Nepal dỡ bỏ lệnh cấm TikTok
Ngày 22/8, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Nepal, ông Prithvi Subba Gurung cho biết Nội các nước này đã bãi bỏ lệnh cấm kéo dài nhiều tháng đối với ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của công ty ByteDance (Trung Quốc).
Biểu tượng ứng dụng TikTok trên màn hình điện thoại di động. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Gurung nêu rõ nội các quyết định bãi bỏ lệnh cấm vì TikTok đã đồng ý tuân thủ các chỉ thị của Chính phủ Nepal đối với các hoạt động truyền thông xã hội sau khi đăng ký hoạt động tại quốc gia Nam Á này.
ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, bày tỏ hoan nghênh quyết định trên.
Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Nepal đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok do lo ngại về các thông tin không phù hợp, trong bối cảnh hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan TikTok đã được ghi nhận tại nước này trong hơn 4 năm trước khi lệnh cấm được ban hành. Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nepal, vào thời điểm ban hành lệnh cấm, tại nước này có 2,2 triệu người sử dụng TikTok.
Nhà chức trách Nepal đã kết nối với một đơn vị đầu mối từ TikTok để hỗ trợ Cục Cảnh sát mạng Nepal truy quét tội phạm và chặn các nội dung xấu độc.
Nepal quyết định cấm TikTok
Ngày 13/11, Nepal thông báo quốc gia này quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok do quan ngại những tác động tiêu cực của ứng dụng này đến sự hòa hợp xã hội của đất nước.
Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Rekha Sharma cho biết lệnh cấm được đưa ra cùng ngày và các cơ quan liên quan đang xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Sharma, lệnh cấm này xuất phát từ việc TikTok thường xuyên được sử dụng để chia sẻ nội dung "gây mất cân bằng xã hội và phá vỡ các cấu trúc gia đình, cũng như các mối quan hệ xã hội".
Nhiều giờ sau khi nhà chức trách công bố quyết định trên, video về lệnh cấm đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên chính ứng dụng này.
Trước đó một vài ngày, Chính phủ Nepal đã ban hành chỉ thị yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động tại nước này phải thành lập văn phòng đại diện.
Theo công ty truyền thông xã hội We Are Social, TikTok - thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) - là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới và thu hút khoảng 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, nền tảng này đang đối mặt với các hạn chế tại nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ.
Chưa có thông tin về người Việt trong vụ lở đất ở Nepal Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á, hiện chưa có thông tin về người Việt Nam trong vụ lở đất hôm 12/7 khiến 2 xe buýt chở khách và tài xế bị cuốn xuống sông ở Nepal. Hiện trường vụ lở đất tại huyện Chitwan, Nepal, ngày 12/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN Các nguồn tin từ Bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán...