“Né” hạn, lũ cho vựa lúa ĐBSCL
Việc lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho vùng ĐBSCL sẽ giúp các tỉnh hạn chế được những thiệt hại đáng tiếc.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã đã gây thiệt hại về vật chất hơn 808 tỷ đồng. Trong đó, tại ĐBSCL, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Thực trạng này đặt ra nhu cầu cấp bách về xây dựng các phương án dự báo, phòng tránh và có kế hoạch sản xuất lúa phù hợp với tình hình thời tiết, thiên tai, bão lũ…
Dự đoán đúng, tránh thiệt hại
Để chủ động đối phó với các rủi ro liên quan tới khí hậu, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương đồng thời hài hòa trong định hướng phát triển liên kết vùng, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và Chương trình Nghiên cứu BĐKH, nông nghiệp và an ninh lương thực khu vực Đông Nam Á đã phối hợp xây dựng phương pháp lập bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho các tỉnh vùng ĐBSCL.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa chạy lũ. Ảnh: Duy Khương
Hoạt động này hỗ trợ cho Cục Trồng trọt và các tỉnh tự xây dựng phương án quản lý sản xuất lúa thích ứng với BĐKH thông qua việc lập bản đồ về nguy cơ ngập lụt, hạn hán và xâm nhập mặn quy mô tỉnh.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa cho từng tỉnh và cho toàn vùng. Phương pháp này đã được thử nghiệm từ cuối năm 2016 và sau đó triển khai cho 13 tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2017 đến nay.
Thạc sỹ Lê Thanh Tùng – Trưởng Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam (Bộ NNPTNT), cho biết, ở ĐBSCL, các loại thiên tai liên quan tới khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lúa được xác định là ngập lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, ngập lũ thường xảy ra ở vụ hè – thu, còn hạn hán và xâm nhập mặn thường xảy ra đồng thời và có tác động cộng hưởng (hạn-mặn) ở vụ đông-xuân.
Kết quả xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai tại 13 tỉnh cho thấy, có 9 tỉnh ở ĐBSCL đối mặt nguy cơ giảm năng suất lúa do ngập lũ và 10 tỉnh trong vùng phải chịu thiệt hại khi xảy ra hạn – mặn. Chưa hết, diện tích có nguy cơ gặp rủi ro thiên tai của các tỉnh còn thay đổi tùy theo cường độ của thiên tai.
Video đang HOT
Ví dụ, những năm ngập lũ cực đoan có thể làm diện tích có nguy cơ thiệt hại tăng tới 67% ở Vĩnh Long, hay hạn-mặn cực đoan làm diện tích có nguy cơ tăng lên trên 60% ở Hậu Giang. Một số tỉnh có cả hai nguy cơ ngập lũ và hạn-mặn như Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Vĩnh Long… – ông Tùng cho biết thêm.
Ông Bùi Tân Yên – cán bộ Chương trình BĐKH, nông nghiệp và an ninh lương thực Đông Nam Á (CCAFS), cũng khẳng định, kế hoạch sản xuất lúa của các tỉnh liền kề ở ĐBSCL có ảnh hưởng trực tiếp với nhau. Ngoài ra, cơ chế chia sẻ các tài nguyên khác như lao động, cơ giới nông nghiệp… của tỉnh này cũng ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất và thích ứng với thiên tai của các tỉnh khác.
Cụ thể như trong những năm hạn hán, dung tích và thời gian giữ nước của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp có thể làm thay đổi mức độ rủi ro và quy mô thiệt hại của các tỉnh cuối nguồn như Kiên Giang, Long An. Do đó, việc xây dựng được bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa sẽ giúp các tỉnh ĐBSCL hạn chế những thiệt hại có tính chất liên hoàn.
Xây dựng bản đồ dự báo cụ thể
Ông Bùi Tân Yên cũng cho rằng, những năm gần đây, đã có nhiều chương trình lớn được thực hiện nhằm phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL dưới tác động ngày càng tăng của BĐKH.
Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp tập trung vào xây dựng thể chế hoặc có liên quan đến các công trình như nâng cấp các hệ thống phòng chống lũ, phân lũ, chống xâm nhập mặn và dự trữ nước ngọt… Trong khi đó, các giải pháp thích ứng phi công trình gắn với các điều kiện tự nhiên và sản xuất của các tỉnh còn ít được quan tâm.
Từ đầu 2017 đến nay, dưới sự chủ trì của Cục Trồng trọt và cán bộ Sở NNPTNT các tỉnh ĐBSCL, bản đồ nguy cơ ngập lụt và hạn-mặn, bản đồ đề xuất cơ cấu luân canh lúa, và bản đồ đề xuất lịch thời vụ thích ứng với nguy cơ thiên tai của toàn bộ 13 tỉnh (tỷ lệ 1:50.000) và toàn vùng ĐBSCL (tỷ lệ 1:250.000) đã được hoàn thiện. Toàn bộ các bản đồ số mới đây đã được bàn giao cho Cục Trồng trọt và Sở NNPTNT 13 tỉnh ĐBSCL.
Theo đó, bản đồ nguy cơ thiên tai và kế hoạch thích ứng của từng tỉnh do Cục Trồng trọt và các tỉnh ĐBSCL vừa xây dựng được kết hợp và thống nhất theo 3 tiểu vùng, gồm vùng thượng nguồn (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An), vùng trung tâm (gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang) và vùng ven biển (gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh Bến Tre). Trên cơ sở này, các tỉnh trong các tiểu vùng có thể kết hợp khi thực hiện kế hoạch thích ứng.
Theo thạc sĩ Lê Thanh Tùng, khi xác định được nguy cơ rủi ro thiên tai cho từng vùng sản xuất, cán bộ chương trình đã thảo luận các phương án thay đổi cơ cấu mùa vụ và lịch xuống giống dựa trên hiện trạng sản xuất của từng huyện trong tỉnh nhằm giảm thiệt hại do thiên tai. Các kết quả thu được sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, cập nhật hàng năm tùy theo những thay đổi về cơ sở hạ tầng, chiến lược sản xuất cụ thể của từng tỉnh và của vùng.
Theo Danviet
Xuất khẩu gạo sôi động do nhu cầu thị trường tăng
Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2018 được dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của thị trường đang tăng cao, đặc biệt từ những thị trường truyền thống. Dự báo từ nay đến hết năm, sản lượng gạo của Việt Nam sẽ tăng mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.
Tín hiệu tốt từ thị trường truyền thống
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng xuất khẩu gạo tháng 7.2018 ước đạt 382.000 tấn, trị giá 195 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường lúa gạo trong nước sẽ sôi động vào các tháng cuối năm. Ảnh: T.L
Trung Quốc, Indonesia, Philippines vẫn là 3 thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia, Philippines và Bờ Biển Ngà.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ sôi động vào các tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ tăng từ các thị trường nhập khẩu. Về cơ cấu gạo xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo trắng 5% tấm đạt 550,4 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất 30,8%.
Các loại gạo thơm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 với giá trị 472,6 triệu USD, chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq. Gạo nếp đứng thứ 4 sau gạo trắng 15% tấm với giá trị xuất khẩu 249,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 13,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất với thị phần 81,6%.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng bị ảnh hưởng do Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập khẩu và nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Qua phân tích diễn biến thị trường, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2018 có dấu hiệu tích cực từ thị trường Philippines với nhu cầu nhập 500.000 tấn gạo vào tháng 12.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu từ vụ mùa hiện tại. Nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do nước này đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước.
Ngoài ra, các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao. Đây là những cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành gạo cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng. Đồng thời giá gạo cũng sẽ khó đạt được mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá xuất khẩu.
Thị trường sẽ đón nhận thêm 23,3 triệu tấn
Theo ghi nhận của Bộ NNPTNT, trong tháng 7 nhu cầu gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia và Philippines. Trong khi đó, nguồn cung trong nước tăng từ vụ hè thu khiến giá gạo trắng 5% tấm còn 385 USD/ tấn, giảm 14,4% so với tháng trước.
Tại ĐBSCL, giá lúa tươi IR50405 đạt bình quân 5.000 đồng/kg, giá lúa khô IR50405 bình quân 6.000 đồng/kg, thấp hơn 100 - 200 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Giá lúa Jasmine và lúa thơm cũng giảm xuống còn 6.300 đồng/kg với lúa khô và 5.600 đồng với lúa tươi, thấp hơn khoảng 100 - 200 đồng so với tháng trước. Tuy nhiên, giá lúa các loại vẫn cao hơn từ 400 - 600 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2017.
Đề cập đến giá lúa gạo trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, giá gạo Việt xuất khẩu ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng nhiều, chiếm đến 80%. Để đạt được thành tựu này, ông Tuấn cho hay, ngành gạo đã có sự chuyển đổi cơ cấu giống.
Cụ thể, ở miền Nam, cơ cấu giống gạo chất lượng cao và gạo nếp hiện chiếm tới 80%, gạo thường giảm dần và còn rất ít. Ở miền Bắc, cơ cấu giống chất lượng cao cũng đạt 43%, tăng 7% so với trước kia.
Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay, từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng sản lượng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017.
Ngành lúa gạo đang không ngừng nỗ lực để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành sẽ tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Theo Danviet
Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý? Những ngày gần đây, chuyện một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống nhãn tím của ông Bảy Huy (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) khiến người nhiều vừa lo vừa tiếc. Thực tế này cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc đăng ký bảo hộ, phát triển và bảo vệ những giống cây trồng đặc sản -...