Nạn thù ghét người gốc Á dưới góc nhìn của người Việt ở Mỹ
Lam Tĩnh chia sẻ có lần bị một nhóm thanh niên trêu chọc khi đi ngang qua con phố ở New York, vì nghĩ rằng anh đến từ Trung Quốc.
“Khi tôi vừa đi ngang qua một nhóm bạn trẻ có cả da đen và da trắng, một trong số đó kêu lên ‘Trung Quốc kìa, tiêu rồi, đáng lẽ mình phải đeo thêm khẩu trang’ rồi cười khoái trá”, anh Lam Tĩnh, sống ở thành phố New York, Mỹ chia sẻ với VnExpress .
New York là thành phố đông dân bậc nhất nước Mỹ và cũng là một trong những nơi có đa dạng sắc tộc nhiều nhất ở quốc gia này. Với khoảng 16% dân số là người Mỹ gốc Á, tình trạng thù ghét nhắm vào người gốc Á ở New York đã tăng lên trong thời gian gần đây.
Sở cảnh sát thành phố New York cho biết số vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã tăng lên 28 trường hợp trong năm 2020, trong khi năm 2019 con số này chỉ là 3, theo NYTimes . Nhiều nhà hoạt động thậm chí lo ngại số liệu thực tế có thể cao hơn, do nhiều vụ việc không được báo cáo.
Hai người Mỹ gốc Á trên con phố Flushing, quận Queens, thành phố New York hồi cuối tháng 2. Ảnh: NYTimes.
Anh Tĩnh cho hay phân biệt chủng tộc chính là kiểu thể hiện tiêu cực nhất của thói xấu muốn người khác phải giống mình, không muốn chấp nhận sự khác biệt, mặc dù Mỹ là nơi có nhiều sắc dân khác nhau đang sinh sống. Tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á đôi khi còn xuất hiện ở một số cơ quan và nhân viên công quyền.
“Họ không để tâm lắm tới các vấn đề của người gốc Á vì cho rằng cộng đồng này khá ôn hòa, chăm chỉ và hiếm khi gây chuyện”, anh nói.
Kết quả nghiên cứu được công bố tuần này của diễn đàn Ngừng thù ghét cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI) tiết lộ khoảng 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á đã xảy ra trên khắp nước Mỹ trong năm qua, trong đó phụ nữ chiếm 68% và nam giới là 29%, theo NBCNews . Trung tâm Nghiên cứu về Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California ở San Bernardino cho biết số vụ tấn công đã tăng 150% so với năm 2020, với nhiều hình thức từ lăng mạ trên phố, đâm chém tới phá hoại cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Á.
Vụ xả súng vào ba cửa hàng spa tại Atlanta hôm 16/3, khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á là hồi chuông cảnh báo mới nhất về “đại dịch” thù ghét người gốc Á tại Mỹ.
“Từ trước đến nay họ đã quen thuộc với điều đó rồi. Nhưng có lẽ Covid-19 đã giáng những đòn mạnh vào cuộc sống của nhiều người trong thời gian quá dài, nhất là tầng lớp trung lưu trở xuống. Điều đó khiến việc kỳ thị người gốc Á gần đây trỗi dậy”, Lam Tĩnh nhận định.
Ngân Vũ, người Việt sống ở California, cho biết kỳ thị chủng tộc là câu chuyện đã có từ lâu ở Mỹ. Tuy nhiên, làn sóng kỳ thị và tấn công người gốc Á tăng nhiều hơn trong năm qua là do nhiều chủng tộc khác đang đánh đồng người gốc Á với Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát Covid-19.
Ngân cho rằng thủ phạm vụ tấn công ở Atlanta gần đây là người có định kiến với người gốc Á. “Hắn đã xả súng vào ba cửa hàng spa khác nhau và người làm trong đó hầu như là gốc Á. Nên vụ xả súng này có mục tiêu rõ ràng chứ không chỉ là ngẫu nhiên”, Ngân nói.
Trong khi đó, Thanh Trầm, một người Việt khác sống ở California, cho rằng tình trạng thù ghét người gốc Á bắt nguồn từ việc nhiều người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa có tư tưởng ghét Trung Quốc.Cựu tổng thống Mỹ cũng từng nhiều lần gọi nCoV là “bệnh dịch ở Trung Quốc” hay “virus Trung Quốc”, động thái bị nhiều người chỉ trích làm tăng phân biệt đối xử với người châu Á ở Mỹ.
“Người Việt nhiều khi cũng bị nhầm là người gốc Hoa”, chị Trầm kể. “Hầu như người Việt ở Mỹ được tiếng chăm và học giỏi”.
Bảo Long, du học sinh tại thành phố Baltimore, bang Maryland, chưa từng bị phân biệt đối xử chỉ vì màu da hay xuất xứ của mình. Anh cho biết người dân nơi anh sống thậm chí rất thân thiện.
“Người dân Baltimore, đặc biệt là những người trên 30 tuổi, rất thân thiện và nhiệt tình. Tôi có thể vui vẻ, thoải mái trò chuyện với mọi người khi đi siêu thị. Hoặc như khi ra ngoài có gì cần hỏi, mọi người đều trả lời nhiệt tình”, Long kể.
Long cho rằng cuộc sống ở Baltimore dễ chịu, ít phân biệt chủng tộc hơn là do thành phố này rất đông người da đen và gốc Latinh, trong khi tỷ lệ người da trắng so với các thành phố khác thấp hơn nhiều.
“Tôi nghe bạn bè kể ở một số thành phố khác, người da trắng khá lạnh nhạt, có khi còn thô lỗ, với người châu Á. Tôi cũng đọc tin về Atlanta, đúng là rất kinh khủng, nhưng may mắn là ở Baltimore thường không có chuyện này”, Long nói.
Giống như Bảo Long, Phương Nguyễn, nhân viên bảo hiểm ở thành phố Sugar Land, bang Texas, cũng cảm thấy may mắn vì cuộc sống của anh và gia đình khá yên bình, không phải đối mặt với tình trạng bị phân biệt đối xử, kể từ khi chuyển tới Mỹ năm 2011.
“Khu vực tôi sống mọi thứ rất tốt, vì là miền quê”, anh Phương chia sẻ. Theo anh, trước đây cũng có trường hợp nhắm vào người gốc Á như Hàn Quốc hay Ấn Độ, nhưng nhìn chung “mọi chuyện không căng thẳng lắm”.
Biểu tình phản đối thù ghét người gốc Á tại nhiều thành phố ở Mỹ hôm 20/3. Video: NBC News.
Sau những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á gần đây, người dân ở nhiều nơi tại Mỹ đã xuống đường tuần hành kêu gọi chống lại làn sóng thù ghét, kỳ thị ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng cho biết các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á “tăng vọt” và kêu gọi dân Mỹ chống lại “sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài ngoại”.
“Sự thù ghét không thể có bến đỗ an toàn ở Mỹ. Nó phải được chấm dứt”, Tổng thống Joe Biden nói trong chuyến thăm Atlanta hôm 19/3.
“Tôi nghĩ chỉ khi tiếng nói về cộng đồng châu Á được cất lên nhiều hơn và mạnh mẽ hơn trên các phương tiện truyền thông của Mỹ thì những sự kỳ thị như trên mới có thể được giải quyết một cách có hệ thống”, anh Lam Tĩnh chia sẻ.
Tấn công bà cụ vì phân biệt chủng tộc, nam thanh niên hối không kịp, dân mạng bình luận: Đáng đời
Đây là 1 trong số các vụ tấn công nhằm vào những người gốc Á khiến cảnh sát Mỹ phải đau đầu.
Đang đi trên phố, cụ bà ngoài 70 tuổi "bỗng dưng bị đánh", nhưng cái kết của thủ phạm khiến nhiều người hả hê
Một vụ việc mới xảy ra gần đây tại phố Market của thành phố San Francisco của Mỹ đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là những cộng đồng người châu Á đang sinh sống tại đây.
Hôm 18/3, bà Xiao Zhen Xie, 76 tuổi, người Trung Quốc đã sống ở Mỹ được 26 năm, khi đang đi trên đường thì bỗng dưng bị 1 thanh niên da trắng, 39 tuổi lao vào đánh đập không rõ lý do. Những người chứng kiến vụ tấn công tàn bạo này cho biết thủ phạm đã đấm thẳng vào mặt bà lão, khiến họ vô cùng sốc.
Vì không quen biết và cũng không có thù hằn gì với thủ phạm, nên người ta cho rằng, có lẽ lý do của việc tấn công có liên quan đến việc phân biệt chủng tộc.
Thế nhưng, rõ ràng là nghi phạm đã chọn nhầm đối tượng để ra tay, vì bà Xie không phải người dễ bị bắt nạt và cho phép kẻ khác xúc phạm bà. Ngay lập tức, sau khi bị đánh bất ngờ, bà Xie đã vớ ngay được 1 cây gậy ở trên đường và thẳng tay trừng trị gã đàn ông điên rồ.
Bà Xie phẫn nộ kể lại vụ việc với cảnh sát và những người chứng kiến. (Ảnh cắt từ clip)
Đoạn video do 1 người có mặt tại hiện trường ghi lại cho thấy, ngoài việc bị bầm tím 1 bên mắt và phải chườm lạnh cho đỡ đau, có vẻ như bà Xie dường như không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Bà vẫn rất nhanh nhẹn, khẩu khí bừng bừng. Người ta còn nghe thấy bà quay sang thủ phạm và nói: "Thằng khốn? Tại sao mày đánh tao?".
Thủ phạm miệng đầy máu nằm trên cáng sau khi tấn công cụ bà. (Ảnh cắt từ clip)
Trong khi đó, nhiều cư dân mạng đã không nhịn nổi cười khi nhìn sang hình ảnh của kẻ đã đánh bà Xie trước. Gã thanh niên trai tráng cao to vạm vỡ (được giấu danh tính) bị đánh cho te tua, miệng thì chảy máu và không đi nổi nên được cho nằm lên cáng.
Tất nhiên, anh ta cũng đã bị còng tay và sau khi nhận được sự trợ giúp về y tế, sẽ được cảnh sát "mời" về đồn 1 chuyến.
Đoạn clip cho thấy sự tương phản giữa nạn nhân và kẻ tấn công nhanh chóng đạt triệu view
Đoạn clip do 1 người có mặt ở hiện trường ghi lại và được tài khoản Dennis O'Donnell đăng tải lên trang mạng xã hội Twitter đã nhanh chóng trở nên nổi như cồn, đạt được tới 2,6 triệu lượt xem chỉ sau 1 ngày đăng tải.
Video được 1 tài khoản chia sẻ trên trang Twitter đã nhanh chóng đạt triệu view sau 1 ngày.
Nhiều cư dân mạng thừa nhận, họ đã không nhịn được cười và thấy vô cùng hả hê khi kẻ xấu bị trừng trị 1 cách thích đáng.
"Đúng là gừng càng già càng cay nha, đừng có đùa với bà", một người bình luận.
"Từ nay thì chừa cái thói phân biệt chủng tộc đi nhé, chúng ta đang sống trong thời đại nào rồi mà vẫn còn những kẻ ấu trĩ như vậy nhỉ?", một người khác lên tiếng.
Trong khi đó, về phía bà Xie, con gái của bà cho biết sau vụ tấn công, con mắt bên trái của bà đã không còn nhìn được như bình thường và bà đã sốc tới mức không thiết tha ăn uống gì nữa.
Tấn công bà cụ vì phân biệt chủng tộc, nam thanh niên hối không kịp, dân mạng bình luận: Đáng đời.
Anh John Chen, cháu trai của bà Xie đã lên trang GoFundMe để kêu gọi, gây quỹ giúp bà mình có tiền điều trị y tế.
"Cổ tay của bà tôi đã bị sưng. Và ngoài ra, bà còn bị ảnh hưởng đáng kể về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm nữa", anh Chen viết trên trang GoFundMe.
Ngoài ra, anh Chen cũng nói thêm rằng bây giờ bà anh vẫn đang rất sốc và cảm thấy sợ hãi mỗi khi bước chân ra đường.
"Tôi đã rất bất ngờ bởi sự dũng cảm của bà mình. Bà là người đã dám tự vệ để bảo vệ bản thân trong vụ tấn công này", anh Chen khẳng định.
Được biết, những vụ tấn công nhằm vào những người gốc Á tại Mỹ vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là thời gian gần đây, khiến cảnh sát Mỹ đang đau đầu tìm cách đối phó.
Ngoài ra, trước khi vụ tấn công nhằm vào bà Xie xảy ra, nghi phạm 39 tuổi nói trên còn bị nghi ngờ có liên quan đến vụ đánh đập 1 ông cụ người gốc Á 83 tuổi tại thành phố San Francisco và cảnh sát đang tiến hành điều tra thêm về vụ việc.
Bài trí 5 biểu tượng may mắn này để sang năm Tân Sửu phú quý đến nhà, cả năm sung túc Bước sang năm mới Tân Sửu, gia chủ nên bài trí một số biểu tượng may mắn để cả năm làm ăn phát đạt, hanh thông, thịnh vượng. Biểu tượng chữ Phúc Khi mùa xuân đến, nhiều gia đình thường treo chữ Phúc trong nhà để ngăn nữ thần nghèo đói vào cư ngụ trong nhà. Ngày nay, biểu tượng chữ Phúc giúp...