NB Hoàng Nguyên Vũ “mắng” cô gái dùng từ “cay nghiệt” với nam sinh cõng bạn đến trường: “Quá tàn nhẫn và độc ác”
Dùng từ “cuộc chơi nhân phẩm” để so sánh với việc cộng điểm cho nam sinh cõng bạn vào Đại học Y khiến cô gái lớp 10 bị chỉ trích gay gắt.
Ngày 04/10, các trường Đại học ở Việt Nam chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển sau kỳ thi THPT Quốc Gia 2020.
Trong số các sĩ tử đạt điểm cao, dư luận bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho đôi bạn thân Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu (Thanh Hóa). Đồng cảm với khiếm khuyết trên cơ thể Tất Minh, Minh Hiếu suốt 10 năm qua đã thay đôi chân cõng bạn đến trường. Suốt 12 năm đèn sách, cả hai luôn là những học sinh ưu tú được bạn bè và thầy cô quý mến.
Với số điểm 28,1 khối A – Minh trở thành tân sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đáng tiếc, dù Hiếu có điểm thi khối B 28,15 (Toán 9,4; Hóa 9,75 và Sinh 9,0) nộp vào Đại học Y Hà Nội nhưng lại thiếu 0,25.
Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ lên MXH, ngoài dành lời khen cho sự nỗ lực của đôi bạn. Dư luận đã nổ ra cuộc tranh cãi “nên hay không” cộng điểm cho nam sinh Ngô Minh Hiếu.
Trong đó, nữ sinh lớp 10 trường chuyên ở Nam Định đã gay gắt phản đối vấn đề cộng điểm. Tuy nhiên, việc dùng từ “cuộc chơi nhân phẩm” để so sánh với hành động đẹp cõng bạn 10 năm đã khiến cô bị “ném đá” tơi tả. Riêng phía trường Đại học Y Hà Nội, vị hiệu trưởng khẳng định sẽ không cộng điểm cho nam sinh cõng bạn để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Mới đây, trên trang cá nhân Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã lên tiếng về vấn đề này.
Gửi cô gái cay nghiệt với nam sinh cõng bạn khi dùng từ “cuộc chơi nhân phẩm”
Đó là Khánh Linh, một cô gái lớp 10, trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Cô phản đối việc đặc cách cho “nam sinh cõng bạn”, khi nam sinh này bị trường Đại học Y Hà Nội từ chối vì thiếu 0,25 điểm.
Ý của nữ sinh là: Cần phải công bằng với tất cả các thí sinh khác vì cả hàng ngàn em thiếu 0,25 điểm chứ không chỉ mỗi nam sinh Hiếu. Nữ sinh nhấn mạnh, thi cử là thi cử, chứ không phải là “cuộc chơi nhân phẩm”
Tôi nhất trí với nữ sinh rằng, cần đảm bảo công bằng và hoan nghênh nữ sinh, còn bé mà em đã nghĩ đến lẽ công bằng, thì nếu ra đời, em vẫn giữ tinh thần ấy, cuộc đời sẽ cảm ơn em lắm. Ừ, công bằng, thứ mà không nói ra cũng hiểu, là xã hội ta đang thiếu.
Nhưng, cụm từ “cuộc chơi nhân phẩm” mà em dùng, rất tiếc, tôi không ủng hộ em được. Không thể đòi công bằng mà lại đưa nhân phẩm người khác ra mắng nhiếc, gọi đó là một “cuộc chơi”, bằng bất cứ lý do gì.
Tôi chưa nói với em rằng, trên đời này, sự thẳng băng và áp dụng nguyên tắc mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh, con người không khác gì cỗ máy.
Video đang HOT
Cuộc sống nhiều khi kỳ lạ bởi những yếu tố đặc biệt. Nhất là sự đặc biệt của lòng tốt và tình người.
Nam sinh 10 năm hết cõng rồi chở bạn đến trường, đó cũng là một yếu tố vô cùng đặc biệt trong xã hội mà sự vô cảm đang lên ngôi, người ta áp dụng nguyên tắc lạnh lùng một cách tàn nhẫn trong một số trường hợp. Điều đặc biệt đó là một câu chuyện đẹp, một câu chuyện truyền cảm hứng.
Tính đến thời điểm này, em Hiếu chưa từng viết đơn xin trường Y đặc cách, cũng chưa từng lên báo để “nhờ lời”. Tự dưng báo viết, rồi tự dưng hiệu trưởng trường Y Hà Nội lên nói “không nhận vì cần công bằng” như Khánh Linh đề cập.
Vậy, tính đến thời điểm này, anh Hiếu vẫn đẹp, Khánh Linh ạ. Nhân phẩm anh Hiếu mà em đề cập vẫn hoàn toàn ổn. Nhưng nhân phẩm của những người lớn khi đăng đàn từ chối làm tổn thương anh Hiếu mà Linh đề cập trên mặt báo, hoàn toàn không ổn.
Linh ơi, Linh dùng từ “cuộc chơi nhân phẩm” với anh Hiếu như vậy là sai chỗ rồi. Linh nên dùng cho thầy hiệu trưởng, trong trường hợp này thì đúng hơn, vì thầy đang làm tổn thương một nhân cách giữa đời đang được xã hội yêu thương và quý mến.
————-
Không biết Linh có hiểu cụm từ “cuộc chơi nhân phẩm” khi Linh dùng hay không, nếu không hiểu, thật đáng tiếc cho một nhân tố trường chuyên. “Cuộc chơi nhân phẩm” thường dùng trong trường hợp của những kẻ làm việc xấu, đánh đổi nhân phẩm để lấy một giá trị hiện hữu mà đa phần là vật chất. Như các cô gái làng chơi đánh đổi nhân phẩm để lấy tiền bạc. Như quan chức đánh đổi nhân phẩm để trèo lên ghế cao, để vơ vét của dân đấy Linh ạ.
Không ai đi dùng từ “đánh đổi nhân phẩm” cho việc thưởng 0,25 điểm (nếu có) cho một học sinh giỏi và đang chinh phục xã hội này với một lòng tốt đầy cảm động như thế đâu Linh. Khi dùng từ như thế, hoặc là không có kiến thức về ngôn ngữ, hoặc quá tàn nhẫn đến độc ác, với chính đồng loại của mình.
Hiếu không xin điểm. Cộng đồng thấy Hiếu xứng đáng thì góp ý là nên đặc cách thôi. Quyết định của trường Y Hà Nội không sai, mọi người thấy có lý nhưng không có tình thì mọi người phản đối thôi.
Chẳng có câu chuyện của nhân phẩm ở đây. Chẳng có câu chuyện của cuộc chơi, ở đây, phía Hiếu!
———–
Nói thêm, năm ngoái, khi vụ việc nâng điểm với hàng đống thủ khoa bị phanh phui, thì có 3 trường hợp đã học ở trường ĐH Y Hà Nội gần 1 năm, ở Sơn La, Hoà Bình và Lạng Sơn.
Thưa ngài hiệu trưởng Y Hà Nội, nguyên tắc của ngài đưa ra không phải lúc nào cũng đúng, trong cái nền giáo dục lộn xộn với đầy nhiễu nhương dối trá này. Chắc gì em Hiếu đã không xứng đáng? Biết đâu em đang bị những trường hợp như 3 thí sinh kia cướp cơ hội mà chính ngài cũng không biết mà?
Khi chúng ta chưa hiểu điều tương đối của cuộc sống mà chính chúng ta đã sai lầm, thậm chí sai phạm với chính điều tương đối ấy, thì chúng ta đừng đòi hỏi sự tuyệt đối.
Mà thực tế thì sự tuyệt đối không hề tồn tại, Khánh Linh ạ.
———-
Linh cứ học cho tốt. Cuộc đời ngoài kia còn mênh mông. Linh cứ giữ ý thức công bằng nhưng đừng cay nghiệt với con người, em ạ.
Chú không thể tưởng tượng nổi, khi cuộc sống này xuất hiện một người vừa nguyên tắc đến đường kim sợi chỉ mà cộng thêm tính cay nghiệt với con người, thì người đó sẽ thế nào và xã hội sẽ khó thở vì người đó thế nào đâu Linh!
Mong con trở thành một người tuyệt vời. (Còn anh Hiếu, chú tin, đã tuyệt vời và còn sẽ tuyệt vời nữa)
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội từ chối đặt cách, nam sinh 10 năm cõng bạn lên tiếng: "Nếu được đặt cách, em cũng xin từ chối"
Mẹ của nam sinh cõng bạn cho biết thêm: "Đặc cách sẽ khó cho tất cả, con tôi lựa chọn vào ĐH Y Thái Bình".
Nam sinh cõng bạn 10 năm đi học ở Thanh Hóa - Ngô Minh Hiếu dự thi khối B với số điểm 28,15 (Toán 9,4; Hóa 9,75 và Sinh 9,0) và đăng ký nguyện vọng ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội.
Tuy nhiên, trường ĐH Y Hà Nội mới đây đã công bố điểm chuẩn cho ngành Y đa khoa là 28,9 điểm, như vậy Hiếu thiếu 0,25 điểm nếu cộng cả 0,5 điểm ưu tiên KV2-NT để đậu nguyện vọng 1.
Theo GS Văn, trong trường hợp này, mọi người nên động viên gia đình cùng nam sinh Ngô Văn Hiếu "chấp nhận kết quả, tuân thủ theo đúng quy chế tuyển sinh và không nên mong chờ một sự ưu tiên cá biệt cho mình.. Cho dù mình đã làm một việc rất tốt, được cộng đồng xã hội đánh giá cao nhưng khoảng cách 0,25 điểm là khoảng cách của hàng chục thí sinh".
Theo tôi được biết, bạn Hiếu vẫn đỗ được Đại học Y Thái Bình, như vậy, bạn vẫn có thể thỏa mãn nguyện vọng trở thành một bác sĩ sau này", GS Văn nêu.
Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, sau này, nếu Hiếu thực sự giỏi, có chí vẫn có thể trở thành một thầy thuốc có tâm, giỏi, cống hiến cho xã hội. "Hiếu hoàn toàn có thể thi để học bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội. Tương lai tươi đẹp đang chờ đợi ở phía trước và rất không nên cố gắng để tìm sự ưu tiên cho cho một cá nhân nhất là với tuổi trẻ, mới bước vào đời", GS Văn chia sẻ.
Sau khi biết Minh Hiếu thiếu 0,25 điểm để vào ĐH Y Hà Nội, nhiều người cũng cảm thấy tiếc nuối cho em và mong muốn em được đặc cách để thực hiện ước mơ của mình.
Về phần Hiếu sau khi biết điểm em cũng rất buồn: "Em cũng có nói với mẹ là sẽ học ĐH Y Dược Thái Bình, vì ước mơ của em được làm bác sĩ chứ không phải ước mơ được học trường nào. Học ĐH Y Dược Thái Bình, em sẽ cố gắng học thật tốt theo đúng khả năng của mình", Hiếu tâm sự trên Vietnamnet.
Khi biết trên mạng xã hội lan truyền các ý kiến mong muốn Trường ĐH Y Hà Nội đặc cách cho em, Hiểu vô cùng bất ngờ: "Em rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người. Đặc biệt là cám ơn các thầy cô giáo đã âm thầm lo lắng cho em và có ý định gọi ra Trường ĐH Y Hà Nội để xem có cách nào giúp em. Quả thực những ý tốt của thầy cô, em không được biết. Nhưng dù Trường ĐH Y Hà Nội có đặc cách, em cũng xin từ chối", Hiếu chia sẻ.
"Nếu được, suất đặc cách của em có chắc sẽ bằng các suất đậu chính thức của các bạn hay không?. Và khi em vào học, liệu các bạn ở trong trường có coi em như một người bạn bình thường hay không?. Người ta có xa lánh mình hay không vì mình là người được đặc cách?. Như vậy họ có phục mình không, người ta sẽ nghĩ mình như thế nào...?", Hiếu đặt câu hỏi nếu mình được đặc cách.
Hiếu bảo, em thấy như vậy là không nên. Không nên sử dụng cái sự nổi tiếng của mình là cõng bạn 10 năm qua để xin vào trường đại học.
"Vào đại học đối với em phải là bằng năng lực của mình. Em đã thi được từng đấy điểm và đấy đã là sự cố gắng và năng lực của em. Xét vào đại học nào thì em cũng rất hài lòng chứ không phải vì sự nổi tiếng của em với bạn", Hiếu nói với Vietnamnet.
Trong câu chuyện của mình, Hiếu tâm sự thật, em không buồn vì điểm số không vào được ĐH Y mà buồn vì phải xa Minh.
"Minh là một người bạn, người anh em không phải là 10 năm mà từ khi hai đứa còn rất nhỏ. Bây giờ, em không được ở gần để lo cho bạn nữa, liệu bạn thế nào, chỉ nghĩ đến thế thôi là em lại chảy nước mắt. Xa nhau, em mong rằng ở ngoài kia, sẽ có nhiều bạn tốt giúp đỡ Minh trong học hành và cuộc sống, mong Minh tự lập để cố gắng theo đuổi được ước mơ của mình" - Hiếu nói.
Cô Đinh Thị Thu Thủy - mẹ của Hiếu cũng cho biết thêm: "Về việc cư dân mạng mong muốn xin cho Hiếu được đặc cách vào trường, gia đình chúng tôi rất biết ơn. Thực ra, làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn cho con mình vào trường tốt nhất, nhưng em đã lỡ thiếu điểm rồi thì cũng nên chấp nhận. Việc đặc cách sẽ khó cho tất cả mọi người, cả thầy cô giáo, Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh và luật pháp của nước mình".
Nguyễn Tất Minh bị tật nguyền bẩm sinh, đôi chân và cánh tay phải cứ co quắp, càng lớn càng teo lại nhưng Minh rất ham học và luôn mơ ước được đi học như các bạn cùng trang lứa. Ngô Minh Hiếu vì thương cảm hoàn cảnh của bạn đã tự nguyện làm "đôi chân" cõng bạn đến trường suốt 10 năm học, không quản ngại nắng mưa.
Với kết quả thi 28,15 điểm, Ngô Minh Hiếu đủ điểm đỗ vào Đại học Y Thái Bình. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hiếu và tấm lòng cao cả, nghị lực phia thường của em, Đại học Y Thái Bình quyết định miễn học phí trong suốt thời gian Ngô Minh Hiếu theo học tại trường và sẽ tạo điều kiện học tập tốt nhất để Hiếu theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.
Chùm ảnh xúc động: Mặc trời mưa lớn cả ngày, bố mẹ "hộ tống" con làm thủ tục nhập học Những trận mưa lớn cũng không thể ngăn được những lo lắng, quan tâm của phụ huynh dành cho con mình trước ngưỡng cửa trở thành tân sinh viên. Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, những sĩ tử sau kỳ thi và biết được thông tin điểm chuẩn đang tất bật chuẩn bị giấy tờ, gói ghém đồ đạc để vào các...