Nếu đợi đến nghỉ hưu có thể chúng tôi sẽ gục trên bục giảng
Thôi cũng là cái “nợ” đồng lần. Giờ mình giúp các thầy cô dạy, sau đám trẻ sẽ lại giúp mình và cứ thế chứ biết phải làm sao?
Tâm sự nhói lòng của không ít thầy cô giáo khi nghe tin Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).
Đa phần giáo viên khi lớn tuổi sẽ không còn sức hút đối với học trò – (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Mới 52 tuổi thầy đã xỉu trên bục giảng.
Lâu ngày, gặp lại đồng nghiệp cũ tôi không tin vào mắt mình khi thấy thầy K. lại trong hình hài ốm yếu, còm nhom như vậy.
Thầy K. nói mình đang làm hồ sơ để xin về chế độ một lần vì “Hết sức rồi em ạ. Ráng dạy để nhận cái sổ hưu như bao người nhưng như thế chỉ làm khổ mình, làm khổ học sinh mà có khi chưa cầm được sổ huu mình đã chết gục trên bục giảng lúc nào ấy chứ”.
Thầy bị tiểu đường, thường xuyên bị viêm phổi (căn bệnh gần như phổ biến của giáo viên khi về già vì nói nhiều và hít bụi phấn). Một số đồng nghiệp cho biết có lần đang dạy, thầy đã xỉu ngay trên bục giảng vì kiệt sức.
Gắng gượng hết lần này đến lần khác để mong đủ tuổi nhận lấy cuốn sổ hưu cho tuổi già còn chỗ dựa nhưng có lẽ chẳng thể được nữa rồi.
Thầy đành chấp nhận, 53 tuổi chỉ về chế độ một lần quả là thiệt thòi cho bao nhiêu năm trời cống hiến cho ngành.
Thế nhưng không về chế độ một lần thì đợi sao đến hưu khi còn tới gần 10 năm nữa trong khi lúc này nhìn thầy đã thấy sức cùng lực kiệt?
Cô phải vịn cầu thang
Video đang HOT
Có lẽ nghề giáo luôn đứng và đi lại nhiều nên không ít thầy cô giáo mới bước vào tuổi 50 đã bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Ai mắc bệnh này cũng rất khó khăn cho việc đi lại. Vì thế lên lớp là phần lớn giáo viên chỉ ngồi một chỗ giảng bài.
Nếu như cách dạy học trước đây thiên về thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép thì vẫn chấp nhận được.
Nhưng cách dạy sau này phát huy tính tích cực của học sinh, học sinh là trung tâm còn giáo viên chỉ đóng vai trò người quan sát, hỗ trợ thì thầy cô chỉ ngồi dạy một chỗ, sẽ ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu dạy học cần đạt.
Nhưng nếu không ngồi giảng, những giáo viên lớn tuổi bị bệnh suy giãn tĩnh mạch như cô L. phải làm thế nào?
Nhìn cô nặng nhọc bước chân lên cầu thang, tay vịn cầu thang lê từng bước một chúng tôi đã thấy ái ngại.
Một số giáo viên thường giúp cô việc này. Vào lớp, cô chỉ cố định ngồi một chỗ. Khi cần chấm bài gọi học sinh mang vở lên. Muốn kiểm tra em nào cũng ngồi gọi em ấy.
Nhiều bài giảng cô còn không thể đứng lên giảng bằng bảng mà cũng chỉ giảng ngồi.
Giáo viên hiểu và cảm thông nên cũng chẳng ai có ý kiến. Nhà trường cũng linh động không xếp cô làm chủ nhiệm mà chỉ dạy mỗi lớp vài tiết.
Bài nào cô dạy được thì thôi, dạy chưa đạt thầy cô giáo chủ nhiệm như chúng tôi sẽ dạy lại cho học trò.
Ai cũng hiểu giai đoạn này cô cần được nghỉ ngơi nhưng tuổi hưu chưa đủ phải cố gắng kéo dài vài năm. Nếu nghỉ dạy lúc này cô cũng chỉ phải về một lần hoặc về chế độ hưu non thì lương hưu thấp lắm.
Nhìn thầy, nhìn cô…chúng tôi cứ nói với nhau đó là hình ảnh của mình ít năm nữa. Nhưng nỗi lo còn nặng gấp nhiều lần vì bây giờ đang về hưu đúng tuổi (nam 60 nữ 55) nhưng sắp tới đây sẽ là (62 và 60) mình còn tệ hơn thế.
Thôi cũng là cái “nợ” đồng lần. Giờ mình giúp các thầy cô dạy, sau đám trẻ sẽ lại giúp mình và cứ thế chứ biết phải làm sao?
Đỗ Quyên
Theo giaoduc.net
Nhà giáo cần làm gì khi tăng tuổi nghỉ hưu?
Các thầy cô giáo cần thay đổi, cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát triển năng lực học sinh vừa đỡ tốn sức lực vừa hiệu quả.
Mặc dù ở ngành giáo dục có nhiều ý kiến không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu, nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi nhưng mới đây Quốc hội đã chính thức thông qua, tuổi nghỉ hưu với nữ là 60 tuổi, với nam là 62 được thực hiện theo lộ trình từ năm 2021.
Như vậy, các thầy cô giáo không có kêu ca, than thở gì nữa đành phải chấp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo tôi, để có đủ sức khỏe "chiến đấu" với nghề dạy học đến năm 60 tuổi, 62 tuổi, các thầy cô giáo và ngành giáo dục cần thay đổi, điều chỉnh cách làm việc, sinh hoạt của mình theo hướng sau đây.
Nhà giáo cần làm gì khi tăng tuổi nghỉ hưu? (Ảnh minh hoạ: Baodongnai.com.vn)
Lâu nay, nhiều thầy cô đã quen lối dạy truyền thống, say sưa giảng, nói từ đầu tiết đến cuối tiết. Thầy mệt, hao tốn khá nhiều năng lượng. Còn trò chán nản, ngồi nghe mãi thấy ớn.
Các thầy cô giáo cần thay đổi, cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực, phát triển năng lực học sinh vừa đỡ tốn sức lực vừa hiệu quả, phù hợp với dạy học mới.
Nhiều giáo viên rất ham dạy thêm, dạy ngày dạy đêm để tăng thêm thu nhập. Có một số giáo viên trở nên khá giả, giàu có từ hoạt động dạy thêm.
Tất nhiên dạy như thế, các thầy cô giáo phải bỏ ra không ít sức lực. Mới đến tuổi 40, 50 mà nhiều giáo viên trông đã hom hem, già nua, mỏi mệt, mắc đủ chứng bệnh.
Các thầy cô giáo cần hạn chế dạy thêm, bớt lo về chuyện thu nhập, tiền bạc để dành thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, làm việc, dạy học lâu dài.
Các thầy cô giáo năng tập thể dục, ăn uống, sinh hoạt điều độ, đi khám sức khỏe định kỳ.
Thực tế, có một phận giáo viên đang chịu khó tập thể dục, sinh hoạt điều độ hằng ngày nên có một thể lực, sức khỏe khá tốt.
Biết chăm sóc cho bản thân mình giúp cho thầy cô giáo luôn tươi trẻ, dẻo dai, tiếp tục đảm đương được mọi công việc của ngành giáo dục giao phó.
Bên cạnh, thay đổi từ phía thầy cô giáo, nhà trường, các cấp quản lý cũng cần thay đổi, cải tiến về nhiều mặt để hình thành nên một môi trường giáo dục tốt nhất cho giáo viên làm việc, cống hiến lâu dài. Bớt đi những cuộc họp, cuộc kiểm tra vô bổ.
Thời gian họp, kiểm tra nên ngắn gọn nhưng vẫn đạt hiệu quả. Có nhiều Hiệu trưởng họp hành dông dài, lê thê, ít nội dung khiến giáo viên mệt mỏi, ể oải. Giảm đi các cuộc thi, hội thi không cần thiết.
Mặc dù đã có văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng các địa phương vẫn thích tổ chức cuộc thi, hội thi nhiều.
Việc đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa là cần thiết để tiến kịp xu thế giáo dục thế giới, song cách làm Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng và hiệu quả, làm sao cho đội ngũ nhà giáo thật sự cảm thấy hứng thú, tâm huyết, không bị ràng buộc, áp lực quá lớn.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Áp lực dành cho nhà giáo ngày càng nặng nề, tăng tuổi hưu lại càng áp lực hơn Trong thâm tâm của các nhà giáo, ai cũng mong muốn mình có sức khỏe tốt, được cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục nước nhà. Thông tin tăng tuổi nghỉ hưu khiến cho nhiều người lao động không khỏi lo lắng, nhất là với đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đều mường tượng ra cảnh khi mình về...