Nạn ẩu đả vì hơi men: Giảm rượu bia và rèn văn hóa ứng xử!
“Chúng ta đừng đổ lỗi cho rượu bia, cái gốc vẫn là ý thức con người. Tại sao nhiều người uống bia rượu họ lại không đánh nhau? Muốn kéo giảm vấn nạn này, theo tôi phải rèn văn hóa ứng xử, pháp luật nghiêm minh hơn, xã hội phải lành mạnh hơn…”.
Đó là quan điểm của PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) – trước thực trạng số vụ ẩu đả dẫn đến nhập viện liên quan đến bia rượu gia tăng ở một số địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua (theo số liệu của Bộ Y tế đã cung cấp).
PGS.TS Trịnh Hòa Bình trao đổi với PV Dân trí
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng đáng buồn trên là do ý thức của con người. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người Việt Nam văn hóa trong ứng xử đã bị lệch chuẩn trầm trọng, họ thường sử dụng cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, hung khí… với nhau.
“Chúng ta thường nói một bộ phận không nhỏ người Việt Nam văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp nghiêm trọng, thường thích giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm, bạo lực. Rồi thì hàng loạt những lo toan đời thường, ít quan tâm đến nhau hơn trong gia đình, giáo dục con trẻ phó mặc cho nhà trường và xã hội. Những bất công, bực dọc dồn nén trong lòng… cộng với thói quen sử dụng rượu bia, những búc xúc trong người đó họ đã mượn hơi men để làm càn, đánh đấm nhau, thiếu sự kìm chế, kiên nhẫn bản thân. Tuy nhiên, đừng đổ lỗi do rượu bia, bởi nó chỉ là nguyên nhân trực tiếp, kích hoạt thói hung hăng nhất thời, sâu xa vẫn là ý thức con người. Tại sao nhiều người uống bia rượu họ không đánh nhau, bởi những người này văn hóa ứng xử người ta có, họ kìm chế, rèn luyện sự kiên nhẫn bản thân tốt” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.
Trước quan điểm cho rằng do số ngày người dân được nghỉ nhiều trong mỗi dịp lễ, tết dẫn đến số vụ ẩu đả, tai nạn giao thông tăng cao, PGS.TS Trịnh Hòa Bình phản bác, bởi đó là chỉ con số cơ học, không phải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. “Tất nhiên 1 ngày sẽ ít vụ hơn 10 ngày, nhưng đó là con số cơ học chứ không phải là nguyên nhân. Cái chính vẫn là ý thức con người như trên tôi đã nói” – PGS.TS Bình nói thêm.
Nói về khả năng kéo giảm thực trạng trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra một số giải pháp: Thứ nhất phải lành mạnh xã hội, cần tích cực chung tay đẩy lùi những tiêu cực, nạn tham nhũng. Để tạo ra môi trường sống thực sự công bằng, dân chủ, văn minh cho con người. Khi đã có công bằng, dân chủ thì sẽ không còn chỗ cho bực dọc, ấm ức trong mỗi con người và sẽ hạn chế rất nhiều những vụ ẩu đả như trên khi họ sử dụng rượu bia.
Video đang HOT
Gia đình, nhà trường, xã hội cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến giáo dục văn hóa ứng xử cho giới trẻ. Để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường giới trẻ đã được rèn luyện cách ứng xử, giao tiếp với nhau có văn hóa; phải tăng cường các hình phạt nghiêm minh hơn, đủ sức răn đe mạnh hơn đối với các hành vi ẩu đả, đánh nhau, để thói côn đồ, hung hãn trong cách giải quyết mâu thuẫn bị đẩy lùi.
Cũng liên quan đến thực trạng nói trên, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – GĐ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) – cho biết, tình trạng TNGT, ẩu đả nhau phần lớn là do có hơi men bia rượu. Kỳ nghỉ lễ này cũng ghi nhận nhiều ca đánh nhau nhập viện trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng, phần đông có liên quan đến cồn như ngày 29/4 có 7 ca tai nạn do đánh nhau; ngày 30/4 là 10 ca. Tai nạn xảy ra phần lớn nạn nhân là thanh niên lái xe trong tình trạng say rượu, không làm chủ được tốc độ nên tông người khác hoặc tự gây tai nạn. Nhiều trường hợp, dù được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi tử vong nhưng lại bị di chứng suốt đời như mất khả năng nhận thức, khả năng diễn đạt, không còn khả năng lao động, cụt tay, cụt chân…
Cũng vì có hơi men nên khi xảy ra va chạm người ta dễ nổi khùng, xông vào đánh nhau gây những chấn thương nguy kịch, thậm chí tử vong. Khi say, con người ta không làm chủ được ý thức. Anh em, bạn bè đánh nhau vì lời ra tiếng vào, khi say rượu có thể gây những hành vi đáng tiếc, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng. Vì thế TS. Quyết khuyến cáo mọi người dù vui đến mấy khi nâng chén cũng cần phải ý thức được nguy cơ say xỉn, phòng những tai nạn đáng tiếc.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tại các bệnh viện ở TPHCM, trong 4 ngày lễ (từ 28/4 đến 2/5) có gần 72 nghìn lượt người khám chữa bệnh, trong đó tổng số khám, cấp cứu vì tai nạn lên đến 13 nghìn trường hợp với 44 ca tử vong. Số ca TNGT chiếm tỉ lệ khá lớn với 1.472 ca, 22 ca chấn thương sọ não, 3 ca tử vong vì TNGT. Cùng với đó là 303 ca nhập viện vì ẩu đả do có tí hơi men, bốc đồng của thanh niên.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
6.200 ca nhập viện do đánh nhau dịp Tết: Lỗ hổng trong giáo dục văn hóa?
"Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa là do văn hóa ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện đại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tôi tin rằng số ca nhập viện trên là do nhiều người đã sử dụng men rượu..." - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Trong dịp nghỉ Tết Ất Mùi 2015 vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ yêu cầu ngành y tế báo cáo kết quả về số ca nhập viện do đánh nhau, ẩu đả trên phạm vi cả nước. Và con số mà ngành y tế đưa ra lên đến 6.200 ca nhập viện, trong đó có 15 trường hợp đã tử vong do đánh nhau, ẩu đả trong mấy ngày nghỉ Tết.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này và liệu có giải pháp nào ngăn chặn được tình trạng này? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "Nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ ẩu đả trong dịp Tết vừa qua là do văn hóa ứng xử đang bị xuống cấp"
Con số 6.200 ca nhập viện, trong đó có 15 trường hợp đã tử vong, do liên quan đến hành vi đánh nhau, ẩu đả diễn ra trên phạm vi toàn quốc chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là con số lần đầu tiên ngành y tế công bố theo yêu cầu của Chính phủ. PGS có đánh giá gì về con số này?
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Do đây là lần đầu tiên ngành y tế công bố theo yêu cầu của Chính phủ, nên những năm trước đó chúng ta không biết. Vì vậy ta không có dữ liệu để so sánh với những năm trước đó. Nhưng với con số 6.200 ca nhập viện, 15 trường hợp đã tử vong do liên quan đến hành vi đánh nhau, ẩu đả mà chỉ diễn ra trong mấy ngành nghỉ Tết thì thực sự là con số báo động. Ta làm một phép toán đơn giản, lấy con số trên chia cho 9 ngày nghỉ Tết, thì trung bình mỗi ngày có tới gần 700 ca nhập viện do đánh nhau, gần 2 người đã tử vong liên quan đến hành vi này. Thực trạng này đang vẽ lên một "bức tranh" rất đáng buồn cho không gian xã hội, không gian văn hóa, không gian giao tiếp của con người Việt Nam hiện đại.
Vậy theo PGS đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này?
Có rất nhiều nguyên nhân cộng lại dẫn đến những hành vi này, nhưng theo tôi nguyên nhân sâu xa là do văn hóa trong cách ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện đại đang bị lệch chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng. Lẽ ra những ngày nghỉ Tết là thời điểm con người ta được nghỉ ngơi, tổng kết lại 1 năm, rồi ăn uống sum vầy; họ phải ở trong trạng thái thăng hoa rạng rỡ, giao tiếp với nhau bằng nụ cười thay vì nắm đấm, hung khí...
Nhưng chúng ta có thể nhìn thấy thực trạng là trong mỗi dịp Tết đến, rất nhiều người đã sử dụng rượu bia. Trong trạng thái mất kiểm soát, mượn rượu để làm càn, có những vấn đề người ta tích cóp từ lâu đến lúc mượn chén rượu để nói ra, không nhịn được, không có sự kiểm soát mình, không có văn hóa kiểm soát bản năng, tức khí, ích kỷ của bản thân là dễ dẫn đến ẩu đả ngay.
Thời gian vừa qua, theo số liệu thống kê của ngành công an, tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tôi tin chắc rằng, trong số 6.200 trường hợp nhập viện nêu trên thì giới trẻ sẽ chiếm 1 tỷ lệ đáng kể.
Giáo dục văn hóa cho giới trẻ hiện nay đang rất phiến diện, một số chức năng giáo dục con trẻ của gia đình đang bị suy giảm như: chức năng giáo dục, chức năng chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Trước kia gia đình người Việt thường rất cầu kỳ, chỉn chu, nắn nót trong giáo dục con trẻ. Nhưng ngày nay, các thành viên trong gia đình đang bị "giằng xé" bởi 1 loạt các mối quan hệ xã hội, họ ít quan tâm tới nhau hơn, người ta mải lo làm ăn tăng trưởng, phó mặc giáo dục con em họ cho nhà trường, cho xã hội nhiều hơn.
Ngày nay nhà trường lại chỉ lo dạy "chữ", ít quan tâm đến dạy người hơn. Người ta đang trở nên chuyên nghiệp hơn đối với bài giảng của họ, chuyên nghiệp hơn đối với hoạt động tìm cách bán cái năng lực dạy học, dạy chữ của họ để có thu nhập nhiều hơn là chăm lo đến con người học sinh.
Giới trẻ thì thường thích thể hiện mình, khi chưa được giáo dục đầy đủ, bị đứt gãy trong hệ giá trị xã hội, tôn thờ xu hướng chủ nghĩa cá nhân, chạy theo đồng tiền,... cùng với sự lơ là trong giáo dục trong gia đình như nói trên. Giới trẻ họ đang thiếu sự sâu sắc, thực ra nếu muốn được sâu sắc người ta phải trải nghiệm, nhưng trải nghiệm buộc lòng phải đi qua những kinh nghiệm của những thế hệ đi trước; hoặc các thiết chế xã hội như đoàn đội giúp giới trẻ trang bị. Nhưng tất cả các lĩnh vực đều đang có sự hời hợt, bởi ta đang trải ra rất nhiều mối quan tâm. Thế thì cộng tất cả chúng ta có được "bức tranh" chung của giới trẻ hiện nay khá phức tạp. "Lỗ hổng" trong giáo dục văn hóa cho giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn thiếu văn hóa của họ.
Theo quan điểm của PGS thì liệu có giải pháp nào "điều trị" được thực trạng này?
Chúng ta thường nói vui là "chữa bệnh" cho xã hội. Thế thì trong trường hợp này với con số 6.200 ca nhập viện nêu trên thì tôi nghĩ "bệnh" cũng tương đối nặng rồi (cười). Trong y tế, bệnh nặng thì phải dùng thuốc tây, thậm chí nếu thuốc không được phải tiến hành nhiều biện pháp khác mạnh hơn để cứu chữa. Trong trường hợp này, chúng ta phải tăng cường các hình phạt nghiêm minh hơn, đủ sức răn đe mạnh hơn đối với các hành vi ẩu đả, đánh nhau; để thói côn đồ, hung hãn trong cách giải quyết mâu thuẫn bị đẩy lùi. Ngoài ra, phải "đông - tây y kết hợp", chúng ta phải nhìn nhận đúng và khắc phục những chỗ chưa được trong giáo dục văn hóa đạo đức cho giới trẻ như đã nêu trên.
Đồng thời, xã hội cần tích cực chung tay đẩy lùi những tiêu cực, nạn tham nhũng. Để tạo ra môi trường sống thực sự công bằng, dân chủ, văn minh cho con người. Khi đã có công bằng, dân chủ thì sẽ không còn chỗ cho bực dọc, ấm ức trong mỗi con người và sẽ hạn chế rất nhiều những vụ ẩu đả như trên.
Xin cảm ơn PGS!
Nguyễn Dương (thực hiện)
Theo Dantri
Bộ GTVT cấm cán bộ uống rượu bia kể cả lúc tiếp khách Bô trương Bô GTVT Đinh La Thăng vưa co chi thi nghiêm câm can bô, công chưc, ngươi lao đông trong toan nganh sư dung rươu bia trươc và trong giơ lam viêc, kê ca khi có hội nghị, tiêp khach. Đây la Chi thi cua Bô trương Giao thông Vân tai (GTVT) vê thưc hiên Chinh sach Quôc gia phong chông tac...