Nâng chất lượng minh bạch cho doanh nghiệp UPCoM
Sau 4 năm liên tiếp (2012-2016) duy trì Chương trình đánh giá chất lượng Công bố thông tin và Minh bạch áp dụng đối với các doanh nghiệp niêm yết, năm 2018 lần đầu tiên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ( HNX) thực hiện Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên sàn UPCoM.
Vinh danh 10 doanh nghiệp minh bạch
Nâng cao chất lượng quản trị công ty (QTCT) là một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Xuất phát từ tầm quan trọng này, nhiều năm qua, HNX đã liên tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước cải thiện chất lượng QTCT của các doanh nghiệp trên HNX nói riêng, trên TTCK nói chung.
HNX đã bắt đầu triển khai Chương trình đánh giá chất lượng Công bố thông tin và Minh bạch từ năm 2012. Chương trình này đã đạt được một số thành công, nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường, được các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Năm 2018, có 160 công ty đại chúng quy mô lớn đại diện cho gần 800 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên HNX được đánh giá trong Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch. Việc đánh mỗi doanh nghiệp do đơn vị đánh giá độc lập là Trường Đại học kinh tế Quốc dân tiến hành. Trên cơ sở đánh giá khách quan, độc lập, tại Hội nghị doanh nghiệp thường niên năm 2018, do HNX tổ chức mới đây, HNX đã vinh danh 10 doanh nghiệp năm 2018 (chi tiết xem bảng).
Nhiều phát hiện thú vị
Kết quả của Chương trình đánh giá chất lượng Công bố thông tin và Minh bạch cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên sàn UPCoM chỉ ra nhiều điểm thú vị. Điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình của các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên HNX năm 2017-2018 đạt 59,75%, có 90/160 doanh nghiệp có điểm công bố thông tin và minh bạch cao hơn mức trung bình. Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc rổ UPCoM Large có điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình cao hơn, đạt 60,89% điểm.
Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn tập trung nhiều hơn vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ với tỷ lệ đạt điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 59,99%. Trong khi việc thực thi các tiêu chí mang tính thông lệ vẫn còn thấp, dưới mức trung bình, đạt 39,75%.
Đối với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có vốn sở hữu nước ngoài, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài càng cao, thì chất lượng công bố thông tin và minh bạch càng cao. Nhiều doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng thực hiện công bố thông tin tốt hơn.
Các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có chức danh chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc tách biệt có kết quả công bố thông tin và minh bạch trung bình đạt 61,68%, tốt hơn so với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn có chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc khi chỉ đạt 51,04% điểm. Các doanh nghiệp thành lập các tiểu ban thuộc HĐQT theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, có điểm trung bình đạt 64,27%, trong khi các doanh nghiệp không thành lập các tiểu ban này đạt 59,35%…
Kết quả đánh giá cũng cho thấy mỗi 1% tăng điểm của công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với ROA tăng 0,14% và ROE tăng 0,24%. Đây là dẫn chứng để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về công bố thông tin và minh bạch…
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT HNX
Tiếp nối thành công của Chương trình đánh giá Công bố thông tin và Minh bạch các năm trước, năm 2018, HNX đã áp dụng Chương trình này cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM.
Bước tiến này nhằm đánh giá nhận thức, thực thi các quy định và thông lệ tốt về công bố thông tin và minh bạch; cung cấp các cơ sở, dẫn chứng cho việc kiến nghị rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến công bố thông tin trên TTCK…
Với vai trò là một đơn vị tổ chức vận hành thị trường, chúng tôi luôn hướng tới 3 mục tiêu cụ thể và xuyên suốt là: môi trường thân thiện, doanh nghiệp chất lượng và nhà đầu tư hiểu biết. Chúng tôi cam kết hết sức nỗ lực và cố gắng để TTCK hoạt động công khai, minh bạch là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Hữu
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018
2018 khép lại một mùa giải thành công
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 khép lại với nhiều điểm sáng tích cực, không chỉ trong phương pháp bình chọn, mà còn bởi mặt bằng chung của chất lượng báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững và xây dựng nền tảng đánh giá quản trị công ty tốt lên.
Điểm sáng trong cách thức tổ chức
Sau 10 năm liên tục tổ chức thành công và trở thành một giải thưởng uy tín trên thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2018, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên được nâng tầm với tên gọi Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, đánh dấu sự phát triển theo hướng mở rộng cả về chiều sâu và chiều rộng của giải.
Những đổi mới trong công tác tổ chức giải và các cách thức đánh giá, trao giải đều nhằm định hướng sự quan tâm của doanh nghiệp đến những vấn đề quan trọng thu hút đông đảo nhà đầu tư như quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững.
Về công tác tổ chức, để ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng doanh nghiệp, đối tượng tham gia Cuộc bình chọn đã được tập trung vào rổ chỉ số VNX Allshare, bao gồm các doanh nghiệp niêm yết thỏa mãn các điều kiện về vốn hóa, tỷ lệ free - float và thanh khoản, thay vì dàn trải ra toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sở giao dịch chứng khoán như các năm trước. Đồng thời, Cuộc bình chọn cũng chia nhóm doanh nghiệp niêm yết theo giá trị vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ) để thực hiện đánh giá.
Cơ cấu giải thưởng cũng thay đổi, trao giải cho những doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu nhất của mỗi nhóm vốn hóa, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội tỏa sáng.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì đánh giá báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, năm 2018 là năm đầu tiên Cuộc bình chọn đánh giá chuyên sâu nội dung quản trị công ty với bộ tiêu chí riêng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị công ty của OECD và quy định pháp luật Việt Nam.
Để tăng thêm độ tin cậy của giải, Ban tổ chức đã mời bên thứ ba độc lập, là tổ chức có kinh nghiệm về đánh giá thực thi quản trị công ty trong khu vực ASEAN để thực hiện đánh giá nội dung này. Đây là một điểm tích cực, góp phần nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp của Cuộc bình chọn.
Dựa trên kết quả thu được từ Cuộc bình chọn, Ban tổ chức sẽ công bố báo cáo đánh giá chi tiết về tình hình quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp thấy được mối liên hệ và tầm quan trọng của quản trị công ty trong hoạt động của doanh nghiệp; những điểm cần cải thiện để có được kết quả tốt hơn. Báo cáo này cũng sẽ trở thành một tài liệu tin cậy giúp cho cơ quan quản lý có bức tranh tổng thể về tình hình quản trị doanh nghiệp trên toàn thị trường và theo từng nhóm công ty theo quy mô vốn hóa, từ đó có thể xây dựng chính sách và chiến lược phát triển phù hợp nhằm nâng cao mức độ minh bạch và năng lực quản trị doanh nghiệp chung của cả thị trường.
... và chất lượng của báo cáo
Năm 2018, số lượng báo cáo thường niên được chấm giảm đi so với năm 2017 (440 báo cáo so với 638 báo cáo) do Ban Tổ chức chỉ lựa chọn các báo cáo của các doanh nghiệp thuộc chỉ số VNX Allshare.
Nhìn chung, chất lượng của báo cáo thường niên của doanh nghiệp trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán có sự cải thiện, thể hiện qua điểm trung bình và điểm trung vị của toàn bộ các báo cáo năm 2018 cao hơn so với năm 2017 (điểm trung bình của năm 2018 là 52,5% so với 51,2% của 2017, điểm trung vị của năm 2018 là 52,5% so với 50,4% của năm 2017). Trên hầu hết các tiêu chí đánh giá, kết quả năm 2018 cũng đều cao hơn năm 2017.
Các doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc lập báo cáo thường niên và nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu trong các năm trước vẫn duy trì chất lượng báo cáo thường niên rất tốt. Một số doanh nghiệp còn đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn, thể hiện qua tỷ lệ điểm số tăng lên rõ rệt, đặc biệt là tỷ lệ điểm trung bình ở Top 50 của toàn thị trường tăng từ 78,3% lên 87,5%.
Đây cũng là một trong những thành công của Cuộc bình chọn, đã tạo nên nền tảng cho doanh nghiệp trong việc lập báo cáo thường niên tốt và góp phần duy trì, phát huy không ngừng các kết quả đã đạt được.
Tuy nhiên, ở nhóm doanh nghiệp nhỏ thì điểm số cũng còn khá thấp, điểm thấp nhất dù có tăng lên 15,61% cũng còn rất kém và cần cải thiện nhiều.
Cơ cấu điểm của các doanh nghiệp chia theo mức vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tương đối có sự khác biệt. Vượt trội vẫn là nhóm doanh nghiệp quy mô lớn (large cap) với mức điểm trung bình và điểm các phần đều cao hơn, đây chính là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt thị trường. Chất lượng báo cáo nhóm vốn hóa vừa (mid cap) tương đối đồng đều, tuy nhiên điểm trung vị về nội dung cũng mới đạt 55,9/104 điểm (53,75%) cho thấy gần phân nửa báo cáo của nhóm này vẫn còn nhiều thiếu sót về nội dung.
Nhóm vốn hóa nhỏ (small cap) vẫn còn khoảng cách khá xa với hai nhóm trên, mức điểm trung vị về nội dung của nhóm này mới chỉ đạt 47,3/104 điểm (45,5%), cho thấy hơn một nửa doanh nghiệp small cap có báo cáo thường niên chưa đạt, thiếu nhiều nội dung theo quy định và cần sự giám sát, thúc đẩy mạnh mẽ để cải thiện nguồn thông tin đến nhà đầu tư.
Điểm sáng cần khích lệ là điểm nội dung cao nhất ở nhóm small cap đạt 92/104 cũng là mức điểm cao, cho thấy một số doanh nghiệp nhỏ đã có sự đầu tư thích hợp cho việc lập báo cáo thường niên và thông tin ra thị trường.
Tuy nhiên, việc chia nhóm theo quy mô vốn hóa để đánh giá báo cáo thường niên đã tạo nên sự cạnh tranh khá gắt gao trong nhóm vốn hóa lớn, dẫn đến một số doanh nghiệp niêm yết ở nhóm vốn hóa lớn thực sự quan tâm đến việc lập báo cáo thường niên và nhiều lần đạt giải trong các mùa giải trước, nhưng năm 2018 không được vinh danh và giải thưởng chuyển qua nhóm doanh nghiệp niêm yết vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp có báo cáo thường niên chất lượng tốt cả về hình thức và nội dung, cũng như tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, nhưng do cổ phiếu thanh khoản thấp nên cổ phiếu của doanh nghiệp không nằm trong VNX Allshare nên cũng không được đánh giá.
Xét về cơ cấu điểm từng phần, báo cáo thường niên năm 2018 dành tỷ lệ điểm cao hơn cho phần hình thức so với năm 2017, đồng nghĩa với việc gia tăng tiêu chí nhằm đánh giá kỹ hơn về nhiều khía cạnh khác nhau trong thiết kế báo cáo, trình bày thông tin và truyền tải thông tin đến người đọc.
Các doanh nghiệp đoạt giải thường có sự chênh lệch điểm rất ít, do đó, mỗi doanh nghiệp kể một câu chuyện về bản thân mình thì câu chuyện nào hấp dẫn, lôi cuốn người đọc qua các nội dung, con số, hình thức, hình ảnh, bảng biểu tốt sẽ được đánh giá cao hơn. Điểm hình thức 2018 (46,7% tổng số điểm) cao hơn con số tương tự của năm 2017 (38,4% tổng số điểm) thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng hơn của các công ty trong việc thiết kế báo cáo.
Đối với các phần nội dung khác như hoạt động kinh doanh và tài chính, quản trị công ty hay báo cáo liên quan tới môi trường và xã hội đều có sự tiến bộ hơn năm trước, thể hiện qua tỷ lệ điểm số gia tăng, trong đó rõ nét nhất là các nội dung liên quan đến môi trường và xã hội với tỷ lệ điểm tăng từ 36,7% lên 45,2%.
Đây là năm thứ hai các doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư 155/2015/TT-BTC về trình bày thông tin trên báo cáo thường niên liên quan đến môi trường và xã hội và kết quả trên cho thấy ý thức tốt hơn của các doanh nghiệp niêm yết trong việc truyền đạt những chính sách của công ty về môi trường và hiệu quả của chúng đến với nhà đầu tư.
Về mặt đánh giá chất lượng của hoạt động kinh doanh và tài chính, mặt bằng chung các báo cáo trong cuộc thi năm 2018 có sự gia tăng 5% tỷ lệ điểm số cho thấy các doanh nghiệp đã quan tâm và có kinh nghiệm hơn khi kể về hoạt động kinh doanh của mình, các thành tựu đạt được, những khó khăn vấp phải cũng như nguyên nhân không đạt kế hoạch cũng được chú ý trình bày. Phần trình bày về hoạt động quản trị công ty chưa cho thấy sự cải thiện so với năm trước.
Phân phối phổ điểm của giải cho thấy tỷ lệ báo cáo có điểm cao (trên 75% tổng số điểm) nhiều hơn hẳn so với năm 2017 và tỷ lệ số báo cáo có tỷ lệ điểm thấp (dưới 35% tổng số điểm) thấp hơn so với năm 2017. Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong chất lượng báo cáo thường niên của năm 2018 so với năm 2017. Ngoài ra, số lượng báo cáo đạt tỷ lệ điểm rất cao (trên 90% tổng số điểm tối đa) chiếm gần 4% tổng số báo cáo, đây là nhóm các công ty có sự đầu tư rất tốt và luôn duy trì, cải tiến chất lượng báo cáo hơn hẳn qua từng năm.
Đối với báo cáo phát triển bền vững, 2018 cũng là một năm tiến bộ so với các năm trước, như trên đã nói, nội dung điểm liên quan đến môi trường và xã hội có sự tăng trưởng nhiều nhất trong các phần nội dung doanh nghiệp trình bày và số lượng báo cáo riêng biệt cũng nhiều nhất trong các năm qua. Nhiều công ty lần đầu lập báo cáo phát triển bền vững riêng.
Những báo cáo phát triển bền vững được lập riêng được vào vòng chấm chung khảo đều hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của liên hợp quốc SDGs (Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ). Phần lớn báo cáo trình bày hấp dẫn, dễ hiểu và các công ty làm tốt trong các năm trước vẫn duy trì được trong năm nay.
Đặc biệt như Tập đoàn Bảo Việt mặc dù hoạt động trong ngành tài chính và không có nhiều dư địa để thực hiện trình bày về nội dung bền vững nhưng phương pháp trình luôn sáng tạo, cải tiến để dễ dàng cho nhà đầu tư tiếp cận. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong trình bày báo cáo, thông tin số liệu nhiều nhưng theo kiểu liệt kê, chưa có sự kết nối logic nên không được điểm cao.
Giải thưởng về quản trị công ty là nội dung nhấn mạnh của Cuộc Bình chọn năm nay được chấm trên một bộ tiêu chí riêng. Mức điểm trung bình các công ty đạt được 54,3% cho thấy bộ câu hỏi quản trị công ty 2018 là xuất phát điểm tốt để đánh giá và doanh nghiệp còn nhiều cơ hội để cải thiện tình hình thực thi về quản trị công ty của doanh nghiệp mình.
Với kết quả chấm, Ban Tổ chức sẽ có báo cáo đánh giá với những nội dung chi tiết để từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện, và đồng thời cũng định hướng những nội dung cần chú ý thực hiện trong các năm sau hướng đến việc tăng dần các câu hỏi theo thông lệ quốc tế để giúp doanh nghiệp tiệm cận với tiêu chuẩn của khu vực.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM
Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018
Phiên 6/11: Giảm mạnh giao dịch, khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ hơn 11 tỷ đồng trên HOSE Giao dịch chững lại, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ hơn 11 tỷ đồng trên HOSE và gần 3 tỷ đồng trên HNX. Ngược lại, khối này cũng chuyển sang bán ròng 11,3 tỷ đồng trên UpCoM. Trên HOSE, khối ngoại thực hiện mua vào 340 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 11% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và bán...