Nấu món bún mắm theo kiểu đầu bếp chuyên nghiệp
Chế biến đặc sản của miền Tây với nước dùng chiết xuất từ rau củ quả, đầu bếp Cẩm Thiên Long đã chinh phục 3 giám khảo Đầu bếp Đỉnh.
Tập 15 gameshow Đầu bếp Đỉnh, chỉ còn 5 đầu bếp tranh tài là Cẩm Thiên Long, Hoàng Văn Dương, Trần Khắc Hoan, Võ Hoàng Nhân và Cao Thành Tâm. Họ được yêu cầu bốc thăm, chế biến một món ăn đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam.
Với món bún mắm của miền Tây, đầu bếp Cẩm Thiên Long một lần nữa giành giải Đầu bếp xuất sắc nhất tập. Thiên Long đã nghiên cứu rất kỹ món ăn này, tập trung vào nước dùng được chiết xuất tinh khiết từ rau củ quả chứ không lạm dụng quá nhiều gia vị. Giám khảo Anh Lê nhận xét: “Lần đầu tôi ăn một món bún mắm rất ngon, rất vừa ăn, không quá ngọt như nhiều người đã chế biến sai”.
Tác phẩm Bún mắm của đầu bếp Cẩm Thiên Long – Ảnh: Đầu bếp Đỉnh
Dưới đây là công thức chế biến của đầu bếp Cẩm Thiên Long:
1. Nguyên liệu: dành cho 4 người
- 75 g mắm cá linh, 75 g mắm cá sặc, một ít đường, bột nêm tùy khẩu vị, tiêu, muối, một ít dầu ăn, nước mắm.
- 1 kg xương heo, 200 g thịt heo quay, 1 con mực ống, 300 g cá lóc phi lê, 50 g cá thác lác, 200 g tôm tươi.
- 2 cây sả, 50 g sả băm, 1 quả cà tím, 4 trái ớt sừng, 4 trái khổ qua rừng, 2 củ ngải bún, hành tím, tỏi, một xíu gốc hành hoa.
- 1 kg bún tươi loại to (cho bún mắm).
- Rau ăn kèm gồm hẹ, ngó súng, rau đắng, rau muống, bắp chuối bào, giá đỗ, kèo nèo, lá lụa, lá xoài non, húng lủi, húng quế, bông điên điển, than chuối non, ớt, chanh.
2. Chế biến
- Nấu nước dùng xương heo: Tao hành tím với sả bằm, ngải bún, sả cây cho thơm rồi đổ vào 2 lít nước, 1 kg xương heo, nấu sôi rồi vặn nhỏ lửa bếp lại để vớt bọt.
- Sử dụng một cái nồi khác nấu nước cốt mắm: Đổ 1 lít nước vào nồi, cho hai loại mắm vào nấu lửa nhỏ cho đến khi mắm rả xác ra hết rồi đem lọc qua vải mùng hoặc cái lược nhuyễn. Sau đó, cho phần nước cốt vào phần nước dùng xương heo, nêm nếm gia vị với một ít đường, một ít bột nêm cho vừa ăn tùy theo khẩu vị.
- Cá thác lác ướp trong tủ đông 15 phút, sau đó lấy ra cho vào máy xay thật nhuyễn. Cạo phần cá ra khỏi cối xay rồi cho vào cối với gốc hành băm, tiêu, muối, hạt nêm, một ít dầu, giã cho quết lại thì cá sẽ dai và ngon. Sau đó, nhồi cá thác lác vào trái ớt sừng và trái khổ qua rừng. Cho tất cả vào nồi nước dùng.
Video đang HOT
- Thịt heo quay cắt thành từng khúc nhỏ.
- Mực ống làm sạch cắt khoanh.
- Tôm tươi làm sạch, cắt bớt râu, lột vỏ bụng, chẻ lưng lấy chỉ đen.
- Cá lóc phi lê cắt từng khúc nhỏ ướp, với hành tím, tỏi, gia vị xào cho thơm.
- Cà tím cắt miếng.
- Các loại rau ăn kèm rửa sạch bỏ vào tủ lạnh giữ tươi, đến khi ăn dọn ra để rau được xanh.
- Cuối cùng, trước khi ăn, đun sôi nước lèo, cho tôm, mực, thịt heo quay, cá lóc, cà tím vào nấu cùng, nước sôi lại thì chan vào tô bún, sắp các loại thịt và hải sản trên mặt cho đẹp.
- Dùng kèm với nước mắm ớt và chanh.
3. Kinh nghiệm
- Mắm quyết định chất lượng của cả sản phẩm nên việc chọn lựa mắm rất quan trọng. Mắm khi còn sống sẽ khó kiểm tra chất lượng nhưng khi nấu lên, nếu thấy mùi khó chịu thì chúng ta không nên sử dụng.
- Đảm bảo hải sản vừa chín tới, không nên bỏ vào sớm sẽ bị dai và mất đi độ ngọt.
Theo VNE
[Chế biến] - Đón tuần mới với mì vịt tiềm
Với những nguyên liệu tươi ngon, cùng thịt vịt đầy dinh dưỡng bạn đã có thể mang đến cho gia đình bữa ăn đầy hấp dẫn.
Bắt nguồn từ nền ẩm thực Trung Hoa, những món tiềm đã du nhập, dần được dân ta đón nhận và trở nên yêu thích. Tiềm là phương thức nấu thức ăn bằng cách hầm, qua hai hình thức cách thủy hoặc không cách thủy. Thông thường, món tiềm phải mất thời gian nấu từ ba đến tám tiếng, thậm chí có những món phải mất đến mười tiếng. Tuy nấu lâu nhưng thành phần dưỡng chất trong thịt, cá, hải sản, rau củ và dược liệu đều không bị thất thoát, lại còn hòa quyện với nhau làm cho nước tiềm trở nên đậm đà hương vị.
Trong số các món tiềm ngon phải kể đến món mì vịt tiềm. Món ăn tưởng chừng như phải chế biến công phu thế mà lại vô cùng đơn giản. Tham khảo cách làm mì vịt tiềm dưới đây nhé!
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 3 khẩu phần)
- 500g thịt vịt (đùi hoặc ức)
- 300g xương heo
- 80g nấm đông cô
- 30g thảo mộc (hoa hồi, quế, đinh hương, cam thảo)
- 300g cải thìa
- Gia vị: 80ml nước tương; 40g bột nêm; 80g đường; 5g tiêu
- Gừng
- Rượu trắng
- Dầu ăn
- Mì trứng
Thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch nấm đông cô và cải thìa. Cắt bỏ gốc nấm và chọn lấy phần gốc cải thìa.
Bước 2: Dùng rượu trắng và gừng để khử mùi của thịt vịt. Ướp vịt với 60ml nước tương, 20g bột nêm, 60g đường, 5g tiêu khoảng 15 phút.
Bước 3: Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu vào, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, nhẹ nhàng thả vịt vào chiên vàng lớp da.
Bước 4: Cắt lấy 4 - 5 lát gừng. Cho gừng cùng thảo mộc vào chảo rang nóng.
Bước 5: Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 phút để xương nhả bọt bẩn. Đem bỏ phần nước bẩn đó đi.
Bước 6: Đổ 1.5 lít nước sạch cùng gừng, thảo mộc vào nồi xương, đặt lên bếp hầm khoảng 45 phút.
Bước 7: Lược lấy nước dùng. Sử dụng phần nước dùng đó, tiếp tục hầm với thịt vịt, nấm đông cô khoảng 45 nữa, nêm thêm 20ml nước tương, 20g bột nêm, 20g đường rồi tắt bếp. Trong lúc nấu nước dùng, trụng sơ cải thìa khoảng 1 phút rồi vớt ra.
Bước 8: Trụng mì trứng qua nước sôi khoảng 2 phút để mì mềm. Dọn mì, cải thìa ra tô, dùng chung với mì vịt tiềm.
Lưu ý: - Sau khi khử mùi thịt vịt bằng rượu trắng và gừng, nên rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để thịt không bám quá nhiều mùi rượu. - Trong quá trình hầm thịt, lưu ý vớt bọt cặn để nước dùng được trong.
Chúc bạn và gia đình ngon miệng với cách làm mì vịt tiềm dễ ăn nhé!
Theo Minh Luật
Khám phá
Xu hướng ẩm thực 2015: Côn trùng lên ngôi? Các món ăn chế biến từ côn trùng rất có thể sẽ trở thành một trong những xu hướng ẩm thực trong năm 2015. Năm 2015 chỉ mới bắt đầu nhưng các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới đã có thể dự đoán được xu hướng ẩm thực sẽ được ưa chuộng. 1. Các món ăn chế biến kèm với côn trùng...