Nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Bài viết “Đổ xô học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp” trên Tuổi Trẻ ngày 27-2 nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ chứng chỉ này vì không cần thiết và gây mất thời gian, tiền bạc của giáo viên.
Nhiều nơi quảng cáo các lớp học cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với học phí từ 2,5-3,5 triệu đồng – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Xin trích đăng:
* Kiến thức không có gì mới
Tôi là giáo viên cấp II. Tôi có bằng đại học ở ngạch giáo viên THCS hạng II. Hiện nay muốn giữ hạng và hưởng bậc lương mới có hiệu lực từ ngày 20-3, tôi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Không phải “thăng hạng”, mà chỉ đơn thuần là “giữ hạng”.
Mới đây, trường tôi công tác và các trường bạn réo gọi nhau đăng ký các lớp bồi dưỡng chứng chỉ đang mở ra tấp nập ở một trường đại học và cao đẳng sư phạm. Một khóa học online 5 buổi được giới thiệu với giá 2,5 triệu đồng.
Nếu là cựu sinh viên của trường cao đẳng, chỉ cần đem bằng cao đẳng đến là được giảm 10% chi phí. Rồi nếu kêu gọi giáo viên đăng ký cùng nhau khoảng 20 người thì tiếp tục được giảm học phí…
Những lời “bỏ nhỏ”, “rỉ tai” nhau về việc 5 buổi học online chỉ cần có mặt điểm danh 1-2 buổi và nộp tiền đủ là chứng chỉ về tay. Quả thật, việc tuyển sinh khóa học cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mấy hôm nay như một bức tranh đầy bi hài.
2,5 triệu đồng cho một chứng chỉ để hoàn tất hồ sơ “giữ hạng”, gần bằng nửa tháng lương đối với nhà giáo có thâm niên công tác khoảng chục năm, là cái giá khá đắt.
Đó là chưa kể 5 buổi học online với những nội dung kiến thức mà chúng tôi đã hoàn tất khóa học là không có gì mới.
Thanh Nguyễn
* Lãng phí số tiền lớn
Thông tư mới bắt buộc giáo viên học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tùy thuộc vào hạng đang giữ. Chương trình học không phải là kiến thức chuyên môn và nhiều nội dung đã học trong chương trình đào tạo giáo viên.
Do vậy, việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là không cần thiết. Việc học chứng chỉ này không phải nâng cao nghiệp vụ, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư.
Từ tình hình thực tế cuộc sống, yêu cầu nghề nghiệp, mong muốn chính đáng của thầy cô giáo là bỏ quy định phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không thật cần thiết. Việc này tránh được sự lãng phí số tiền lớn của thầy cô phải bỏ ra học lấy chứng chỉ để cho đủ hồ sơ nhưng không thiết thực.
Nguyễn Văn Lực (giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
* Điều chỉnh thông tư theo hướng mở
Video đang HOT
Thật ra vấn đề về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, song khi đó không được quy định cụ thể và chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.
Đến các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 của Bộ GD-ĐT thì lại khác. Giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới. Mỗi chứng chỉ được “định giá” dao động 2,5 – 3,5 triệu đồng tùy theo sự nhanh, chậm, nhẹ nhàng hay khó khăn của lớp học.
Học hay không học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Bản thân người viết từng tham gia một lớp chứng chỉ giáo viên hạng 1 và xin được chủ quan đánh giá rằng nó chẳng có một chút hiệu quả, tác dụng nào đối với công tác giảng dạy của mình. Nhưng không học liệu sẽ đi đâu, về đâu?.
Vậy là giáo viên tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm các văn bằng, chứng chỉ của mình mà không biết rằng đến khi nào nó mới kết thúc. Việc Bộ GD-ĐT viện dẫn Luật viên chức và các văn bản liên quan về quy định chức danh nghề nghiệp là hoàn toàn đúng. Song luật hay các văn bản pháp luật khác cũng phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.
Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 theo hướng cởi mở sau: Thứ nhất, chỉ quy định cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng cao hơn. Thứ hai, có quy định miễn giảm chứng chỉ này đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu.
Thứ ba, trường hợp những giáo viên đã học các chứng chỉ ở mức cao hơn theo các quy định trước đây thì không cần học lại (ví dụ: giáo viên hạng 2 nhưng có chứng chỉ hạng 1 thì không cần học lại chứng chỉ hạng 2).
Cuối cùng, có hướng dẫn cụ thể về quy trình, đối tượng, thời gian thi, xét thăng hạng sớm vì hiện nay có rất nhiều trường, cơ sở giáo dục đang rầm rộ tuyển sinh, tạo nên một tâm lý đám đông rất lớn trong đội ngũ giáo viên.
Nguyễn Ngọc Triêm (giáo viên Trường THCS Phan Châu Trinh, Nông Sơn, Quảng Nam)
Nhiều bạn đọc đã bình luận trên Tuổi Trẻ Online về câu chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp:
* Tôi đi dạy từ năm 1993 đến nay gần 30 năm, tóc đã bạc, 54 tuổi mà vẫn phải đăng ký học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng 2. Nếu không thì bị xuống hạng 3 và các hệ lụy khác về chế độ của tôi và nhiều giáo viên khác bị ảnh hưởng, nhất là tuổi chỉ còn vài năm nữa nghỉ hưu.
Nguyễn Văn Điền
* Tôi đã có 40 năm trong nghề dạy học, trong đó có 30 năm làm cán bộ quản lý. Bản thân tôi đã hoàn thành không biết bao nhiêu chứng chỉ, nào là bồi dưỡng thường xuyên, tin học A, Anh văn A rồi B…
Giờ muốn giữ hạng II tôi phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Mệt mỏi mấy cái vòng trói cột giáo viên quá. Mong Bộ GD-ĐT xem xét bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như tiếng Anh và tin học để giáo viên an tâm nghiên cứu đầu tư giảng dạy sao cho hiệu quả.
tamtranvan
Tôi đã phải đóng tiền học rồi
Tôi đã đi học và lấy chứng chỉ rồi. Các chuyên đề của khóa học xoay quanh nội dung về quản lý nhà nước, Luật giáo dục, cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam, đổi mới giáo dục phổ thông… Những nội dung này chúng tôi đã biết, đã học trong các khóa tập huấn, bồi dưỡng trước đó rồi. Sau khóa học thì học viên tự làm bài thu hoạch ở nhà rồi nộp cho giảng viên. Người nào siêng thì tự viết, người nào bận rộn quá thì tham khảo bài viết của các đồng nghiệp đã học khóa trước để được cấp chứng chỉ. Thế nên nếu nói là học cho xong, học để hợp thức hóa… cũng không sai.
Một giáo viên ở Q.3, TP.HCM
Có giáo viên "hoang mang" về quy định chứng chỉ trong Thông tư 02
Những ngày qua, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được thư của bạn đọc nhờ giải đáp về việc giữ hạng và học một số chứng chỉ để giữ hạng.
Giáo viên "hoang mang" việc học hay không học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Bạn đọc Th.L. là giáo viên tiểu học ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có thư gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như sau:
"Hiện tôi rất hoang mang khi Bộ ban hành Thông tư số 02/2021/TT- BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.
Bởi, tại điểm b, khoản 3- Điều 4: giáo viên tiểu học hạng II- Mã số ( V.07.03.28) hướng dẫn: "Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiều học hạng II"...
Tại điểm c, khoản 1, Điều 7 hướng dẫn: "giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07), được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học hạng II (mã số .07.03.28).
Nhưng, tới khoản 3 lại hướng dẫn: "giáo viên Tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07), chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo Quy định tại điều 4 của Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học hạng III ( mã số V.07.03.29)
Vậy cho tôi hỏi hiện tại tôi là giáo viên tiểu học hạng II, nhưng còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II thì tôi có bị xuống giáo viên tiểu học hạng III ( mã số V.07.03.29) không?
Trước đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đưa tin là Bộ Giáo dục có văn bản số 2814/BGD& ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức...
Vậy, tôi có nên chờ Chính phủ trả lời rồi mới đi học lớp "chức danh nghề nghiệp" hay không, vì Thông tư số 02/TT/BGDĐT có hiệu lực bắt đầu ngày 20/03/2021 nên tôi hoang mang giữa học và không học."
Ảnh minh họa: Lã Tiến
Bạn Th.L. thân mến.
Theo thư của bạn gửi đến Tòa soạn thì bạn đang hoang mang về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2 vừa qua về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập thì mình sẽ bị xuống hạng.
Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 có rất nhiều tiêu chí chứ không riêng gì "chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II".
Tuy nhiên, bằng chuyên môn và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II là tiêu chí bắt buộc được quy định tại khoản 3, Điều 4, Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT .
Vì thế, việc bạn muốn giữ được giáo viên tiểu học hạng II thì bắt buộc bạn phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiều học hạng II trước đã.
Nhưng, khi có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II rồi thì bạn còn phải đáp ứng một số nhiệm vụ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ... nữa mới có thể đủ tiêu chuẩn xét (thi) để được là giáo viên tiểu học hạng II.
Nếu không, như bạn đã trình bày trong thư thì tại khoản 3, Điều 7 của Thông tư này cũng hướng dẫn rất rõ: " Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) ".
Việc bạn có đề cập văn bản số 2814/BGD& ĐT-NGCBQLGD, chúng tôi xin trả lời như sau: tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đến nay chúng tôi chưa thấy có thông tin về kết quả đề xuất này. Tuy nhiên, các thông tư mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong đó các yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên từng hạng đều được quy định rõ.
Đọc thư của bạn, thấy bạn đang có phần hoang mang nhưng chúng tôi cho rằng bạn cứ bình tĩnh vì Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3 tới đây nhưng khi nó có hiệu lực không có nghĩa là giáo viên sẽ xuống hạng ngay (nếu không đủ các tiêu chí) vì nó còn phải qua nhiều nấc hướng dẫn thực hiện nữa.
Bạn có thể đối chiếu với Điều 4 của Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT xem mình còn thiếu gì để bổ sung, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II của bạn có thể bố trí học vào dịp hè tới đây hoặc học online cũng được.
Hiện ở An Giang của bạn thì chúng tôi thấy Trường đại học An Giang cũng đang bồi dưỡng chứng chỉ này nên bạn cũng không phải quá lo lắng.
Giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng sư phạm có phải học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hay không?
Một bạn đọc có địa chỉ email là: codai29...@gmail.com gửi thư cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ giải đáp với câu hỏi như sau:
"Tôi hiện nay đang là viên chức giáo dục và đang giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng III. Tôi có 2 thắc mắc phiền Tòa soạn giải đáp giúp:
Thứ nhất: tôi đã hưởng lương theo bằng cao đẳng chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh và đã có bằng tốt nghiệp Đại học nhưng chỉ là chuyên ngành Tiếng Anh. Vậy thì tôi có cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nữa không?
Thứ hai: theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì tôi chuyển sang giáo viên tiểu học hạng III, mã số: V07.02.28 thì tôi có cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không (tôi đã là viên chức từ tháng 8/2017 )?"
Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất: bạn là giáo viên tiểu học đã tốt nghiệp chuyên ngành cao đẳng sư phạm và đã có bằng đại học tiếng Anh. Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 tới đây thì bạn đã đạt chuẩn trình độ.
Vấn đề còn lại là bạn đang băn khoăn mình chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng chúng tôi thấy rằng bạn đã có "bằng cao đẳng sư phạm" thì cũng đã đảm bảo nghiệp vụ sư phạm nên bạn không cần học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Thứ hai: bạn đang băn khoăn là khi thực hiện Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì bạn có cần học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III hay không.
Vấn đề này được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 3-Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT như sau: " Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng) ".
Như vậy, theo hướng dẫn thì bạn vẫn phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III.
Tuy nhiên, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT mới ban hành, hiện chưa có hiệu lực, bạn có thể đợi thêm một thời gian nữa xem Bộ Giáo dục và Sở Nội vụ; Sở Giáo dục nơi bạn công tác hướng dẫn cụ thể như thế nào để mình lựa chọn phương án tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin trao đổi cùng bạn đọc. Phần tư vấn của chúng tôi có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có cách giải quyết khác nhau.
Giáo viên trung học cơ sở hạng III (cũ) chuyển sang hạng III (mới) cần làm gì? Nếu đủ 09 năm giữ hạng III hoặc tương đương thì giáo viên sẽ có cơ hội thi hoặc xét thăng hạng để chuyển sang xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng II. Vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiếp tục được cộng đồng giáo viên quan tâm, bởi lẽ nếu không hiểu đúng quy định nhiều...