Nét duyên xôi sắn Hà Nội
Chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nói món xôi sắn của Hà Nội mang mùi sắn rất duyên. Vì thế, không nên ăn món này với thịt băm để tránh bị át mùi.
Món xôi sắn có sắn bào ở LukLak Restaurant
Những miếng sắn nhỏ trắng tinh trên nền xôi mịn, lại được điểm những chấm hành lá nhỏ xanh mướt bóng mỡ. Vị hành lá thơm nhẹ cộng với mùi mộc mạc của sắn. Xôi sắn nguyên thủy là như thế. “Đây là món từ xưa cũ lắm rồi ở Hà Nội. Mỡ hành thêm vào để món ăn thơm ngậy dễ ăn hơn. Cái này chỉ cho hành lá thôi. Hành lá chiên đảo trong mỡ cho thơm hành chứ không được cho hành khô phi vào, sẽ mất ngay mùi sắn”, chuyên gia ẩm thực Việt Nguyễn cho biết. Cũng theo ông Việt, món hành lá phi này thường chỉ được dùng trong xôi sắn và riêu cua.
Ông Việt còn cho biết, xôi sắn chỉ có thời vụ khoảng từ tháng 10 âm lịch tới tháng Giêng của năm sau. “Tại sắn có mùa, chỉ bắt đầu từ tháng 10 âm lịch mới có sắn ngon đủ điều kiện để nấu xôi sắn. Nó phải là sắn bở. Nên nếu muốn bán xôi sắn cũng chỉ bán thời vụ rất ngắn, chừng 3 tháng, chứ không kinh doanh lâu dài được. Chính vì thế nên người ta cũng không bán nhiều”, ông Việt nói.
Video đang HOT
Trong khi đó, chuyên gia ẩm thực Võ Quốc cho biết mình thấy món xôi sắn này khá duyên. Tuy nhiên, ông Quốc tư vấn không nên ăn xôi sắn thêm với thịt băm, vì nó có thể làm át đi mùi thơm nhẹ dịu của sắn. Ở trong Nam thì hay nấu xôi với khoai lang, ăn với muối đậu và mỡ hành. “Món xôi sắn ăn ngon mà. Không cần thịt đâu, vì ăn vậy nó cũng đủ rồi. Cho thịt vào nữa nghe cái mùi thịt nhiều hơn mùi sắn, bị lẫn mùi nhiều quá thì không ngon”, ông Quốc nói.
Quán sang, quán thường
Hiện tại, ở Hà Nội có một quán bán xôi sắn khá lâu ở 40 Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa. Quán xôi sắn này bán sáng từ 6 -10 giờ 30, bán chiều từ 15 – 18 giờ. Buổi sáng quán còn bán kèm thêm nhiều loại xôi lạc đỗ khác. “Thực ra là họ bán xôi các loại, và đến mùa sắn mới bán kèm thêm xôi sắn. Nhiều người đến ăn vì quán bán ổn định, chất lượng đều tay. Chứ còn nói là siêu ngon thì cũng chưa tới mức đó. Trước đây, hàng xôi sắn ở Hàng Giấy rất ngon nhưng nay không còn bán nữa”, ông Việt đánh giá.
Giá bán xôi sắn Ngô Sĩ Liên là 10.000 đồng/gói. Muốn thêm thịt băm, giò, chả thì có thể gọi thêm theo đúng xu hướng thích ăn thịt của thực khách hiện nay. Nói chung khoảng 15.000 – 20.000 đồng là đã có thể ăn no cả xôi cả thịt. Đây cũng là mức giá ăn xôi phổ thông ở Hà Nội. Cũng có hàng bán xôi sắn đi dạo, bán cùng lúc nhiều loại xôi. Xôi sắn bán rong không có thêm thịt và trộn sẵn mỡ hành luôn.
Cũng có một hàng xôi sắn khác, vị đã lai sang miền Nam, khi trộn gạo với lá nếp khi đồ. Xôi có lẫn thêm cả mùi lá nếp. Xôi sắn ở 495 Hồng Hà này có thể gọi ship. Giá tiền 1 suất 20.000 đồng.
Một hàng xôi sắn tuy mới ra đời nhưng khá duyên là xôi sắn ở LukLak Restaurant 4A Lê Thánh Tông, Hà Nội. Vào nhà hàng, xôi sắn ở đây cũng công phu hơn ở vỉa hè. Xôi được nấu bằng nếp Tú Lệ, được phục vụ trong một niêu đất bé xinh. Một niêu xôi như thế có giá 30.000 đồng, bán cả ngày. Điểm thú vị nhất là sắn được bào mỏng. Nhiều người cho rằng như vậy có thể làm giảm độ đậm của sắn, không có cảm giác cắn đẫm vào miếng sắn. Về điều này, chuyên gia Việt Nguyễn cho rằng, công thức nấu trước đây cũng là bào sắn để nấu xôi. “Bào sắn để nấu thì khi đồ lên sắn sẽ dễ tan vị vào xôi hơn. Có thể vừa cắt khúc nhỏ vừa bào sắn mỏng để đồ”, ông Việt chia sẻ.
Mặc dù vậy, theo ông Việt, điểm trừ của xôi sắn là khó giữ độ trắng lâu như lúc mới đồ chín. Việc cân đối độ bở của sắn với độ dẻo mềm của xôi cũng khó. Xôi sắn ăn nóng cũng ngon hơn hẳn so với lúc đã nguội. “Nếu khéo tay và không ngại thì có thể nấu ở nhà để ăn cho vừa ngon vừa đẹp”, ông Việt nói.
Theo Thanhnien
Hai cách nấu xôi sắn ăn hoài không chán
Xôi sắn là một món ăn ngon, chế biến không khó nếu biết một vài bí quyết nho nhỏ.
Nguyên liệu: 2 củ sắn. Nên chọn củ vừa phải, non, vết cắt kiểm tra ở hai đầu củ phải trắng, không có vòng tròn đen do chạy nhựa là sắn tươi mới dỡ. Nửa cân gạo nếp cái hoa vàng. Một bát nhỏ dừa nạo sợi, nước cốt dừa, lạc rang, vừng rang.
Sắn bóc vỏ, cắt thành những miếng nhỏ bằng đốt ngón tay, ngâm nước muối loãng ít nhất 4-5 tiếng đồng hồ hoặc ngâm qua đêm. Trong quá trình ngâm, có thể chắt bỏ thay nước vài lần để loại bỏ chất gây ngộ độc, làm nôn nao khi ăn phải có trong sắn tươi. Gạo nếp ngâm khoảng 5 tiếng trước khi nấu. Vớt gạo và sắn ra rá để ráo nước, trộn lẫn vào nhau với 1 thìa cà phê muối sạch rồi cho vào chõ đồ khoảng nửa giờ là chín.
Xôi sắn ăn kèm với chút muối vừng lại càng ngon.
Nếu nấu bằng nồi cơm điện, theo kinh nghiệm của mình là vẫn nên ngâm gạo, vì nồi cơm điện thường dùng hiện nay đều là loại nồi áp suất, nấu theo cách này vẫn đủ nước mà không bị nhão. Sau khi bỏ gạo, sắn vào nồi cơm điện, chỉ cần cho khoảng 100ml nước vào, bật chế độ nấu cơm tự động là được. Nếu dùng nồi cơm điện kiểu cũ, không ngâm gạo nếp, lượng nước cho vào chỉ trên mặt gạo khoảng 1/2 cm, nhiều quá sẽ nhão, ít hơn cơm nếp sẽ bị sượng ở bề mặt.
Xôi sắn có hai cách chế biến tiếp theo tùy khẩu vị. Cách thứ nhất: Sau khi xôi chín, rưới nước cốt dừa, dừa nạo sợi, 2 thìa đường vào chõ xôi, đảo đều rồi đun trên bếp vài phút nữa. Khi ăn, đơm xôi vào đĩa, rắc lạc, vừng, dừa nạo lên trên. Những người ưa ngọt tất thích cách chế biến này, xôi sắn có vị ngon ngọt, béo bùi, thơm mùi dừa và lạc vừng khiến bữa sáng mở đầu cho ngày mới tràn ngập hương vị phong phú.
Nhưng cũng có người lại không thích kiểu này. Khi bọn trẻ trong nhà lớn lên, người lớn thì già đi, thường ưa cách ăn thanh đạm hơn. Vì vậy có thể làm theo cách thứ hai: Khi đồ xôi, chuẩn bị trước vài củ hành khô, bóc vỏ, thái lát, phi thơm đến xém vàng thì cho thêm hành lá vào đảo vài cái là được. Xôi chín dỡ ra đĩa, rưới chút hành mỡ lên trên ăn khi nóng. Đĩa xôi thơm ngậy, điểm hành khô vàng và hành lá xanh xanh trông rất bắt mắt. Xôi sắn cũng có thể ăn với muối vừng rất ngon. Nếu làm theo cách này và nấu bằng nồi cơm điện, nồi áp suất, không cần cho thêm nước mà chỉ trộn 1 thìa dầu vào gạo, xôi sẽ bóng, dẻo mà không dính nhão.
Theo Sức khỏe đời sống
Cháo lòng, lẩu tteokbokki và 7 món nóng hổi ngày Hà Nội trở lạnh Gió mùa đến, Hà Nội trở lạnh là dịp để bạn cùng cạ cứng lai rai đủ món ngon ấm bụng như lẩu tteokbokki, cháo lòng hay xôi sắn. Cháo vừa dễ ăn lại giúp bạn ấm bụng khi thưởng thức vào mùa lạnh. Trong chuyến food tour Hà Nội những ngày gió mùa, bạn có thể lấp đầy chiếc bụng đói buổi...