Nắn dòng vốn cho vay bất động sản hợp lý
Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, các doanh nghiệp bất động sản có hồ sơ minh bạch, dự án tốt, quỹ đất sạch, khả năng sinh lợi nhuận cao có nhu cầu vay vốn thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay.
Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn những dự án BĐS đáp ứng hồ sơ tốt, có quỹ đất sạch và có khả năng sinh lợi nhuận.(Ảnh minh họa)
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại buổi gặp báo chí thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 tổ chức chiều 13/6.
Tín dụng tăng chậm lại
Tính đến ngày 10/6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá như tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 5,04%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%.
Theo thống kê, tổng tăng trưởng tín dụng tăng 5,75%. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/ năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Như vậy, so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 là 6,22%, tăng trưởng tín dụng năm nay có phần chậm lại.
Video đang HOT
Mới đây, các chuyên gia của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích nguyên nhân tín dụng chậm lại và cho rằng, quy định siết chặt tín dụng của NHNN, đặc biệt là với các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản (BĐS), BOT, BT… đã tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của BVSC cũng đánh giá, ở các lĩnh vực ưu tiên như khu vực công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao vẫn được các tổ chức tín dụng hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều tổ chức tài chính cho vay ngang hàng, các tổ chức kinh tế vi mô khác và hệ thống thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Đặc biệt là với trái phiếu DN, nhiều DN đã tích cực huy động vốn trung và dài hạn từ kênh này.
Từ phân tích trên, BVSC khẳng định, tín dụng tăng trưởng chậm cũng không quá đáng lo, vì DN đã có nhiều kênh để huy động vốn, không bị phụ thuộc vào một nguồn vốn nhất định.
Vốn cho BĐS vẫn dồi dào?
Tín dụng cho lĩnh vực BĐS có phải đang bị “đóng băng”? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng khẳng định, BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng không có nghĩa là ngân hàng không cho vay.
“Ngân hàng không thiếu vốn cho vay BĐS và không dừng cho vay ở lĩnh vực này, nhưng sẽ cho vay những dự án đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ và có khả năng sinh lợi…”, ông Hùng nói.
Theo đó, đại diện NHNN cho biết, tín dụng BĐS gồm hai dạng: cho vay trực tiếp các chủ đầu tư BĐS, cho vay tiêu dùng để mua BĐS.
Số liệu từ NHNN cho thấy, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS là 31,7%, trong đó vay trực tiếp đối với chủ đầu tư chững lại nhưng vay gián tiếp đối với khách hàng mua nhà lại tăng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng BĐS tăng 3,24% so với năm 2018.
“Như vậy là tín dụng BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi đánh giá BĐS là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng các tổ chức tín dụng vẫn xem xét cho vay cả chủ đầu tư và người mua nhà”, ông Hùng nói.
Riêng lĩnh vực cho vay tiêu dùng BĐS, hiện nay, các ngân hàng đang giới hạn cho vay ở mức trên dưới 3 tỷ đồng, theo lý giải của NHNN, đó là mục tiêu để hướng các ngân hàng cho vay vào phân khúc thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân. Quy định này cũng định hướng cho các chủ đầu tư nên hướng đến phân khúc đó.
Về việc sửa đổi Thông tư 36, trong đó NHNN đưa ra hai phương án giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống mức 30% vào năm 2021 hoặc năm 2022, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng này nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không chỉ áp dụng với lĩnh vực BĐS mà tất cả các lĩnh vực khác cũng phải tuân thủ thực hiện.
Theo bà Hồng, lộ trình này là phù hợp, nếu đúng ra thì phải thực hiện từ trước, đồng thời khẳng định: “Tất nhiên, sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang lấy ý kiến để rà soát, xem xét thêm”.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Doanh nghiệp bất động sản lo thiếu vốn
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS. Trong đó đề xuất tiếp tục giữ trần 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ nay đến hết năm 2020, tức thêm 6 tháng so với Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Khó khăn về vốn
2019 là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện siết chặt chính sách tín dụng cho vay đối với DN, đặc biệt là DN BĐS. Theo Thông tư 36/TT-NHNN sửa đổi, nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn đã được điều chỉnh giảm từ 60% xuống còn 40%, bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2019. Số liệu thông kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có trên 10.000 DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS (bao gồm cả chủ đầu tư và các sàn giao dịch). Hầu hết các DN có nhu cầu sử dụng vốn vay đều đang lấy từ nguồn tín dụng Nhà nước thông qua các ngân hàng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã chủ trương khuyến khích các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS mở rộng thêm kênh tài chính từ thị trường cổ phiếu, chứng khoán để phục vụ cho quá trình đầu tư của DN. Nhưng thực tế cổ phiếu và chứng khoán của BĐS vẫn chưa thực sự phát triển. Hiện nay mới chỉ có khoảng gần 70 DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số các DN đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các quỹ đầu tư BĐS mới được thành lập nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả do nguồn quỹ quá ít so với nhu cầu vay vốn của DN.
Ngân hàng luôn hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS tiếp cận vốn vay. Ảnh: Thanh Hải.
Trong thời gian qua, một số quỹ đầu tư tín dụng BĐS đã đi vào hoạt động như Quỹ tín thác BĐS (REIT); Quỹ TechReit của Techcombank (vốn điều lệ khoảng 50 tỷ đồng) và một số quỹ đầu tư BĐS của nước ngoài nhưng phần lớn có nguồn tín dụng không lớn, chưa trở thành kênh cung cấp vốn chủ lực cho thị trường BĐS.
Giãn lộ trình thực hiện
Ông Nguyễn Trần Nam cho răng, việc đề xuất giãn lộ trình giảm nguồn tín dụng ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là hợp lý để giúp cho DN đỡ khó khăn hơn. "Bản chất của DN BĐS là cần "tiền và đất", trong khi chính sách về đất đai còn vướng mắc mà giảm đột ngột các nguồn vốn vay thì DN sẽ bị sốc, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường" - ông Nam phân tích.
Cùng quan điểm, ông Bùi Quang Huy - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho rằng, Chính phủ thực hiện song song việc giảm nguồn tín dụng cho vay kết hợp với việc tăng hệ số rủi ro với các khoản vay tiêu dùng đang thực sự trở thành khó khăn lớn cho các DN. Theo đó, đối với những khoản tín dụng cho vay có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu mức tín dụng rủi ro lên tới 150%; theo lộ trình, sắp tới sẽ còn tăng từ 150% lên 250%. "Việc tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay để tránh rủi ro cho ngân hàng, người dân khi xảy ra tranh chấp giữa DN và người dân là hoàn toàn hợp lý. Nhưng việc giảm nguồn tín dụng cho vay cần phải giãn lộ trình thực hiện, theo tôi để giảm xuống còn 30% thì Chỉnh phủ nên nghiên cứu có thể kéo dài đến giai đoạn 2025 - 2027" - ông Huy nói.
"Thời gian gần đây, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, chiếm tới 21% tổng vốn đầu tư FDI nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn đầu tư của thị trường BĐS. Thị trường BĐS 4 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng là chu yêu dựa vào nguồn vốn FDI, do đó, sự khởi sắc của thị trường trong thời gian gần đây chỉ là bề nổi chứ chưa thực sự bền vững", Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Minh Ngọc
Theo kinhtedothi.vn
"Cò" thổi giá nhà đất, mức phạt không thấm vào đâu Môi giới thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất lợi cho người mua nhà nhưng hiện nay chế tài xử phạt vẫn quá nhẹ. Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới bất động sản của Việt Nam có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành...