Nếu biết sơ cứu khi hóc dị vật, bạn có thể cứu sống con
Phụ huynh cần cảnh giác khi cho trẻ ăn các loại quả vải, nhãn, các loại thức ăn có xương và cần nắm rõ thủ thuật sơ cứu đúng cách nếu muốn con sống sót.
Sự việc thương tâm xảy ra ngày 16/8, bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên bị hóc hạt nhãn tử vong trên đường đến bệnh viện.
Bác sĩ Đặng Thị Mai Anh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A Thái Nguyên) cho biết, khoảng hơn 20 giờ tối 16/8, gia đình đưa cháu bé vào viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định cháu bé đã tử vong từ trước đó. Dù đã được các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Sau đó, gia đình đã đưa cháu bé về nhà ở xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) lo hậu sự.
Trước đó, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 4/7, bé trai hơn 2 tuổi bị hóc hạt vải may mắn thoát chết vì mẹ biết cách xử trí.
Mẹ cháu Huy kể lại: “Dù khi ấy vô cùng sợ hãi nhưng tôi chợt nhớ đến kỹ thuật xử trí dị vật đã từng được xem trên ti vi do các bác sỹ hướng dẫn. Tôi liền cho cháu nằm sấp đầu thấp đồng thời vỗ vào lưng, sau đó cho cháu nằm ngửa và ấn vào vùng ngực của bé mấy nhát. Sau khi thực hiện 2 động tác trên, hạt vải đã bật ra ngoài, sau đó cháu khóc to, đỡ khó thở và tím tái”.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp may mắn như bé Huy không phải nhiều vì nhà bé gần bệnh viện và gia đình biết sơ cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ bị hóc dị vật ngày càng nhiều dù các phương tiện truyền thông đã khuyến cáo. Trên thực tế, trẻ hóc, có bé được cứu sống, phục hồi tốt nhưng có những trẻ không may mắn, bị biến chứng não, thậm chí tử vong trước khi đến viện.
Do đó, đối với trẻ chẳng may bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật này để lấy dị vật. Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần biết thủ thuật Heimlich, đây được xem như thủ thuật tạo ra “thời gian vàng” để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở trẻ.
Nguyên tắc là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
Vì thế, cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo… Thủ thuật Heimlich có hiệu quả từ cú vỗ hoặc cú ép hoành đầu tiên, càng về sau hiệu quả càng giảm dần.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn làm thủ thuật Heimlich theo những bước sau:
Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không
Video đang HOT
- Nếu bé trở nên tím tái, nhanh chóng kiểm tra ngực bé xem chuyển động lên xuống và lắng nghe nhịp thở.
- Nếu bạn nghĩ bé hóc thứ gì đó, cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng con. Nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng.
- Bạn cũng có thể dùng tay kiểm tra mạch đập của bé.
- Nếu trẻ bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến.
Bước 2: Gọi xe cấp cứu
Tốt nhất là nhờ người khác làm việc này, trong khi bạn bắt đầu làm sạch các vật gây nghẹt cho bé.
Bước 3: Vỗ lưng
- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn.
- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).
- Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.
Bước 4: Ấn ngực
- Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.
- Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.
Bước 5: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật
Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Bị khiếu nại mổ còn nguyên khối u, bác sĩ lên tiếng
"Theo tôi, có thể khối u đó tái phát hoặc có khối u khác. Nếu bệnh nhân nói rằng mổ nhầm, thì làm sao chúng tôi có mẫu bệnh là khối u cắt ra để đi làm giải phẫu", GS. Hà Văn Quyết, người thực hiện ca mổ nói.
Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh của ông Trần Văn Phú.
Chiều 16/8, chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Phú, 51 tuổi ở Nghệ An nói: "Hiện tôi rất mệt, tôi sút đúng 10kg thịt kể từ lúc mổ (7/6)".
Ông Phú kể, ông vừa phát hiện có khối u tá tràng kích thước 2cm mặc dù trước đó đã được mổ tại Bệnh viện Bảo Sơn (Hà Nội) do GS.TS.Hà Văn Quyết là người trực tiếp phẫu thuật.
Theo lời ông Phú, sau khi phát hiện khối u ông đã đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại đây, qua các nhân viên bệnh viện, ông được biết GS.TS Quyết là một vị bác sĩ hàng đầu, có uy tín lớn trong ngành điều trị ung bướu. Nhưng khi ông Phú liên lạc với bác sĩ Quyết, ông được bác sĩ yêu cầu sang Bệnh viện Bảo Sơn 2 (52 Nguyễn Chí Thanh, TP. Hà Nội) để phẫu thuật.
Đến ngày 7/6, ông Phú được đưa vào phòng mổ, sau khoảng 2 giờ đồng hồ trong phòng phẫu thuật, bác sĩ Quyết thông báo với người nhà ông Phú về ca mổ đã thành công.
Cũng theo ông Phú, sau khi về Nghệ An bỗng nhiên thấy đau quằn quại. Ngay sau đó, ông quay trở lại Bệnh viện Quốc tế Vinh để chụp chiếu, nội soi siêu âm. Kết quả cho thấy, có khối u trong cơ thể.
Lập tức, ông Phú quay lại Bệnh viện Bảo Sơn và lại phải chụp chiếu, thăm khám lại và được thông báo khối u tái phát cách u đã mổ 1 cm, cần phải mổ sớm.
Trước thông tin này, GS.TS. Hà Văn Quyết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói, ông rất bất ngờ vì ông Phú cho rằng, ông đã mổ nhầm.
Bác sĩ Quyết cho biết, bệnh nhân Trần Quốc Phú đến khám ở bệnh viện Bảo Sơn mang theo kết quả đã xét nghiệm trước đó và vẫn thực hiện khám bình thường. Ông dựa vào kết quả chẩn đoán trước và làm một số xét nghiệm cẩn thận để chẩn đoán.
GS.TS. Hà Văn Quyết thông tin: "Cuộc phẫu thuật không khó khăn gì, khối u được chúng tôi bóc hết. Vì khối u dính tụy, tá tràng nên chúng tôi làm cẩn thận và lấy được khối u. Sau đó, anh Phú được chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân ra viện 1 tuần sau".
Cũng theo GS.TS. Hà Văn Quyết, gần 2 tháng sau, bệnh nhân gọi điện và nói bị đau lại. Bệnh nhân kiểm tra ở bệnh viện trong Vinh nói có khối u ở tá tràng.
"Theo tôi, có thể khối u đó tái phát hoặc có khối u khác. Nếu bệnh nhân nói rằng mổ nhầm, thì làm sao chúng tôi có mẫu bệnh là khối u cắt ra để đi làm giải phẫu", GS.Quyết nói.
Theo GS Quyết, kết quả xét nghiệm giải phẫu ngày 10/6 cho thấy, bệnh phẩm là hạch (u hạch) xám mềm, kích thước 1,8 cm. Khối u hạch này có thể phát triển nhanh, tái phát ngay vị trí hạch cũ hoặc mọc ngay bên cạnh. Vì thế, có thể khối u đã tiềm ẩn ở tá tràng mà cách đây 2 tháng, khi mổ ra chưa sờ thấy.
"Đây là loại u dễ tái phát.", GS.TS. Hà Văn Quyết nói.
Cũng theo GS.Hà Văn Quyết, trường hợp của bệnh nhân Phú nếu mổ lại, có thể khó khăn hơn, phải cắt một phần tá tràng và tụy.
"Với vai trò là bác sĩ, tôi đã làm bằng trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp", GS.TS. Hà Văn Quyết khẳng định.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Bệnh nhân lại bức xúc vì đợi nhân viên y tế nghịch điện thoại Ngày 12/8, anh Nguyễn Sỹ Trung đưa con trai 9 tuổi đi khám bệnh ở Bệnh Viện Đại học Y Thái Bình nhưng phải chờ đợi quá lâu do nhân viên y tế bận nghịch điện thoại. Bức xúc, anh Trung đã chụp lại hình ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Những dòng chia sẻ bày tỏ không thiện cảm trước...