NATO tính tăng quân sát biên giới Nga
NATO đang thảo luận tăng thêm binh sĩ đóng quân tại các quốc gia thành viên có biên giới giáp Nga và đặt lực lượng này dưới sự chỉ huy của liên minh quân sự.
Binh sĩ NATO chuẩn bị tham gia một cuộc tập trận tại căn cứ không quân Birgi ở thành phố Trapani, Italy, ngày 19/10. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự định đặt tại mỗi quốc gia Ba Lan và ba nước Baltic một tiểu đoàn, gồm từ 800 đến 1.000 binh sĩ. Trong kế hoạch đơn giản hơn, NATO chỉ đặt một tiểu đoàn trong khu vực, tờ Wall Street Journal hôm qua đưa tin.
Mỹ ủng hộ kế hoạch nhưng Đức thì ngược lại. Phía Đức cho biết họ không muốn đối xử với Nga như kẻ thù lâu dài hay loại nước này khỏi châu Âu cho dù hai bên có bất đồng liên quan đến khủng hoảng Ukraine. Theo các quan chức NATO, Berlin có thể sẽ chỉ ủng hộ kế hoạch đơn giản hơn.
Một số nước thành viên cho rằng tăng quân, dù chỉ là nhỏ, cũng có thể dẫn đến hậu quả bất ngờ là tạo ra xung đột với Nga. Theo đó, NATO nên tăng cường nỗ lực phòng thủ như thể hiện khả năng điều động nhanh lượng lớn binh sĩ bằng tập trận tương tự hoạt động đang diễn ra ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Các quan chức NATO nói kế hoạch mới hiện ở giai đoạn đầu và chưa được trình lên Hội đồng NATO, yêu cầu cần có sự đồng thuận trước khi thông qua, và sẽ không có sự điều động nào diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO tổ chức vào tháng 7/2016 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan.
Video đang HOT
NATO năm ngoái thông qua “kế hoạch sẵn sàng hành động” nhằm tái trấn an các nước thành viên phía đông rằng liên minh sẽ hỗ trợ phòng thủ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Kế hoạch bao gồm thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh và 6 trung tâm chỉ huy tại Ba Lan, Romania, Bulgaria cùng ba quốc gia Baltic.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Ukraine không thuộc NATO nhưng có biên giới chung với một số thành viên trong liên minh quân sự này.
NATO còn cáo buộc Nga hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine, chỉ trích Moscow vì tăng cường tập trận trong khu vực cùng với cái gọi là “sự xâm phạm không phận NATO mang tính khiêu khích” và “dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”. Moscow cũng nhiều lần tuyên bố coi NATO là mối đe dọa an ninh.
Như Tâm
Theo VNE
"Ngày phán xét" của Tổng thống Poroshenko đã đến
Đây được xem là một mốc quan trọng đối với Ukraine bởi qua đó sẽ đánh giá những lời hứa của Tổng thống Petro Poroshenko.
Ngày 25/10, Ukraine đã tổ chức bầu cử cấp địa phương. Đây được xem là một mốc quan trọng đối với Ukraine bởi qua đó sẽ đánh giá quá trình tiến hành phân cấp đất nước theo mô hình châu Âu của Tổng thống Petro Poroshenko
Thông tấn AFP của Pháp hôm 25/10 đã gọi cuộc bầu cử tại Ukraine là "ngày phán xét" của Tổng thống Poroshenko bởi đây là một dịp đặc biệt quan trọng để người dân có cơ hội đánh giá những chính sách thắt lưng buộc bụng và biện pháp chống tham nhũng cũng như cải cách đất nước của ông.
Người dân Ukraine tham gia bầu cử chính quyền địa phương. Ảnh Rian
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền đông đang tạm lắng và lo ngại ngày càng tăng về thực tế là Ukraine gần đây bị xếp vào danh sách một trong những nước nghèo nhất châu Âu.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức một năm trước đây, phần lớn người dân Ukraine ủng hộ chính sách chuyển hướng thân châu Âu của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và của Tổng thống Poroshenko. Nhưng hiện nay, sự nhiệt tình đã phai nhạt.
Đảng của Thủ tướng Yatsenyuk không tham gia vào các cuộc bầu cử và kết quả sơ bộ cho thấy "Khối Poroshenko" chỉ giành được 18% số phiếu - thấp hơn dự kiến.
Trước đó, tờ Financial Times đưa tin cho biết, "Mặt trận Bình dân" quyết định không tham gia vào cuộc bầu cử để tránh bị xấu hổ trước kết quả tồi tệ.
Động thái trên chỉ ra rằng có một sự thiếu tin cậy đối với những lời hứa hẹn của những nhà cầm quyền trong công chúng Ukraine, Bloomberg nhấn mạnh.
AFP cho rằng sự thất vọng của người dân đối với kế hoạch chuyển hướng sang châu Âu, với chính sách thắt lưng buộc bụng trong nước không được lòng dân và sự không hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng đã làm tăng cơ hội chiến thắng cho các bên cánh hữu và phong trào ủng hộ Nga.
Trong khi đó, Bloomberg nhấn mạnh rằng các đầu sỏ chính trị và các lãnh đạo địa phương không đáng tin cậy vẫn cố can thiệp vào cuộc bầu cử tại quốc gia này.
"Để duy trì ảo tưởng về quyền kiểm soát các khu vực, ông Poroshenko và nhóm của ông sẽ phải thương lượng với các đầu sỏ chính trị, các đầu nậu địa phương, các chiến binh dân tộc và chủ nghĩa dân túy.
Kết quả là, sự hỗn loạn khó kiểm soát trong nước sẽ tồi tệ hơn, hy vọng phục hồi kinh tế và tuân thủ nghiêm ngặt các chương trình cải cách kinh tế theo quy định của IMF ngày càng khó khăn hơn... Loại bỏ tham nhũng vẫn còn ở quá xa", Bloomberg cho biết.
Theo AFP, sự thất bại của cuộc bầu cử có thể phá vỡ liên minh cần quyền tại Ukraine, làm tăng hoài nghi về lời hứa đưa đất nước gia nhập EU vào năm 2020 và hiện đại hóa nền kinh tế Ukraine của ông Poroshenko sẽ tan thành mây khói.
Kết quả chính thức của cuộc bầu cử địa phương tại Ukraine dự kiến sẽ công bố vào ngày 4/11. Vòng thứ hai của cuộc bầu cử, bầu chọn thị trưởng, sẽ diễn ra vào ngày 20/11./.
Nguyễn Hường
Theo giaoduc
Mỹ đưa xe tăng đến Estonia Mỹ đã đưa nhiều xe tăng và xe bọc thép đến Estonia và dự kiến sẽ đến căn cứ của NATO vào này 26.10, theo Tổng tham mưu trưởng Lực lượng quốc phòng Estonia. Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ - Ảnh: Reuters Đợt chuyển hàng lần này gồm có 40 trang thiết bị quân sự, trong đó có 4 xe tăng M1A2...