Nâng cao chất lượng đấu tranh “tự diễn biến”
Phải nói ngay rằng, trong đấu tranh chống chiến lược “ diễn biến hòa bình”, vấn đề quan trọng nhất chính là chống “tự diễn biến”.
Một khi, “tự diễn biến” không xảy ra thì cho dù, các thế lực thù địch có dùng thủ đoạn tinh vi đến đâu, âm mưu có thâm độc thế nào cũng không thể đạt được mục đích. Chỉ khi nào, có sự “tự diễn biến” và sự diễn biến ấy đến mức độ nhất định mới có thể dẫn đến “tự chuyển hóa”.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Huy Thiên
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng tiêu cực, xa rời nguyên tắc, quan điểm Mác xít; suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi mức độ “tự diễn biến” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hóa làm chệch hướng XHCN. Cái khó của “tự diễn biến” là tự diễn biến là một hiện tượng xảy ra trong đời sống chính trị, xã hội, trong mỗi cá nhân nên rất khó phát hiện.
Xét trong góc độ bản chất của sự vật, hiện tượng, trong đời sống chính trị, xã hội, những hiện tượng tiêu cực, những sai lầm trong nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên không mang tính chất “tự diễn biến”. Nó chỉ là khuyết điểm trong quá trình nhận thức, tổ chức thực hiện của một cá nhân nhất định trên cương vị và vị trí được giao.
Tuy nhiên, khi các khuyết điểm, sai lầm trên bị các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, nói xấu chế độ, lôi kéo quần chúng, kích động quần chúng do nhận thức chưa thật đầy đủ, thiếu hiểu biết, ngộ nhận những sai lầm đó do Đảng rồi mất niềm tin, đi theo tư tưởng dưới sự dẫn dắt của các thế lực thù địch. Và khi đó, những vấn đề nảy sinh do những khuyết điểm, sai lầm lại có ý nghĩa của quá trình “tự diễn biến”. Đặc biệt, khi các sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ấy bị pháp luật xử lý, các đối tượng đó đổ lỗi do những hạn chế, sai lầm của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì lúc đó, những sai lầm, khuyết điểm do từng cá nhân gây ra lại mang nội dung, tính chất của “tự diễn biến”.
Một vấn đề đặt ra, làm thế nào để có thể ngăn chặn sự “tự diễn biến” trong mỗi cá nhân? Ở đây có hai vấn đề nổi lên. Đó là tổ chức và cá nhân. Luôn đề cao cảnh giác, chủ động và tích cực đấu tranh “tự diễn biến” từ bên trong.
Với tổ chức, cần tăng cường đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, nhất là những luận điệu của các thế lực thù địch. Kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm mọi sai lầm, khuyết điểm của cá nhân về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, bè phái, cục bộ; vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật, không có vùng cấm.
Video đang HOT
Sẵn sàng loại bỏ những cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, không còn giữ được phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu năng lực và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ ra khỏi tổ chức. Lấy chất lượng làm trọng, không chạy theo số lượng trong xây dựng đội ngũ cũng như lựa chọn cán bộ. Tiếp thu, lắng nghe, xem xét có lựa chọn ý kiến nhân dân và dư luận xã hội. Tập trung giải quyết và xử lý tốt những vấn đề “ nóng”, phức tạp trong đời sống xã hội, không để kéo dài, sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Thực thi có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, chống mọi biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Đối với mỗi cá nhân, không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng, bồi dưỡng về lý luận và nhận thức, tự trang bị cho bản thân khả năng “tự miễn dịch” với bất cứ luận điệu, thủ đoạn nào của các thế lực thù địch. Xây dựng cho bản thân có lập trường kiên định, giữ vững bản chất giai cấp. Có niềm tin vào con đường, định hướng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn, cho dù hiện tại còn gặp những khó khăn, thách thức đến đâu.
Xây dựng, củng cố và không ngừng bồi đắp học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống đoàn kết, trong sạch, trung thực, chân thành, lành mạnh, gần gũi với nhân dân. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Kiên quyết đấu tranh với mọi cám dỗ, xu nịnh, bè phái, cục bộ. Dám làm và dám chịu trách nhiệm trước mọi quyết định. Nói và làm theo nghị quyết, kiên quyết tự loại bỏ “cái tôi”, nói và làm không nhất quán.
Một khi, mỗi tổ chức và cá nhân đã là một “pháo đài” về lập trường tư tưởng; về bản lĩnh chính trị; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đạo đức, lối sống, có nhận thức đầy đủ về lý luận và thực tiễn, thì khi đó, các thế lực thù địch có sử dụng âm mưu, thủ đoạn thế nào cũng không thể tạo được “tự diễn biến” để có thể “tự chuyển hóa”. Đó chính là quá trình “tự miễn dịch” làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” trong mọi tình huống.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục
Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề giáo dục, quản lý giáo dục được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền.
Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020), hôm qua (26/8), tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục".
Vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta.
Trong hệ thống tư tưởng của Người, vấn đề giáo dục, quản lý giáo dục được đề cập sâu sắc và có giá trị thực tiễn lâu bền. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để xây dựng một nền giáo dục của một nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm rất quan trọng như: "Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập".
Theo Người, "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", cả cuộc đời Người chỉ có "một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập... đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho công tác giáo dục, xác định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", triển khai "cả nước thành một xã hội học tập"...
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những định hướng phát triển lớn để hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với đó, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều thời cơ và cả những thách thức cho đất nước nói chung và cho ngành Giáo dục nói riêng.
Thực tiễn trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo là động lực lớn để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục vào thực tiễn tổ chức, xây dựng nền giáo dục Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa vừa cấp thiết vừa lâu dài.
Hồ Chí Minh - bậc thầy về phương pháp giáo dục
Nhấn mạnh về vai trò to lớn của người thầy trong xã hội, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, một người thầy vĩ đại là người thầy có thể truyền cảm hứng cho học sinh của mình và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người thầy vĩ đại nhất trong nền giáo dục của Việt Nam.
Ông khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về về phương pháp giáo dục và là tấm gương mẫu mực trong văn hóa ứng xử. Điểm nổi bật trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục là đạo đức và thực hành đạo đức. Đây là nền tảng và hướng đích của giáo dục, đặc biệt là giáo dục trẻ em.
Còn GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng vai trò của giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới tiến bộ, văn mình.
Mục đích xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và quản lý giáo dục là vì con người và cho con người, hướng tới việc xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa. Giáo dục không chỉ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp, bồi dưỡng kiến thức, mà còn đào tạo, bồi dưỡng, rèn giũa nhân cách cho người học.
Theo Ban Tổ chức, hội thảo đã nhận được hơn 100 bài tham luận của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia quản lý giáo dục... gửi đến. Các bài tham luận tập trung phân tích, luận bàn hai vấn đề chính: Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục - Những vấn đề lý luận và thực tiễn; Phương thức vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay.
Để vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa và nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; đề cao đổi mới nội dung giáo dục và giải pháp giáo dục toàn diện; lấy đức và tài trong những mục tiêu giáo dục là nội dung trọng tâm, căn bản.
Những chỉ dẫn về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và công tác quản lý giáo dục ở nước ta hiện nay.
Nhân sự kiện này, Ban Tổ chức cũng trưng bày giới thiệu nhiều ấn phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, quản lý giáo dục... được xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thời gian qua.
Nhận thức đúng về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hiện nay Cuộc đấu tranh phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở nước ta hiện nay đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết cần phải tiếp tục làm sáng tỏ. Trong đó, cần có nhận thức mới về cả nội dung, hình thức và biện pháp đấu tranh... Nguồn gốc, nguyên nhân của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở...