Này tình đầu, em đã qua bao mùa phượng vĩ…
Thẫn thờ rồi nhớ nhung, cánh phượng vĩ của hiện tại mang nét buồn man mác. Mùa hoa ấy vẫn tươi trẻ, đầy thanh tân, chỉ có những cô cậu học trò ngày nào bỗng trở nên già dặn.
Từ khi trời nồm ẩm mỗi độ tháng hai, dường như thời gian trôi chậm lại. Lâu lắm mới hết rét nàng Bân tháng ba. Đợi đến nẫu cả ruột, cuối cùng nắng tháng tư cũng về. Mong chút nắng để gột hết cái ẩm ướt, ê chề của ngày tháng xa ngái. Đến tháng năm, nắng bắt đầu gắt cũng là lúc hoa phượng nở. Những bông hoa đỏ thắm, là sự kết hợp hoàn hảo cùng cái màu lá non tơ, mới trổ dịp đầu xuân.
Cuối tháng tư, cây phượng vĩ già ở góc sân mới “khoe” có vài bông hoa đầu mùa. Giờ ra chơi, lũ trò nhỏ mải mê nghển cái cổ cao cao, để trông cho thật rõ. Bao nhiêu “trò vui” dần hiện lên trong đầu của đám “ nhất quỷ nhì ma”. Cô bạn mộng mơ thì thích bẻ một cành phượng vĩ đem trưng trong lớp học, để vừa học bài, vừa tranh thủ ngắm hoa.
Có người lại thích ngắt từng cánh hoa để làm đôi bướm xinh xinh, hai cái nhụy hoa cong cong, sẽ được dùng làm râu. Cậu bạn mũm mĩm nhất lớp lại thấy rằng: làm như thế chỉ tốn công vô ích, chi bằng ngắt cánh hoa phượng ra ăn cho vui miệng. Cái cánh hoa bé xinh, có vị hơi chua chua, bỗng chốc trở thành món ăn vặt khoái khẩu. Đã thế, thức quà độc đáo này lại chẳng mất tiền mua, còn gì vui hơn nữa.
Cánh phượng đỏ thắm còn mãi trong hồi ức về tháng ngày.
Thế mà, mới có vài tuần những cánh hoa đỏ đã nhuộm rừng rực cả tán cây già cỗi. Mới ngày nào, có người mộng mơ còn ước “phượng rơi đầy sân”. Vậy mà giờ đây, mắt đã rưng rưng buồn. Mùa hè cũng là mùa chia xa. Mai sau, mỗi đứa một phương, những ngày tháng bên nhau sẽ trở thành kỉ niệm… Hình như vừa có ai đó vừa khắc tên lên gốc phượng già…
Ngày bé, tôi đã đọc được trong cuốn sách cũ của ông ngoại một thông tin rất thú vị, ít ra là với một đứa nhóc lớp 1, vừa mới quen mặt chữ. Hóa ra, cây phượng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Ấy thế mà trước kia tôi cứ nghĩ nó gần gũi như cây tre, cây lúa. Từ ngày đầu tiên đi học, tôi đã thấy cây phượng trầm tư đứng đó rồi.
Phượng vĩ vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, vì là loại cây xòe tán rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm ở các trường học. Cứ tự nhiên như thế, loài cây này trở thành người bạn gắn liền với tuổi học trò.
Tôi đã từng thấy trong cuốn lưu bút cũ của dì út, cánh bướm được ép bằng hoa phượng vĩ. Chúng ngả màu thâm nâu trên trang giấy ố vàng. Giờ đây, những cuốn lưu bút xinh xinh thường được trang trí bằng những hình dán ngộ nghĩnh.
Đó có thể là hình ảnh của nhóm nhạc mà chủ nhân cuốn sổ yêu thích, có người lại chọn dán ảnh của diễn viên thần tượng hay chỉ đơn giản là ảnh chụp với cô bạn thân. Những con bướm được ép từ hoa phượng chắc chỉ còn trong kí ức.
Video đang HOT
Những trang lưu bút được trang trí bằng cánh phượng vĩ giờ đây chỉ còn trong kỷ niệm.
Thế nhưng, trước kia, nó trở thành một “trào lưu” trang trí lưu bút của những cô học trò khéo tay. Cái thời còn nghèo xác nghèo xơ, ước mơ chỉ quanh quẩn với việc “ăn no, mặc ấm” thì những thứ để trang trí quả thật quá xa xỉ. Người ta đành tự tìm niềm vui bằng những thứ bé nhỏ quanh mình.
Để cánh bướm được đẹp và sinh động, phải chọn bông hoa thật hoàn hảo, với cánh đều và không bị rách. Sau đó tách từng cánh hoa, đặt nhẹ nhàng lên trang giấy trắng, cẩn thận lấy đài hoa làm thân, lấy nhụy hoa làm đôi râu cong cong. Để đến khi tác phẩm hoàn thành, cô học trò chợt mỉm cười vì thành quả đáng yêu mang dấu ấn mùa hè. Thế nhưng, cánh phượng thắm chẳng giữ nổi mùa hè, thời gian cứ thế vùn vụt trôi…
Lúc chúng tôi mới vào lớp 10, cây phượng vĩ ở góc sân đang lưng chừng lớn, còn chưa kịp ra hoa. Ai cũng muốn ngắm những bông hoa đầu tiên của nó trước khi nghỉ hè. Ấy thế mà đợi suốt tháng năm, cũng chỉ thấy màu xanh của lá.
Sao cơn mưa rào năm ấy lại mang theo cả mùa hoa trong tôi.
Hồi ấy, có cậu bạn học chuyên Toán ngô nghê, thầm mến cô bạn lớp văn dịu dàng. Thấy nàng thơ say sưa với màu hoa đỏ, mấy lần cậu bạn si tình định bẻ tặng nàng một nhành phượng vĩ. Hoa đã lìa cành nhưng chẳng kịp trao tay. Bởi đứng trước tình đầu, các anh chàng mới lớn vẫn còn rụt rè, xấu hổ.
Những ngày cuối bên nhau, chúng tôi bẻ một cành phượng vĩ, để cùng nhau chụp một tấm ảnh làm kỉ niệm. Màu hoa đỏ dường như thắm hơn trên nền áo dài trắng. Thoắt cái, cơn mưa rào ập xuống. Mưa to lắm, như thể trời đất cũng dỗi hờn rồi trút hết bực dọc xuống sân trường. Cánh phượng cứ thế theo mưa xơ xác. Mùa hoa cuối cùng của một thời áo trắng, ai cũng muốn được nán lại trên sân trường, ngắm những cánh hoa thắm đỏ, xinh đẹp ấy thật lâu. Thế mà cơn mưa ngang ngược của mùa hè lại nỡ dập tắt ước mơ nhỏ nhoi ấy.
Bỗng đâu, một nhành hoa thật đẹp được đặt khẽ vào tay cô bạn lớp Văn dịu dàng. Trong phút bối rối, cô vẫn kịp nhận ra rằng tóc của người tặng hoa đã bết lại vì nước mưa…
Theo new.zing.vn
Phận trai... má hồng
Đàn ông đẹp thường đi với đào hoa, và hẳn sẽ yêu đương nhiều, vậy họ sẽ là những kẻ lăng nhăng, không ra gì?
Một lẽ thường tình khá phổ biến: hồng nhan thường đa truân. Nhưng thực tế cho thấy, bây giờ hồng nhan bạc phận cũng có mà hồng nhan... bạc triệu cũng nhiều. Cũng có hồng nhan vừa bạc phận vừa bạc triệu, mà không chỉ là gái, lại có cả trai hồng nhan.
Đám bạn cũ gặp lại nhau, làm sống lại quá khứ 30 năm trước. Minh, nho nhã, thư sinh, nhẹ nhàng như một cô gái... thu hút khá nhiều cô gái trong trường - những cô mê chàng học sinh giỏi, đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Giờ gặp lại, đám bạn cũ xầm xì chuyện Minh là gã lăng nhăng, bồ bịch linh tinh, nhiều đời vợ và đang chuẩn bị cưới vợ lần ba, nhỏ hơn Minh 20 tuổi.
Ảnh minh họa
Đám bạn cũ tranh luận, một phe bảo Minh ham của kiếm vợ giàu lớn tuổi, còn phe kia bảo chuyện tình yêu sao phân biệt tuổi tác. Tình duyên lận đận, chứ nào phải tại người trong cuộc ham tiền. Mấy đợt rung động thời phổ thông, coi như bỏ qua, tình đầu tính từ lúc Minh học đại học năm 3. Mối tình đẹp như mơ, nhưng đoạn kết lại xuất hiện cô dâu là người đàn bà lớn hơn Minh 5 tuổi, có công ty sản xuất hàng gỗ xuất khẩu.
Mặc người đời bảo Minh đào mỏ, anh vẫn quyết tâm cưới, vì anh cảm động trước sự quan tâm rất chu đáo của nàng, vì nghĩ sự đảm đang của người vợ sẽ đảm bảo cho hôn nhân. Minh toàn tâm làm một giáo viên dạy toán, hết lòng vì học sinh, chẳng màng đến chuyện dạy thêm kiếm tiền. Mọi sự đã có vợ lo hết. Minh về nhà, chỉ mỗi việc chơi với đứa con gái, dạy nó học.
Thế nhưng, một người vợ tốt chưa chắc là một người tình tuyệt vời, cuộc đời bình yên chưa hẳn là cuộc đời vui. Một cô giáo trẻ vừa ra trường phải lòng thầy Minh. Sự tận tụy, ít nói, hiền lành của Minh khiến cô ngưỡng mộ, tìm cách kết thân - lúc thì nhờ thầy giải thích những đoạn giáo trình khó, lúc thì nhờ thầy mua sách. Tiết dạy của Minh, cô xin vào dự giờ để rút kinh nghiệm... Minh đâu phải gỗ đá nên đã xiêu lòng.
Tự nhiên, một người đàn ông đàng hoàng, khi yêu... thêm, bỗng trở thành kẻ dối trá, lén lút trả lời tin nhắn, bịa chuyện nói dối vợ, để gặp tình nhân. Ở trường, gặp nhau trong các cuộc họp, anh và cô giáo trẻ càng nhìn nhau bình thường, càng nôn nóng gặp riêng nhau.
Chuyện tình ngoài luồng thường không giữ được lâu. Đứa con riêng của Minh và tình nhân khiến mọi chuyện rối lên. Cô giáo nghỉ dạy sau khi sinh, vì thằng bé giống hệt bố. Minh phải chu cấp cho hai mẹ con. Vợ Minh phát hiện tờ giấy khai sinh của thằng bé ghi tên cha là chồng mình. Cả ba người đều là người tốt, trong hoàn cảnh này, lại không nhìn được mặt nhau nữa. Bà vợ ấm ức, thất vọng, trở nên câm lặng khi thấy mọi cố gắng xây dựng một gia đình hạnh phúc có kết quả thật phũ phàng. Minh cũng im lặng. Đứa con gái đang học ở Hàn Quốc trở về, cũng sống lặng lẽ trong căn phòng đầy tiện nghi, rồi chết đột ngột vì khối u trong não. Chồng phản bội, con gái chết, vợ Minh như hóa điên. Bà đuổi Minh ra khỏi nhà.
Minh nghỉ dạy, cũng không buồn gặp lại tình nhân. Cô ta nhanh chóng lấy một anh Việt kiều, bế con đi nước ngoài. Minh cũng chẳng buồn níu kéo, chỉ nhắn tin chúc cô hạnh phúc. Minh thuê nhà trọ, coi phần đời vừa trải qua như một giấc mơ. Tiền bạc, nhà lầu, xe hơi... bỗng dưng tan biến như lâu đài trên cát. Vợ con, gia đình như chưa hề có.
Minh nhận việc giữ xe cho một siêu thị, kiếm tiền đủ trang trải qua ngày, để không phải suy nghĩ nặng đầu. Chẳng ai ở nơi làm việc biết được quá khứ huy hoàng của anh. Bà chủ siêu thị rất quan tâm đến Minh, mến cung cách nhã nhặn, quý con người luôn toát lên vẻ nho nhã. Bà không tin anh là một người đàn ông ít học nên tìm cách nâng đỡ Minh vào vị trí có thu nhập cao hơn, lại bớt nắng mưa.
Minh trả ơn bà chủ bằng cách chuyên tâm vào công việc thu ngân. Sự trung thực và nhiệt tâm của anh khiến bà chủ càng say đắm. Đi công tác đâu, bà cũng kiếm cớ đưa Minh đi cùng. Minh nghe được "lời trái tim muốn nói" của bà chủ - bà cô đơn, cần một bờ vai để dựa cho vơi bớt nhọc nhằn. Nào có phải lợi dụng gì đâu khi họ đều cảm thấy ấm áp bên nhau.
Minh đến ở nhà bà chủ, không đăng ký kết hôn, nhưng hứa sống với nhau đến đầu bạc răng long. Khổ, hai đứa con của bà - đứa đã có chồng, đứa đang du học, hùa nhau phản đối mẹ. Cô gái bảo xấu hổ với gia đình chồng, khi mẹ gần 60 tuổi rồi, lại "sống thử" với một anh kém hơn 10 tuổi. Con trai bảo không dám ngẩng mặt nhìn người yêu khi có mẹ mê trai đẹp.
Ảnh minh họa
Cả hai đứa con đều chung suy nghĩ: mẹ mình bị gã này lừa. Một gã không nghề nghiệp, không tài năng, phải chịu đựng gái già để kiếm ăn là loại chẳng ra gì. Có nói kiểu gì cũng chẳng thể chứng minh họ vì chữ tình mà đến với nhau. Không chỉ các con bà chủ phản đối, hầu hết nhân viên trong siêu thị cũng xầm xì về mối quan hệ này.
Ráng được 5 tháng, Minh lặng lẽ ra đi, không để lại cho người vợ hờ thông tin nào cả. Cứ dính vào đàn bà là đời Minh lại sóng gió. Anh về quê, sống với mẹ già, làm nghề chăn nuôi. Thấy con trai cứ quanh quẩn với bầy heo, đàn gà, mẹ Minh xót con: "Ở tuổi bây, người ta đã làm sui, có cháu nội ngoại". Ngay tuần sau, ở nhà bà, xuất hiện một cô gái trẻ hay vui vẻ trò chuyện, phụ việc với bà. Minh lại xót thương trái tim mình...
***
Tú cũng phận trai... má hồng lận đận. Gần 35 năm sau ngày rời trường phổ thông, Tú mới tìm gặp lại bạn bè. Khi ai cũng sắp lên chức ông bà thì con Tú mới 2 tuổi, vợ chưa đến 30. Tú bảo, số Tú lận đận.
Suốt 3 năm cấp III, Tú nổi tiếng vì vẻ đẹp trai rất lãng tử, lại còn học rất giỏi, khiến nhiều cô thương thầm. Dung - một nữ sinh nhà giàu, không ngăn được con tim. Họ yêu nhau suốt năm học lớp 12. Tú từ miền Trung vào Sài Gòn thi trường y, Dung cũng khăn gói đi theo, dù cô chỉ học ngành may. Cha mẹ mua cho Dung căn nhà nhỏ, nên Tú ở ký túc xá, nhưng ăn uống ở nhà Dung. Dung đi làm, tiền bạc đổ vào học phí của Tú. Cô hạnh phúc khi có đủ điều kiện để chăm sóc Tú.
Tú ra trường, lận đận xin việc. Các bệnh viện vùng ven cần người, nhưng lại quá thiếu phương tiện điều trị. Ba năm, Tú đổi 5 chỗ làm, có khi nhận luôn cả việc của y tá, điều dưỡng. Dung kiên nhẫn chờ lời cầu hôn, nhưng Tú vẫn chưa có nhà, việc làm chưa ổn định.
Rồi Tú báo tin vui, anh được nhận vào một bệnh viện lớn. Anh yêu nghề, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, được cử sang nước ngoài học thêm. Dung lại chờ đợi, dù mail của Tú ngày càng thưa dần. Tú về nước, ở một căn nhà khá sang trọng. Dung đến thăm mới biết, đó là nhà của người phụ nữ giúp Tú vào làm ở bệnh viện lớn. Tú giải thích đó là chị kết nghĩa. Tú giới thiệu với "chị", Dung là bạn học. Dung hụt hẫng, hoang mang, "mình chỉ là bạn học thôi sao?". Dung đã ngoài 30 tuổi, cha mẹ giục lấy chồng, nhưng cô chẳng còn mong gì ở Tú nữa. Thỉnh thoảng, Tú mời cô đi ăn, có cả "chị kết nghĩa".
Rồi Tú lấy vợ - người do bà chị chọn. Đứa trẻ sinh ra bị tự kỷ, vợ Tú bỏ nhà đi, giao con lại cho Tú. Tú chẳng buồn đi tìm, vì không thật lòng yêu cô ta. Bà chị kết nghĩa, thực chất là bà vợ không hôn thú. Tú chỉ có niềm vui là đứa con, nhưng mãi nó không biết nói, cũng không nhận biết được cha. Tú miệt mài làm việc, kiếm tiền, mướn người chăm sóc con. Bà chị càng lớn tuổi, lại muốn sống một mình. Bà lại gợi ý Tú nên lấy vợ, để còn kịp có con.
Lần này Tú yêu thật, một cô y tá cùng bệnh viện. Cô nhỏ hơn Tú gần 30 tuổi. Cô thương và biết chăm đứa con tự kỷ của Tú. Cô vừa sinh con, đứa bé mới lên 2 tuổi. Tú không giấu được vẻ hài lòng, mãn nguyện khi gặp bạn cũ. Hạnh phúc khiến anh tự tin. Cô vợ trẻ xinh đẹp khiến khối anh bạn có "vợ già" ganh tỵ. Nhưng sau rôm rả gặp mặt, những người bạn cũ biết chuyện Tú với Dung, đều trách Tú bạc bẽo, vô tình. Dung bây giờ vẫn ở vậy, lại mắc bệnh hiểm nghèo. Tú không yêu, không muốn cưới Dung, sao lại để Dung phải chờ đợi hết cả thanh xuân.
Phụ nữ đường tình gập ghềnh, qua bao lần đò, nếu có tấp vào bến đàn ông giàu có, lớn tuổi, cũng coi như là chuyện bình thường. Còn đàn ông đẹp, qua tay nhiều đàn bà lại bị xem như một gã lăng nhăng, vào nhà giàu chỉ có thể là đào mỏ. Sao lại bất công thế nhỉ?
Trường Sơn
Theo phunuonline.com.vn
Hãy mong là tình cuối, đừng trở thành tình đầu "dở dang" của ai đó Tình đầu chưa hẳn đã là tình đẹp nhất, cho nên nếu đã chọn, thì hãy cố gắng trở thành tình đến sau thật tuyệt vời. Bù đắp lại cho những tháng ngày đã qua, biết đâu mai sau lại ở bên nhau mãi. "Có lẽ, ai cũng có quá khứ trong chuyện tình cảm. Chúng ta trưởng thành vì nó, mất niềm...