NASA lắp kính viễn vọng tầm nhìn rộng gấp 100 lần Hubble
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã hoàn tất lắp đặt gương chính của kính viễn vọng không gian Nancy Grace Roman, dự kiến phóng vào năm 2025.
NASA đã lắp đặt xong gương chinh của kính viễn vọng Nancy Grace Roman. Ảnh: NASA.
Gương chính của Roman mặc dù có cùng kích thước với gương chính của kính viễn vọng Hubble (rộng 2,4 m) nhưng chỉ nhẹ bằng 1/4 và cung cấp trường quan sát rộng gấp 100 lần nhờ những cải tiến lớn về công nghệ. Thiết bị sẽ cho phép các nhà thiên văn học nhìn xuyên qua lớp khí bụi và khoảng không – thời gian rộng lớn để khám phá vũ trụ bằng ánh sáng hồng ngoại, thứ mà mắt người không thể nhìn thấy.
“Việc hoàn tất lắp đặt gương chính của kính viễn vọng là một cột mốc thú vị. Trong môi trường đầy thách thức hiện tại do dịch bệnh, mỗi chuyên gia trong nhóm của chúng tôi đảm nhận một phần việc riêng”, Scott Smith, Giám đốc dự án kính viễn vọng Roman tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA, chia sẻ.
Nhiệm vụ của gương chính là truyền ánh sáng đến hai công cụ khoa học của Roman, bao gồm công cụ trường rộng (WFI) và Coronagraph. WFI về cơ bản là một máy ảnh khổng lồ cung cấp tầm nhìn rộng gấp 100 lần kính Hubble với độ phân giải lên tới 300 megapixel. Công cụ sẽ cho phép các nhà khoa học lập bản đồ cấu trúc và sự phân bố của vật chất tối vô hình, nghiên cứu các hệ hành tinh quay xung quanh ngôi sao xa xôi, hay khám phá quá trình tiến hóa của vũ trụ.
Video đang HOT
Công cụ Coronagraph trong khi đó có nhiệm vụ loại bỏ ánh sáng chói lóa của ngôi sao, cho phép các nhà thiên văn học quan sát trực tiếp hình ảnh của các hành tinh quay xung quanh nó. Nếu công nghệ Coronagraph hoạt động đúng như kỳ vọng, kính Roman có thể nhìn thấy các hành tinh mờ nhạt gấp một tỷ lần so với Mặt Trời của chúng ta.
Kính viễn vọng Roman có trường quan sát rộng gấp 100 lần kính Hubble. Ảnh: Scitech Daily.
Do sẽ trải qua một loạt sự thay đổi nhiệt độ từ quá trình sản xuất, thử nghiệm trên Trái Đất đến khi hoạt động ngoài không gian, gương chính của kính viễn vọng Roman được làm từ một loại kính có độ giãn nở cực thấp. Nó cũng được trang bị cấu trúc giá đỡ đặc biệt để giảm độ uốn, cho phép bảo toàn chất lượng quan sát.
Quá trình lắp đặt gương chính đã kéo dài lâu hơn dự kiến do dự án được chuyển từ Văn phóng Trinh sát Quốc gia Mỹ đến NASA. Nhóm nghiên cứu đã phải sửa đổi hình dạng và bề mặt của gương để đáp ứng các mục tiêu khoa học của Roman.
Gương mới được bổ sung một lớp phủ bạc mỏng chưa đến 400 nanomet, bằng 1/200 lần sợi tóc người, cho phép kính viễn vọng phản xạ ánh sáng cận hồng ngoại tốt hơn. Trong khi đó, gương chính của kính Hubble được phủ nhôm và magie florua để tối ưu hóa khả năng phản xạ ánh sáng có thể nhìn thấy và tia cực tím.
Gương chính của Roman được đánh bóng tinh xảo đến mức vết lồi lõm trung bình trên bề mặt của nó chỉ cao 1,2 nanomet. Điều đó có nghĩa là nếu tấm gương được phóng to tới kích thước của Trái Đất, những vết lồi của nó chỉ cao 0,6 cm.
“Vì bề mặt gương nhẵn hơn nhiều so với yêu cầu, nó sẽ mang lại lợi ích khoa học lớn hơn. Gương chính của kính viễn vọng đã hoàn thành nhưng công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi rất vui khi thấy sứ mệnh này được khởi động và háo hức chờ ngày thiết bị được phóng vào không gian để khám phá những điều kỳ diệu”, Smith nhấn mạnh.
NASA công bố ảnh chụp gần nhất của sao chổi NEOWISE
Kính viễn vọng không gian Hubbe chụp được bức ảnh hiếm về sao chổi C/2020 F3 NEOWISE khi nó bay ngang qua Mặt Trời vào tháng 8.
Ảnh chụp gần nhất từ trước tới nay của sao chổi NEOWISE được NASA công bố hôm 22/8. Ảnh: Hubble.
NEOWISE là sao chổi sáng nhất có thể nhìn thấy từ Bắc bán cầu kể từ năm 1997. Trong lần tiếp cận gần Trái Đất nhất vào ngày 23/7, vật thể di chuyển với tốc độ hơn 60 km mỗi giây và cách chúng ta khoảng 103 triệu km. Sao chổi đang bay ra xa và phải mất 6.800 năm nữa, nó mới trở lại ghé thăm vùng không gian phía trong hệ Mặt Trời.
Quan sát của Hubble về NEOWISE vào ngày 8/8 là lần đầu tiên một sao chổi có độ sáng như vậy được chụp với độ phân giải cao khi nó đi ngang qua Mặt Trời. Những nỗ lực chụp ảnh trước đó với các sao chổi khác như ATLAS đã không thành công do chúng nhanh chóng tan rã trước sức nóng của ngôi sao.
Hầu hết các sao chổi khi tiếp cận gần Mặt Trời như NEOWISE sẽ bị vỡ vụn thành nhiều mảnh do ứng suất nhiệt và trọng trường. Tuy nhiên, NEOWISE vẫn giữ được dạng khối nguyên vẹn nhờ cấu trúc lõi rắn.
Với chiều dài không quá 4,8 km, sao chổi NEOWISE quá nhỏ để có thể quan sát thấy trực tiếp bằng Hubble. Ảnh chụp mới được công bố trên thực tế bao gồm cả đám mây khí bụi khổng lồ bao quanh với chiều ngang lên tới 18.000 km.
Quan sát của Hubble cũng cho thấy rõ hai chùm tia phản lực bắn ra từ vật thể theo hai hướng đối ngược nhau. Chúng bắt nguồn từ lõi của sao chổi và sau đó bị uốn cong tạo thành cấu trúc mở rộng giống như cánh quạt do chuyển động quay của thiên thể. Cặp tia phản lực này là kết quả của hiện tượng băng thăng hoa bên dưới bề mặt NEOWISE, khiến bụi khí bị đẩy ra ngoài không gian với tốc độ cao.
Trong những năm gần đây, Hubble đã ghi lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng về sao chổi ghé thăm Mặt Trời như ảnh chụp sao chổi 2I BORISOV nổi bật giữa các vì sao vào tháng 10 và 12/2019, hay sự kiện tan rã của sao chổi ATLAS vào tháng 4/2020.
Vì sao Jeff Bezos chế tạo 'siêu đồng hồ' 10.000 năm tuổi? Tỷ phú Jeff Bezos quyết định chi 42 triệu USD để chế tạo chiếc đồng hồ có tuổi thọ lên tới 10.000 năm bên trong một ngọn núi ở Texas. Tỷ phú giàu nhất thế giới tiết lộ trên Twitter rằng việc lắp đặt "siêu đồng hồ" đã bắt đầu vào đầu năm nay. Theo tấm hình Bezos đăng tải, chiếc đồng hồ...