Nâng cao sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát cơ động
Ngày 12-8, phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa
Cảnh sát cơ động là lực lượng quan trọng trên mặt trận phòng ngừa trấn áp tội phạm,
giữ gìn trật tự an toàn xã hội
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát cơ động đã thực hiện tốt nhiệm vụ vũ trang, chiến đấu, giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp như gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn; tham gia phòng, chống khủng bố, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đem lại sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, hiện nay tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động mới chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an, mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, toàn diện về xây dựng, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của lực lượng này. Do vậy, việc ban hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 của Quốc hội là yêu cầu cấp thiết. Theo tờ trình, dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động bao gồm 5 chương, 26 điều, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ, chính sách… đối với Cảnh sát cơ động.
Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh, đa số ý kiến trong UBTVQH đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Nhiều ý kiến đồng tình quan điểm cho phép lực lượng Cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng tàu bay, tàu thủy, các phương tiện bay, phương tiện thủy khác để phục vụ nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói: “Tôi ủng hộ trang bị máy bay trực thăng cho Cảnh sát cơ động. Điều quan trọng là phải tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý.”
Video đang HOT
Góp ý vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa tính chất quan trọng, vai trò, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Ông nhất trí rằng, trong tình hình mới, lực lượng này phải được nâng cao trình độ, năng lực và sức chiến đấu. Do đó, việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là cần thiết. Song, ông cũng lưu ý, dự thảo phải đảm bảo sự phù hợp và tính thống nhất với hệ thống quy định pháp luật có liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, trình UBVTQH xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch.
Chiều 12-8, UBVTQH đã nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Quan tâm tới chế tài để bảo đảm luật đi vào cuộc sống, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết, hiện nay, vi phạm rất nhiều song ít thấy ai chịu trách nhiệm: “Ở miền Tây Nam bộ, nhà lấn tuyến, tàu bè chạy loạn mà chẳng mấy ai có áo phao… Có khi thuyền mất lái đã ủi cả dãy nhà trên sông. Trong vụ tai nạn chìm tàu nghiêm trọng vừa xảy ra tại Cần Giờ (TP.HCM), tàu chỉ được chở 15 người, nhưng chở tới 30 người, mà cũng không đủ áo phao. Đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, còn ngồi thuyền nhất định phải có áo phao. Tàu, thuyền nào sai phải phạt thật nghiêm. Luật cần quy định rõ ràng hơn, chế tài quyết liệt hơn để xử lý thật cương quyết…”.
Cũng dẫn ra vụ chìm tàu ở Cần Giờ, một số ý kiến Ủy viên UBTVQH yêu cầu bổ sung đầy đủ hơn quy định về cứu nạn, cứu hộ trong dự luật. Đặc biệt, cần làm rõ cơ chế pháp lý chặt chẽ để quy trách nhiệm khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra trong thực tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình: “Cần quy định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan cũng trách nhiệm của người thấy, biết tai nạn xảy ra nhưng không cứu và không báo cho cơ quan chức năng”.
Chất vấn 2 Bộ trưởng
Sáng 12-8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 20 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, UBTVQH đã nhất trí chọn hai vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường để trả lời chất vấn trực tiếp tại cuối phiên họp này.
Dự kiến, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ tập trung tình hình thực thi các văn bản pháp luật từ năm 2010 đến nay. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời chất vấn về việc thực thi pháp luật liên quan đất đai, trong đó có việc phối hợp Thanh tra Chính phủ giải quyết trên 528 vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài. Theo nghị trình, nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp sẽ diễn ra vào ngày 21-8.
Thành Nam
Theo ANTD
Tư lệnh cảnh sát cơ động không được ra lệnh nổ súng
Chỉ giao Bộ trưởng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng. Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đôc công an tỉnh không có quyền hạn này... Nội dung này được nhấn mạnh khi UB Thường vụ Quốc hội bàn về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ngày 12/8.
Tờ trình của Bộ Công an nêu vấn đề, Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là hoạt động tác chiến đặc thù, có nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia, phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức... với tính cơ động cao.
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các biện pháp vũ trang của CSCĐ thường tác động trực tiếp đến một số quyền cơ bản của công dân, nhưng chưa được quy định trong các văn bản có tính pháp lý cao.
Do vậy, Pháp lệnh CSCĐ đang là công cụ cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng này hoạt động trong tình hình mới.
Phiên họp thứ 20 của UB Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 12/8.
Cơ quan soạn thảo đề xuất quy định cụ thể các nhóm nhiệm vụ của CSCĐ như cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; tham gia hỗ trợ các hoạt động tư pháp; xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế...
Tuy nhiên, có ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ hơn, nhiệm vụ nào giao cho CSCĐ thực hiện, nhiệm vụ nào thì do các lực lượng khác chủ trì, còn CSCĐ chỉ tham gia phối hợp, từ đó xác định cơ chế để phối hợp giữa các lực lượng.
Thẩm tra về nội dung này, UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội đặt vấn đề, cần quy định rõ hơn về quyền xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp các hành vi khủng bố" của cảnh sát cơ động.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu đề nghị, đối với việc nổ súng, ngoài trường hợp được quy định tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, còn lại chỉ giao Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng thường trực Bộ Công an được quyền ra lệnh nổ súng, còn Tư lệnh cảnh sát cơ động, giám đốc công an tỉnh không có quyền hạn này.
Riêng về quy định cảnh sát cơ động được trang bị, quản lý, sử dụng máy bay, tàu thủy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng cần cân nhắc vì đòi hỏi đầu tư ngân sách quá lớn. Bên cạnh đó, việc quản lý, đào tạo, huấn luyện sử dụng phức tạp và phải rất chặt chẽ. Trong khi hiện nay Bộ Quốc phòng đã được đầu tư cơ bản, có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Công An khi cần sử dụng và sự phối hợp giữa hai bộ vẫn đang được thực hiện tốt.
Về kế hoạch thông qua Pháp lệnh vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Dự kiến Pháp lệnh được trình UB Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 12/2013- trước khi Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh vì có nhiều quy định liên quan mật thiết với Luật Công an nhân dân, trong khi Luật Công an nhân dân đã được Quốc hội quyết định sửa đổi và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2014).
Dự thảo Pháp lệnh quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều động các đơn vị CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc. Tư lệnh CSCĐ quyết định điều động đến cấp Trung đoàn để thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc..., Giám đốc Công an cấp tỉnh được điều động các đơn vị CSCĐ thuộc Công an cấp tỉnh. Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập, được điều động lực lượng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp trong địa bàn được phân công phụ trách, đồng thời báo cáo ngay Tư lệnh CSCĐ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
P.Thảo
Theo Dantri
Trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào tháng 10/2013 Sáng 10/8, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. QH tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII...