Nền kinh tế Triều Tiên quy mô và bí ẩn thế nào?
Sự mập mờ về nền kinh tế của Triều Tiên khiến các nhà kinh tế phải ước tính dựa trên ảnh chụp vệ tinh, ảnh nhiệt và cả hệ thống tình báo.
Bên trong một xưởng sản xuất hàng may mặc của Triều Tiên. Ảnh: Star.Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12.6 được kỳ vọng sẽ thuyết phục Triều Tiên mở cửa nền kinh tế nổi tiếng bí ẩn này.
Triều Tiên đã ngừng công bố các số liệu thống kê chi tiết từ thập niên 60. Bốn thập kỷ qua, báo cáo ngân sách quốc gia hàng năm của nước này chỉ tiết lộ vài con số về nguồn thu và chi tiêu.
Sự khan hiếm thông tin khiến các nhà kinh tế không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết hợp những gì được công bố với ước tính về sản lượng công nghiệp, nông nghiệp dựa trên ảnh chụp vệ tinh, ảnh nhiệt và cả hệ thống tình báo.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc được coi là nguồn dữ liệu đáng tin cậy nhất về nước này. Họ sử dụng số liệu do Chính phủ cung cấp, kết hợp với cơ quan tình báo để đưa ra các con số ước tính. Lee Seog-Ki – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thương mại và Kinh tế Công nghiệp Hàn Quốc cho biết các thông tin này rất đa dạng, từ lưu lượng nước chảy qua đập, khói thải ra từ các ống khói đến diện tích ruộng lúa.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Triều Tiên, theo số liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên hợp Quốc (UN) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) qua các năm
Trong giai đoạn 26 năm trở lại đây, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc luôn ước tính kinh tế Triều Tiên lớn hơn 1,8 lần so với con số Liên Hợp Quốc đưa ra. Các cơ quan này đều thừa nhận sự chênh lệch lớn là do có quá nhiều dữ liệu không chắc chắn.
Các số liệu thương mại cũng không đáng tin cậy hơn là bao, dù các đối tác thương mại với Triều Tiên đều phải công bố kim ngạch xuất nhập khẩu. Có nhiều lý do cho việc này, như các chính phủ thi thoảng vẫn xếp lẫn hai miền Triều Tiên khi ra báo cáo, hoặc họ muốn giấu để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Đã có sự thay đổi
Khi nhắc đến Triều Tiên, không ai nghĩ ở đây có tiệm pizza, quán café hay quán bar. Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này đã có những thay đổi lớn.
Bên trong một quán bar ở Triều Tiên.
Video đang HOT
Số người sử dụng điện thoại di động ở Triều Tiên tăng 11% trong năm 2016, lên cao nhất từ trước đến nay. Hiện cứ 100 người, lại có 14 người dùng điện thoại.
Sản lượng lương thực tăng từ 4,5 triệu tấn lên 4,8 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng khai thác than và quặng sắt tăng lần lượt 13% và 7%, lên gấp 10 lần Hàn Quốc.
Dù vậy, GDP đầu người tại đây chỉ bằng 4,5% so với nước láng giềng. Tổng kim ngạch thương mại cũng chỉ chưa bằng 1% Hàn Quốc.
Các số liệu trên được Statistics Korea – cơ quan thống kê Hàn Quốc đưa ra dựa trên thông tin từ các tổ chức địa phương và quốc tế. Một số lấy từ nguồn ước tính gián tiếp, do thiếu thông tin.
ĐỖ PHƯƠNG
Theo Laodong
Kinh tế Triều Tiên "thay da đổi thịt" dưới thời ông Kim Jong-un
Nhiều ý kiến cho rằng lý do khiến chính quyền Kim Jong-un chấp nhận đàm phán với Mỹ là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giới phân tích đã đưa ra những đánh giá tích cực về nền kinh tế Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi thăm nông trại tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Triều Tiên từng là mục tiêu của một loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, từ thương mại cho tới đi lại, trong suốt một thập niên. Lệnh trừng phạt mạnh tay nhất được đưa ra vào tháng 9/2017 khi hạn chế đáng kể nguồn cung dầu thô cho Bình Nhưỡng.
Chỉ 6 tháng sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không đưa ra điều kiện đi kèm. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Nhật Bản tin rằng các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến nền kinh tế vốn bị đình trệ của Triều Tiên ngày càng trở nên suy sụp hơn, từ đó buộc chính quyền Kim Jong-un phải "xuống thang" căng thẳng.
Mặc dù vậy, có những bằng chứng cho thấy nền kinh tế của Triều Tiên vẫn ổn định trong những năm gần đây. Trong khi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc tìm cách kìm hãm sự phát triển của Triều Tiên, quốc gia Đông Bắc Á này đều không cho thấy có dấu hiệu của nạn đói hay bị sụp đổ.
Những dữ liệu đáng tin cậy về Triều Tiên rất khó để có thể tiếp cận. Tuy nhiên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy đất nước này đã có sự cải thiện đáng kể từ sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi tháng 12/2011, ít nhất từ trước khi các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực từ năm nay.
Bên trong một cửa hàng bán thực phẩm tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Theo Park En-na, Đại sứ Hàn Quốc phụ trách ngoại giao công, bức tranh toàn cảnh cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang ngày càng tốt lên.
"Ông Kim Jong-un đã mang nhiều yếu tố mới cho nền kinh tế Triều Tiên. Trong phạm vi nhất định, họ thậm chí còn cho phép sự tư nhân hóa", Đại sứ Park cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên, đồng thời nới lỏng sự quản lý của chính phủ đối với các ngành kinh doanh và công nghiệp. Năm 2012, ông Kim hối thúc các công ty và nhà máy tăng cường năng suất làm việc và chỉ một năm sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cho thành lập 13 đặc khu phát triển kinh tế mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhiều cải cách theo định hướng kinh tế thị trường cũng được triển khai vào năm 2014 nhằm tự do hóa hơn nữa nền kinh tế. Ngoài ra, việc nâng cao mức sống cho người cho người dân hiện là ưu tiên quốc gia của Triều Tiên.
Nền kinh tế phát triển
Những tòa nhà cao tầng tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AP)
Chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế của Triều Tiên bắt đầu nổi lên từ tháng 4 khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ chuyển từ chính sách "byungjin", trong đó phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân, sang chính sách mới chỉ tập trung phát triển kinh tế.
Mặc dù hiệu quả trực tiếp từ các quyết định cải cách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất khó để đong đếm, song có một vài chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên thực sự đã có sự tiến triển.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ước tính nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng trung bình 1,24% kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền cách đây 7 năm. Reuters dẫn số liệu thống kê của ngân hàng trên cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 3,9% so với năm 2015, đạt mức 32.000 tỷ won (khoảng 28,5 tỷ USD). Theo đó, 2016 là năm kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999 - khi nền kinh tế của nước này tăng 6,1%.
Các chỉ số thương mại của Triều Tiên cũng cho thấy các dấu hiệu mở rộng của nền kinh tế từ năm 1996.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên gồm khoáng sản, sản phẩm luyện kim và hàng hóa sản xuất, trong đó có sản xuất vũ khí. Trong khi đó, mặt hàng nhập khẩu chính là xăng dầu, than cốc và máy móc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên tăng trung bình hàng năm từ 4-5% trong khi nhập khẩu tăng 3-5% mỗi năm. Nền kinh tế Triều Tiên gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc - đối tác và đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng. Năm 2016, Trung Quốc chiếm 85,6% kim ngạch xuất khẩu và 90,3% nhập khẩu của Triều Tiên, theo báo cáo của CIA.
Hãng phân tích thị trường IHS Markit ước tính thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã tăng lên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Năm 2012, Trung Quốc chiếm 81% trong hoạt động thương mại của Triều Tiên. Tới năm 2016, con số này tăng lên 91%.
Thương mại giữa hai quốc gia láng giềng giảm 10,5% trong năm 2017 khi Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy vậy, tác động tổng thể của sự sụt giảm này cho đến nay vẫn chưa được thấy rõ trong nền kinh tế Triều Tiên.
Điều kiện sống ổn định
Người dân Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại quảng trường ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Giới quan sát quốc tế nhận định điều kiện sống tại Triều Tiên dường như vẫn ổn định.
David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đã có chuyến đi chính thức tới Triều Tiên hồi tháng trước. Ông tới thăm 3 nơi là thủ đô Bình Nhưỡng, huyện Siwon thuộc tỉnh Nam Hwanghae và thành phố Sinuiju thuộc tỉnh Bắc Pyongan. Theo ông Beasley, không còn dấu hiệu nào cho thấy nạn đói và suy dinh dưỡng còn tồn tại ở Triều Tiên.
"Tôi không còn thấy nạn đói nữa. Trong thập niên 1990, Triều Tiên từng xảy ra nạn đói nhưng giờ tôi không còn thấy điều đó nữa", ông Beasley cho biết.
Từ năm 1994-1998, khoảng 240.000 đến 3,5 triệu người Triều Tiên được cho là đã bị chết vì đói hoặc do mắc các bệnh liên quan tới nạn đói. Tuy vậy, theo khảo sát của WFP năm 2012, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Triều Tiên đã giảm từ 32,4% xuống còn 27,9% kể từ năm 2009.
"Tôi đã chứng kiến tinh thần lạc quan từ giới lãnh đạo và cả những người dân Triều Tiên mà tôi có dịp được gặp. Họ hy vọng rằng Triều Tiên sẽ bước sang một chương mới trong lịch sử", ông Beasley nói thêm.
Chun Byung-gon, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho biết các điều kiện sống ở Triều Tiên dường như đang được cải thiện.
"Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên đã có sự cải thiện khi nước này từng bước áp dụng một số mặt của nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, vẫn có những hạn chế cản trở nền kinh tế Triều Tiên cất cánh do nước này vẫn đang trong tình trạng bị cô lập. Nếu không có sự trao đổi về vốn và công nghệ từ nước ngoài trong môi trường quốc tế, nền kinh tế Bình Nhưỡng không thể tiến xa được", nhà nghiên cứu Chun Byung-gon nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên thực sự cần "món quà" viện trợ kinh tế của Mỹ? Trong lúc giới chức Mỹ và Triều Tiên tất bật chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế của Washington. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim...