NATO gấp rút ‘lắp ráp’ lá chắn phòng không cho Ukraine và châu Âu
Mỹ và các đồng minh NATO đang chạy đua lắp ráp các lá chắn phòng không cho Ukraine và toàn châu Âu sau loạt không kích tên lửa của Nga hôm 10/10.
NATO đang tìm cách nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cũ của Ukraine. Trong ảnh là Hệ thống tên lửa đất đối không ở ngoại ô Kiev. Nguồn: AP
Theo trang Politico, các thành viên NATO đang chạy đua lắp ráp các lá chắn phòng không cho Ukraine và một hệ thống chung cho toàn châu Âu nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bầu trời.
Sau chiến dịch tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine hôm 101/10, các nhà lãnh đạo NATO đã khẩn trương nhóm họp ở Brussels trong tuần này.
Phản ứng mà các đồng minh NATO đưa ra là rất nhanh chóng. Đức đã chuyển giao ngay hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên; Pháp và Tây Ban Nha cam kết các khoản tài trợ mới để hạ tên lửa Nga và các máy bay không người lái tấn công liều chết; Hà Lan viện trợ tên lửa đất đối không…
Cùng lúc đó, 14 thành viên NATO và Phần Lan ngày 13/10 đã công bố một nỗ lực đầy tham vọng nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa liên kết mới trải rông khắp cựu lục địa. Giới chức NATO cho rằng nỗ lực này là rất quan trọng sau làn sóng không kích nhằm vào các thành phố của Ukraine.
Xe cộ bị đốt cháy rụi trong cuộc không kích của Nga vào thủ đô Kiev ngày 10/10. Ảnh: CNN
“Cam kết này trở nên quan trọng hơn khi chúng ta chứng kiến các cuộc tấn công tên lửa của Nga ở Ukraine”, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cho biết sau thông báo.
Được gọi là “Sáng kiến Lá chắn Bầu trời Châu Âu” (European Sky Shield Initiative), các quốc gia thành viên có nhiệm vụ mua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại và kết nối chúng với các hệ thống của các quốc gia khác để cung cấp cho liên minh một bức tranh toàn cảnh về các mối đe dọa từ bầu trời.
Video đang HOT
Khi công bố kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã lưu ý đến những “lỗ hổng” hiện có trong phòng không châu Âu. “Chúng ta cần nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống này, chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm, đầy mối đe dọa”, bà Lambrecht nói.
Mỹ hiện không có vai trò quan trọng trong “Sky Shield”, nhưng họ đã vận hành hai địa điểm đặt tên lửa đạn đạo Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan, tập trung vào mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo của Iran.
Thông tin chi tiết về “Sky Shield” chưa có nhiều, nhưng sự phức tạp của sáng kiến này là rõ ràng. “Có lẽ nhiệm vụ quan trọng nhất là làm thế nào để liên kết tất cả các hệ thống đó lại với nhau”, Ngoại trưởng Latvia, Janis Garisons nói với tờ POLITICO sau khi ký thỏa thuận. Sẽ mất thời gian và nỗ lực để xây dựng một “bức tranh chung nhằm đảm bảo nó có thể tương tác được với nhau và đó có thể là thách thức lớn” – theo ông Garisons.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren nói với các phóng viên rằng “tầm quan trọng của những gì chúng tôi đã làm sáng nay (13/10) là chúng tôi biết rằng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn, và chúng tôi muốn ngành công nghiệp cũng phải làm nhiều hơn nữa và đón đầu sự phát triển của hệ thống phòng thủ đường không. Và chúng tôi cũng nhận ra rằng không nên làm điều đó riêng rẽ từng quốc gia, vì vậy chúng tôi đang phối hợp lực lượng của mình”.
Bất kỳ mạng lưới hoạt động nào như vậy chắc chắn sẽ mất nhiều năm để phát triển và triển khai, vì các hệ thống phòng không tinh vi vừa tốn kém lại vừa mất thời gian để xây dựng. Các hệ thống mạng tiên tiến và việc đưa ra các quy tắc chia sẻ dữ liệu, thông tin cũng là một trở ngại khác đối với những quốc gia do dự trong việc chia sẻ những thông tin nhạy cảm như vậy.
Kết hợp nỗ lực này với việc thúc đẩy tài trợ ngay lập tức nhiều vũ khí tầm cỡ cho Ukraine cũng có thể sẽ buộc các quốc gia NATO phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Tuy nhiên, cuộc tấn công của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi tư duy của người châu Âu, cho lục địa già chứng kiến cuộc chiến quy mô công nghiệp lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II diễn ra như thế nào.
Hệ thống tên lửa NASAMS của Hà Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ollongren cho rằng các hệ thống phòng không mới đang được đưa tới Ukraine là tín hiệu với ông Putin rằng điều duy nhất mà Nga đạt được khi không kích Ukraine là châu Âu càng đầy mạnh nỗ lực giúp Kiev. “Nếu phòng không là thứ Ukraine cần, thì phòng không là thứ họ sẽ có được”, ông Ollongren nói.
Các quan chức NATO trong tuần này cũng cho biết họ rút ra bài học từ xung đột ở Ukraine và đang gấp rút dự trữ số lượng đạn dược còn lại trong các kho chứa của châu Âu sau nhiều tháng chuyển giao pháo, rocket chống giáp và đạn dược cho Ukraine. Một trong những bài học là Ukraine đang bắn bao nhiêu quả đạn pháo và ảnh hưởng của nó đối với các đơn vị và thiết bị của Nga, đây là điểm dữ liệu quan trọng trong việc lập kế hoạch chi tiêu quốc phòng tổng thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Lambrecht đã tìm hiểu một số chi tiết cụ thể về những gì mà bà cho rằng chương trình phòng không châu Âu nên xem xét. “Chúng tôi sẽ làm việc nhanh chóng trong các dự án chung đầu tiên, trong đó có việc mua chung các đơn vị Patriot cũng như hệ thống IRIS-T hiện đại”.
IRIS-T cũng là hệ thống phòng không mà Đức vừa chuyển giao cho Ukraine đơn vị đầu tiên, tiếp theo sẽ là 3 hệ thống. Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức sẽ có hiệu quả chống lại các tên lửa tầm thấp hoặc tầm trung. Bà Lambrecht cũng đề cập đến hệ thống Arrow 3 do Israel sản xuất dành cho các tên lửa bay cao hơn.
Ba Lan mua 300 hệ thống tên lửa phóng loạt của Hàn Quốc
Ba Lan đã hoàn tất đàm phán với Hàn Quốc để mua gần 300 hệ thống tên lửa phóng loạt tự hành K239 Chunmoo.
Đạn từ hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) của lực lượng Mỹ - Hàn Quốc bay phía trên vùng Seungjin, Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc
Theo trang Defensenews, Ba Lan đã hoàn tất đàm phán với Hàn Quốc để mua gần 300 hệ thống tên lửa phóng loạt tự hành K239 Chunmoo, và một hợp đồng dự kiến sẽ được ký trong chuyến thăm vào tuần tới của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak tới Seoul.
Ông Błaszczak nói với trang tin địa phương I.PL: "Đó là một loại vũ khí pháo binh xuất sắc và dựa trên những quan sát của chúng tôi từ cuộc chiến ở Ukraine, chúng tôi có thể thấy rõ rằng pháo binh có thể tạo ra lợi thế như thế nào trên chiến trường".
Tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Błaszczak thông báo ông đã ký một lá thư đề nghị mua khoảng 500 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) M142 của Mỹ. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất cho thấy Warsaw hiểu rằng họ sẽ không thể mua nhiều hệ thống HIMARS của Mỹ như kế hoạch ban đầu.
Ông Błaszczak cho biết: "Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ không nhận được tất cả 500 bệ phóng HIMARS như thư yêu cầu trong một thời hạn phù hợp. Chúng tôi quyết định chia đơn hàng HIMARS thành các giai đoạn. Chúng tôi sẽ có cả HIMARS và Chunmoo".
Bộ trưởng Ba Lan cho biết, theo kế hoạch, các bệ phóng đầu tiên của Hàn Quốc do Tập đoàn Hanwha chế tạo sẽ được chuyển giao cho Warsaw vào năm 2023.
"Ngoài những bệ phóng này, chúng tôi cũng sẽ có được một số lượng rất lớn tên lửa, cả tên lửa tấn công chính xác tầm xa lên tới 70 km và tên lửa chiến thuật có tầm bắn khoảng 300 km", ông Błaszczak nói.
Giá trị của hợp đồng nói trên không được tiết lộ, tuy nhiên nó được cho là sẽ mở rộng hơn nữa sự phụ thuộc của Ba Lan vào vũ khí của Hàn Quốc. Trong những tháng qua, một loạt các thỏa thuận được ký kết về mua xe tăng, pháo và máy bay đã khiến Ba Lan trở thành khách hàng quốc phòng lớn nhất của Seoul ở châu Âu.
K239 Chunmoo là một bệ phóng nhiều tên lửa tự hành (MRLS) có khả năng bắn một số loại pháo tên lửa có hoặc không dẫn đường khác nhau.
Mỗi hệ thống gồm hai bệ phóng có thể chứa ba loại tên lửa, phóng được 20 quả rocket không điều khiển K33 131 mm; hoặc sáu tên lửa KM26A2 230 mm được cải tiến; sáu quả rocket dẫn đường 239 mm với đầu đạn nổ mạnh đơn lẻ (HE) hoặc hàng trăm quả bom chùm được thiết kế cho K239 Chunmoo với tầm bắn 80 km.
Các tên lửa 239 mm dài 3,96 mét, được đường INS có GPS hỗ trợ. Tên lửa này được thiết kế để trang bị hai loại đầu đạn, một đầu đạn sức nổ cao nhằm phá boong-ke và hàng trăm quả bom chùm được thiết kế để sát thương trong một khu vực rộng lớn.
Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã đạt những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Theo một viện nghiên cứu của chính phủ Hàn Quốc, với giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc và Đức vào cuối năm nay. Khi đó, Hàn Quốc sẽ đứng vào Top 4 quốc gia xuất khẩu quốc phòng lớn nhất thế giới.
Giá trị xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc, đứng thứ 8 trên toàn thế giới từ năm 2017-2021, đã tăng 177% trong 5 năm qua, so với giai đoạn 2012-2016, theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thu thập.
Sự tăng trưởng đó đánh dấu mức tăng mạnh nhất trên thế giới - lớn hơn gần ba lần so với mức tăng 59%, đứng thứ hai của Pháp, và trái ngược hẳn với mức giảm 31% của Trung Quốc và giảm 41% của Vương quốc Anh trong cùng thời kỳ so sánh.
Tổng thống Putin nói sẽ sớm dừng lệnh động viên một phần Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng lệnh động viên một phần đã gần hoàn tất và sẽ kết thúc trong vòng 2 tuần tới. Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS Theo hãng thông tấn TASS, phát biểu trước truyền thông vào ngày 14/10, ông Putin cho biết đã có khoảng 222.000 người tòng quân trong số mục tiêu điều động...