Nạn cướp giật Sài Gòn: Ác mộng của những vị khách Tây khi đi du lịch ở xứ ta
Có những vị khách cẩn thận cất tiền trong ruột tượng rồi vòng quanh hông đeo rất chắc chắn, vậy mà bọn cướp vẫn táo tợn áp sát giằng ra cướp. Có những vị khách bị mất sạch tiền và giấy tờ rất đáng thương.
Nước mắt ở khu phố Tây
Dù TP.HCM đã ra quân trấn áp tội phạm nhưng tình trạng cướp giật nhắm vào khách Tây ở trung tâm Sài Gòn vẫn chưa có biến chuyển nhiều.
Một vụ cướp táo tợn trên phố Tây Bùi Viện bị camera an ninh ghi lại
Vụ cướp gần nhất xảy ra vào tối 14/3, ở khu phố Tây – đường Bùi Viện (quận 1). Ông Phạm Ấn (chạy xe ôm, người chứng kiến vụ việc) kể: “Tôi thấy ông người Nhật đang cầm điện thoại thì có hai thanh niên chạy xe tới bắt chuyện. Khi thấy vị khách vừa cởi ba lô ra thì thanh niên ngồi phía sau nhảy phốc xuống, giật chiếc điện thoại rồi phóng lên xe cùng đồng bọn tẩu thoát”.
Ngày 12/3, người dân ở khu phố Tây cũng đã chứng kiến một vụ cướp táo tợn không kém. Vụ cướp này xảy ra cách nơi vị khách người Nhật bị cướp chỉ 50m.
Nữ du khách tên Eva Michalcikoua (SN 1981, quốc tịch Slovakia) trong lúc đi chơi cùng nhóm bạn thì bị 3 gã thanh niên đến giật giỏ xách.
Một vị khách Tây khóc ngất khi bị giật cướp vào ngày 11/3
Video đang HOT
“Sau khi nghe tiếng truy hô nạn nhân, lực lượng trinh sát mật phục gần đó đã tổ chức vây chặn và bắt được đối tượng tên Trần Minh Quý (SN 2001, ngụ quận 1). Quý khai nhận do thiếu tiền ăn chơi nên đến khu vực Bùi Viện để gây án”, một chiến sĩ công an tham gia bắt cướp cho biết.
Anh chia sẻ thêm, khi hỏi vì sao lại nhắm vào khách Tây, tên Quý trả lời tỉnh bơ, không chút xấu hổ: “Em nghe nói khách Tây sơ hở dễ giật lắm. Họ không biết tiếng Việt, không có xe máy nên cũng không biết tri hô, truy đuổi”.
Một vụ cướp táo tợn khác đã diễn ra chiều 11/3 trên đường Lương Hữu Khánh (quận 1). Trong lúc hai du khách châu Âu gồm một nam và một nữ đang đi bộ thì bất ngờ bị 2 thanh niên đi xe gắn máy áp sát giật giỏ xách.
Ông Phạm Văn Lang (nhân chứng) thuật lại: “Tui thấy vị khách nữ ngất đi. Chắc họ bị sốc và sợ. Đến khi tỉnh dậy, người khách nam liên tục động viên nhưng cô gái vẫn còn hoảng loạn. Chắc xứ họ không có chuyện táo tợn như thế này nên sốc đến mức độ đó”.
Nỗi xấu hổ của người Sài Gòn
Ông Lang cho hay, ông buôn bán khu vực này hơn 10 năm, nên việc du khách ngất xỉu, suy sụp tinh thần ông gặp thường xuyên. Ông nhớ nhất vụ hai du khách người Na Uy bị giật đồ cũng tại đường Bùi Viện cuối năm 2012.
“Hai vị khách này vừa xuống máy bay, đang đi tìm khách sạn. Họ đi ngang qua một cửa hàng tiện ích nên đã dừng chân mua nước suối. Trong lúc tháo ba lô, họ bị một nhóm thanh niên đi trên hai chiếc xe máy lao đến cướp”, ông Lang nhớ lại.
Không còn tiền, không còn quần áo, hai du khách Na Uy ngồi khóc nức nở. Những người dân sống xung quanh thấy tội nghiệp đã gom góp tiền hỗ trợ họ.
“Hôm sau tôi thấy họ quay lại ngồi chỗ đó (chỗ bị cướp), đeo tấm bảng mong bọn cướp trả lại giấy tờ. Đi du lịch mà bị cướp hết tài sản như thế thật khốn khổ. Tôi nhìn họ mà mắc cỡ thay cho người Sài Gòn mình”, ông Lang ngậm ngùi.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người làm quản lý khách sạn ở TP. HCM cũng bày tỏ nỗi xấu hổ khi chứng kiến khách của mình liên tục bị cướp lúc đi dạo trên đường phố Sài Gòn.
Anh N.V.T, quản lý thường trực cho một khách sạn bốn sao ở khu vực trung tâm Sài Gòn, bày tỏ: “Có vị khách người Đức, sau khi nghe chúng tôi căn dặn, chị chỉ mang theo ruột tượng nhỏ, quấn chặt quanh bụng khi đi dạo phố, vậy mà vẫn bị cướp.
Anh biết chúng cướp thế nào không? Chúng dùng kéo ruột tượng, rồi táo tợn nhảy tới cắt đứt dây đeo, giật phăng đồ của khách trước sự ngỡ ngàng của không biết bao nhiêu người”.
Quản lý các khách sạn cho biết, khi khách bị cướp mất tiền bạc lẫn giấy tờ, họ chỉ biết hỗ trợ bằng cách dẫn khách đến trụ sở công an phường (nơi bị cướp) để khai báo, xác nhận. Sau đó đến lãnh sự quán để làm lại các giấy tờ cần thiết như hộ chiếu, visa…
Dùng “tai mắt” cảnh giới cả công an Khu phố Tây (quận 1) từ lâu đã là một trong những “điểm nóng” cướp giật ở TP.HCM. Những đối tượng cướp giật hay nhắm vào du khách vì họ thường mang theo tiền mặt và các vật dụng đắt tiền như máy ảnh, điện thoại… Khách nước ngoài cũng ít đề phòng cảnh giác. Họ cũng không biết tiếng Việt nên khi bị cướp không biết tri hô, truy đuổi. Một trinh sát Công an quận 1 tiết lộ: “Mặc dù công an đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng không thể ngờ tai, mắt cảnh giới của các băng nhóm rất đông. Mọi động tĩnh của công an đều bị các đối tượng theo dõi thông báo cho nhau. Ngay cả những đứa trẻ, gánh hàng rong bán lề đường cũng là “tai mắt” băng nhóm cướp, giật và dàn cảnh”.
Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống
Trung tâm TP. Hồ Chí Minh "nóng" vì nạn cướp giật
Thời gian qua dù các lực lượng chức năng TP HCM liên tục trấn áp tội phạm, nhưng tình trạng kẻ cướp, cướp giật gây án ở các quận trung tâm chưa thuyên giảm.
Tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp, kẻ gây án manh động khiến người dân lắng.
Mới đây, một số du khách nước ngoài như: chị Grmanova ZuZana (Slovenska); anh Ryo Ichikawa (Nhật Bản) hay chị Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (Ai Cập)... đã bị mất hết tiền, giấy tờ tùy thân vì gặp cướp giật ở khu vực quận 1.
Trong đó, chị Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh ngất lịm vì bị hai thanh niên điều khiển xe gắn máy chạy ngược chiều giật phăng giỏ xách, khi đang đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh.
Chị Alaa Aldoh nói: "Xảy ra chuyện này tôi rất là buồn vì mất tiền và mất luôn cả thẻ ATM. Tuy nhiên, may mắn tôi được sự giúp đỡ của một số người và chính quyền nên bớt lo sợ hơn".
Lực lượng công an ứng trực, tuần tra phòng chống tội phạm.
Cũng tại tuyến đường Lương Hữu Khánh, kẻ gian cướp giật còn lao thẳng vào nhà dân để giật đồ, lấy hàng hóa ngay giữa ban ngày. Ông Trần Văn Năm, một tiểu thương tại đây bức xúc khi bị một nhóm thanh niên lao vào cửa hàng cướp luôn thùng hàng tạp hóa trị giá hơn 2 triệu đồng, rồi phóng lên xe tẩu thoát.
Ông nói: "Mấy kẻ xì ke ma túy đảo quanh nhiều khu vực và giật đồ rất lộng hành. Lúc cướp lao vào cửa hàng lấy đồ mình chạy theo và tri hô, nhưng ai cũng thờ ơ, không người nào hỗ trợ giúp truy bắt cướp".
Còn Anh Lý Thái Tuấn một người dân quận 1 bức xúc: "Nhiều lúc đi đường thấy dân mình giờ sao thờ ơ quá, nhìn cướp giật mà không hỗ trợ. Cần tuyên truyền giáo dục xã hội nhiều hơn nữa, khi thấy nạn nhân bị vậy mà ngó lơ luôn, thực tế này rất đau lòng".
Những ngày gần đây, dù các lực lượng chức năng liên tục trấn áp, nhưng tình trạng cướp, cướp giật tại các quận trung tâm của TP HCM chưa chuyển biến. Tại trụ sở công an các quận 1, 3, 5, mỗi ngày đều có 2 đến 3 trường hợp người nước ngoài và hàng chục người dân đến trình báo vừa bị cướp giật tài sản.
Trong khi các tuyến đường trung tâm thành phố nóng với nạn cướp giật, trộm cắp tài sản thì ở vùng giáp ranh ngoại thành tội phạm lại lợi dụng địa hình nơi vắng vẻ để tấn công các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ.
Để khép kín địa bàn, trấn áp tội phạm, lực lượng cảnh sát cơ động thành phố đã phối hợp cùng công an các địa phương tăng cường tuần tra, mật phục; chốt chặn những khu vực trọng điểm để vây bắt các băng nhóm tội phạm.
Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an TP HCM cho biết đơn vị sẽ tiếp tục với cấp trên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thay đổi tuyến địa bàn không để thời gian chết; không để tội phạm nghiên cứu thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Thượng tá Hùng hy vọng với cách làm này công tác trấn áp các loại tội phạm sẽ hiệu quả, thành công hơn.
Để truy bắt tội phạm cướp giật đạt hiệu quả, lực lượng công an cần sự chung tay, góp sức của người dân. Việc nâng cao tinh thần cảnh giác, thông tin kịp thời về hoạt động của tội phạm và sự phối hợp chặt chẽ của cả cộng đồng sẽ góp phần sớm ổn định tình hình an ninh, trật tự, mang lại sự bình yên cho mọi người.
Theo Vinh Quang (VOV)
Theo_VnMedia
Cảnh giác với những "hot girl" chuyển giới ở khu phố Tây Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ trộm cắp, cướp giật ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM) do các đối tượng đồng tính giả gái gây ra, khiến du khách phiền lòng, công an đau đầu. Khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (TPHCM) từ lâu đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước....