Nên làm gì nếu chỉ có hai ngày ở Sa Pa?
Sa Pa đẹp lắm, đẹp theo cách của riêng nó với ruộng lúa bậc thang vàng óng ả mùa chín, quyện lẫn trong mây mù lưng chừng đỉnh núi. Thế nhưng không ít người nuối tiếc vì giờ đây Sa Pa đã không còn là Sa Pa thuần khiết với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng xưa nữa. Vậy nếu chỉ có hai ngày ở vùng đất này, bạn sẽ đi đâu.
Hằng năm, cứ vào mùa du lịch hay lễ hội, huyện Sap Pa chào đón từ 3 vạn đến 5 vạn lượt khách du lịch. Nếu chỉ có một – hai ngày ở đất Sa Pa, Lào Cai, bạn cũng nên cân nhắc những địa điểm phù hợp với nhu cầu. Sau đây là một số gợi ý cho những ai ưa thích trải nghiệm văn hóa vùng cao.
Tất nhiên, điểm đầu tiên mà mỗi du khách dừng chân sẽ là thị trấn Sa Pa với diện tích khá nhỏ nên không khó để bạn chọn lọc địa điểm muốn tham quan. Vào những năm 40, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng thị trấn này thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng, và mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu.
Ở Sa Pa, người ta tìm thấy nhiều cảnh đẹp tự nhiên như Nhà thờ cổ với kiến trúc La Mã, thác Bạc cao chừng 200m, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Fansipan, thung lũng Mường Hoa với bản Tả Van, Lao Chải, và điểm đến hấp dẫn không kém là bản Tả Phìn với những nét đẹp văn hóa người Dao đỏ.
Nhà thờ cổ
Ngay trung tâm thị trấn là Nhà thờ đá cổ đẹp nhất được xây dựng năm 1895. Đây có thể coi là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại thành phố sương mù này.
Nhà thờ cổ Sapa đẹp và lung linh hơn về đêm.
Nhà thờ cổ Sapa với hình dạng và kiến trúc Gotic La Mã – tọa lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, nơi diễn ra những lễ hội đầy màu sắc của phố núi.
Bản Cát Cát
Cách trung tâm thị trấn chỉ 2km, bạn hoàn toàn có thể thong dong tản bộ tới bản Cát Cát – một bản lâu đời của người Mông, nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải.
Khu du lịch Cát Cát chỉ cách trung tâm thị trấn Sapa chừng 2km
Hiện nay, nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát với giá vé vào bản chừng 40.000 đồng; do đó, bạn hoàn toàn có lựa chọn đi thăm quan bản Cát Cát hoặc 2 bản còn lại ở huyện Sapa là bản Tả Van và bản Tả Phìn.
Bản Tả Van
Trải nghiệm lái xe máy trên quãng đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, dốc cao và có khi là trơn trượt chừng 11 km từ trung tâm thị trấn dọc theo thung lũng Mường Hoa tới Bản Tả Van quả thực sẽ vô cùng đáng nhớ với những du khách ưa khám phá.
Tháng 9 đang vào mùa lúa chín nên bạn sẽ tiếc hùi hụi nếu không dành thời gian ghé qua thung lũng Mường Hoa với những ruộng bậc thang vàng ươm óng mượt màu lúa chín hòa lẫn mây mù trên đường tới bản Tả Van – nơi chứa đựng những nét tinh túy của văn hóa người Mông và người Giáy ở Sa Pa.
Thung lũng Tả Van trên đường tới bản Tả Van
Bạn hoàn toàn có lựa chọn nghỉ tối tại homestay ở Tả Van để hiểu thêm cuộc sống và sinh hoạt của hai dân tộc này. Trước đó bạn nhớ ghé tới Cầu Lao Chải, Tả Van, Bãi đá cổ Sa Pa với hàng trăm tảng đá Sa Thạch của người Việt cổ, và tranh thủ ghé tới các trường tiểu học để có thể tự cảm nhận được sự hồn nhiên từ trong ánh mắt những trẻ nhỏ vùng cao.
Video đang HOT
Những em nhỏ với ánh mắt và nụ cười hồn nhiên tại điểm trường tiểu học Lý Lao Chải.
Nếu bạn chọn nghỉ lại nhà dân ở Tả Van thì sáng hôm sau có thể lên đường về thị trấn Sa Pa để đi tham quan một số địa điểm khác như Thác Tình Yêu, cổng Trời, Thác Bạc, hay đỉnh đèo Ô Quy Hồ.
Bản Tả Phìn
Nhưng có lẽ nếu chỉ có một khoảng thời gian ngắn thì bạn nên lựa chọn tới các bản xa trung tâm thị trấn để hòa mình vào với những giai điệu đậm đà của văn hóa dân tộc Dao đỏ ở bản Tả Phìn – nơi cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17 km về hướng Đông.
Thời điểm thích hợp nhất để bạn trở về từ Tả Phìn là chiều tối – vào ngày đẹp trời sẽ có hoàng hôn và chắc hẳn bạn sẽ vô cùng thích thú khi thu trọn được mặt trời lặn trong ống kính của mình.
Tu Viện Tả Phìn giờ chỉ còn là phế tích qua lớp bụi thời gian.
Tuy giờ chỉ là phế tích, còn lại với thời gian là những bức tường đá nhưng tu viện vẫn giữ những giá trị văn hóa và nét kiến trúc độc đáo thời thuộc Pháp đằng sau những lớp bụi thời gian phong kín.
Sau đó, đừng ngần ngại theo chân những phụ nữ Dao đỏ thì sâu vào khám phá bản làng của họ với các loại nhà đất, tục tắm lá thuốc của người Dao đỏ nổi tiếng hiệu nghiệm để chữa các bệnh đau nhức, và tìm hiểu thêm về nhiều phong tục độc đáo khác của họ.
Theo chân những phụ nữ Dao đỏ vào khám phá bản làng của họ
Chợ đêm Sapa
Tạm biệt bản Tả Phìn, bạn lại có cơ hội cực “phiêu” trên cung đường vòng vèo, có khi là dốc thẳng đứng hơi rợn người nhưng rất đáng thử thách lòng quả cảm của mình để trở về thị trấn Sa Pa trong phiên chợ tình Sa Pa vào đêm thứ 7. Hoặc nếu không may mắn đi vào đêm thứ 7 thì bạn hoàn toàn có thể tới chợ đêm ngày thường diễn ra sôi động khu Nhà thờ cổ với nhiều loại hoa lan, dao kéo nổi tiếng của người Mông hay các loại hoa quả đa dạng từ lê, đào, táo mèo… đến các loại hạt như hạt dẻ, hạnh nhân, và thậm chí có những món đồ bạn chưa từng biết.
Sau đó, đừng quên vòng qua Bờ Hồ để thưởng thức đồ nướng vào buổi đêm lạnh Sa Pa. Mặc dù giá sẽ khá cao nhưng cũng đáng thưởng thức món nướng giúp bạn ấm bụng sau hai ngày rong ruổi phố thị này.
Trên đây là một số địa điểm du lịch nổi bật và vẫn còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất vốn được mệnh danh là “bạt ngàn xứ tiên” dành cho những ai có rất ít thời gian để khám phá. Nếu có cơ hội ở lâu hơn, bạn hoàn toàn có thể thuê xe máy hoặc bắt xe bus từ thị trấn Sa Pa về Chợ tình Bắc Hà – chợ phiên thuộc loại lớn nhất vùng cao biên giới – để hòa mình vào không khí của phiên chợ tình đêm chủ nhật ở phố núi và tham quan dinh Hoàng A Tưởng.
Theo CitiNews
4 ngày dịp lễ khám phá Lào Cai - Sa Pa
Nhắc đến Lào Cai - một tỉnh vùng cao biên giới giáp Tây Bắc, nhiều du khách nghĩ ngay đến thị trấn Sa Pa. Nhưng Lào Cai còn rất nhiều vùng đất đẹp và thú vị không kém.
Thời gian thích hợp để thăm Lào Cai là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hay có mưa, du khách có thể gặp đôi chút bất tiện trong việc tham quan.
Từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển đến Lào Cai bằng rất nhiều phương tiện như tàu hỏa, xe khách, ôtô du lịch, xe máy,...
Gợi ý lịch trình: Ngày 1: Thành phố Lào Cai - Bắc Hà
3h: Đến thành phố Lào Cai, nhận phòng, nghỉ ngơi.
6h: Thuê xe máy, ăn sáng.
7h: Khởi hành đi Bắc Hà, tham quan thị trấn Bắc Hà (cách thành phố Lào Cai 76km), dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, vườn mận (ảnh), lò nấu rượu ngô truyền thống ở Bản Phố.
Thị trấn Bắc Hà của Lào Cai.
12h: Ăn trưa.
13h: Quay về thành phố Lào Cai, tham quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nhà thờ Cốc Lếu.
17h: Dạo bộ hóng mát ven sông, ngắm hoàng hôn buông trên thành phố.
Ngày 2: Sa Pa
6h: Di chuyển đến thị trấn Sa Pa (ảnh).
7h: Chinh phục Fansipan bằng cáp treo, tham quan thác Tình Yêu, núi Hàm Rồng, ngắm toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ.
Ngọn đèo Ô Quy Hồ uốn lượn là một thắng cảnh hấp dẫn.
12h: Ăn trưa ở thị trấn Sa Pa.
13h: Tham quan nhà thờ Đá, khám phá thị trấn.
16h: Di chuyển đến bản Tả Van, cách trung tâm thị trấn 7 km. Trên đường đi, du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (ảnh).
Đường tới Tả Van.
17h: Tham quan bãi đá cổ với những hoa văn trên đá với nhiều hình thù như bậc thang, hình người, con đường, chữ viết,.. là bằng chứng cho thấy sự có mặt của người tiền sử ở Lào Cai. Nhận phòng ở bản Tả Van. 19h: Ăn tối cùng gia đình người Mông, người Dáy ở Tà Van, tìm hiểu nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây.
Ngày 3: Y Tý
7h: Khởi hành đi Y Tý, cách Sa Pa 80 km. Đường dốc và hẹp tương đối khó đi, tốn nhiều thời gian di chuyển. Trên đường đi, du khách sẽ đi qua Mường Hum (ảnh) và không khỏi bất ngờ trước sự phát triển của nơi đây. Mường Hum là một xã của huyện Bát Xát, vừa hùng vĩ với những thửa ruộng bậc thang cao ngất, lại vừa có những công trình hiện đại không khác một thị trấn nhỏ.
12h: Ăn trưa tại Y Tý
13h: Tham quan bản của bà con dân tộc Hà Nhì, các bản Lao Chải, Sín Chải, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường (ảnh) như những cây nấm mọc giữa thung lũng, mát về mùa hè, ấm vào mùa đông.
17h: Khi hoàng hôn buông xuống, cả thung lũng Y Tý như lơ lửng trên mây (ảnh).19h: Ăn tối, sinh hoạt lửa trại.
Ngày 4: Săn mây
5h: "Đặc sản" Y Tý chính là những biển mây bồng bềnh. Du khách cần dậy thật sớm, di chuyển đến Ngải Thầu Thượng (ảnh), cách trung tâm xã Y Tý khoảng 5 km, vượt qua sương giá, kiên nhẫn chờ đợi, rồi vỡ òa trước cảm giác đứng cao hơn cả bầu trời.
9h: Rời khỏi Ngải Thầu Thượng, về lại thành phố Lào Cai theo hướng A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường.
10h: Ghé thăm Lũng Pô, cột mốc 92, nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt.
12h: Nghỉ ăn trưa tại Trịnh Tường
14h: Về đến thành phố Lào Cai, trả xe máy, quay về Hà Nội, kết thúc chuyến đi.
Tất cả các điểm tham quan ở Lào Cai đều có khách sạn hoặc nhà nghỉ, homestay sạch đẹp, giá cả phải chăng . Ngoài ra, nếu muốn, du khách hoàn toàn có thể mang theo lều và cắm trại qua đêm.
Đến Lào Cai, du khách nên thử qua món thắng cố ngựa, cá tầm nuôi trong những hồ nước lạnh ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, lợn cắp nách, và đặc biệt, là món tóp mỡ chế biến theo công thức của đồng bào dân tộc Mông, cùng bạn bè thưởng thức chén rượu ngô cay nồng trong cái lạnh se sắt của miền núi.
Theo Zing News
Ngắm cung đường Sa Pa - Y Tý đẹp rực rỡ mùa lúa chín Y Tý mùa lúa chín đẹp rực rỡ đến nao lòng, nhất là trong tiết trời thu mát dịu, gió nhẹ và nắng vàng trong như mật ngọt. Khi thu sang, tiết trời trở nên dịu mát với gió nhẹ và nắng vàng như mật. Đó cũng là lúc những cánh đồng ruộng bậc thang chín vàng bao phủ khắp vùng đồi núi...