Nếu ai còn oán trách cuộc đời thì nên xem clip này: Dù tật nguyền em vẫn vui vẻ mưu sinh!
Dù không được may mắn lành lặn nhưng hai anh em vẫn vui vẻ dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh khiến ai nấy đều cảm phục.
Hai anh em tật nguyền vừa hát vừa bán vé số (ảnh cắt từ clip)
Hôm nay 15/10, một đoạn clip quay lại cảnh hai cậu bé tật nguyền vừa bán vé số vừa hát trên đường phố được mạng xã hội chia sẻ đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo nội dung clip, hai cậu bé trong clip không đi lại được, phải ngồi trên xe đẩy đi hát dạo và bán vé số để mưu sinh. Dù công việc vất vả nhưng những bài hát được hai em nhỏ cất lên không hề sầu não. Trong ánh mắt của các em cũng chất chứa niềm vui.
Nhiều cư dân mạng cho rằng ánh mắt nụ cười của hai cậu bé như muốn nói với mọi người rằng ông trời ko lấy đi của ai tất cả, tuy không được may mắn lành lặn nhưng hai anh em vẫn vui vẻ dùng lời ca tiếng hát để mưu sinh. Hình ảnh của hai bé cũng là minh chứng cho việc biết vượt qua hoàn cảnh, vượt lên số phận để làm việc.
Chỉ vài phút sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, clip đã nhận được một nghìn lượt like cùng rất nhiều bình luận động viên, ủng hộ.
Facebooker Nguyễn Thọ Hưởng chia sẻ: “Nếu bạn cảm thấy cuộc đời không công bằng thì hãy nhìn vào 2 cậu bé đó để biết mình còn may mắn hơn nhiều người… Nhìn xuống còn nhiều người bất hạnh hơn mình để không phải phàn nàn về cuộc sống còn nhìn lên còn nhiều người hơn mình để biết mà cố gắng…”.
Theo Gia đình Việt Nam
Nỗi đau đeo đẳng của người thân sau các vụ tai nạn giao thông
Nỗi ám ảnh, giày vò của tai nạn giao thông thật khủng khiếp khi nó để lại cho nạn nhân và người thân những nỗi đau cùng cực về thể xác, tinh thần.
Vợ mất chồng, cha mẹ mất con, con mất mẹ cha rồi cả những mảnh đời đang thở dài bên bình ô xy nơi bệnh viện hay những ngày tháng gắn với tật nguyền,... khi tai nạn giao thông đã đẩy họ tới những nỗi đau thể xác, tinh thần cùng cực. Để rồi, nước mắt người ở lại ngày ngày vẫn lăn dài trên khóe mắt.
Nỗi đau mất người thân luôn là những nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mỗi người nhưng nỗi đau của các gia đình sau vụ tai nạn giao thông có lẽ là nỗi đau luôn ẩn đọng nhiều ám ảnh nhất. Bởi một cuộc đời đang đẹp bỗng dưng rớt xuống "hố sâu" của sự nghiệt ngã. Một mái ấm gia đình đang yên vui bỗng dưng bị xé toang, chỉ còn đọng lại nỗi đau.
Mái ấm gia đình đang yên vui bỗng dưng bị đảo lộn gắn với những nỗi đau sau các vụ tai nạn giao thông
Kể từ khi những người thân ra đi, cuộc sống của tất cả các gia đình nạn nhân đều thay đổi quá lớn. Những bữa cơm đầm ấm cả gia đình, những tiếng cười nói của ba, của mẹ, của những đứa con không còn được vẹn toàn. Với những nỗi đau, nỗi ám ảnh, người thân của các nạn nhân vẫn thường xuyên tham gia các buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân.
Ngồi chăm chú thành tâm niệm phật, đôi mắt đỏ quạch, hàng mi thâm quầng, chị Nguyễn Thị Hà (Vĩnh Phúc) cho biết, suốt 6 năm qua, chưa bao giờ nỗi đau mất chồng trong một vụ tai nạn khiến chị nguôi ngoai. Trong giấc ngủ mỗi đêm, chị luôn bị giật mình bởi ký ức kinh hoàng đeo bám trong tâm trí.
"Cách đây 6 năm, anh đã rời xa mẹ con tôi mãi mãi sau một vụ tai nạn. Cũng như mọi người, khi hay tin chồng qua đời, tôi chìm trong đau khổ và không thể nghĩ được gì khác ngoài việc muốn theo chồng ra đi. Ngày anh mất là cái ngày mà có lẽ đến chết tôi cũng không thể quên. Hôm đó, trên đường trở về từ buổi trực ban thay cho bạn đồng nghiệp, một chiếc xe tải cùng chiều bị mất lái đã cướp anh khỏi vòng tay tôi".
Đến giờ, chị Hà vẫn chưa thể tin được chỉ trong chốc lát, người chồng của chị đã yên nghỉ dưới đám cỏ xanh chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của người cầm lái chiếc xe định mệnh. 6 năm trôi qua, những bữa cơm gia đình chị Hà vẫn không quên lấy thêm bát của anh bày trên bàn ăn, chị vẫn nấu những món ăn mà chồng chị ăn thường ngày như là một niềm an ủi "sống sao, chết vậy".
Người thân tham gia lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông
Bác Đỗ Thị Bích, 62 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội hướng ánh mắt xa xăm về khoảng không trước mặt cầu niệm cho cậu con trai duy nhất đã rời xa bác. "Nó là đứa ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn, thương yêu vợ con, chưa bao giờ khiến chúng tôi phải thất vọng. Có ai ngờ rằng, chỉ vì một tài xế xe tải do uống bia, rượu không làm chủ được tốc độ đã cướp đi con của chúng tôi. Để giờ đây vợ chồng tôi mất con, con dâu tôi mất chồng, cháu tôi đeo vành tang mất cha từ khi còn quá nhỏ", bác Bích ngậm ngùi khóc.
Đó chỉ là hai trong số muôn vàn nỗi đau của người thân các nạn nhân tai nạn giao thông. Mỗi năm ước tính nước ta vẫn có vài nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Với những người mẹ, người vợ, người con,...những giọt nước mắt và vành tang trắng vẫn là một lời nhắc nhở, "tử thần" tai nạn giao thông có thể gõ cửa bất cứ gia đình nào chỉ vì thiếu ý thức chấp hành Luật giao thông.
Trong tận cùng sự đau đớn, đã có rất nhiều người phải hối hận: "giá mà tôi cẩn thận hơn", "giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe",... vì thực tế có người đã "nhanh một phút để chậm cả đời". Thay vì hối hận muộn màng đó mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông với ý thức tự giác để dần bớt đi những đau thương mất mát mang tên "tử thần" giao thông.
Nguyễn Hoa
Theo laodongxahoi
Những đứa trẻ bị "giời hành" ở Hà Giang Sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng sau đó nhiều cô bé, cậu bé ở huyện Bắc Mê (Hà Giang) lại bất ngờ mọc thêm một bộ phận sinh dục khác với giới tính ban đầu. Khi có con mắc phải căn bệnh lạ ấy, nhiều gia đình đã bị dân làng xa lánh, coi đó như một thứ xui xẻo....