Nàng dâu từ núi rừng
Dì tôi có hai con, một trai một gái. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, con trai của dì xung phong lên một huyện miền núi công tác. Biết tin con trai có con với một cô “dân tộc” đã từng một đời chồng, dì stress nặng, đau ốm triền miên.
ảnh minh họa
Cô gái ấy xinh đẹp, hát hay, là một phát thanh viên có giọng đọc hút hồn của đài truyền thanh địa phương, nên còn được mọi người ví von là “họa mi của núi rừng”.
Video đang HOT
Không nhận dâu, dì chối từ luôn đứa cháu nội có cặp mắt “dại dại” như mẹ nó. Cặp mắt… thượng du ấy đã ám ảnh dì suốt một thời gian dài. Cô con dâu mà dì không chấp nhận cũng dằn vặt, đau khổ, xem mình là kẻ tội đồ. Không ít lần cô tự trách mình sao lại yêu một người chưa từng có vợ, lại là con trai duy nhất trong một gia đình nề nếp. Cô biết, mẹ chồng bị sốc, thậm chí căm thù cô đã “hủy hoại” những kỳ vọng của bà vào con trai. Nhiều đêm vợ chồng cô không ngủ, trăn trở làm thế nào để thuyết phục mẹ. Rồi hai vợ chồng quyết định đầu tư làm kinh tế, chuẩn bị cho kế hoạch “tiến về đồng bằng”.
Họ thuê người phụ việc, đầu tư mở một quán cơm ngay trung tâm thị trấn. Nhờ cung cách phục vụ và chế biến thức ăn ngon, quán trở thành sự lựa chọn của nhiều thực khách khó tính. Dù vậy, cô luôn động viên chồng đừng bận tâm đến hàng quán, mà năng về thăm mẹ, thuyết phục mẹ. Mỗi chuyến về xuôi, cô tìm mua mật ong rừng, măng rừng, thịt heo rừng, thịt nai, hoặc những đặc sản của rừng để chồng mang về biếu mẹ. Kinh tế khá dần lên, vợ chồng cô nhận phần lo cho em gái học đại học. Dù đang ăn nên làm ra, cô vẫn bàn với chồng chuyển công tác về xuôi, còn cô quyết định nghỉ việc (một quyết định khó khăn với cô) để chăm mẹ, tiếp tục kinh doanh. “Họa mi” đã làm tất cả để mong mẹ chồng chấp nhận cô, nhưng dì tôi vẫn cương quyết không sống cùng với con nhỏ “thượng du” ấy.
Về đồng bằng, vợ chồng phải thuê nhà ở riêng, nhưng vẫn không thôi quan tâm đến mẹ, dù không ít lần bị hắt hủi, la mắng. Thật ra, chẳng người mẹ nào muốn con cái mình đau khổ, nhất là khi các con luôn tỏ ra hiếu thảo, hết lòng vì mẹ. Dì tôi có lần nói về cô con dâu: “Xét cho cùng, nó cũng không có lỗi; tuy khác biệt văn hóa, lối sống, nhưng biết hòa nhập, biết học hỏi, biết sống”. Rồi dần dần dì tôi bắt đầu nhận cháu, nhận dâu. Có cô về, nhà cửa tinh tươm, những món ăn lạ miệng của cô đã thuyết phục được mẹ chồng. Cô làm tất cả không phải “mua chuộc” mà xuất phát từ tấm lòng của một cô gái Cơ tu chân thành, bộc trực. Dì tôi có lần còn tỏ ra ân hận vì những định kiến của mình. Giờ đây, với dì, cô gái “dân tộc” ấy đúng là một cô con dâu khó kiếm.
Theo VNE
Thương người khuất núi
An Nguyên tròn ba tuổi, nói líu lo như con chim nhỏ lắm lời. Một hôm em tròn xoe mắt hỏi "nội ơi núi rừng có gì?", Nội bảo có bạt ngàn cây xanh, bạn ngàn nắng gió. Hình như nội quên nhắc những nấm mồ.
Quê mình dựa lưng vào núi, trông ra biển. Người qua đời cũng lặng lẽ về ôm núi rừng mà ngủ giấc trăm năm. Người ở lại đỏ hoe con mắt ngóng núi. Nội lớn lên không kịp thấy mặt cha, chỉ ngơ ngác đứng bên nấm mộ cha xanh um cỏ. Kể về tuổi thơ mình, nội bâng khuâng nhớ "thời đấy khổ quá, chồng mất sớm, mẹ của nội đi thêm bước nữa để có nơi nương tựa nhưng được ít lâu ông phải ra chiến trường, rồi hi sinh. Nội còn mẹ với hai đứa em, cực khổ dắt díu nhau thế mà cũng qua thời loạn lạc...".
Nội đi lấy chồng chưa tròn một năm thì bà cố đã qua đời. 18 tuổi gánh vác cả giang sơn nhà chồng, để tang cha, tang mẹ, còn hai đứa em bé bỏng mồ côi, nội thấy đất như vụn vỡ dưới chân, càng đi càng nặng trĩu, bàng hoàng. Thương người khuất núi, nội không dám buông xuôi. Ngày làm việc quần quật, đêm giấu ít khoai, gạo lén đem về cho em. Sớm tờ mờ ra đồng cày cuốc, khuya khoắt dậy chong ngọn đèn tù mù mà làm nón, dệt vải. Nội thắt lưng buộc bụng, cố dành ra ít tiền cho các em ăn học.
Trong làng không ai chịu nhiều đàm tiếu bằng nội, không ai bị mẹ chồng coi thường, bắt bẻ nhiều như nội. Ai đời đi lấy chồng mà bòn rút của nhà chồng mang về nuôi em. Buổi chiều đi gánh củi ngang triền núi thâm u, nội ngồi lại bên nấm mộ của mẹ. Nội khóc. Rừng cây ngả màu tím tái, già nua, chim xao xác bay về tìm tổ, tiếng của chúng hoang hoải xé toạc rừng chiều. Những buổi chiều như thế xếp dài, xếp dài. Rồi cũng qua. Các em nội lớn khôn, người đi gõ đầu trẻ, người lên nông trường làm công nhân.
Nhưng cơn gió bất hạnh cứ thốc mãi vào đời nội. Bố An Nguyên qua đời, nội đưa tiễn người đầu xanh. Chú nằm khuất sau rặng núi già, quên hết nhân gian. Nội ở lại, sống thay chú ngày dài tháng rộng. Hết tang chồng, vợ chú ngập ngừng lên xe hoa. Cô sống một cuộc đời mới, thương một người mới, cố lau khô giọt nước mắt ngày cũ, bỏ lại An Nguyên nơi ngôi nhà cũ. Em lớn lên hồn nhiên, hay nói cười bởi có nội thương em, thương cả phần của cha mẹ.
Em hay lấy bàn tay bé bỏng vuốt ve đuôi mắt nội chi chít vết chân chim. Nội càng nheo mắt, em cười như nắc nẻ. Ngày sau em sẽ biết đôi mắt nội nửa đời chan chứa lệ. Ngày sau em sẽ hiểu ánh nhìn khắc khoải của nội khi chiều xuống, hiểu mùi nhang trầm tỏa khắp nhà lúc đêm về, hiểu bước chân nội già nua, chậm chạp đã bao lần tiễn người về bên kia núi đồi. Ngày sau em cũng giống naội, hay ngoái lại phía sau mà thương người khuất núi.
Theo VNE
Hai món đắng gây 'nghiện' của núi rừng xứ Thanh Ngụm canh trôi qua cuống họng đắng tê người, nhưng ai trót ăn rồi thì thương nhớ mãi, thèm xách xe chạy về với núi rừng mà thưởng thức. Măng đắng của người Thái Mùa xuân mưa lắc rắc, người Thái ở Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước của tỉnh Thanh chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng....