Nạn săn người bạch tạng ở châu Phi mỗi mùa bầu cử
Người bạch tạng ở Tanzania bị ’săn lùng như động vật quý hiếm’ vì họ tin rằng cơ thể của người bạch tạng sẽ mang lại giàu có và may mắn.
Những người bị bệnh bạch tạng ở đất nước Tanzania đang bị ’săn lùng như động vật quý hiếm’ vì lòng tham của con người. Thậm chí, lòng tham còn khiến nhiều gia đình tan nát vì người thân chính là những kẻ mang họ đi bán cho những người có tiền và có quyền lực nhất quốc gia châu Phi này.
Ở đây, người ta tin rằng các bộ phận cơ thể của người bị bạch tạng sẽ mang lại sự giàu có, may mắn, và vì lẽ đó mà người ta sẵn sàng trả số tiền 3.000-4.000USD cho một cánh tay, thậm chí là 75.000USD cho ‘cả set’ – tức toàn bộ cơ thể.
Chính vì thế, những người bị bạch tạng thường xuyên bị tấn công bởi những người chuyên đi chặt tay chân – một hành động khiến nạn nhân bị tật nguyền hoặc chết.
Bệnh bạch tạng là tình trạng di truyền gây ra do không có sắc tố da, tóc và mắt. Cứ 1.400 người Tanzania thì có 1 người mắc căn bệnh này. Nguyên nhân thường là do sự giao phối giữa những người có quan hệ huyết thống gần nhau ở các khu vực vùng sâu vùng xa.
Ở các nước phương Tây, căn bệnh này chỉ xuất hiện ở 1/20.000 người.
Tính đến nay đã có 74 vụ giết người và 59 người sống sót sau các vụ tấn công. Nhưng thậm chí, người chết đi cũng không được an toàn: có 16 ngôi mộ đã bị cướp.
Josephat Torner cho biết, chính người thân trong gia đình là thủ phạm trong một số vụ tấn công người bạch tạng
Trường hợp gần đây nhất là cô bé Pendo Emmanuelle Nundi, 4 tuổi bị bắt cóc ngay tại nhà hồi tháng 12 năm 2018.
Bố và bác cô bé đều bị bắt giữ do liên quan đến sự mất tích của cô bé, nhưng mặc dù phần thưởng 1.130 bảng Anh được đưa ra cùng với lời hứa giải quyết nhanh chóng từ cảnh sát, cô bé vẫn chưa được tìm thấy.
Các tổ chức từ thiện đang làm việc ở khu vực này không bày tỏ nhiều hi vọng cô bé sẽ quay về an toàn, nhưng sau khi nghe câu chuyện của những người sống sót, thì có vẻ như đó cũng là cái kết của cô bé.
Mwigulu Matonange chỉ mới 10 tuổi vào năm cậu bị tấn công bởi 2 người đàn ông khi đang đi bộ từ trường về nhà cùng 1 người bạn.
Chúng chặt mất cánh tay trái của cậu bé trước khi biến mất vào rừng cùng với chiến lợi phẩm.
‘Tôi bị giam giữ như một con dê sắp bị xẻ thịt’ – cậu chia sẻ sau vụ tấn công vào tháng 2 năm 2014.
Trong trường hợp của Mwigulu, 2 kẻ tấn công là những người lạ, những người mà cậu chưa từng gặp bao giờ.
Nhưng trong vụ việc của Pendo, nghi ngờ là có thể hiểu được khi nửa tiếng sau, bố cô bé mới báo cáo sự việc, mặc dù có những người hàng xóm có thể giúp đỡ ngay khi cô bé bị bắt đi.
Không chỉ có cha mẹ bán con. Một người phụ nữ 38 tuổi mắc bệnh bạch tạng cũng từng bị tấn công bởi chính người chồng và 4 người đàn ông bằng dao rựa khi cô đang ngủ hồi tháng 2 năm 2013 – báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay.
Cô con gái 8 tuổi là người chứng kiến cảnh bố mình rời khỏi phòng ngủ, và trong tay ông ta là cánh tay của người mẹ.
Video đang HOT
Sau khi bị tấn công, người bạch tạng thường bị mất tay, chân hoặc bị giết
Những người mắc căn bệnh này ở Tanzania vô cùng sợ hãi sức hấp dẫn của hàng trăm đô la – một số tiền gấp 3 lần mức lương tối thiểu ở đất nước này – đang đe dọa tính mạng của họ, thậm chí là từ chính người thân trong nhà.
‘Cha mẹ là người liên quan tới việc lên kế hoạch tấn công. Chúng ta đang chiến đấu trong cuộc chiến nào đây khi mà cha mẹ và người thân lại làm vậy? Chúng ta có thể tin tưởng vào ai?’ – Josephat Torner, người vận động vì quyền của người bạch tạng, đặt câu hỏi.
‘Bạn không biết ai là kẻ thù của mình’.
Bản thân Josephat cũng bị bạch tạng. ‘Những người bạch tạng bị săn lùng và giết bỏ để lấy các bộ phận cơ thể, vì người ta muốn trở nên giàu có’. ‘Chúng tôi vẫn đang sống trong nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Tại sao lại là bây giờ? Và ai đứng đằng sau những vụ giết người này?’.
Josephat – người phải chịu những rủi ro vì công việc của mình và từng bị tấn công vào năm 2012, chia sẻ: ‘Người ta bán các bộ phận cơ thể với giá cao. Vì vậy, có những con cá to đứng phía sau’.
‘Đó có thể là các chính trị gia’.
Những nghi vấn của Josephat được ủng hộ bởi Peter Ash, một người Canada thành lập tổ chức từ thiện Under the Same Sun vào năm 2009.
‘Ở một đất nước như Tanzania – quốc gia nghèo thứ 25 thế giới, những người duy nhất có nhiều tiền mặt là các chính trị gia hoặc các doanh nhân giàu có’ – ông nói.
Nhưng dù họ có là ai đi chăng nữa thì những người bỏ tiền ra mua ‘món hàng’ đặc biệt này rõ ràng đều rất có quyền lực.
Chỉ có 10 người từng bị đưa ra xét xử vì tham gia vào các vụ tấn công hoặc giết người bạch tạng, nhưng không ai trong số đó là người mua.
‘Người duy nhất bị kết tội là những kẻ đâm thuê chém mướn. Nhưng họ không bao giờ nói tên khách hàng, ngay cả với những kẻ bị kết án tử hình. Chưa có một khách hàng nào được nêu tên’.
Cô bé Pendo Sengerema, 15 tuổi bị tấn công hồi tháng 8 năm ngoái
Các nhà vận động cho biết, có những thời điểm các vụ tấn công diễn ra dày đặc hơn. Đó là khi cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào khoảng tháng 10. Đó cũng là một trong những thời điểm nguy hiểm nhất với người bạch tạng.
Liên Hợp Quốc từng cảnh báo các nhà vận động chính trị ở nước này đang tìm đến những tay ‘đồ tể’ để giúp mình chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 8.
‘Những người bị bạch tạng phải đi trốn khi có bầu cử diễn ra’ – Peter nói.
Josephat nói thêm: ‘Năm nay, chúng tôi cũng sẽ có bầu cử. Từ năm ngoái, chúng tôi đã thấy các cuộc tấn công và giết người’. Và số lượng tăng lên đáng kể.
Trong suốt 11 ngày bầu cử năm ngoái, có 3 cuộc tấn công và 2 cuộc tấn công bất thành với người bạch tạng ở Tanzania.
Một thanh niên được cho là khoảng 20 tuổi bị phát hiện đã chết trong tư thế nằm trên cỏ, cơ thể bị cắt xén ở khu vực ngoại ô Dar Es Salaam. Ngày hôm sau, một bà mẹ 7 con bị tấn công ở khu vực Tabora và bị chặt mất 1 cánh tay.
Trước đó vài ngày, cô bé Pendo Sengerema, 15 tuổi bị tấn công khi đang ăn tối ở nhà cùng gia đình. Chúng chặt đứt cánh tay phải của cô bé trước khi chạy vào bóng tối.
Theo tổ chức Under the Same Sun, kẻ tấn công đã nhận được đơn đặt hàng từ một khách hàng giàu có nói rằng cánh tay của cô bé trị giá 600USD.
Vụ tấn công khiến Pendo khiếp đảm và cầu xin được đưa ra khỏi ngôi làng. ‘Cháu đang xin cảnh sát chuyển cháu tới một nơi an toàn và bảo vệ cho cháu. Bởi vì những kẻ xấu có thể quay lại để giết cháu’ – cô bé van xin.
Những đứa trẻ bạch tạng sống trong khu vực an toàn suốt nhiều năm mà không có bố mẹ
Nơi an toàn mà cô bé nhắc đến là các trung tâm nằm rải rác trên khắp đất nước – nơi mà nhiều người bạch tạng đang sinh sống bên trong các khu nhà ở với những bức tường cao được xây lên để bảo vệ tính mạng cho họ.
Những trung tâm này được xây lên sau khi các vụ tấn công bùng phát.
‘Đó là một giải pháp ngắn hạn’ – Peter nói. ‘Nhưng không có kế hoạch dài hạn nào cả’.
Vài năm sau, chúng vẫn tồn tại, và bây giờ chúng không còn chỉ dành cho bọn trẻ. Người lớn cũng được đưa tới đây.
‘Có những đứa trẻ ở đó đã 7 năm mà không về thăm gia đình. Những đứa trẻ lớn lên mà không có sự chăm sóc của cha mẹ’ – Josephat nói.
Nhiều đứa trẻ bạch tạng không dám đến trường
Có vẻ như chính phủ Tanzania bắt đầu vào cuộc sau khi dấy lên nhiều chỉ trích xung quanh vụ tấn công bé Pendo.
Harry Freeland – người đã dành 7 năm đi theo Josephat và những người bạch tạng khác để thực hiện bộ phim tài liệu ‘In the Shadow of the Sun’ – thì thận trọng hơn. Ông cho rằng một khi chưa có kết quả cụ thể thì không thể kết luận là những động thái của chính phủ có hiệu quả hay không.
‘Mặc dù có hi vọng nhưng chúng tôi cũng từng nghe thấy những tuyên bố như thế này trước đây’.
Tuy nhiên, lần này chính phủ đang chú trọng vào việc giáo dục. Trong đó có những việc mà Josephat đã làm nhiều năm nay: mạo hiểm tính mạng của mình để đi tới những ngôi làng xa xôi giải thích cho người dân hiểu rằng người bạch tạng không phải là ma quỷ, mà họ là những con người và cơ thể họ không mang lại may mắn.
Anh hi vọng những gì mình nói sẽ đến được với nhiều người hơn, cùng với sự lan tỏa của bộ phim tài liệu mà Harry đã làm.
‘Tại sao chúng tôi lại bị đe dọa ở chính đất nước mình chỉ vì màu da? – anh đặt câu hỏi.
‘Chúng tôi đang sống như những người tị nạn. Chúng tôi bị đánh giá bởi màu da của mình. Cái mà chúng tôi muốn là quyền được sống. Đó là quyền cơ bản nhưng chúng tôi đang bị khước từ’.
‘Tôi muốn sống như cách mà những người khác đang sống’.
Nguyễn Thảo(Theo Daily Mail)
Theo Vietnamnet
Trung Quốc sớm không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới
Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có dân số lớn nhất thế giới trong vòng chưa đến một thập kỉ nữa, theo một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm 37% dân số thế giới, nay đang ở mức khoảng 7,7 tỉ người. Trung Quốc đang có khoảng 1,4 tỉ người, trong khi dân số của Ấn Độ là 1,3 tỉ.
Tuy nhiên, đến năm 2027, Ấn Độ sẽ có dân số đông hơn Trung Quốc, theo báo cáo Dự đoán Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 17/6 vừa qua, và đến năm 2050, khoảng cách dân số hai nước sẽ còn cách xa hơn nữa.
"Từ năm 2019 đến 2050, 55 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có dân số giảm ít nhất 1%", báo cáo này cho biết, phần lớn do tỉ lệ sinh đẻ thấp và trong vài trường hợp là do lượng người di dân tăng cao.
"Trong số này, dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ có tỉ lệ giảm lớn nhất ở mức 2,2%, tương đương với 31,4 triệu người".
Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ có dân số 1,1 tỉ người, so với con số dự đoán 1,5 tỉ của Ấn Độ.
Đến năm 2050, báo cáo này dự đoán dân số thế giới sẽ là 9,7 tỉ người, một mức tăng vô cùng lớn chỉ trong vòng một thế kỉ.
5 năm sau khi Liên Hợp Quốc được thành lập năm 1950, dân số thế giới chỉ vỏn vẹn 2,6 tỉ người.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực đẩy lùi hiện tượng dân số già đi và tỉ lệ sinh giảm sút, dẫn đến dân số tụt giảm đột biến. Bắc Kinh thậm chí đã đảo ngược lại chính sách Một Con đầy tai tiếng và khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con.
Tuy nhiên, với dân số đô thị hóa chóng mặt đang phải đối mặt với chi phí sống ngày một tăng cao, các nỗ lực đẩy cao tỉ lệ sinh sản đã không đạt hiệu quả.
Ngoài việc Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, báo cáo của Liên Hợp Quốc còn cho biết Nigeria sẽ là quốc gia đông dân thứ ba thế giới vào năm 2050, với khoảng 733 triệu người, vượt qua Mỹ - quốc gia sẽ tụt xuống vị trí thứ tư với dân số 434 triệu người. Pakistan sẽ giữ nguyên vị trí thứ 5 về dân số.
"Nhiều nước có dân số tăng nhanh nhất nằm trong nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi mà việc tăng trưởng dân số sẽ tạo ra thêm những khó khăn", ông Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách Kinh tế và Xã hội cho biết.
Hơn một nửa dân số thế giới trong năm 2050 sẽ tập trung ở chỉ 9 quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập, và Mỹ.
Ngoài ra, các xu hướng chung của thế giới được dự đoán bao gồm tụt giảm dân số, dân số lớn và già nhất từ trước đến nay vì tuổi thọ trung bình tăng cao, và sự thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.
Anh Thư
Theo VNN
Mê tín, người cha nhẫn tâm bán con gái để làm phép Cảnh sát Tanzania vừa bắt giữ người đàn ông bị cáo buộc nhẫn tâm bán con gái với giá 5 triệu shilling (50 triệu đồng). Tại Tanzania, nạn mê tín vẫn tồn tại dẫn đến những vụ giết người để lấy bộ phận cơ thể cầu may AFP AFP ngày 12.5 dẫn nguồn từ cảnh sát Tanzania cho hay một người đàn ông...