Nếu cơ quan điều tra thực hiện ngay lệnh bắt…
Phát biểu của một vị lãnh đạo Công an huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) trong vụ một phụ nữ chết vì phỏng nặng sau khi bị người tình thiêu sống đang gặp phải những phản ứng bất bình của dư luận
Người phụ nữ ấy là Trần Thị Bé (SN 1978; ngụ xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp). Trước khi bị đốt, chị Bé từng làm đơn tố cáo gửi Công an huyện Đắk R’lấp về việc bị Nguyễn Viết Hùng (ngụ cùng huyện, có thời gian chung sống) đánh đập, dùng xăng tạt lên người, dọa châm lửa đốt, sau đó là cưỡng hiếp.
Đã làm hết trách nhiệm?
Hơn 20 ngày sau, Hùng vẫn nhiều lần tới đe dọa giết cả nhà, chị Bé lại làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp bảo vệ tính mạng gia đình chị. Nhưng rồi, sáng 16-9, khi vừa mở cửa, chị Bé bị Hùng ập đến tưới xăng lên người, ôm chặt và châm lửa đốt gây phỏng hơn 80%. Mẹ và con của chị cũng bị phỏng khi lao vào cứu chị. Sau gần 1 tháng điều trị, tối 14-10, chị Bé tử vong.
VKSND huyện Đắk R’lấp cho biết sau khi nhận đơn của chị Bé, ngày 12-9, cơ quan này đã ban hành văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp khởi tố vụ án hình sự về tội “Đe dọa giết người”. Công an huyện Đắk R’lấp cũng thừa nhận ngày 13-9 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam (đã được phê chuẩn) đối với Hùng về tội “Đe dọa giết người” nhưng chưa thực hiện lệnh bắt thì Hùng gây án.
Trong việc này, CQĐT huyện đã làm hết trách nhiệm hay chưa? Theo thông tin từ Báo Người Lao Động ngày 16-10, một lãnh đạo công an huyện cho rằng đã triệu tập đối tượng lên làm việc hằng ngày, yêu cầu cam kết không được tiếp tục vi phạm; cũng giải thích cho chị Bé phải phòng ngừa, kịp thời báo chính quyền địa phương nếu xảy ra tình huống xấu. Như thế, CQĐT đã làm hết biện pháp, hết trách nhiệm (!). Xin hỏi: Nếu ngày 13-9, khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đã được phê chuẩn mà Cơ quan CSĐT thực hiện lệnh bắt thì có xảy ra việc Hùng gây án hay không? Một đối tượng có đủ dấu hiệu “đe dọa giết người” và không có căn cứ nào để tin sẽ không thực hiện mà vẫn không bị bắt tạm giam dù lệnh đã được phê chuẩn là vì sao và có được nói là đã làm hết trách nhiệm?
Trường hợp tử vong của chị Trần Thị Bé là một nỗi đau khó hiểu giữa thời bình.
Hiện trường vụ chị Trần Thị Bé bị thiêu sống. Ảnh: CAO NGUYÊN
Video đang HOT
Phải là chỗ dựa của người dân
Tại TP HCM cũng vừa có việc cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, giáo viên một trường tiểu học đang sống với gia đình chồng ở quận Bình Tân, có người chị dâu thiếu nợ nhiều người và bỏ nhà đi đâu không rõ nên một nhóm người kéo đến nhà đòi nợ, đe dọa, ném mắm tôm, đổ keo dán sắt vào ổ khóa, phun sơn đỏ lên cửa nhà… Do quá khủng hoảng, cả gia đình cô giáo phải lánh nạn và cô đã viết đơn xin “ xã hội đen” tha cho gia đình, tha cho cô để yên ổn đi dạy kiếm tiền nuôi mẹ già, cháu nhỏ.
Phản ứng của UBND quận Bình Tân là tổ chức thăm hỏi, sơn lại tường và cửa bị các đối tượng tạt sơn, lắp camera quan sát tại nhà cô giáo Hiếu. Lực lượng công an bố trí trinh sát hình sự phối hợp cảnh sát phòng chống tội phạm và cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố triển khai các biện pháp nghiệp vụ để xử lý vụ việc; truy xét nhóm đối tượng đã có hành vi gây mất an ninh trật tự; liên hệ gia đình cô giáo Hiếu để tiếp tục làm rõ vụ việc… Một loạt những việc mà chính quyền và cơ quan chức năng ở quận Bình Tân triển khai đã được dư luận hoan nghênh vì đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ gia đình cô giáo Hiếu trước những sự đe dọa.
Mỗi câu chuyện là một tình huống khác nhau nhưng cả hai trường hợp này đều có tình cảnh giống nhau là cuộc sống và tính mạng của công dân bị đe dọa. Với chị Trần Thị Bé, sự đe dọa tính mạng là rất rõ và rất cấp thiết cần có sự bảo vệ. Đáng tiếc, chị đã không nhận được sự phản ứng tương xứng từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.
Khi tính mạng bị đe dọa, người dân cầu cứu đến đâu nếu không phải là cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền? Và nếu những cơ quan này không áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ một cách trách nhiệm, quyết liệt và hiệu quả thì người dân còn biết tin và dựa vào đâu?
Dư luận bức xúc
Trước thông tin về cái chết của chị Trần Thị Bé, nhiều bạn đọc đã cho rằng trong vụ án này có phần không nhỏ trách nhiệm của địa phương và cơ quan công an.
Theo bạn đọc Nguyễn Sỹ Hiến, lỗi của chính quyền địa phương và cơ quan công an chính là đã không phản ứng kịp thời, không lường hết hậu quả nên mới xảy ra sự việc đau lòng trên. Bạn đọc Mai Bình cũng khẳng định: “Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc phía công an, lệnh bắt đã được phê chuẩn ngày 13-9 thì phải bắt ngay tức khắc, hà cớ gì đến 16-9 vẫn chưa bắt nên hắn ta mới ra tay giết người tàn độc”.
Bạn đọc Tư Cà phê bức xúc: “Với cách giải quyết theo kiểu “rùa bò” như thế này sẽ còn nhiều người bị đe dọa tính mạng và có đơn thư kêu cứu vẫn bị vong mạng”.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hà cho rằng CQĐT nói đã làm hết biện pháp, làm hết trách nhiệm là không thỏa đáng. “Nạn nhân không thể tự mình phòng vệ nên mới cầu cứu đến các anh. Nếu cần thiết phải canh nhà ông Hùng, đối tượng có lệnh bắt thì các anh cũng phải làm” – bạn đọc này nêu.
V.Thư
Duy Lương
Theo nld.com.vn
Vụ người phụ nữ bị người tình thiêu chết: Công an đã làm hết trách nhiệm!
Nạn nhân đã làm đơn tố cáo bị hành hạ, dọa giết và cầu cứu cơ quan chức năng can thiệp nhưng vẫn bị người tình thiêu chết
Sáng 15-10, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã khám nghiệm tử thi để điều tra vụ Nguyễn Viết Hùng (SN 1973; ngụ xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp) đổ xăng đốt người tình là bà Trần Thị Bé (SN 1978; ngụ xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Theo đơn tố cáo của bà Bé trước khi bị giết, sau nhiều năm ly hôn chồng, năm 2017, bà quen rồi có một thời gian chung sống với Nguyễn Viết Hùng. Trong khoảng thời gian này, Hùng mê cờ bạc, bồ bịch, vũ phu... nên tối 18-8, bà đến phòng trọ của Hùng để đối thoại, chia tay trong ôn hòa. Hùng không đồng ý, khóa cửa phòng rồi lao vào đánh bà, dùng xăng tạt lên người đe dọa châm lửa đốt. Đến rạng sáng 19-8, sau nhiều giờ hành hạ, Hùng cưỡng bức bà Bé mặc cho nạn nhân chống cự quyết liệt.
Bà Trần Thị Bé có đơn cầu cứu cơ quan công an nhưng vẫn bị người tình sát hại
Trao đổi với phóng viên trước khi xảy ra vụ việc, bà Bé cho biết sau khi thỏa mãn thú tính, Hùng thả bà về. Bà đến bệnh viện điều trị vết thương rồi nhờ người viết đơn gửi Công an huyện Đắk R'lấp tố cáo Hùng. Hơn 20 ngày sau, thấy sự việc chưa được giải quyết, Hùng vẫn nhiều lần tới đe dọa cả nhà, ngày 10-9, bà tiếp tục làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp bảo vệ tính mạng của gia đình.
Rạng sáng 16-9, khi vừa mở cửa để bán hàng, bà Bé bất ngờ bị ông Hùng tưới xăng lên người, ôm chặt và châm lửa đốt khiến bà bị phỏng gần 90%, Hùng bị phỏng khoảng hơn 80%. Riêng bà Trương Thị Kính (mẹ của bà Bé) và em Trần Mỹ Duyên (con gái bà Bé) cũng bị phỏng khi lao vào cứu bà Bé. Sau gần 1 tháng điều tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), đến tối 14-10, bà Bé đã tử vong.
Theo VKSND huyện Đắk R'lấp, sau khi nhận đơn của bà Bé, nhận thấy hành vi của ông Hùng có dấu hiệu của tội "Đe dọa giết người". Ngày 12-9, VKSND huyện ban hành văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R'lấp khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người".
Còn theo một lãnh đạo Công an huyện Đắk R'lấp ngày 13-9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R'lấp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam (đã được phê chuẩn) đối với ông Nguyễn Viết Hùng về tội "Đe dọa giết người". Tuy nhiên, khi chưa thực hiện lệnh bắt thì đến ngày 16-9, ông Hùng tiếp tục gây án.
Liên quan đến đơn đề nghị bảo vệ của bà Bé, vị lãnh đạo này cho rằng đã triệu tập đối tượng lên làm việc hằng ngày và yêu cầu cam kết không được tiếp tục vi phạm. Công an cũng giải thích cho bà Bé phải phòng ngừa và kịp thời báo với chính quyền địa phương nếu xảy ra tình huống xấu. "Cơ quan điều tra không thể xuống canh nhà ông Hùng, cũng không thể xuống ôm cô này ngủ! Chúng tôi đã làm hết biện pháp, làm hết trách nhiệm" - vị này nói.
Bức xúc trước cái chết của chị mình, ông Trần Bình (em trai bà Bé) cho rằng cơ quan công an đã chậm trễ nên đối tượng Hùng có cơ hội sát hại bà Bé. "Gia đình tôi mong muốn ngoài việc trừng trị kẻ gây ra cái chết cho chị tôi thì phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ điều tra" - ông Bình nói.
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo quy định, sau khi có quyết định bắt tạm giam (đã được phê chuẩn) thì cơ quan công an phải thi hành ngay để ngăn ngừa hậu quả.
Tuy nhiên, lệnh được phê chuẩn ngày 13-9 nhưng cơ quan công an không thực hiện, để ngày 16-9 đối tượng giết người thì cơ quan công an phải có một phần trách nhiệm.
Bài và ảnh: Cao Nguyên
Theo PLO
Nạn nhân tử vong vì bị người tình thiêu sống Sau khi bị người tình tra tấn đe dọa nạn nhân đã gửi đơn tố cáo và cầu cứu công an. Tuy nhiên đã không kịp. Chị đã bị người tình thiêu sống. Sáng 15-10, Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông khám nghiệm tử thi để điều tra vụ đổ xăng thiêu sống người tình khiến bà Trần Thị Bé (SN 1978,...