Nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu; tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ về xử lý nợ xấu.
Các giải pháp đã góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý dứt điểm nợ xấu, phát huy vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Phát huy vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo
Trong gần 3 năm qua, việc triển khai chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ được giao; đồng thời phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điểm đầu tiên kể đến, đó là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu; hướng dẫn các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam triển khai Nghị quyết 42; đổi mới công tác thanh tra, giám sát của các tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý rủi ro, tồn tại và sai phạm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng thông qua các hoạt động như: Thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác xử lý nợ xấu; rà soát danh mục tín dụng trong toàn hệ thống, đánh giá thực trạng nợ, nợ xấu; đôn đốc khách hàng xử lý nợ xấu, tránh tình trạng chây ỳ, không hợp tác; phân bổ lãi dự thu… Cùng với đó, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã triển khai đồng bộ giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu, triển khai mua nợ theo giá trị trường; phối hợp, hỗ trợ tổ chức tín dụng trong thu hồi, xử lý nợ xấu…
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm liên tục qua các năm: cuối năm 2016 đạt 2,46%; tháng 8/2017 đạt 2,45%; cuối năm 2017 đạt 1,99%; cuối năm 2018 đạt 1,9%; cuối năm 2019 đạt 1,63% và đến 31/5/2020 ở mức 1,86%.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, các tổ chức tín dụng vận dụng đa dạng hình thức xử lý nợ xấu, đẩy nhanh quá trình xử lý. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 293.880 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng hơn 160.920 tỷ đồng, chiếm 54,76% tổng nợ xấu; xử lý các khoản nợ đang hoạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định hơn 67.280 tỷ đồng, chiếm 22,89% tổng nợ xấu; xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 65.680 tỷ đồng, chiếm 22,35% tổng nợ xấu.
Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình từ năm 2012-2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng). Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ khoảng 121.400 tỷ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ xấu nội bảng; cao hơn tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ trên tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 khoảng 22,8%.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hành đã cải thiện. Khách hàng chủ động hợp tác trả nợ; hạn chế tình trạng cố ý chây ỳ, chống đối, kéo dài thời gian xử lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai Nghị quyết 42 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng, quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm…
Kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các giải pháp xử lý nợ xấu đã được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Các biện pháp góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu; Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020. Dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm % so với cuối năm 2019).
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 1,81% (mức tăng thấp nhất cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2020). Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,16% (tăng hơn 0,5 điểm % so với cuối năm 2019).
Để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 được triển khai hiệu quả, các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt mục tiêu về tỷ lệ nợ xấu, tiếp tục phát huy vai kênh dẫn vốn chủ đạo; đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chung tay hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai Nghị quyết số 42; đồng thời chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương chủ động hướng dẫn các nhiệm vụ như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm… Quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm với doanh nghiệp nhà nước, cần được đẩy mạnh nhằm thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh; tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính. Các bộ chủ quản chỉ đạo tập đoàn, tổng công ty, đơn vị thành viên thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bảo lãnh khoản vay tại tổ chức tín dụng.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ, xử lý hiệu quả nợ xấu; góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo; rà soát chính sách về tín dụng, có giải pháp hạn chế nợ xấu.
Trên cơ sở kết quả triển khai công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong gần 3 năm vừa qua, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu nói chung, xử lý nợ xấu theo quy định và theo Nghị quyết số 42 nói riêng thông qua quyết định mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội dài hạn và hàng năm. Quốc hội xem xét khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, đặc biệt là quy định liên quan đến thuế; qua đó, khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm nợ xấu theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 42.
Thiếu cơ chế bảo vệ người cho vay
Cái nhìn thiếu tích cực của xã hội, dư luận đối với các tổ chức tín dụng là một trong những nguyên nhân quan trọng 'nuôi dưỡng' sự tồn tại của tín dụng đen, đồng thời không thể kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống.
Vòng luẩn quẩn của nợ xấu và lãi suất
Gần đây, có rất nhiều thông tin về việc triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Mức lãi suất khủng có thể lên tới 300 - 400%/năm. Có nghĩa là cứ một đồng vốn vay ban đầu thì sau 1 năm đã phải trả con số gấp 3 - 4 lần hay vay 100 triệu thì 1 năm sau phải trả 300 - 400 triệu. Thử hỏi doanh nghiệp, người dân làm gì cho ra để trả nợ?
Video đang HOT
Trong kinh tế thị trường có khái niệm, "nếu lợi nhuận 100% thì đối tượng có thể bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có tre o cổ nó lên, nó vẫn làm". Vì thế dù bị xử phạt nặng song tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn đang hoành hành khắp nơi. Tuy nhiên, cũng nhiều người đặt câu hỏi rất chính đáng rằng "ai, doanh nghiệp nào, tại sao biết lãi suất cắt cổ, biết không làm ăn gì cho lại mà vẫn vay nặng lãi?".
Kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức luôn tồn tại song hành với nền kinh tế chính thức. Nó chỉ đáng lo ngại khi lấn át nền kinh tế chính thức, gây ra các hệ luỵ xã hội, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào pháp luật và nhà cầm quyền. Tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến cho thấy nhu cầu vốn của người dân là có thật, rất cấp thiết nhưng lại không thể tìm tới nguồn vốn chính thống.
Tín dụng đen len lỏi tới từng ngóc ngách
Tại một hội nghị gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã truyền đi một thông điệp khá rõ ràng, thể hiện quyết tâm và ý chí của cơ quan quản lý rằng "không cho vay dưới chuẩn". Ông ví việc cho vay dưới chuẩn, với những doanh nghiệp có năng lực tài chính quá yếu, hồ sơ, hoạt động thiếu minh bạch, không có tài sản thế chấp như "mua vịt ngoài đồng", thả gà ra đuổi, mặc dù tín dụng ngân hàng đang tăng trưởng rất thấp những tháng đầu năm 2020.
Quan điểm của cơ quan quản lý và thực tiễn là phù hợp với nhau. Khi mọi hoạt động ngưng trệ, cung cầu đứt gãy, doanh nghiệp rất cần vốn nhưng lại không thể tiếp cận kênh tín dụng chính thức thì họ buộc phải tìm tới kênh phi chính thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá thì sự quyết tâm của NHNN là cần thiết cho sự ổn định vĩ mô, là tiền đề để giảm lãi suất, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp chính đáng.
Chủ trương trên của NHNN hướng đến mục tiêu không tăng thêm nợ xấu, cũng như toàn ngành không phải bước vào chu kỳ giải quyết hậu quả của sự yếu kém trong hệ thống tài chính ngân hàng như thời gian qua. Nợ xấu tăng là nỗi ám ảnh của ngành ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, vì nó như cục máu đông, làm tắc nghẽn, tê liệt hoạt động của nền kinh tế, tạo ra vòng luẩn quẩn của dòng vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhấn mạnh rằng, muốn hạ lãi suất cần xử lý được nợ xấu. Muốn có tiền tươi thóc thật cũng cần xử lý được nợ xấu, xử lý các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ.
Có thể thấy yêu cầu xử lý nợ xấu không phải nhiệm vụ riêng ngành ngân hàng và cũng không làm lợi chỉ cho ngân hàng mà là nhiệm vụ của cả nền kinh tế, của người làm ra nợ xấu và đối tượng bị ảnh hưởng bởi nợ xấu.
Ngân hàng, các công ty tài chính đứng vai trò trung gian điều tiết vốn cho nền kinh tế, khi đầu ra đầu vào của dòng vốn bị đình trệ thì dòng chảy sẽ không thể diễn ra như thông lệ, ngân hàng phải giật gấu vá vai, lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, tăng huy động để trả cho "đồng vốn chết lâm sàng", từ đó lãi suất tăng mãi mà không thể giải quyết triệt để.
Nền kinh tế đói vốn, lãi suất tăng cao dẫn tới hệ luỵ như doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ, hàng loạt các sai phạm trong huy động vốn, cấp tín dụng đã bùng nổ trong một giai đoạn đen tối của ngành ngân hàng để dẫn tới những đại án như Oceanbank, GPBank, CBBank...
Nhầm lẫn về "đối tượng yếu thế"
Theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng cho rằng, vướng mắc lớn nhất của các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo, nợ xấu là quyền thu giữ "không đương nhiên là được", khách hàng không hợp tác thì rất khó để xử lý.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
Dù đã có những quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý các khoản nợ quá hạn của người cho vay đối với các khoản vay tại Luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, các điều kiện đi kèm lại rất ngặt nghèo, dẫn tới tình trạng "đứng cho vay, quỳ đòi nợ" của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là quá trình thụ lý, xử lý một vụ án tại toà mất rất nhiều thời gian, kéo dài nhiều năm.
Tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài, khiến cho các khoản nợ xấu tại ngân hàng và các công ty tài chính ngày càng chất đống, ùn ứ. Lãnh đạo một công ty tài chính từng mệt mỏi chia sẻ: "Nếu chỉ được đòi nợ theo đúng quy định là nhắc nợ và kiện ra tòa, thì công ty tài chính không còn vốn để hoạt động. Chúng tôi bị ràng buộc rất nhiều quy định trong cho vay và đòi nợ, song pháp luật lại chưa có quy định hiệu quả để bảo vệ công ty tài chính trước những khách hàng chây ỳ, cố tình vay tiền sử dụng sai mục đích và không thiện chí trả nợ, thậm chí hành hung cả nhân viên đòi nợ của công ty".
Chia sẻ về nội dung trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, về nguyên tắc pháp luật là bảo vệ người yếu thế, nhưng "chúng ta lại đang nhầm lẫn. Lúc cho vay thì người đi vay là yếu thế nhưng ngược lại khi đi đòi nợ thì người cho vay mới là đối tượng yếu thế". Vì thế mà lúc này đối tượng cần được bảo vệ là chủ nợ chứ không phải con nợ, đặc biệt là những con nợ cố tình trây ỳ, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm lợi cho bản thân.
Thực tế cho thấy, quá trình xử lý của một vụ kiện tranh chấp tài sản bảo đảm rất phức tạp, kéo dài lê thê, nhiều năm trời. Theo ông Đức, dù Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ tháng 8/2017 đã là một bước đột phá vì tạo ra được sức ép nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc xung quanh vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.
"Việc ra toà càng chậm, càng kéo dài, càng làm lợi cho những con nợ chây ỳ, còn chủ nợ càng thiệt. Khổ chủ rơi vào vòng xoáy phải thuê xã hội đen để đòi nợ, tăng lãi suất, xoay chỗ nọ đập chỗ kia, dẫn tới những sai phạm không đáng có", ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng về mặt quy định pháp luật thì có thể nói khá đầy đủ trong việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ quá hạn. Tuy nhiên, vấn đề thực thi, tuân thủ, chấp hành thì còn rất kém hiệu quả nên dẫn tới những hành vi ứng xử tương ứng. Vì vậy, quan trọng là luật pháp phải nghiêm và thực thi pháp luật chuẩn chỉnh sẽ tạo ra tiền lệ, tạo thành văn hoá ứng xử đúng mực. Giống như việc tham gia giao thông, nếu vượt đèn đỏ bị phạt nặng và đúng theo quy định sẽ không còn người vượt đèn đỏ nữa.
Riêng với ngành tài chính, ông Đức đánh giá quy định cấm dịch vụ đòi nợ thuê vừa được thông qua cho thấy vẫn một tư duy lối mòn là "không quản được thì cấm". "Tư duy như vậy là chưa đúng. Dịch vụ đòi nợ thuê là tốt, sao lại cấm? Cái cần cấm, cần quản lý là những dịch vụ biến tướng, lợi dụng dịch vụ đòi nợ thuê".
Theo đó, cần thay đổi tư duy về xử lý tài sản bảo đảm, đối tượng yếu thế và cần sự đột phá để xử lý được nợ xấu hệ thống ngân hàng, tài chính. Và khi chấp nhận thay đổi tư duy theo hướng đột phá cũng cần chấp nhận "một cái giá" - cái giá cho sự thay đổi.
Hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1,076 triệu tỷ đồng nợ xấu. Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam ) Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội nhìn lại cả quá trình xử lý kể từ...