Nếu không thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên, Mỹ hứng chịu điều gì?
Các chuyên gia quân sự cho biết, không có gì đảm bảo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ( THAAD) đặt tại Guam và Hàn Quốc sẽ nhắm trúng tất cả các mục tiêu.
Tên lửa Hwa-song 12 tầm trung vừa được Triều Tiên phóng thử hôm 29/8. Ảnh: RT
Việc phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật vừa qua có thể làm gia tăng áp lực lên Washington trong việc xem xét việc bắn hạ các tên lửa phóng thử của Triều Tiên trong tương lai. Không có gì bảo đảm kế hoạch trên thành công và các quan chức Mỹ vẫn phải hết sức cảnh giác với các hành động có thể làm leo thang căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Theo một quan chức chính phủ Mỹ, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa 29/8, ngày càng xuất hiện nhiều sự chú ý tập trung vào triển vọng đánh chặn một tên lửa đang bay.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết “tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn”, nhưng không có dấu hiệu thay đổi chính sách ở Washington đối với một hành động quân sự, mặc dù Bình Nhưỡng ngày 30/8 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều vụ thử nghiệm vũ khí hướng vào Thái Bình Dương.
David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á cho biết: “Ông Kim Jong-un đã ‘chơi xỏ’ người Mỹ và Nhật Bản bằng cách tiến hành vụ thử tên lửa này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã cam kết rằng, quân đội Mỹ sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được cho là mối nguy hiểm đối với lãnh thổ Mỹ hoặc liên minh. Tuy nhiên, điều không rõ ràng là liệu Washington có sẵn sàng sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng để đánh chặn tên lửa như tên lửa đã vượt qua Nhật Bản nhưng không đe doạ trực tiếp lãnh thổ Mỹ hay không.
Theo các chuyên gia quân sự, không có gì đảm bảo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trong khu vực và các hệ thống THAAD đặt tại Guam và Hàn Quốc sẽ nhắm trúng mục tiêu, mặc dù các vụ thử gần đây đều thành công.
Chỉ cần một lần thất bại, Mỹ cũng sẽ ê chề trước Triều Tiên và càng khuyến khích nước này tiến hành các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công vào lục địa Mỹ.
Video đang HOT
Thực tế, Mỹ đã chi 40 tỷ USD trong 18 năm để nghiên cứu và phát triển thành hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng chúng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng trong điều kiện chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tháng này tự tin khằng định rằng, quân đội Mỹ có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào bắn từ Triều Tiên tới Guam, sau khi Triều Tiên tuyên bố họ đang lên kế hoạch phóng tên lửa tầm trung tới gần lãnh thổ Mỹ.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào Mỹ, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh, ông Mattis cảnh báo.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng tin rằng quân đội Mỹ có thể chống lại tên lửa đang phát triển của Triều Tiên. Một số chuyên gia cảnh báo rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay nhằm mục đích bắn hạ một tên lửa, hoặc có thể là một số nhỏ các tên lửa. Nếu công nghệ và sản xuất tên lửa của Triều Tiên tiếp tục phát triển, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị Triều Tiên vượt mặt.
Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa tại Washington cho biết: “Nếu một vụ bắn hạ tên lửa không thành công, Mỹ sẽ bẽ bàng, mặc dù không đáng ngạc nhiên lắm.”
“Hệ thống phòng thủ tên lửa không cung cấp một lá chắn bảo vệ chống lại tên lửa. Thay vào đó, nó giống như hệ thống phòng không. Nó được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại mà kẻ thù có thể gây ra,”ông cho biết thêm.
Một quan chức Mỹ giấu tiên cho biết, quân đội Mỹ sẽ phải đặc biệt thận trọng khi bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên sao cho không gây ra mối đe dọa trực tiếp hay nguy cơ thương vong dân sự nếu nó bị đánh chặn ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Đồng thời, việc đánh chặn cũng hết sức mạo hiểm vì cũng khó xác định xem Bình Nhưỡng có thể trả đũa như thế nào.
Cho dù việc bắn trúng tên lửa đang bay của Triều Tiên bay không gây nguy hiểm cho Mỹ hoặc các đồng minh, nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề pháp lý. Nhật Bản cũng phải đối mặt với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc bắn hạ các tên lửa ở không phận của mình nhưng không nhằm vào Nhật Bản. Theo luật được thông qua vào năm 2015 của Nhật, Tokyo có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể, hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh bị tấn công, nếu Nhật Bản bị đe dọa.
Theo Hà Thu (Tiền Phong)
Triều Tiên khoe ảnh Kim Jong-un cười tươi xem phóng tên lửa bay qua Nhật Bản
Triều Tiên vừa công bố những hình ảnh mới về vụ phóng tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản, trong đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được nhìn thấy cười tươi theo dõi vụ phóng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cười tươi xem bắn tên lửa xuyên qua không phận Nhật Bản
Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 xuyên qua không phận Nhật Bản sáng sớm 29.8.
Tên lửa Triều Tiên vừa phóng đi từ một địa điểm ở Sunan, gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay được khoảng 2.700 km, xuyên qua không phận đảo Hokkaido, trước khi vỡ thành 3 mảnh và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông Nhật Bản.
Hình ảnh ông Kim Jong-un cười tươi khi giám sát vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên
Mặc dù tên lửa bị vỡ, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, tên lửa là lời cảnh báo dành cho Mỹ và Hàn Quốc vì các cuộc "tập trận khiêu khích" của 2 nước này. Đặc biệt, ông Kim Jong-un cũng nói thêm rằng, vụ phóng tên lửa Hwasong-12 là "một bước đi" nhằm chứng minh khả năng của Triều Tiên để kiềm tỏa lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương - Guam.
Triều Tiên từng cảnh báo sẽ bắn tên lửa hủy diệt hòn đảo này. Hồi đầu tháng, nước này đã hé lộ kế hoạch bắn 4 tên lửa đạn đạo nhằm vào Guam của Mỹ. Các chuyên gia tin rằng, Hwasong-12 đủ mạnh để có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên tuyên bố bắn tên lửa thử khả năng "kiềm tỏa" Guam.
Tuy nhiên, theo báo Daily Star, việc khoe ảnh ông Kim Jong-un tươi cười theo dõi vụ phóng tên lửa xuyên qua Nhật Bản, Triều Tiên đã để lộ vị trí của nhà lãnh đạo tối cao.
Theo đó, trong loạt ảnh mới được Triều Tiên công bố, ông Kim đã ngồi quan sát tên lửa bay lên trời bằng ống nhòm, ở địa điểm cách bãi phóng không xa.
Vị trí của nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó được minh họa bằng ô màu đỏ trên bản đồ, tờ Daily Star đăng tải bức ảnh so sánh. Ô màu vàng là nơi tên lửa đạn đạo khai hỏa.
Vị trí ông Kim quan sát cách không xa nơi Triều Tiên phóng tên lửa
Sau vụ phóng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội bắn thử thêm nhiều tên lửa, thách thức chính quyền Donald Trump.
Bất chấp những tuyên bố khiêu khích của Triều Tiên, một số chuyên gia đánh giá thấp khả năng Triều Tiên trực tiếp tấn công đảo Guam nhưng không loại trừ điều này.
Nhà nghiên cứu cao cấp của Chương trình Châu Á, Chatham House cho biết: "Tôi không nghĩ rằng người Triều Tiên từng nghĩ đến một cuộc tấn công trực tiếp vào Guam mặc dù họ nói rất "đao to búa lớn". Một kịch bản hợp lý hơn là Triều Tiên bắn thử tên lửa hướng tới Guam để chứng minh nước này có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ".
Tuy nhiên, ông House nói thêm rằng: "Tôi không loại trừ khả năng này trong tương lai. Họ có thể sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro".
Theo Danviet
Lý do Trump phản ứng yếu ớt trước vụ phóng tên lửa Triều Tiên lần này? Chỉ trong vòng 4 ngày Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành hai vụ phóng tên lửa, và nhà lãnh đạo của nước này Kim Jong-un thậm chí còn yêu cầu tiếp tục tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa vào Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế tương đối yếu ớt. Ảnh: Express Mỹ phản...