Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trải qua hạn hán chưa từng có
Nắng nóng liên tục kéo dài những tháng qua đã khiến tình trạng thiếu nước tưới diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt cho thấy hàng loạt diện tích cây trồng đã chết khô, hàng ngàn con gia súc nguy cơ mất nguồn nước uống…
Đồng khát, lúa chết
Từ đầu năm 2020 đến nay, một số vùng ở khu vực Nam Trung Bộ lượng mưa bị thiếu hụt, thấp hơn từ 20 – 90% so với trung bình nhiều năm, riêng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hầu như không có mưa nên đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Hiện dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20-60% dung tích thiết kế (Ninh Thuận đạt 13%, Bình Thuận 17%), thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Ninh Thuận là một trong những địa phương phải chịu cảnh hạn hán khốc liệt. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND về việc công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh là cấp độ 3. Trong đó, riêng huyện Thuận Nam, Thuận Bắc cấp độ 4.
Cây cà phê của người dân Gia Lai héo khô. Ảnh: Đình Văn
Ghi nhận của PV, đã nhiều tháng nay, hồ Ông Kinh (ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) không còn nước, nhiều hồ tích nước trên địa bàn tỉnh cũng cạn kiệt. Nhiều gia đình phải tự bỏ tiền đào giếng để lấy nước sinh hoạt, sản xuất.
Riêng tại huyện Thuận Nam, Thuận Bắc (Ninh Thuận), nhiều cánh đồng cỏ tươi tốt ngày nào giờ đã héo khô chuyển sang màu vàng, hàng ngàn con gia súc đang đứng trước tình trạng thiếu thức ăn và nước uống.
Đại diện Sở NNPTNT Ninh Thuận cho biết, do thiếu nước tưới, nên 7.873,8ha diện tích của địa phương phải dừng sản xuất. Trong đó, 4.556,5ha lúa và 3.317,3ha cây màu. Ngoài ra, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại từ vụ đông xuân 2019-2020 tính đến ngày 21/5 trên địa bàn tỉnh là 198,1ha (cây lúa 89,5 ha; cây màu 43,65ha; cây ăn quả 57,95ha, cây lâm nghiệp 7ha).
Bên cạnh đó, có 251 hộ/959 nhân khẩu đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Video đang HOT
Nắng hạn kéo dài nên năng suất lúa của nông dân huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) giảm. Ảnh: P.V
Tương tự, nắng hạn cũng đang diễn ra khốc liệt tại các huyện Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, diện tích gieo trồng từ đầu năm đến nay chỉ đạt chưa đầy 20.000ha, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn hầu như không có mưa, lượng nước dự trữ chỉ đủ phục vụ sản xuất cho một số vùng nhất định.
Diện tích và năng suất mía của khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Đến cuối tháng 4, mía nguyên liệu của đã thu hoạch được 8.200ha, năng suất bình quân 25,1 tấn/ha, giảm 22 tấn/ha so với cùng kỳ. Giá thu mua mía dao động từ 845.000 -865.000 đồng/tấn/10ccs.
Năng suất mía giảm đáng kể do nắng hạn kéo dài làm cho cây mía còi cọc, kém phát triển, tình hình sâu bệnh phát triển và lây lan đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mía.
Vét từng giọt nước
Tại các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng nắng hạn kéo dài những ngày qua cũng khiến hàng ngàn ha cây trồng tại héo rũ, khô quắt vì thiếu nước. Nhiều tỉnh thành đang xuất ngân sách để cứu người dân vùng hạn.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT) tỉnh Gia Lai – ông Nguyễn Văn Lương cho biết, lũy kế diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán gây ra tại tỉnh đến ngày 21/5 là hơn 3.000ha. Ước tổng thiệt hại là trên 53 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Thành – Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ (Gia Lai) thì cho biết, hơn một tháng nay, nắng nóng gay gắt làm sông suối, ao hồ cạn nước. Cây công nghiệp, cây ăn quả không có nước để tưới. Nhiều thôn bản có dấu hiệu thiếu nước sạch. Người dân phải nạo vét giếng để chắt từng can nhỏ nước về sinh hoạt.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2020 (từ tháng 6 – 8/2020), ở khu vực Nam Trung Bộ, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm, một số sông thiếu hụt trên 70%.
Huyện Krông Pa – vùng đất có biệt danh “chảo lửa” của Gia Lai cũng đang bị nắng hạn đe dọa khá nghiêm trọng. Nhiều hộ dân phải mua nước và xin nước để dùng.
Chị Rơ Lan H’liên (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai) than thở: “Mình ngồi hơn 5 tiếng đồng hồ mới chắt được can nước 20 lít”. Ông Kpă Míp – Chủ tịch UBND xã Đất Bằng cho hay, nguồn nước ở một số nơi trong xã đã cạn khô. Người dân khó khăn, thiếu thốn tứ bề.
Tại thị xã An Khê (Gia Lai), ông Trần Công Sỹ cho biết, hơn 20 năm trồng mía, chưa bao giờ ông thấy nắng hạn như năm nay. Những năm trước, cứ 1ha, ông thu được 50-60 tấn mía, nhưng vụ mùa vừa rồi ông chỉ thu được gần 14 tấn mía trên 2ha đất.
Gồng mình tìm giải pháp ứng phó
Theo ông Nguyễn Văn Lương, các cây trồng ở Gia Lai bị thiệt hại do hạn hán là: lúa, cây càphê, mía, mỳ, cây ăn quả, cây lâm nghiệp… “UBND tỉnh chỉ đạo, các huyện, thị trước mắt trích ngân sách hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại. Nếu người dân ở địa phương nào thiệt hại nặng, lớn thì báo cáo tỉnh hỗ trợ”- ông Lương trao đổi.
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai – ông Lưu Trung Nghĩa nói: “Về giải pháp, Sở đề nghị UBND các huyện thị có phương án điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý ưu tiên cho nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nước tưới cho các cây trồng trong thời gian ra hoa, kết trái. Tổ chức nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước”.
Còn theo ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận, trước tình hình hạn hán gay gắt, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước tại từng công trình cấp nước tập trung.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể để cấp nước luân phiên cho các hệ thống cấp nước thiếu nguồn nước và động người dân nên sử dụng nước tiết kiệm.
Theo ông Cương, trong thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc.
Tiến hành di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về thức ăn, nước uống, giám sát, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh.
Đồng thời, vận động nông dân mạnh dạn áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn hán như: Mô hình tưới tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với cây trồng đặc thù, áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”…
Quay quắt chảo lửa miền Trung: Ao hồ trơ đáy
Hàng nghìn nông dân ở Quảng Ngãi phải bỏ hoang ruộng đồng do nắng hạn kéo dài, không thể xuống giống vì thiếu nước, dù đây là thời điểm bước vào vụ mùa mới.
Ông Bình ngồi trên ao cá trơ đáy của mình. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Nông dân điêu đứng
Ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của nông dân thị xã Đức Phổ đang khô nẻ, không thể canh tác do không có nước. Nắng hạn gay gắt kéo dài biến nhiều cánh đồng ở xã Phổ Cường thành tâm điểm hạn hán. Trong vườn, giếng nước, ao nuôi cá của bà con cũng cạn khô. Gốc rạ và mạ non mọc lên sau vụ đông xuân thành thức ăn cho trâu bò.
Ông Dương Hiển Bình (83 tuổi, trú xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ), cho biết: "Năm ngoái vào thời điểm này gia đình tôi đã xuống giống cho 5 sào lúa nhưng năm nay đành bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Nguồn thu nhập còn lại của gia đình là hai ao nuôi cá rộng 4 sào, thì một ao đã cạn trơ đáy, ao còn lại chỉ còn lại lớp nước đủ để vịt bơi không mắc cạn".
Dưới cái nắng oi bức, ông Bình lội xuống ao cắt rau muống về ăn trưa, nhiều xác cá rô phi, cá lóc chết khô trên mặt đất nứt nẻ. "Tôi đã cải tạo hai cái ao này gần 10 năm qua nhưng chưa thấy năm nào hai ao nuôi cá này lại cạn trơ đáy như năm nay", ông Bình nói
Bầy vịt hơn 1.000 con của ông Bình, ngày thường ở trong ao bên cạnh thì nay phần lớn phải lùa về kênh mương ở gần đó. "Hơn 2 tháng nay trời không có nổi một giọt mưa, nhiệt độ lúc nào cũng từ 36-39 độ. Các nguồn nước ở sông, hồ đều cạn kiệt và hồ nuôi cá của gia đình tôi cũng vậy. Nếu hai cái ao của tôi có nước để nuôi cá thì mỗi năm tôi cũng kiếm được khoảng 50 triệu đồng", ông Bình cho biết.
Ở cách đó chừng 100m là cánh đồng thôn Mỹ Trang. Cánh đồng này gần một cống nước dưới chân cầu đường sắt, chưa có năm nào phải dừng sản xuất lúa vụ hè thu. Nhưng năm nay, chỉ còn một vài hộ trên đồng, thay lúa bằng đậu.
Chị Phạm Thị Thấm, chủ 7 sào lúa nay chuyển sang trồng lạc "Nếu tình trạng nắng nóng vẫn kéo dài những ngày tới thì nguy cơ 7 sào lạc của gia đình tôi sẽ chết khô", chị Thấm lo lắng.
Bỏ hoang đất canh tác
Với địa chất nhiều đất đá trải dài dưới lòng đất, lại xa nguồn nước, xã Phổ Cường, luôn được xem là tâm điểm của hạn hán trên địa bàn Quảng Ngãi. Tuy vậy, chưa năm nào người dân lại lâm vào cảnh quay quắt vì nắng hạn như năm nay.
Ông Võ Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết: "Vụ lúa hè thu năm nay tại địa phương có 3 hồ nước đảm bảo tưới nước cho khoảng 95 ha, trong đó có khoảng 50 ha trồng lúa và còn lại chuyển đổi qua cây hoa màu, còn 700 lúa bị thiếu nước hoàn toàn phải bỏ hoang".
Theo ông Cường, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các sông, suối trên địa bàn xã đã khô cạn. Về nguồn nước cho gia súc, gia cầm từng gia đình phải tự lo. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài hết tháng 5 chắc phải xin nguồn nước viện trợ từ hồ Liên Sơn xả xuống sông, suối địa phương để cứu đàn gia súc, gia cầm.
"Về nguồn nước sinh hoạt của người dân chúng tôi kiến nghị các cấp thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để đóng các giếng khoan để phục vụ cộng đồng. Riêng năm 2019 xã Phổ Cường đã đóng cho người dân trên địa bàn xã 2 giếng khoan sâu trên 80 mét, và người dân tự đóng hơn 10 cái giếng khoan nhưng nước sinh hoạt vẫn thiếu", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Tấn Lái, Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Đức Phổ, cho biết: "Đầu năm địa phương xây dựng kế hoạch dự kiến vụ sản xuất lúa hè thu khoảng 4.800 ha. Thế nhưng, hiện đang có khoảng 1.500 ha bị khô hạn, trong đó chuyển đổi cây trồng hoa màu khoảng 300 ha, còn lại hơn 1.000 ha bỏ hoang.
Theo ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2020 đến nay lượng mưa trong tỉnh thấp hơn trung bình các năm 30%, trong khi nền nhiệt độ cao hơn các năm 0,5-1,5 độ C. Công ty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã làm việc với các HTX ở các huyện để chốt lại diện tích cần sản xuất, gieo trồng. Về biện pháp trước mắt, ông Văn cho hay: "Sở đã chỉ đạo sửa chữa các kênh mương để tránh thất thoát nước. Những vùng không có nước tuyệt đối không sản xuất".
Hạn hán, thiếu nước có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh ven biển Trung Bộ Nhận định về tình hình hạn hán và thiếu hụt nguồn nước ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, Trưởng phòng dự báo thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết, trong các tháng tiếp theo (từ tháng 6 đến tháng 8), tổng lượng mưa tại...