Nạn “chặt chém” du khách: “Chúng ta đừng xin lỗi mãi”
Nếu xảy ra tình huống làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan nhà nước mà công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi. Sau xin lỗi phải là trách nhiệm…
Chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, liên tiếp xuất hiện các vụ du khách nước ngoài điêu đứng vì kiểu kinh doanh dịch vụ chộp giật, “chặt chém” tại Việt Nam, mà điển hình là ở Hà Nội. Thực chất, đây chỉ là sự bộc lộ của hiện thực sẵn có tại Hà Nội lâu nay, đã được nhắc tới nhiều nhưng chưa bao giờ được xử lý triệt để.
Để phát triển du lịch – ngành công nghiệp không khói – Việt Nam đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của nhằm thực hiện các chiến dịch quảng bá, xây dựng thương hiệu. Nhờ thế, năm 2012, Hà Nội đã lọt danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, sánh vai cùng rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới như thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Geneva (Thụy Sỹ), Paris (Pháp), Washington D.C (Mỹ)…
Tuy nhiên, nếu như Hà Nội không quyết liệt vào cuộc chấn chỉn tình trạng ẩu đả, bắt chẹt khách để ăn tiền, gây phiền nhiễu cho du khách; xây dựng môi trường du lịch thân thiện; thì những cố gắng và kết quả trên sẽ sớm trở thành công cốc.
Hai vị khách nước ngoài khó chịu vì bị làm phiền, chèo kéo (Ảnh: Hữu Nghị)
Thực tế, theo các chuyên gia du lịch, không phải nơi đâu cũng có nạn “chặt chém” du khách như Hà Nội. Ở Việt Nam, một số điểm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt, môi trường du lịch có nhiều ấn tượng và đang được xem là những điểm du lịch đáng đến.
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cho biết: “Ở Việt Nam chưa có nhiều lắm những môi trường du lịch tốt, một số điểm có thể kể đến là Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết – Mũi Né…”.
Đặc biệt ở Đà Nẵng, với các đối tượng là tiểu thương tại Chợ Hàn, Chợ Cồn, người bán hàng tại các bãi biển du lịch, nhân viên taxi, xích lô… thành phố này thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn “nụ cười thân thiện” , nâng cao kỹ năng bán hàng, chào hỏi, giao tiếp với khách nước ngoài.
Video đang HOT
Với lực lượng chức năng, Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn cho nhân viên hải quan, công an cửa khẩu cùng hỗ trợ trong công tác để du khách hài lòng, ấn tượng ngay từ khi đặt chân đến với Đà Nẵng. Trung tâm Hỗ trợ du khách đã được đưa vào hoạt động là nơi giải quyết, hỗ trợ, xử lý những tình huống cho du khách…
Nhìn nhận về môi trường du lịch ở các thành phố lớn, ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Kinh doanh của TransViet Travel thẳn thắng cho rằng Hà Nội nên học tập Đà Nẵng và Hội An.
“Ở Hội An, chỉ mất 100.000 đồng là hành khách có thể ngồi xích lô thoải mái cho lịch trình đi chơi khắp phố cổ và không bị giới hạn về thời gian. Trong phố cổ Hội An, không có chuyện du khách bị tiểu thương làm khó khi mua hàng, không có chuyện chèo kéo gây phiền phức cho du khách. Các cửa hàng quán xá, dịch vụ đều có niêm yết giá công khai…” – ông Đạt cho hay.
Hay ở Đà Nẵng, du khách được từ nhân viên taxi, người đạp xích lô đến mỗi người dân bình thường nhất, chào đón nồng nhiệt, thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Chính quyền TP Đà Nẵng đã đưa ra những chính sách có hiệu ứng tốt trong xã hội như “5 không” (không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng; không có giết người để cướp của) và “3 có” (có nhà ở; có việc làm và có lối sống văn minh đô thị)…
Phố cổ Hội An – một điểm du lịch đáng đến
Lý giải cho sự khác biệt giữa những điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam này, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam – ông Vũ Thế Bình cho rằng đó là do nhận thức của người dân địa phương và thái độ của chính quyền sở tại với sự việc.
Trao đổi với báo giới về vấn nạn “chặt chém” khách du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đối với khách quốc tế đến Việt Nam, nếu xảy ra tình huống gì làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan nhà nước mà công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi. Tới đây, chúng ta phải đề xuất việc ai xin lỗi mới là quan trọng, bởi với hình ảnh du lịch quốc gia thì ngành du lịch xin lỗi là đúng, nhưng sau xin lỗi thì trách nhiệm, phân công quản lý rất rõ.
Theo ông Cường, nhằm khuyến khích địa phương làm du lịch tốt, ngành du lịch đang đề nghị khen thưởng địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho khách; ngược lại sẽ phê bình những địa phương chưa làm tốt.
Theo Dantri
Nạn "chặt chém" khách du lịch: "Chỉ có ở Việt Nam!"
"Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng không thấy nơi nào có nạn "chặt chém" như ở Việt Nam, đó là điều đáng xấu hổ. Chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá du lịch, thế nhưng chúng ta đã mất tất cả....".
Đó là chia sẻ xen lẫn những bức xúc của ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Kinh doanh của TransViet Travel khi nói về một số vụ chặt chém tiền của khách du lịch nước ngoài mới xảy ra tại Hà Nội.
Theo ông Đạt, để tình trạng này xảy ra là do việc quản lý chưa chặt chẽ, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để giải quyết vấn đề.
"Mỗi khi có sự việc xảy ra thì các ngành rốt ráo triển khai ra quân, xử lý, thế nhưng cũng chỉ được dăm ba ngày rồi đâu lại vào đó, điều này không khác gì "bắt cóc bỏ đĩa" - ông Đạt cho hay.
Nhóm "nữ quái" Bờ Hồ quây du khách nước ngoài để "ăn chặn" tiền
(ảnh minh họa: Hữu Nghị)
Cũng theo ông Đạt, chúng ta đã mất rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá du lịch, để đưa du khách về với Việt Nam. Nhưng khi đến Việt Nam rồi, du khách nước ngoài phải đối diện với những lối ứng xử thiếu văn hóa hay trở thành nạn nhân của những kiểu làm ăn chộp giật, nạn nhân của những vụ lừa đảo ăn tiền... thì họ sẽ có ấn tượng xấu về con người và đất nước chúng ta, họ mất cảm tình và không còn muốn đến với chúng ta nữa. Như vậy là bao nhiêu công sức và tiền của quảng bá đều... bỏ biển.
"Những vụ việc được đưa lên báo chí chỉ là một trong rất nhiều vụ việc đã và đang xảy ra đối với khách du lịch. Ví như nạn móc túi khách nước ngoài trên phố cổ Hà Nội diễn ra công khai lâu nay, nạn chèo kéo mua bán đồ lưu niệm làm phiền du khách... nhưng các đối tượng vẫn lọt lưới pháp luật." - ông Đạt phân trần.
Hành động "chặt chém" du khách không chỉ có ở Hà Nội mà đang xảy ra ở khắp các điểm du lịch hiện nay, thậm chí người "chịu trận" còn là những người có "chức danh" hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam cho biết: "Tôi đã từng bị chặt chém khi đi taxi ở Hà Nội nên rất hiểu. Là người Việt chúng ta còn bị sốc chứ nói gì đến du khách nước ngoài. Đây thực sự là điều đáng xấu hổ đối với bạn bè quốc tế".
Mồm năm miệng mười "đòi" tiền du khách. Đây là hành động đáng xấu hổ, làm mất hình ảnh của du lịch Việt Nam ( ảnh minh họa: Hữu Nghị)
Lý giải việc các đối tượng lừa đảo, móc túi tập trung vào du khách nước ngoài, theo ông Mẫn là do tâm lý của các đối tượng này nghĩ người nước ngoài dễ lừa và họ sẽ không dám phản ứng gì trên đất khách quê người.
"Trước khi đi du lịch ai cũng sẽ tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ đến, tìm hiểu về văn hóa, cách sống, các dịch vụ... Đặc biệt, không thể nghĩ rằng du khách nước ngoài mù mờ về mệnh giá tiền Việt mà lừa họ, bởi trước khi đến Việt Nam họ đã tìm hiểu về tiền tệ, họ đổi tiền và biết cách chi tiêu. Nếu như họ không phản ứng ngay khi bị lừa thì khi về nước họ cũng sẽ gửi thư hoặc có phản hồi với các đơn vị quản lý..." - ông Mẫn cho hay.
Theo ông Mẫn, du lịch Việt Nam đang bắt đầu xây dựng được thương hiệu (trong sự so sánh với các nước trong khu vực) nhưng về tính cạnh tranh thì vẫn chưa tạo được sức cạnh tranh với các nước trên thế giới. Vì vậy, để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam cần phải xúc tiến nhiều nội dung như quản lý, ẩm thực, dịch vụ... Và những hành động xấu gây ấn tượng không tốt cho du khách đã tạo tác dụng ngược đối với nỗ lực quảng bá du lịch quốc gia.
Theo Dantri
Phó tổng cục Du lịch: 'Tôi cũng bị taxi lừa đảo' "Bản thân tôi nhiều lần bị taxi lừa đảo. Đi cùng một quãng đường song phải chịu giá tiền gấp 3", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ với VnExpress. - Lãnh đạo Tổng cục Du lịch mới đây có động thái xin lỗi du khách bị người lái xích lô lừa gạt. Ông nhìn nhận...