Nạn vay khỏa thân chấn động Trung Quốc tràn sang Malaysia
Trường hợp cô gái Malaysia bị một chủ nợ chụp ảnh khỏa thân để tống tiền cho thấy vấn nạn ‘ cho vay đòi ảnh nude’ vẫn đang diễn ra. Từ 2016, đã có một số vụ việc ở Trung Quốc.
Lee, cô gái 33 tuổi sống ở Malaysia, đang sống trong lo sợ, dù trước đó, cô gặp người đàn ông mà cô đã nghĩ có thể tin tưởng.
Sau khi gặp Kevin trên mạng, cô đã cho Kevin vay 9.000 ringgit (đồng tiền Malaysia), tương đương 2.150 USD, sau khi người này lấy cớ cần mua sắm thiết bị dầu khí cho công việc kinh doanh của mình.
Đã mất việc và không có thu nhập, chính cô đã phải đi vay 30.000 ringgit (7.150 USD), nhưng sau một số vấn đề phát sinh, cô buộc phải tìm đến những kẻ cho vay lãi nặng để vay thêm 14.000 ringgit nữa (3.340 USD), theo trang The Star (Malaysia).
Không lâu sau, những kẻ cho vay nặng lãi cũng truy đuổi cô để đòi nợ. Một người trong số đó đề nghị đưa cô tới khách sạn rồi chụp ảnh khỏa thân của cô, hứa rằng cô sẽ không cần lo về khoản nợ nữa. Không còn lựa chọn, cô đã nghe theo.
Nhưng giờ đây, cô lo sợ chúng có thể dùng hình ảnh đó để tống tiền cô. Trường hợp của cô gần đây được một đảng đại diện cho cộng đồng người Hoa ở Malaysia đưa ra với báo giới nhằm mục đích cảnh báo.
“Chúng tôi đã nhận được bốn trường hợp tương tự trong năm nay, với số tiền bị lừa là 118.000 Ringgit (28.160 USD)”, một quan chức của đảng này nói với các phóng viên, và kêu gọi công chúng hãy cẩn thận.
Trường hợp của Lee được một đảng ở Malaysia đưa ra với báo giới nhằm mục đích cảnh báo. Ảnh: The Star.
Câu chuyện của Lee là ví dụ mới về việc những người cho vay nặng lãi dùng ảnh khỏa thân của những người nợ tiền để đe dọa, tống tiền họ. Từ năm 2016 tới nay, có nhiều vụ khác được báo chí nhắc đến, đặc biệt ở Trung Quốc. Các vụ việc lên báo có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và số nạn nhân chắc hẳn không nhỏ.
Nợ tăng chóng mặt, phải bán nhà để trả
Số tiền vay từ những người cho vay cắt cổ có thể tăng chóng mặt, như trong trường hợp của cô gái Trung Quốc Xiao Yu tháng 11/2016, buộc cha cô phải bán nhà để trả khoản nợ mà ban đầu là con số nhỏ.
Xiao Yu vay 2.000 tệ (282 USD) vào năm đầu đại học, nhưng khoản nợ sớm chồng thêm lãi suất. Sau này, cô nợ hơn 500.000 tệ (70.600 USD) của 59 người cho vay.
Một số kẻ cho vay buộc cô gửi ảnh khỏa thân như cách để thế chấp. Chúng thường xuyên liên hệ, đe dọa cha mẹ cô, và đăng các thông tin cá nhân của cô lên trang thông tin của trường. Một số ảnh của cô đã bị đăng lên mạng khi cô không trả tiền đúng hẹn.
Video đang HOT
“Tôi nhận ít nhất 30 cuộc gọi mỗi ngày từ người đòi nợ. Một số người nói năng rất côn đồ”, cha của Xiao Yu nói, theo trang web Youth.cn. Cuối cùng, cha cô phải bán nhà để trả nợ.
Tương tự, một nạn nhân khác vào năm 2016, ban đầu chỉ vay 500 tệ (76 USD) từ một người cho vay online, với lãi suất theo tuần là 30%, theo báo Southern Metropolis Daily. Cô liên tục vay nợ mới để trả nợ cũ, và khoản nợ của cô tăng nhanh lên tới 55.000 tệ (8.347 USD). Đến lúc này, chủ nợ đòi ảnh nude của cô làm bảo đảm.
Đáng chú ý, cô nói nhiều bạn học nữ của cô cũng cùng cảnh nợ tăng cao “chót vót” nhưng không dám lên tiếng. Một số cô gái bị buộc phải chụp ảnh nude kèm theo căn cước của mình rồi gửi cho chủ nợ. Một số ảnh còn bị bán để lấy tiền.
Một số cô gái bị buộc phải chụp ảnh nude kèm theo căn cước của mình rồi gửi cho chủ nợ. Ảnh: YouTube.
Một cuộc thăm dò cho thấy công chúng Trung Quốc có quan điểm trái chiều về những vụ bị dùng ảnh nude tống tiền. Trong số hơn 69.000 người được hỏi, khoảng 55% nói nên đổ lỗi cho các cô gái. Một số thậm chí còn đánh giá đạo đức “xuống cấp”. Khoảng 44% nói những kẻ cho vay cắt cổ mới đáng bị lên án vì lợi dụng các cô gái trẻ, yếu thế, theo Legal Weekly.
“Kiểu cho vay này như là thuốc phiện”, một người bình luận trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. “Tại sao chính quyền lại làm ngơ?”
Một số ý kiến khác không tỏ ra thông cảm. “Họ có đáng được thông cảm không? Không, đáng ra chỉ nên tiêu tiền mình làm được. Tại sao lại tiêu tiền mà mình chưa kiếm được?”, người khác viết, theo Guardian.
Vay tiền qua mạng xã hội
Có những kẻ cho vay lãi nặng tìm đến nạn nhân thông qua mạng xã hội, như trường hợp một người đàn ông họ Yang, thường nhắm đến các cô gái trẻ cần tiền trả học phí đại học và các chi phí khác.
Hắn yêu cầu các cô gái cởi bỏ quần áo, giơ căn cước lên để chụp ảnh, trước khi cho các cô gái những khoản vay lãi suất cắt cổ. Hắn dọa rằng sẽ đăng ảnh lên mạng nếu các cô không trả tiền. Cảnh sát ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đã bắt giữ Yang vào năm 2017. Thậm chí, Yang còn bị tố cáo gạ các cô gái không đủ tiền trả nợ quan hệ tình dục với hắn, theo China Daily.
Một số cô gái bị gợi ý làm gái mại dâm để kiếm tiền trả nợ. Ảnh: YouTube.
Năm 2016, 10 gigabyte dữ liệu gồm ảnh nude của 161 cô gái đang cầm căn cước bị đưa lên mạng bởi những kẻ cho vay trái phép mà trước đó đã yêu cầu ảnh nude làm thế chấp.
Hầu hết nạn nhân là các nữ sinh đại học tuổi từ 19-23, đến từ các vùng nghèo của Trung Quốc, China Youth Daily đưa tin tháng 11/2016.
Các nạn nhân nói với tờ báo này rằng những kẻ cho vay trái phép tiếp cận họ qua các nền tảng mạng xã hội như WeChat hay QQ, và điều khoản lãi suất được giải thích một cách khó hiểu cho các nhóm chat.
Các nữ sinh vay từ 1.000-2.000 USD với lãi suất lên tới 30%, và những kẻ cho vay đã đe dọa gửi ảnh nude của họ cho gia đình và bạn bè nếu không trả lại tiền đúng thời hạn.
Cũng theo China Youth Daily, họ bị gợi ý làm gái mại dâm để kiếm tiền trả nợ.
Một ứng dụng có liên quan tới một số vụ việc là Jiedaibao, nền tảng cho các cá nhân có thể vay và cho vay, nhất là giữa bạn bè và người quen. Jiedaibao cho biết công ty này không kiểm soát những yêu cầu thế chấp, và coi đó là các thỏa thuận thương mại riêng giữa các bên. Do vậy, Jiedaibao lại được dùng làm nơi giao dịch, cho phép những kẻ cho vay cắt cổ yêu cầu ảnh nude của người vay tiền rồi.
Sau một số vụ việc bị lên báo, Jiedaibao tuyên bố thành lập quỹ 1 triệu tệ (141.200 USD) để chống lại nạn “cho vay khỏa thân”.
Tuy nhiên, Dorrit Chen từ công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor nói tình hình đã cải thiện kể từ cuối năm 2017, khi các nhà quản lý ở Trung Quốc thắt chặt quy định cấm những tổ chức, cá nhân cho vay mà không có giấy phép.
Những người cho vay cũng bị cấm khuyến khích khách hàng vay thêm tiền, đòi nợ bằng cách hăm dọa, và đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng, theo Tân Hoa Xã.
Những kẻ cho vay trái phép tiếp cận nạn nhân qua các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Weibo.
Bà Chen nói giới trẻ Trung Quốc giờ đây dễ chấp nhận các khoản vay nhỏ để mua mọi thứ, từ xe mới cho đến bữa sáng, trái ngược với thế hệ cha mẹ của họ vốn tránh vay tiền.
“Xu hướng này không chỉ ở các khu đô thị, mà còn ở giới trẻ của các thị trấn nhỏ”, bà nói với ABC (Australia).
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) của Trung Quốc, bao gồm Ant Financial của Alibaba và JD Finance đang kiếm lời từ trào lưu này. Thậm chí, có thể vay tiền để mua một gói bánh quy, trả tiền từng đợt trong vòng 36 tháng.
Chẳng hạn, hộp bánh Oreo 475 gram có giá 50 tệ (10 USD), có thể được trả từng tháng một, mỗi tháng vào khoảng 0,41 USD, trong vòng ba năm. Nhưng lãi suất có thể sẽ rất cao.
Theo nghiên cứu của Ant Financial, Trung Quốc có gần 170 triệu người sinh sau năm 1990, trong đó 45 triệu có tài khoản Ant Check Later để vay các khoản nhỏ. Giới trẻ Trung Quốc giờ đây muốn mua mọi đồ dùng cần thiết ngay lập tức – máy tính, loa, bàn phím – và không muốn đợi tiết kiệm đủ tiền rồi mua lần lượt từng đồ vật, theo ABC.
Giới trẻ Trung Quốc giờ đây dễ chấp nhận các khoản vay nhỏ để mua mọi thứ, từ xe mới cho đến bữa sáng, trái ngược với thế hệ cha mẹ của họ vốn thích tiêu “tiền tươi thóc thật”. Ảnh: Reuters.
Trọng Thuấn
Theo Zing.vn
Trồng trái ở chợ bán vài ngàn/lạng, mẹ đơn thân kiếm hơn 160 triệu ngay vụ đầu
Từ bỏ một công việc đã gắn bó trong 3 năm không dễ nhưng người phụ nữ 38 tuổi đã có quyết định đúng đắn.
Nur Hashirah (38 tuổi) là bà mẹ đơn thân, sống ở Malaysia. Mặc dù không có kinh nghiệm kinh doanh nhưng Nur Hashiran không ngần ngại bỏ việc. Người thân trong gia đình đặc biệt là anh trai của cô ủng hộ quyết định này.
Trước khi nghỉ, cô làm việc tại một công ty tư nhân trong 3 năm. Với chừng đó thời gian gắn bó, nhiều người sẽ tiếp tục nhưng Nur Hashirah đã nghỉ việc để tự kinh doanh.
Nur Hashirah học kỹ thuật tưới nhỏ giọt kết hợp phân bón từ Hiệp hội nông dân Kuala Langat. Sau khi học xong, Nur Hashiran thuê mảnh đất rộng 1,2ha ở Bukit Pelanduk. Cô bỏ thêm 24.000 Ringhit (~133 triệu đồng) để mua một số đồ dùng và mua 2000 cây ớt về trồng, sau đó mua thêm 4000 cây.
Sau 5 tháng, cô đã thu hoạch được mẻ ớt đầu tiên. Với 2000 cây, người phụ nữ này thu hoạch được 5 tấn ớt. Tổng trị giá số ớt này là 30.000 Ringit (~166 triệu đồng). Đây là động lực để cô tiếp tục việc trồng ớt và bán ra thị trường.
"Mỗi ngày, tôi đến nơi trồng để kiểm tra các cây ớt. Tôi chọn trồng ớt vì chúng dễ chăm sóc và không tốn nhiều nhân lực nếu sử dụng công nghệ hiện đại. Với hệ thống tưới tiêu tại chỗ, tôi không phải cày xới đất, nhổ cỏ hay dùng thuốc trừ sâu. Hơn nữa, hệ thống tưới hiện đại giúp tôi không gặp rắc rối. Tôi chỉ cần cài đặt thời gian cho hệ thống tưới nước, nó sẽ tự động tưới vào thời điểm đã được đặt trước", Nur Hashirah cho hay.
Ngoài việc trồng ớt, bà mẹ đơn thân còn đa dạng hóa cây trồng. Cô trồng thêm dưa chuột và dưa hấu để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo lời Nur Hashirah, làm việc dưới ánh nắng mặt trời hay trời mưa không phải là vấn đề vì cô có động lực. "Tôi sẽ không nghĩ tới những gì đã qua, vì tôi đang làm việc này để kiếm sống", Nur Hashirah chia sẻ.
Theo Danviet
Thủ tướng Việt Nam và Malaysia chia sẻ quan ngại về Biển Đông Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người bạn lâu năm và thân thiết của nhân dân Việt Nam, trở lại thăm chính thức...