Nắng nóng đỉnh điểm đe doạ sốc, mất nước nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch
Ths. BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Hữu Nghị cảnh báo, nắng nóng đỉnh điểm của miền Bắc như hiện tại rất nguy hiểm cho người bệnh tim mạch, huyết áp. Nguy cơ sốc, mất nước cũng xảy ra rất cao.
Diễn biến thời tiết mấy ngày qua tại miền Bắc và khu vực Hà Nội nắng nóng rất khắc nghiệt, với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.
Thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh tim mạch như: tăng huyết áp, suy tim, hẹp động mạch vành…). Nếu những người bệnh này không lưu ý để có chế độ sinh hoạt phù hợp và tuân thủ điều trị có thể dẫn đến những hậu quả xấu.
Người cao tuổi, bệnh nhân tim mạch là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi trời nắng nóng.
Theo ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hằng, Phụ trách Khoa Khám bệnh -Bệnh viện Hữu Nghị, trong những ngày nắng nóng cao điểm đến 40 độ như hiện nay, nguy cơ hiện hữu nhất là tình trạng mất nước và sốc nhiệt.
Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C), do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước. Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận…
Nguy cơ này càng gia tăng ở người cao tuổi, người già, do thân nhiệt không điều tiết kịp khi di chuyển giữa phòng điều hoà, nắng nóng, do không uống nước đầy đủ.
Video đang HOT
Vì thế, BS Hằng khuyến cáo, nếu không có việc gì cần thiết thì người cao tuổi nên ở nhà, nên thường xuyên ở trong môi trường có nhiệt độ càng ổn định càng tốt, hạn chế tối đa việc ra đường, nhất là trong thời gian từ 12h-16h hàng ngày.
Để tránh mất nước và rối loạn điện giải trong những ngày nắng nóng, người bệnh cần uống nhiều nước, trừ bệnh nhân suy tim. Uống nước nhiều lần trong ngày để giúp cơ thể không bị thiếu nước, không bị cô đặc máu. Người bệnh cũng không nên ăn quá no, ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, hạn chế muối, không sử dụng bia rượu. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Khi nắng nóng, huyết áp thường tăng, nhịp tim tăng, tim phải gắng sức, sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy của tế bào cơ tim nên dễ dẫn đến gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim và tử vong. Vì vậy tránh làm các việc nặng, gắng sức hay tập thể dục quá nhiều và cần uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ đã kê. Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, huyết áp cao thì phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những biến cố tim mạch như: cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ … sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Xử lý khi sốc nhiệt
Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây…) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng…
Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.
Nắng nóng liên tục, bệnh nhân cao tuổi đi khám, chữa bệnh tăng 150%
Nắng nóng làm huyết áp tăng, mất nước, tuần hoàn kém, bệnh tiểu đường sẽ nặng lên... dẫn tới các bệnh lý sốc nhiệt, suy thận, tai biến mạch máu não ở người già.
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân cao tuổi vào khoa Cấp cứu.
Bệnh nhân cao tuổi đến viện tăng cao do nắng nóng
Theo TS, BS Trần Quang Thắng, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi đến khám tại bệnh viện trong một tháng gần đây cao hơn khoảng 150% so với trước đó. Trung bình có 30-40 người phải nhập viện vì những bệnh lý nắng nóng, trong đó có không ít trường hợp rơi vào tình trạng nguy kịch.
Đặc điểm của người cao tuổi đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương giai đoạn này thường diễn biến nặng hơn mùa bình thường, một phần do nắng nóng, người dân ngại đến bệnh viện hoặc do môi trường làm bệnh chuyển nặng nhanh hơn. Hiện khoa Cấp cứu đang tiếp nhận số bệnh nhân tai biến mạch máu não, viêm phổi suy hô hấp phải thở máy cao hơn so với thông thường.
"Ngày hôm qua, chúng tôi cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 72 tuổi có tiền sử tăng huyết áp. Mặc dù bệnh nhân vẫn uống thuốc theo đơn đều đặn, nhưng vì đi lại trong thời gian nắng nóng đỉnh điểm, trở về nhà, bệnh nhân xuất hiện đau đầu dữ dội, chậm dần và khi vào viện đã hôn mê. Bệnh nhân được hội chẩn mổ nhưng tiên lượng rất khó khăn", BS Thắng nói.
Các bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý viêm mũi họng viêm xoang cũng cao hơn do sử dụng điều hòa không đúng cách. "Có bệnh nhân sau hai ngày nằm điều hòa lạnh bị rơi vào tình trạng liệt giây 7 ngoại biên, mồm méo, ăn uống vãi, mắt nhắm không kín", BS Thắng cho biết.
Theo BS Thắng, bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên thường mắc mắc 3,4 đến 3,6 bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... Thời điểm nắng nóng cao điểm có thể làm cho người cao tuổi gặp trục trặc làm thân nhiệt tăng lên, nhịp tim tăng lên, huyết áp tăng, bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch sẽ suy tim tăng lên. Tình trạng mất nước ở người già cũng làm máu cô đặc, tuần hoàn máu kém, dẫn tới bệnh tiểu đường nặng hơn, suy thận do mất nước, sốc nhiệt. Ngoài ra, nắng nóng gây ra các bệnh ngoài da như sẩn ngứa, viêm nang lông, tổn thương da do cháy nắng, các bệnh về mắt thoái hóa hoàng điểm, viêm kết mạc, giác mạc...
Số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám và điều trị tăng cao trong những ngày nắng nóng.
Người cao tuổi cần phòng bệnh thế nào khi trời nắng nóng
BSCK2 Đỗ Mai Huyền, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, người già bị bệnh mãn tính mà gặp nắng nóng thường mệt mỏi, khát nước, tim đập nhanh hồi hộp, đi tiểu ít. Tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi cũng dễ gặp khi thời tiết nắng nóng do sử dụng điều hòa. Đặc biệt, viêm phổi dễ xảy ra ở hai nhóm bệnh gồm: người không có khả năng phục vụ bản thân nằm tại chỗ như di chứng tai biến, sa sút trí tuệ giai đoạn cuối, suy kiệt và nhóm bệnh nhân có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn tính.
"Người cao tuổi khi gặp thời tiết nắng nóng hay gặp một số sai lầm như uống ít nước làm máu cô đặc, tuần hoàn não kém, dễ suy thận cấp, viêm đường tiết niệu. Thứ hai, nằm điều hòa lạnh trong thời gian dài dễ viêm đường hô hấp. Nhiều bệnh nhân không uống thuốc đều đặn và ngại nắng nóng nên không đi khám sức khỏe định kỳ", BS Huyền nói.
Vì thế, BS Huyền khuyến cáo, người cao tuổi cần phải kiểm soát thường xuyên bệnh mãn tính đang có như: uống thuốc đều đặn theo đơn, duy trì đến khám thường xuyên, bảo đảm chế độ ăn uống hợp lý các chất rau, củ quả, các vitamin, vi lượng, uống đủ nước, hạn chế ra ngoài tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, tránh nằm điều hòa lạnh quá làm bệnh nhân bị lạnh dễ mắc bệnh đường hô hấp. Người mất nước phải uống nước nhiều, trung bình 2 lít/ngày (trừ người suy gan, suy thận).
Trong trường hợp phải ra ngoài, cần có đồ bảo hộ tránh ánh nắng trực tiếp như mặc áo sáng màu, che kín tay, đội mũ nón, đi vào chỗ râm mát, giảm thiểu tối đa thời gian tiếp xúc với môi trường bên ngoài để không làm ảnh hưởng đến da, dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tới nội tạng.
Để duy trì thể dục đều đặn, người cao tuổi nên tập vào sáng sớm. Vào những ngày nắng nóng, từ 6 giờ sáng đã có bức xạ mặt trời thì nên tập tại chỗ ở nhà, không ra ngoài tập.
Với bệnh nhân sa sút trí tuệ, Alzheimer cũng phải uống thuốc định kỳ vì thuốc chỉ có tác dụng trong ngày. Nếu những người này bỏ thuốc sẽ bị biến chứng run cứng tay chân, cứng đơ cả người. Nế sa sút trí tuệ bỏ thuốc sẽ bị loạn thần người già, có hành động lời nói không phù hợp, làm náo loạn gia đình.
Để tăng cường phục số lượng bệnh nhân tăng cao so với trước, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng đã đẩy giờ đón tiếp và khám bệnh lên từ 6 giờ 30 phút sáng, phân luồng bệnh nhân đến khám, nhập viện. Bệnh viện cũng đã sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm, bố trí các cây nước trong bệnh viện để giảm nhiệt cho người bệnh.
Lưu ý các sản phụ khi nắng nóng Mất nước, nhiễm khuẩn, viêm da, sốc nhiệt, viêm đường hô hấp, dễ gây những ảnh hưởng tới bào thai... là những nguy cơ có thể xảy ra với bà bầu trong giai đoạn nắng nóng cao điểm như những ngày qua. Nắng nóng có những ảnh hưởng lớn đến những sản phụ, đặc biệt ở giai đoạn cuối của thai sản. Một...