Nâng cao nhận thức của người dân ứng phó với xâm nhập mặn
Từ đợt hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn là rất cần thiết.
Từ đó, người dân chủ động có phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Đó là một trong những “ bài học kinh nghiệm” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đúc rút ra sau quá trình các ngành, đơn vị, địa phương cùng chung tay ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2019-2020.
Trữ nước ngọt trong mương là cách các nhà vườn ở Bến Tre ứng phó với hạn, mặn.
(Nguồn ảnh: TTXVN)
Cùng vào cuộc ứng phó với hạn mặn
Nhằm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt tại ĐBSCL, các ngành, đơn vị, địa phương đã cùng chung tay vào cuộc, quyết liệt triển khai các giải pháp ngay từ đầu.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước liên tục từ tháng 6/2019. Đây là cơ sở để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện sớm các giải pháp ứng phó.
Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019-2020, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý, vượt kế hoạch từ 6-13 tháng. Riêng 5 dự án đã được đưa vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020. Các công trình đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn cho 300.000 ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn. Cụ thể như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn – Cái Bé, Tứ Giác Long Xuyên,…
Đặc biệt, về sản xuất lúa, các địa phương đã tổ chức xuống giống vụ Đông – Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày. Thời gian xuống giống từ đầu tháng 10 và cơ bản kết thúc xuống giống trong tháng 12/2019 để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao; tổng diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 đạt 1.541.000 ha.
Video đang HOT
Đôi vơi việc bảo vệ các diện tích cây ăn quả, Bộ NN&PTNT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Các địa phương tổ chức củng cố hệ thống đê bao và đê quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.
Tại các địa phương, công tác phòng, chống, ứng phó với hạn mặn được triển khai chủ động ngay từ đầu. Trong đó, với tỉnh Long An, ngay từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, địa phương đã chủ động rà soát, tổng hợp các danh mục ưu tiên, cấp bách để đầu tư nạo vét, tu bổ các công trình chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Cụ thể, triển khai thi công 7 công trình ưu tiên về nạo vét kênh, rạch phục vụ chống hạn hán, xâm nhập mặn với tổng kinh phí đầu tư 93,816 tỷ đồng (trong đó nguồn Trung ương hỗ trợ 62,8 tỷ đồng).
Triển khai thi công 5 trạm cấp nước tập trung và kéo đường ống cấp nước trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ, Đức Huệ với tổng kinh phí đầu tư 23,312 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ 1.500 bồn trữ nước (dung tích 300 lít/bồn); 15 máy lọc nước mặn cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc; chở 20.510 m3 nước ngọt cho các hộ bị ảnh hưởng. Hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trang bị dụng cụ trữ nước và lắp đặt đồng hồ cho các hộ sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung khu vực lân cận.
Với tỉnh Bến Tre, địa phương đã triển khai nạo vét khoảng 260 km kênh mương nội đồng với tổng khối lượng gần 840.000 m3; sửa chữa, nâng cấp 19 công trình cống và 6 bờ bao. Cùng với đó, trang bị và vận hành thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 18/35 trạm cấp nước phục vụ người dân trong thời gian hạn mặn. Chở nước miễn phí cho người dân (mỗi ngày tối thiểu 2.000 m3 nước sạch) và lắp đặt gần 100 điểm cấp nước ngọt miễn phí cho các hộ dân trong thời gian hạn mặn gay gắt.
Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương tăng thêm các máy bơm dự phòng để bơm tưới trong lúc triều cường. Chủ động xuống giống vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2020 theo lịch khuyến cáo của Sở NN&PTNT và tổ chức lịch xuống giống phù hợp với nguồn nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Bài học kinh nghiệm” từ đợt hạn mặn
Theo Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ghi nhận ở mức cao trong lịch sử. Tuy nhiên, với các giải pháp triển khai đồng bộ từ các ngành, đơn vị, địa phương, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó.
Đó là, công tác dự báo xâm nhập mặn cần được thực hiện hiệu quả. Với việc xâm nhập mặn được các đơn vị chuyên ngành dự báo khí tượng, thủy văn thực hiện tốt, nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng là thông tin rất quan trọng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.
Sự chỉ đạo, điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó của Chính phủ, các Bộ, ngành đã giúp các địa phương và các cơ quan liên quan có kế hoạch thực hiện sớm các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó có việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ (thời gian gieo cấy) phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn. Giải pháp này cần được tiếp tục nghiên cứu, triển khai áp dụng cho ĐBSCL và các khu vực trên cả nước.
Bên cạnh đó là sự phối hợp tốt của các cơ quan truyền thông trong việc cảnh báo sớm và thường xuyên về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn, công tác chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã giúp phổ biến kịp thời, rộng rãi thông tin. Qua đó, giúp các địa phương, người dân và các cơ quan liên quan chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các giải pháp ứng phó.
Từ đợt hạn, mặn thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn là rất cần thiết. Để từ đó, người dân chủ động có phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Việc chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ của người dân ngay trong mùa mưa (bể, bồn, túi đựng nước, thiết bị xử lý nước…); lắp đặt các vòi nước công cộng; sử dụng các phương tiện di động để chở nước đến từng cụm dân cư, hộ gia đình đã mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.
Thực hiện mở rộng tuyến ống cấp nước theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm; trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp vật tư, nhân công kỹ thuật lắp đặt ống nước, người dân tham gia ngày công lao động đào đường rãnh đặt ống nước là kinh nghiệm có thể triển khai mở rộng. Thực tế tại Sóc Trăng đã tiết kiệm khoảng 30% kinh phí thực hiện.
Cùng với đó, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các cá nhân trong việc đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; sản xuất, hỗ trợ các trang thiết bị trữ, lọc nước sinh hoạt đã đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt trong việc bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân,…
Đây là những kinh nghiệm quý để Việt Nam tiếp tục ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những nơi còn thường xuyên xảy ra việc thiếu nước.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, nhằm tiếp tục ứng phó với tình hình hạn mặn, về lâu dài, cần huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Phân bổ đầu tư hợp lý trung và dài hạn, có lộ trình cụ thể đối với các công trình hạ tầng thiết yếu cấp tiểu vùng và toàn vùng. Đồng thời, xem xét việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông lớn để chủ động nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các tác động từ biển, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng ở các vùng sinh thái,…
Khôi phục sản xuất sau hạn mặn
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang bước vào giai đoạn cuối. Cùng với việc tiếp tục ứng phó để giảm thiểu thiệt hại, các địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai những phương án khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong thời gian tới.
Bài học từ sự chủ quan
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm nay kéo dài đã gây nhiều thiệt hại tại ĐBSCL, đặc biệt là đối với thủy sản nuôi, lúa và rau màu. Những thiệt hại này nguyên nhân chính do thiên tai nhưng trong đó một phần cũng xuất phát từ sự chủ quan trong sản xuất của bà con nông dân. Ông Trang Lương, ngụ xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Do vụ mùa năm ngoái thu hoạch muộn, vì vậy vụ Đông Xuân 2019-2020 bà con nông dân không thể xuống giống sớm. Huyện Trà Cú thông báo lịch thời vụ gieo sạ dứt điểm trong tháng 12-2019 nhằm tránh bị hạn mặn uy hiếp. Tuy nhiên, nông dân không thể lường trước tình hình hạn mặn năm nay quá khốc liệt, nên nhiều hộ vẫn xuống giống vào thời điểm tháng 1-2020. Do sạ trễ và gặp hạn mặn về sớm, nhiều diện tích bị thiếu nước tưới, lúa chết tràn lan.
Ông Thạch Sô Phal, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, cho biết, vụ này toàn huyện xuống giống hơn 10.310ha lúa. Mặc dù huyện đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó, nhưng do hạn mặn khốc liệt đã khiến hơn 5.148ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, phần diện tích sạ muộn không theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, bị thiệt hại nặng nhất. "Đây là bài học cần rút kinh nghiệm cho các vụ tiếp theo, bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt"- ông Phal nói.
Ngoài Trà Vinh, nhiều địa phương khác tại ĐBSCL cũng thiệt hại rất nặng với nhiều diện tích lúa, hoa màu chết khô do bà con chủ quan. Tại Sóc Trăng, mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo không sản xuất trà lúa Đông Xuân muộn nhưng nhiều nông dân vẫn xuống giống, dẫn đến có khoảng 4.000ha lúa bị thiệt hại, chủ yếu ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Châu Thành, Kế Sách. Tại Bến Tre, có hơn 5.000ha lúa thiệt hại do người dân xuống giống tự phát không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Cùng với cây lúa, nhiều diện tích rau màu ở ĐBSCL cũng bị thiệt hại do han mặn. Ngoài ra, tại Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh... tôm nuôi và nghêu nuôi bị chết khá nhiều do độ mặn cao, thời tiết bất lợi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL xem như hoàn thành tốt với sản lượng đạt 10,7 triệu tấn; nông dân bán có giá nên lời 30-40%. Mặt được là vậy, nhưng vẫn còn một số nơi chủ quan, thiếu phối hợp chặt chẽ, nông dân thiếu thông tin nên xuống giống không theo khuyến cáo; lịch thời vụ chưa được kiểm tra thường xuyên, chưa rà soát kỹ về nguồn nước nên cơ cấu mùa vụ còn lúng túng... Từ đó, toàn vùng ĐBSCL có hơn 33.800ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng hạn mặn ở các mức độ khác nhau. Dù thấp hơn so với năm 2016, song cần tổ chức sản xuất hợp lý trong thời gian tới.
Nhanh chóng gia tăng sản xuất
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL lúc này là khắc phục hậu quả hạn mặn và ổn định sản xuất trở lại. Ở vùng ven biển Bến Tre, sau khi nghêu bị chết cả ngàn tấn, mất hơn 23 tỉ đồng, các hợp tác xã và người dân dồn sức vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, không để ô nhiễm, theo dõi diễn biến độ mặn, khi điều kiện thuận lợi sẽ gia tăng thả nuôi nghêu thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: "Thời gian qua do độ mặn quá cao nên gần 1.900ha tôm nuôi bị chậm lịch thời vụ. Để tránh thiệt hại, chính quyền khuyến cáo người nuôi thả cầm chừng, rải rác với mật độ thưa; đồng thời theo dõi chờ độ mặn giảm thì sẽ gia tăng xuống giống trong thời gian tới". Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hằng năm, toàn tỉnh thả nuôi 25.000ha tôm các loại, nhưng đến nay tỷ lệ xuống giống chỉ bằng 30% so cùng kỳ. Hiện tại, ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ người dân các phương án sản xuất và chỉ cần thời tiết ổn định, cộng với giá tôm cải thiện thì diện tích nuôi sẽ nhanh chóng khôi phục...
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cuối tháng 4, khả năng độ mặn sẽ giảm nhanh ở các cửa sông Cửu Long... Vì vậy, chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp cần theo dõi chặt diễn biến nhằm chủ động gia tăng sản xuất khi điều kiện cho phép. Tổng cục Thủy lợi lưu ý, để đảm bảo an toàn cho sản xuất 1,5 triệu héc-ta lúa Hè Thu ở ĐBSCL, việc xuống giống có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020 khi nguồn nước ngọt về nhiều; đối với những khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn thì phải rửa mặn thật kỹ trước khi gieo sạ. Riêng các vùng thuận lợi về nguồn nước ngọt, có thể tranh thủ xuống giống sớm hơn.
Bài, ảnh: Phước Bình
Hạn mặn kỷ lục, hơn 430.000 người dân thiếu nước sinh hoạt Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm (TBNN) gần 3 tháng. Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT thông tin, mùa khô 2019-2020, lượng nước về sông Mê Kông đạt thấp, nên hạn, mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá sớm. Từ tháng 12-2019, hạn mặn đã...