Nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa thổi bùng cơn sốt mua vàng
Kết thúc năm 2022 với xu hướng tăng kéo dài sang tháng 1/2023, nhu cầu tiêu thụ vàng của Trung Quốc tăng trở lại vào tháng 2, do nền kinh tế tiếp tục phục hồi thời hậu mở cửa.
Vàng miếng được sản xuất tại Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Lượng vàng xuất khỏi Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) đã đạt tổng cộng 169 tấn trong tháng 2. Điều này phản ánh nhu cầu bán buôn mạnh mẽ và là dấu hiệu cho thấy sức phục hồi của thị trường vàng lớn nhất thế giới này.
Lượng vàng rút từ SGE trong tháng 2 tăng 30 tấn so với tháng trước và tăng 76 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Con số đó là mức tăng mạnh nhất về nhu cầu vàng bán buôn trong tháng 2 kể từ năm 2014 đến nay.
Hội đồng Vàng Thế giới đã chỉ ra hai động lực chính khiến nhu cầu vàng mạnh mẽ trong tháng 2 vừa qua tại Trung Quốc gồm: Tiêu dùng ổn định trong bối cảnh kinh tế phục hồi; Hoạt động bổ sung hàng hóa của các nhà bán lẻ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Video đang HOT
Sau nửa đầu năm 2022 yếu kém, nhu cầu vàng ở Trung Quốc tăng mạnh trong nửa cuối năm khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Với nhu cầu phục hồi trong hai quý vừa qua, Trung Quốc đã nhập khẩu 1.343 tấn vàng vào năm 2022 – mức nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2018. Tổng lượng vàng nhập khẩu trong năm tăng 64% so với năm 2021.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 đã giúp thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vàng năm ngoái và kéo sang năm 2023. Trung Quốc đã trải qua đỉnh dịch COVID-19 vào tháng 12/2022. Ngay sau đó, các hoạt động kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã hồi sinh vào tháng 1/2023.
Sức phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc được chứng minh bằng việc Chỉ số quản lý mua hàng toàn diện (PMI) chính thức tăng lên 56,4 vào tháng 2. Đây là chỉ số PMI cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2017. Hoạt động sản xuất được mở rộng nhiều nhất kể từ tháng 4/2012 và chỉ số PMI dịch vụ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 22 tháng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã nối lại hoạt động mua vàng chính thức vào tháng 11/2022. Vào tháng 2/2023, cơ quan này lại bổ sung thêm 25 tấn vào kho dự trữ của mình. Vàng hiện chiếm 3,7% tổng dự trữ của Trung Quốc.
Trong bốn tháng qua, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng thêm 102 tấn, dựa trên các con số được báo cáo chính thức.
Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng trên thực tế, Trung Quốc hiện nắm giữ nhiều vàng hơn nhiều so với con số chính thức tiết lộ. Nhiều người suy đoán rằng Trung Quốc có thể sở hữu hàng nghìn tấn vàng “ngoài sổ sách” tại Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE).
Nếu sự phục hồi này trên thị trường vàng Trung Quốc tiếp tục rõ rệt hơn vào năm 2023, nó sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng toàn cầu nói chung. Nhu cầu vàng trên toàn thế giới đã tăng 18% lên 4.741 tấn vào năm 2022, mức cao kỷ lục trong 11 năm qua.
Việc mua vàng cũng được coi là phản ánh sự biến động ngày càng tăng của thị trường toàn cầu, khi những suy đoán về suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới ngày càng mạnh mẽ.
Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, sử dụng 1.100 tấn vào năm ngoái. Kim loại này có ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, nhưng khoảng 80% vàng được sử dụng trong công nghiệp được sử dụng cho thiết bị điện tử, nhờ đặc tính dẫn điện và khả năng chống xỉn màu của nó. Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, cung cấp 36% tổng sản lượng hàng năm.
Tổng thống Brazil thăm Trung Quốc nhằm thắt chặt hợp tác kinh tế
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Brazil thông báo Tổng thống nước này Luiz Inácio Lula da Silva sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 26-31/3, theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Brasilia, ngày 2/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Eduardo Paes Saboia, khẳng định Chính phủ Brazil mong muốn thắt chặt hơn nữa hợp tác kinh tế, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ thương mại đa dạng hơn với Trung Quốc.
Cũng theo ông Saboia, Tổng thống Lula da Silva sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 28/3, trong đó hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký và trao nhận hơn 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kiểm dịch thực vật, công nghệ, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực hợp tác khác trong khuôn khổ liên kết chiến lược song phương ký kết từ năm 2002.
Một ngày sau đó, ông Lula da Silva sẽ tham dự Diễn đàn kinh doanh Trung Quốc - Brazil với sự tham gia của khoảng 400-500 doanh nghiệp hai bên, trong đó có 240 doanh nghiệp đến từ nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Lula da Silva sẽ tới thăm thành phố Thượng Hải vào ngày 30/3 và có buổi làm việc tại trụ sở của Ngân hàng phát triển mới (NDB) thuộc Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi). Tại cuộc họp với các đối tác BRICS này, ông Lula da Silva dự kiến sẽ chính thức đề cử cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đảm nhận chức Chủ tịch NDB, thay ông Marcos Troyjo đã được chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (2019-2022) đề cử.
Theo dữ liệu do Chính phủ Brazil vừa công bố, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2022, với kim ngạch đạt hơn 91,2 tỷ USD. Không chỉ vậy, Brazil cũng nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc với hơn 61,5 tỷ USD. Thương mại giữa hai nước không ngừng tăng mạnh trong những năm gần đây, kể từ khi Tổng thống Lula da Silva thực thi chính sách mở rộng quan hệ hợp tác không chỉ với các nước Mỹ Latinh và châu Phi mà còn với các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc ghi nhận số liệu tích cực Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/3 thông báo trong 2 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của nước này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược sự sụt giảm trong 3 tháng trước đó. Đây là một chỉ số quan trọng về sức mua của nền kinh tế lớn thứ hai...