Nắng nóng ‘bủa vây’ khu vực Nam Á
Nắng nóng đang “bủa vây” nhiều nước khu vực Nam Á. Ngày 29/4, Pakistan đã ban hành cảnh báo nắng nóng sau khi phải hứng chịu tháng 3 nóng nhất trong vòng 61 năm qua.
Trong khi đó, nhiều trường học của Ấn Độ đã đóng cửa do nắng nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nắng nóng đang “bủa vây” nhiều nước khu vực Nam Á. Ảnh: dialoguepakistan.com
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng liên bang về biến đổi khí hậu của Pakistan Sherry Rehman đã kêu gọi chính quyền liên bang và các chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đề phòng nắng nóng, vốn lên tới 47 độ C tại nhiều nơi. Bà cho biết nhiệt độ tại Pakistan được dự báo là có thể cao hơn từ 6-8 độ C so với mức nhiệt trung bình. Theo Cục Khí tượng Pakistan, tháng 3 vừa qua vẫn là tháng nóng nhất tại nước này kể từ năm 1961.
Bộ trưởng Rehman dẫn lời các nhà khoa học cảnh báo hơn 1 tỷ người trên thế giới có nguy cơ chịu các tác động do nắng nóng trong khu vực do biến đổi khí hậu. Đây là lần đầu tiên Pakistan chuyển từ mùa Đông sang mùa Hè mà không có mùa Xuân.
Trên khắp khu vực Nam Á, người dân phải tìm kiếm nơi trú nắng nóng. Nắng nóng càng trở nên khắc nghiệt hơn khi nhiều khu vực ở Pakistan và Ấn Độ bị mất điện, một phần do thiếu than đá, sau khi nắng nóng bất thường trong tháng 3 và 4 khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, lạm vào các kho dự trữ.
Tuần trước, nhiều thành phố của Pakistan đã phải cắt điện lên tới 8 giờ mỗi ngày, trong khi người dân nông thôn chỉ có điện trong nửa ngày. Đáng lo ngại hơn, cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở các khu vực miền Bắc, do nhiệt độ tăng có thể làm tan băng.
Còn tại Ấn Độ, nhiệt độ cao nhất đo được tại thủ đô New Delhi lên tới 43 độ C, nhiều trạm điện chỉ còn lượng than đủ dùng chưa tới một ngày. Người đứng đầu New Delhi, ông Arvind Kejriwal, thừa nhận: “Tình hình trên toàn Ấn Độ đang rất tồi tệ”, đồng thời cảnh báo nguy cơ cắt điện đối với các bệnh viện và hệ thống tàu điện của thành phố.
Nhiều bang của Ấn Độ, trong đó có Rajasthan, Gujarat và Andhra Pradesh đã cắt giảm cung cấp điện cho các khu công nghiệp vì thiếu than tại các nhà máy điện. Ấn Độ cũng hủy một số chuyến tàu chở khách nhằm tăng lượng than cho các nhà máy điện.
Cơ quan khí tượng Ấn Độ dự báo nắng nóng sẽ vẫn tiếp diễn trong 3 ngày tới.
Các bác sĩ Ấn Độ cho biết ngày càng nhiều người bị ốm do sốc nhiệt, đồng thời quan ngại nguy cơ đột quỵ. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện do say nắng hoặc các vấn đề liên quan đến nắng nóng. 60-70% bệnh nhân là trẻ em bị nôn mửa, tiêu chảy, suy nhược cùng nhiều triệu chứng khác.
Tại Odisha, bang miền Đông Ấn Độ, các trường học đã phải đóng cửa, trong khi bang Tây Bengal lân cận phải kéo dài kỳ nghỉ Hè của học sinh thêm vài ngày.
Nắng nóng còn là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy rừng xảy ra ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ trong những tuần qua.
Giới chuyên gia y tế Ấn Độ thậm chí còn cho rằng quốc gia Nam Á này thậm chí còn quan ngại đợt nắng nóng này hơn làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19.
Nguyên nhân gây lũ lụt chưa từng có ở vùng tây bắc Thái Bình Dương
Lũ lụt và lở đất kinh hoàng đã tàn phá bờ biển phía tây của Canada và Mỹ, chỉ vài tháng sau khi khu vực này hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục.
Mưa lũ bất thường
Ảnh chụp từ trên không cho thấy đồng cỏ Sumas ở Abbotsford chìm trong biển nước. Ảnh: Getty Images
Theo trang The Guardian (Anh), một cơn bão lớn đã ập đến, gây ra lượng mưa lũ kỷ lục tại các vùng trũng của tỉnh bang British Columbia (Canada) và bang Washington (Mỹ) trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15/11 vừa qua.
Hàng nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người bị mắc kẹt trên những con đường đã bị tàn phá và một số thị trấn rơi vào hỗn loạn vì bị cắt điện hoàn toàn. Bùn và lở đất đã phá hủy nhiều tuyến đường cao tốc chính. Hôm 17/11, Thủ hiến của tỉnh bang British Columbia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực và điều động quân đội để giúp đỡ những người còn mắc kẹt.
Tình nguyện viên sử dụng thuyền để giải cứu người dân bị mắc kẹt ở Abbotsford, British Columbia. Ảnh: AP
Cảng Vancouver, cảng lớn nhất Canada, đã phải đình chỉ mọi tuyến đường sắt. Toàn bộ thành phố này đã bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của đất nước. Ít nhất một người đã tử vong và nhiều người khác đang mất tích.
Tại thị trấn Abbotsford, nhiều nông dân đã phớt lờ lệnh sơ tán, cố gắng cứu vật nuôi khỏi vùng nước dâng. Một số người còn buộc dây vào gia súc để kéo chúng lên vùng đất cao hơn.
Nguồn: The Guardian
Nguyên nhân xảy ra lũ lụt kinh hoàng
Khu vực tây bắc Thái Bình Dương đã hứng chịu đợt bão lớn bất thường kể từ tháng 9, điều mà một nhà khí tượng học gọi là "cuộc diễu hành của những cơn bão". Chỉ trong 3 ngày, mưa trút xuống ở Bellingham, bang Washington (Mỹ) đã cao hơn lượng mưa cả tháng 11 ở khu vực này.
Lượng mưa lớn được cho là liên quan đến hiện tượng thời tiết kỳ lạ mang tên "sông khí quyển" (atmospheric river), những vùng hẹp có độ ẩm rất cao trong bầu khí quyển, có thể chứa lượng nước nhiều hơn sông Mississippi tới 15 lần. Nhà khoa học về bão Jeff Masters mô tả hiện tượng này giống như "một dòng sông vắt ngang bầu trời, hoạt động giống như một đường ống vận chuyển một lượng lớn hơi nước ra khỏi vùng nhiệt đới".
Ảnh vệ tinh cảnh lũ lụt ở Thung lũng Fraser, phía tây nam tỉnh bang Bristish Columbia, Canada. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn do nạn khai thác rừng bừa bãi. Việc khai thác gỗ không kiểm soát đã ảnh hưởng đến độ dốc, tốc độ nước thấm vào đất và khả năng giữ đất trong bộ rễ. Không có cây cối, mưa lớn có thể cuốn trôi một lượng lớn phù sa vào các hệ thống nước gần đó, gây tắc nghẽn các khe lạch và suối và khiến nước tràn ra các khu vực xung quanh.
Nguy cơ sạt lở đất cũng tăng cao do tình trạng cháy rừng ở khu vực trong mùa hè qua. Thomas Martin, một cán bộ kiểm lâm ở Bristish Columbia cho biết: "Có một mối liên hệ rất rõ ràng giữa vụ cháy rừng và nguy cơ sạt lở đất. Nếu nhiều cây cối, cỏ và cây bụi bị thiêu rụi, sẽ có ít sinh vật sống hơn giúp ngăn nước. Nước sẽ chảy trực tiếp ra khỏi các khu rừng".
Một khu rừng bị khai thác gỗ ở British Columbia. Ảnh: Alamy
Điều gì đã xảy ra trong khu vực này vào mùa hè?
Mưa bão bất thường đang đổ bộ vào một khu vực mà 5 tháng trước đã hứng chịu một đợt nắng nóng khắc nghiệt, gây ra những đám cháy rừng hủy diệt. Hồi tháng 6, thị trấn miền núi nhỏ Lytton đã ghi nhận nhiệt độ 49,6 độ C, phá kỷ lục ở Canada.
Giới chức báo cáo số người chết vì nắng nóng tăng vọt, với 486 người ở British Columbia và hàng chục người khác ở phía nam biên giới. Nắng nóng đã phá huỷ một thị trấn, khiến hơn 1.000 người dân phải di tản. Ở những khu vực khác, người dân Canada cho biết nắng đã làm chảy dây cáp điện, gây biến dạng đường nhựa và làm nứt kính ô tô để ngoài trời.
Dự báo nhiệt độ ở Vancouver, Canada ngày 30/6/2021. ẢNh: Guardian
Canada không phải là đất nước duy nhất hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan. Trên thực tế, kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ ở khắp vùng ven biển tây bắc Thái Bình Dương bao gồm 6 bang miền tây của Mỹ, từ đông Washington, Oregon cho tới Montana, nam Nevada và Bắc California.
Tình trạng thời tiết khắc nghiệt này là do hiện tượng "vòm nhiệt" đang mở rộng ở vùng tây bắc Thái Bình Dương gây ra. Mặc dù không phải là một thuật ngữ chính thức, "vòm nhiệt" được hình thành khi áp suất cao trong bầu khí quyển hoạt động như một loại nắp đậy, ngăn không khí nóng thoát ra ngoài. Kết hợp với nhiệt độ cao, điều này làm cho khí nóng bị nén xuống bề mặt, gây ra hiện tượng nóng lên, khí càng nén mạnh thì nhiệt độ càng tăng.
Mối liên hệ với khủng hoảng khí hậu
Tuyến đường cao tốc ở phía tây Abbotsford chìm trong nước hôm 16/11. Ảnh: Shutterstock
Từ việc phân tích đợt nắng nóng trong khu vực, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra có nguy cơ khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra cao hơn ít nhất 150 lần. Đề cập đến cả đợt nắng nóng và các cơn bão vừa qua, Joe Boomgard-Zagrodnik, một nhà khí tượng học nông nghiệp tại Đại học Washington, phân tích với NBC: "Khu vực này rất nóng và khô vào mùa hè, và điều này đã bị đảo lộn. Điều đó chắc chắn phù hợp với các dự đoán về mô hình khí hậu ở khu vực này trong tương lai, đó là mùa hè nóng hơn, khô hơn còn mùa đông ẩm ướt hơn".
Khi khí hậu ấm lên, các nhà khoa học dự đoán rằng các "dòng sông khí quyển" sẽ hình thành liên tục và nhanh hơn, phát triển dữ dội hơn, dài hơn, ẩm ướt hơn và rộng hơn. Theo Cơ quan Môi trường Canada, đã có 5 "dòng sông khí quyển" hình thành vào mùa này. Đây là điều rất bất thường.
Các nhà nghiên cứu nhận định các vụ cháy rừng mùa hè và trận lũ lụt bất thường vào mùa đông ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương là một ví dụ về thảm họa khí hậu hỗn hợp.
Nắng nóng khắc nghiệt tác động tiêu cực tới nền công nghiệp Ấn Độ Trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục khiến nhu cầu điện tăng vọt, bang Rajasthan nằm phía Tây Bắc Ấn Độ đã quyết định ngừng cung cấp điện cho nhà máy trong 4 giờ đồng hồ. Đây là địa phương thứ 3 tại Ấn Độ tạm dừng hoạt động công nghiệp để giải quyết nhu cầu điện tăng cao. Người dân uống nước...