NATO tăng quân gấp đôi ở châu Âu đề phòng Nga, IS
Bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thống nhất sẽ tăng gấp đôi quân số của Lực lượng Phản ứng, đồng thời thiết lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 5.000 binh sĩ để đối phó với thách thức từ Nga và IS.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp hôm qua ở Brussels. Ảnh: Reuters.
Những quyết định, được đưa ra trong cuộc họp kéo dài cả ngày hôm qua tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels của Bỉ, sẽ “đảm bảo chúng tôi có các lực lượng phù hợp đặt đúng lúc, đúng chỗ”, hãng tin AP dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. NATO sẽ “có thể bảo vệ toàn bộ đồng minh trước mọi mối đe dọa, từ phía đông cũng như từ phía nam”.
Theo ông Stoltenberg, Lực lượng Phản ứng của NATO sẽ tăng từ 13.000 lên 30.000 binh sĩ và lực lượng phản ứng nhanh mới sẽ được điều động trong vòng 48 giờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cùng người đồng cấp từ 27 quốc gia thành viên NATO còn ra lệnh thiết lập các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở thủ đô của Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan, Romania và Bulgaria. Trong trường hợp khẩn cấp, các trung tâm sẽ giúp tăng tốc độ tiếp cận của lực lượng phản ứng nhanh và sau đó là quân tiếp viện NATO.
NATO thiết lập một trụ sở mới ở miền tây Ba Lan nhằm giúp bảo vệ những quốc gia thành viên của liên minh tại đông bắc châu Âu. Romania tự nguyện là nơi đặt một trụ sở tương tự dành cho các nước đông nam châu Âu.
6 thành viên lớn nhất của NATO ở châu Âu, gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha, tự nguyện lần lượt cung cấp nhân lực cho lực lượng phản ứng nhanh. Lực lượng này là một đơn vị trên bộ có quy mô lữ đoàn, với sự hỗ trợ của không quân và hải quân, có thể điều động trong vòng một tuần.
Video đang HOT
“Các đồng minh châu Âu đang thể hiện hết mình, nhận lấy vai trò đi đầu trong việc bảo vệ châu Âu”, ông Stoltenberg nói. Trong năm 2015, Đức, Na Uy và Hà Lan bắt đầu đào tạo và huấn luyện mẫu đầu tiên của lực lượng phản ứng nhanh.
Khi được hỏi động thái trên của NATO có thể khiến căng thẳng với Nga gia tăng hay không, ông Stoltenberg cho biết các biện pháp hoàn toàn mang tính phòng vệ và chỉ triển khai vì những hành động của Moscow.
“Bạo lực ở Ukraine đang trở nên tồi tệ và cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc”, ông Stoltenberg cho biết. “Nga tiếp tục phớt lờ quy tắc quốc tế và hỗ trợ phe ly khai bằng vũ khí hiện đại, huấn luyện cùng các lực lượng”. Trong khi đó, Nga từng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc có liên quan trong xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các trung tâm chỉ huy và kiểm soát mới cùng lực lượng sẵn sàng tác chiến cao là một phần trong “những biện pháp trên bộ, trên không và trên biển” của NATO.
“Mọi việc NATO thực hiện đều nhằm trấn an rằng các đồng minh rằng chúng tôi có thể bảo vệ liên minh”, bà Marie Harf, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Như Tâm
Theo VNE
Malaysia dựng lá chắn phòng không gần biển Đông phòng Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tiết lộ nước này sẽ trang bị hệ thống phòng không tại một căn cứ tàu ngầm gần biển Đông để đề phòng những mối đe dọa tiềm ẩn được cho là từ Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Scorpene KD Tunku Abdul Rahman của Malaysia - Anh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin Hussein ngày 26.1 cho biết động thái trang bị hệ thống phòng không ở căn cứ Kota Kinabalu của Hải quân Hoàng gia Malaysia là nhằm chuẩn bị đối phó với những xung đột trong tương lai, tập trung vào những mối đe dọa tiềm ẩn từ biển Đông và vùng biển Đông Sabah, theo tạp chí The Diplomat có trụ sở tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 28.1.
Tại căn cứ Kota Kinabalu, có hai tàu ngầm điện-diesel lớp Scorpene của RMN: KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Razak. Căn cứ hải quân này được đưa vào hoạt động kể từ năm 2006, chỉ phục vụ tàu ngầm và một số tàu chiến khác.
Tuy nhiên, ông Hussein không tiết lộ cụ thể hệ thống phòng không gì sẽ được triển khai tại căn cứ Kota Kinabalu.
Căn cứ Kota Kinabalu ở Teluk Sepanggar nằm gần với khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Malaysia và Trung Quốc trên biển Đông.
Tạp chí quốc phòng Jane's (Anh) nhận định Malaysia quyết định triển khai lá chắn phòng không ở căn cứ tàu ngầm này có thể là do những hành động gây hấn của Trung Quốc quanh bãi đá James.
Vào tháng 1.2014, Trung Quốc đã điều một đội 3 tàu hải quân tuần tra bãi đá James, trong đó có chiếc Trường Bạch Sơn, tàu đổ bộ lớn nhất Trung Quốc cùng hai khu trục hạm.
Tàu chiến Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Jiang Weilie, chỉ huy đội tàu, "đã thúc giục binh sĩ và các sĩ quan phải luôn sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng chiến đấu và giúp xây dựng đất nước trở thành một thế lực trên biển", theo Tân Hoa xã. Tân Hoa xã cho hay binh sĩ và sĩ quan trên ba con tàu này đã thề quyết tâm bảo vệ "chủ quyền biển đảo đất nước".
Bãi đá James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km. Vị trí này là điểm tận cùng phía nam của bản đồ "đường lưỡi bò" phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra nuốt trọng gần cả biển Đông, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km, theo Jane's.
Theo Reuters, Malaysia hồi tháng 3.2013 từng lên tiếng phản đối việc 4 tàu hải quân Trung Quốc đi vào bãi đá James. Các thủy thủ trên tàu Trung Quốc lúc đó được cho là đã bắn chỉ thiên khi đang ở trong khu vực bãi đá. Và một tháng sau đó, một tàu hải giám Trung Quốc đã quay lại bãi đá James để đóng cột thép nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Hàn Quốc sẽ tập trận phòng thủ tên lửa đề phòng Triều Tiên Hàn Quốc lên kế hoạch tiến hành tập trận phòng thủ tên lửa lần đầu tiên trong giai đoạn nửa năm đầu 2015, kiểm tra tính hiệu quả của chương trình phòng thủ tên lửa do nước này phát triển nhằm ứng phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Hệ thống tên lửa Hyeonmu 3 của Hàn...