của Đội Điều tra Quốc tế (IIT) đang cân nhắc khả năng...