‘Nếu không bắt tạm giam, họ không bao giờ nhận tội’
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhận định đối với án tham nhũng, án kinh tế, nếu không bắt tạm giam thì các đối tượng không bao giờ nhận tội.
Giữa tuần qua, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Tại phiên họp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã dành gần một giờ đồng hồ tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp.
Ông Trí cho hay năm 2018, Ủy ban Tư pháp có văn bản nêu 18 mặt tồn tại, hạn chế của ngành kiểm sát. Năm 2019, ngành đã chủ động xử lý, khắc phục những tồn tại này.
Xử lý nghiêm cán bộ làm sai
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao nhận xét một bộ phận công chức, kiểm sát viên, kiểm tra viên còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là tại các VKS cấp huyện. Năm 2019, ngành kiểm sát có 40 cán bộ vi phạm pháp luật, tăng 12 người so với năm 2018.
Giải trình, ông Trí cho biết thời gian qua ngành đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ trong ngành. “Chúng tôi làm quyết liệt, phát hiện sai phạm là xử lý, mặc dù rất đau lòng. Cỡ viện trưởng tỉnh trước đây là không đụng tới, bây giờ tôi xử lý hết. Ở VKSND Tối cao, những vụ (nghiệp vụ) dễ dính tới tiêu cực là tôi răn đe, chuyển đổi vị trí công tác liên tục” – ông nhấn mạnh.
Ông Trí cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong công tác cán bộ: “Có ông làm tốt, mình muốn giữ lại nhưng ông ấy hết tuổi, đành phải cho nghỉ. Trong khi đó, những ông làm việc rề rà, kỷ luật chưa được nhưng nhắc mãi không xong, học cũng không học được. Trường hợp này, người lãnh đạo có hai thái độ để lựa chọn, hoặc kiên trì chờ tới khi người đó đến tuổi nghỉ hưu, hoặc mạnh dạn điều chuyển. Dám điều chuyển phải dám chấp nhận sẽ bị khiếu nại, tố cáo”.
Đối với những cán bộ làm sai, ông Trí nêu quan điểm phải xử lý nghiêm. Nhưng trong công việc, có những lúc là tai nạn nghề nghiệp, không lường trước được. Theo ông, các cán bộ tư pháp nói chung phải chịu áp lực lớn về mặt tâm lý. Theo quy định của Đảng, chỉ cần có dấu hiệu thôi là có thể bị kỷ luật. BLHS cũng quy định hàng chục tội danh về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chưa kể tâm lý sợ phải bồi thường.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đang phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp. Ảnh: Đ.MINH
Video đang HOT
Vì sao án tham nhũng phải trả hồ sơ nhiều?
Đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Liên, nhận xét việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn của VKS trong một số trường hợp chưa bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp luật.
“Vẫn còn việc lạm dụng bắt khẩn cấp, lạm dụng tạm giam, sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự. Ngược lại, nhiều trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhưng lại không kịp thời xử lý, dẫn đến bị can bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án” – ông Liên dẫn chứng.
Đáp lại, ông Trí cho biết mỗi một biện pháp tố tụng đều có tính hai mặt. Việc bắt giam giúp công tác điều tra thuận lợi hơn nhưng đụng chạm một mức độ nào đó đến quyền con người, không bắt thì gây khó khăn cho công tác điều tra. Ông Trí cũng khẳng định liên quan đến án tham nhũng và kinh tế, nếu để đối tượng ở bên ngoài xã hội thì họ không bao giờ nhận tội.
Đáng chú ý, ông Liên đề nghị VKSND Tối cao tăng cường các biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.
Đáp lại, ông Trí cho rằng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là biện pháp tố tụng để chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm. Bản thân biện pháp này không có vấn đề gì cả. Án càng phức tạp thì việc trả hồ sơ càng đương nhiên. Án tham nhũng, kinh tế trả tới trả lui đơn giản vì sức phản kháng và chống đỡ của các đối tượng phạm tội rất mạnh. “Hơn nữa, chúng ta không chỉ đấu tranh với tội phạm mà còn đấu tranh với đồng chí, đồng nghiệp, đồng sự của chính mình” – ông Trí nói.
Theo ông Trí, việc trả hồ sơ là cần thiết nhưng không được lạm dụng. “Đừng coi việc này là xấu, đây là biện pháp cần thiết trong điều tra” – viện trưởng VKSND Tối cao nói.
Không né tránh, nhận trách nhiệm đầy đủ
Về các chỉ tiêu Quốc hội giao, ngành kiểm sát phấn đấu để năm sau thực hiện tốt hơn năm trước nhưng không thể đạt con số tuyệt đối. Tinh thần của chúng tôi là làm quyết liệt, không tránh né và nhận trách nhiệm đầy đủ trước Đảng, trước Quốc hội.
Một năm có hơn 100.000 vụ án hình sự mà không có trường hợp nào oan là rất khó, chỉ có thể hạn chế chứ không thể có con số zero. Nếu các đồng chí nói: “Ông còn để oan sai, ông còn để lọt tội thì ông nghỉ đi!”, chắc có lẽ cũng phải làm đơn chứ làm sao?
Viện trưởng VKSND Tối cao LÊ MINH TRÍ
33 người bị oan liên quan trách nhiệm của VKS
Số bị can bị oan trong năm 2019 tăng so với các năm trước, còn để xảy ra 33 bị can bị oan (23 bị can do CQĐT và 10 bị can do VKS phải đình chỉ). Hạn chế này đều liên quan đến trách nhiệm của VKS. Đề nghị VKSND Tối cao đánh giá rõ nguyên nhân.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp HOÀNG VĂN LIÊN
ĐỨC MINH
Theo PLO
Vụ Mobifone mua AVG: Đưa nhận hối lộ hàng triệu USD là 'chưa từng có'
Liên quan vụ Mobifone mua AVG, cả Thứ trưởng Bộ Công an Lê Qúy Vương và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đều cho rằng, việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu từ "miệng", nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ triệu đô như vậy là không đơn giản.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí
"Mời" Bộ trưởng vào trại không dễ
Sáng 4/9, giải trình tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về tội phạm tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, yêu cầu số một mà Trung ương đặt ra là phải thu hồi tài sản, hai là phát hiện hành vi tham nhũng. Theo ông Vương, tham nhũng thường lẩn vào quản lý kinh tế, vi phạm về quản lý kinh tế thì mới có hành vi tham nhũng được. Do đó, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế thường gắn với nhau.
Đồng tình với nhận định của một số đại biểu nêu ra trước đó, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, trong các vụ án thường rất khó điều tra hành vi tham nhũng. "Tham ô dễ làm bởi còn có sổ sách, các đối tượng lấy tiền để chia nhau. Nhưng việc đưa hối lộ và nhận hối lộ rất khó điều tra. Báo chí đưa tin kết thúc điều tra vụ Mobifone/AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền, chỉ có người đưa, người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó. Nhưng cũng phải nói là các đối tượng rất thành khẩn, nếu không cũng khó. Đây là yêu cầu mà tới đây trong công tác điều tra chúng tôi sẽ cố gắng", ông Vương cho hay.
Thứ trưởng Lê Quý Vương Ảnh: LD
Cùng nói về tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, thực tế các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn vừa qua không có trường hợp nào để bên ngoài mà nhận tội cả. Nếu để họ bên ngoài chỉ kéo dài thời gian điều tra, mà thời hạn điều tra có hạn. Việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu từ miệng, nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ triệu đô như vậy là không đơn giản. "Ngay từ đoạn đầu đã khó khăn, riêng chuyện "mời" mấy ông bộ trưởng vào trong trại giam cũng là một cuộc đấu tranh. Nhiều người nói với tôi là đừng bắt, nhưng không bắt không làm được, trong khi Đảng hỏi tại sao không làm", ông Trí cho hay.
Ông Trí cho rằng, chất lượng điều tra án tham nhũng đang có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là trong vụ đại án xảy ra tại Mobifone, cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son đã phải thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD... Theo ông Trí, kết quả này là "chưa từng có" trong điều tra các vụ án tham nhũng. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ông mong có sự chia sẻ động viên vì "án tham nhũng khó hơn cả án ma tuý".
Quyết liệt, ráo riết, làm đến cùng
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay, trong năm 2019, công tác này tiếp tục được duy trì, "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống". Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Trong đó, một số vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trong thời gian qua, điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) cùng đồng phạm; vụ Mobifone mua AVG; vụ Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco)...
Từ sai phạm tại các tập đoàn trong thời gian qua, như vụ AVG, Thủ Thiêm, Đà Nẵng, Gang thép Thái Nguyên... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, với những vụ án lớn xảy ra như vậy, chúng ta rút ra điều gì? Trong thời gian qua, việc "chống" tham nhũng làm khá tốt, nhưng giải pháp "phòng" thì còn hạn chế, chính sách vĩ mô chưa làm được.
Đề cập việc thu hồi tài sản tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa thấy ấn tượng khi tỷ lệ thu hồi đạt 38% qua thanh tra. Nhưng tỷ lệ thu hồi lại càng ngày càng giảm đi qua điều tra, truy tố, xét xử thi hành án. Đáng lưu ý, trong 37 vụ án lớn chỉ thu được hơn 13%. Vậy các cơ quan đã thực hiện ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ đầu chưa? Có động viên thuyết phục họ tự động nộp tài sản không?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9rả lời câu hỏi vì sao trong vụ án AVG, "ông Nguyễn Bắc Son không được cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt và đường đi của 6 triệu USD mà các quan chức đã nhận", Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam là rõ ràng, cụ thể nhằm ghi nhận những hợp tác tích cực của người có hành vi phạm tội trong khai báo, khắc phục hậu quả. "Chính sách này chỉ được áp dụng với những người đã rất tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ án", ông Ngọc nói và khẳng định Bộ Công an đã điều tra toàn diện vụ án, kết quả đến đâu kết luận đến đó.
Đánh giá cao vụ Mobifone mua AVG, cơ quan chức năng đã dùng các biện pháp nghiệp vụ, để đối tượng khai báo, thừa nhận việc đưa nhận hối lộ, trong đó cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận số tiền 3 triệu USD, nhưng Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cảm nhận, khai đưa nhận là thế, còn thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ. "Bị cáo Nguyễn Bắc Son chỉ xin nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả; bị cáo Lê Nam Trà nộp lại 2,5 triệu USD... Còn số tiền gần 3 triệu USD của bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa thấy phương hướng gì cả, vì con gái bảo không nhận số tiền ông Son chuyển. Rõ ràng việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là vấn đề nan giải", bà Hoa cho hay.
THÀNH NAM
Theo tienphong
Khởi tố, bắt tạm giam Trưởng phòng TN&MT huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn Do vi phạm quy định trong quản lý đất đai, ông Nguyễn Thế Tập, Trưởng phòng TN&MT huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Nguyễn Thế Tập, Trưởng Phòng TN&MT huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tối nay (10/9), trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh...