NASA phóng ‘dĩa bay’ có thể đưa con người đến sao Hỏa
Ngày 10.11, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng vào không gian một thiết bị bơm hơi khổng lồ có hình giống dĩa bay, đóng vai trò như lá chắn nhiệt cho phép một ngày có thể đưa con người đến sao Hỏa.
Mô phỏng đồ họa của LOFTID NASA
Thiết bị Thử nghiệm Bơm hơi Giảm tốc cho Chuyến bay Cận Quỹ đạo Trái đất (LOFTID) là một lá chắn nhiệt có đường kính 6 m. Sau khi phóng LOFTID lên quỹ đạo, NASA mang nó quay lại trái đất và đáp an toàn xuống Thái Bình Dương, cách bờ biển tiểu bang Hawaii khoảng 800 km, theo tờ The New York Times.
Với ngân sách thực hiện 93 triệu USD, sứ mệnh LOFTID nhằm thử nghiệm một cách tiếp cận mới, dẫn dắt tàu du hành vượt qua nhiệt độ khắc nghiệt và trong tương lai hạ cánh an toàn trên bề mặt hành tinh ngoài trái đất, như sao Hỏa.
Ông Neil Cheatwood, Trưởng điều tra sứ mệnh LOFTID, cho biết NASA đã đưa không ít tàu robot đến sao Hỏa, nhưng các tiếp cận hiện tại chỉ hoạt động được nếu tải trọng tối đa 1,5 tấn (tương đương một ô tô nhỏ).
Điều này hoàn toàn không phù hợp nếu muốn phóng các tàu đáp lớn hơn, từ 20 tấn trở lên, cho những sứ mệnh đưa con người và đồ tiếp tế cho sứ mệnh trên bề mặt hành tinh đỏ.
LOFTID được cấu tạo từ nhiều lớp vật liệu chống nhiệt, có thể bảo vệ tàu du hành trong quá trình đi xuyên qua khí quyển hành tinh lạ với tốc độ gần 29.000 km/giờ và nhiệt độ lên đến 1.650 độ C.
Cho những sứ mệnh tương lai đến sao Hỏa, lá chắn nhiệt có thể được kết hợp với những hệ thống khác như dù và các tên lửa đẩy lùi nhằm giảm tốc cho tàu vũ trụ trước khi đáp lên hành tinh.
Tiến sĩ Cheatwood tính toán những sứ mệnh trên cần đến lá chắn nhiệt đường kính 9,2 m. Và sự thành công của cuộc thử nghiệm ngày 10.11 là bằng chứng cho thấy công nghệ trên đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ trong không gian trên thực tế.
Bên cạnh sao Hỏa, sao Kim và mặt trăng Titan của sao Thổ là những ứng viên cho sứ mệnh cần lá chắn nhiệt dạng này.
Bí mật phát lộ sau cú va thiên thạch mạnh 4 độ richter trên sao Hỏa
Cú va chạm của thiên thạch trên sao Hỏa đã hất tung vật chất dưới bề mặt, tạo ra một miệng hố lớn, làm phát lộ những vật chất bị vùi lấp bên dưới lớp bụi.
Tháng 12 năm ngoái, tàu đổ bộ thăm dò sao Hỏa InSight của NASA đã ghi nhận một chấn động trên sao Hỏa tương đương trận động đất mạnh 4 độ richter.
Từ các bức ảnh chụp từ trên cao trước và sau thời điểm xảy ra cơn địa chấn, do Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa (MRO) vốn đã quay quanh sao Hỏa từ năm 2006 chụp, giờ đây, các nhà khoa học đã biết nguyên nhân khiến Hành tinh đỏ rung chuyển.
Một thiên thạch đã lao vào sao Hỏa ở vị trí cách xa tàu đổ bộ InSight 3.500 km và tạo ra một hố va chạm mới trên bề mặt Hành tinh đỏ.
Các bức ảnh trước và sau khi được chụp bởi Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa MRO cho thấy nơi một thiên thạch lao vào sao Hỏa vào ngày 24/12/2021. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / MSSS.
MRO đã phát hiện ra một miệng hố va chạm mới vào tháng Hai.
Khi các nhà khoa học kết nối dữ liệu từ cả hai sứ mệnh, họ nhận ra đây là một trong những cuộc tấn công thiên thạch lớn nhất trên sao Hỏa kể từ khi NASA bắt đầu nghiên cứu Hành tinh đỏ.
Đáng chú ý, cú va của thiên thạch cũng làm phát lộ những tảng băng vốn bị chôn vùi dưới lớp bề mặt sao Hỏa.
Nghiên cứu lớp băng lộ ra sau vụ va chạm sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về điều kiện khí hậu trước đây trên sao Hỏa, cũng như cách thức và thời gian băng hình thành và chôn vùi.
Băng (màu trắng) phát lộ quanh miệng hố sau cú va chạm của thiên thạch trên bề mặt sao Hỏa. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / Đại học Arizona.
Các nhà nghiên cứu ước tính thiên thạch va vào sao Hỏa có kích thước khoảng 5-12m. Khi thiên thạch đâm vào vùng Amazonis Planitia trên sao Hỏa, nó tạo ra một miệng hố rộng 150 m và sâu 21 m.
Một số vật chất bắn ra từ vụ va chạm xa tới 37 km. Các nhóm tại NASA cũng ghi lại âm thanh từ vụ va chạm.
Những hình ảnh do tàu quỹ đạo ghi lại MRO, cùng với dữ liệu địa chấn do tàu InSight ghi lại, khiến vụ va chạm trở thành một trong những miệng hố lớn nhất trong Hệ Mặt trời từng được quan sát khi nó được tạo ra.
Một cơn bão bụi do Tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa MRO chụp ngày 29/9 cùng vị trí của các tàu thăm dò trên Hành tinh đỏ. Nguồn: NASA / JPL-Caltech / MSSS.
Sao Hỏa rải rác với các miệng núi lửa lớn, nhưng chúng lâu đời hơn nhiều so với bất kỳ sứ mệnh khám phá nào trên Hành tinh đỏ.
Băng bên dưới bề mặt sao Hỏa có thể được sử dụng để làm nước uống, chất phóng tên lửa và thậm chí phục vụ việc trồng trọt của các phi hành gia trong tương lai. Với thực tế băng được tìm thấy rất gần đường xích đạo, khu vực ấm nhất trên sao Hỏa, có thể khiến nó trở thành một nơi lý tưởng để hạ cánh các sứ mệnh của phi hành đoàn lên Hành tinh đỏ.
Trước đây, sứ mệnh InSight đã ghi nhận và phát hiện đá không gian va vào sao Hỏa, nhưng vụ va chạm vào tháng 12/2021 là lớn nhất.
Kể từ khi hạ cánh vào năm 2018, sứ mệnh đã tiết lộ những chi tiết mới về lớp vỏ, lớp phủ và lõi của sao Hỏa và phát hiện 1.318 cơn địa chấn.
Hiên nay, sứ mệnh InSight đang gặp những trở ngại do những cơn bão đã cuốn bụi phủ lấp các tấm pin mặt trời của tàu đổ bộ khiến năng lượng cung cấp cho tàu tiếp tục giảm, trong khi bão cũng phát tán nhiều bụi lên bầu khí quyển làm giảm cường độ ánh sáng chiếu xuống bề mặt.
Các nhà khoa học của sứ mệnh ước tính InSight có thể sẽ đóng cửa trong sáu tuần tới, kết thúc một sứ mệnh đầy hứa hẹn để khám phá bên dưới bề mặt sao Hỏa.
Giải mã bí ẩn thiên thạch bằng loại độc tố khiến lợn nôn mửa Nhờ loại độc tố khiến lợn nôn mửa, một nhà khoa học tại Scotland đã tìm ra lời giải đáp một phần cho bí ẩn kéo dài cả thế kỷ về nguồn gốc mẫu thiên thạch rơi từ Sao Hỏa. Phần lớn của thiên thạch Lafayette được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Anh. Ảnh: Bảo tàng Lịch...