Năm thất bát của kệ CD
Tất nhiên, đó là kệ CD của người Việt, ở xứ mà người ta không thể kiểm soát được số liệu chính xác một sản phẩm, không có cách nào để đối phó được với tình trạng download tràn lan, không phân định được dòng nhạc và đối tượng…
Diva: Người chán, kẻ lỡ hẹn
Nếu tính riêng năm 2009, diva duy nhất là Thanh Lam có sản phẩm Nơi bình yên phát hành tháng 7. Mỹ Linh chính thức đẩy dự án đĩa acoustic sang năm 2010 vì lý do phòng thu phải xây dựng lại. Hồng Nhung cũng gần như không thể có album nhạc dance trong tháng 12 này dù đã lên báo hết lời khen cái sự lười nghệ sĩ của producer Quốc Trung. Trần Thu Hà vừa về nước làm thủ tục ra mắt album hát nhạc điện tử của chồng – Bình Đoàn, chắc không thể ra sớm hơn trong tháng 2/2010, mà ở đó cô hát 5 bài giành phần còn lại cho nhạc hòa tấu điện tử. Riêng diva trẻ Mỹ Tâm hoàn toàn dành một năm kiếm tiền vừa phải từ 2 album năm cũ, giành phần lớn thời gian cho các hoạt động xã hội.
Bìa đĩa “Nơi bình yên” của Thanh Lam
Video đang HOT
Đương nhiên, thước đo uy tín nhất về chất lượng của nhạc nhẹ đại chúng Việt Nam hiện nay vẫn là thái độ làm việc và sản phẩm nghệ thuật của 4 danh ca Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Trần Thu Hà… Bởi trước hết công chúng và dư luận đặt niềm tin vào họ, sau đó là sức hút có thật của họ với các cộng sự bằng tài năng cá nhân, và cuối cùng rõ ràng mọi bước chân của các diva đều có uy tín, dẫn đường chỉ lối cho các nghệ sĩ khác đi sau… Chuyện Thanh Lam than chán thị trường âm nhạc hoàn toàn có lý. Là nghệ sĩ tiên phong, Lam chán bởi thị trường xuống dốc là có thật. Người làm nghề thì ít mà kẻ làm trò thì nhiều. Một sản phẩm đưa ra tìm được công chúng đích thực đã khó, tìm được một người phê bình càng khó hơn. Trong khi ấy, có quá nhiều tin tức lá cải vây quanh để tiếp thị, vài nhận định lưng chừng lại vỗ ngực xưng tiếng nói chung… Dăm ba giá trị ảo, số lần download của đám trẻ con cũng đủ làm kim sa lấp lánh ngôi sao giấy… nhạc teenage miễn phí.
Thị trường âm nhạc Việt hỗn loạn nhân xưng hoàng tử công chúa, vùi lấp các nghệ sĩ đích thực khiến năm 2009 giống một cuộc thoái trào thảm hại. Nhìn trên kệ đĩa hoặc tham khảo các hãng phát hành, CD của các diva hoặc các album làm theo xu hướng bền vững (gồm các yếu tố giọng hát và tác phẩm có giá trị, chất lượng hòa âm và thu thanh cao) bán lai rai năm này qua năm khác nên tính tổng số lượng phát hành vẫn cao. Trong khi đó các CD của các “sao giấy” thường ồn ào trên mặt báo mạng hơn là tốc độ tiêu thụ đĩa. Họ nổi tiếng trên mạng cũng đồng nghĩa là nhạc của họ bị download miễn phí nhiều, lượng bán đĩa không bao nhiêu, mà cũng qua cơn ồn ào, có người khác ồn ào hơn là phải dẹp qua một góc.
Hướng ngoại hay hoài cổ
Ca sĩ Tuấn Hưng một thời làm sôi nổi thị trường kệ đĩa
Có hai xu hướng làm nhạc năm qua (xin không phân tích theo hướng Thị trường hay Nghệ thuật của Điện ảnh) là Hướng ngoại và Hoài cổ.
Một loạt các CD tiền chiến theo cách làm “Hoài cổ” lan tràn ra cả những ca sĩ văn công Hà Nội. Kiểm duyệt đã thông thoáng hơn, làn sóng nghe nhạc xưa từ các CD nhạc hải ngoại, sự trở về của vài giá trị cũ, những chuyến lưu diễn Mỹ quốc mà ca sĩ ngồi bán CD như hội trại sau giờ diễn… đã sinh ra một làn sóng làm nhạc xưa. Tù mù thông tin, không phải người nghe nào cũng phản hồi cho ca sĩ mới những sự mơ hồ thiếu hiểu biết của các ca sĩ về… nhạc xưa của họ. Ca sĩ thiếu hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ, tác giả, thời điểm sáng tác của từng ca khúc, cứ làm một đĩa nhạc trữ tình hoài cổ, hát lại dăm bài ăn khách của các ngôi sao hải ngoại là… thành đĩa nhạc xưa…
Trong nước họ vỗ ngực là… tìm tòi, nhưng ra nước ngoài hiện nguyên hình là những kẻ cơ hội, làm đĩa nhạc sao cho vừa tai khách tụ điểm bên kia. Giành giật bài hát cũ được yêu cầu với các ca sĩ hải ngoại. Đĩa thu làm trong nước cũng dạng thường thường bậc trung, tiêu chí là làm giả ăn thật, hát sao cho thật mùi, nức nở hoài cổ, nhạc sao cho chậm buồn dễ nghe… Kệ đĩa 2009 của những ca sĩ một thời sôi nổi Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng, Hồng Ngọc, Lệ Quyên, Phan Đinh Tùng… bắt đầu có thể xếp cạnh những Lệ Thu, Hoạ Mi (về nước thâu thanh), Bảo Yến, Quang Dũng, Xuân Phú… Một màu vàng buồn tẻ, nhưng lại đem lại cho họ một thu nhập kha khá… Nhưng để ngoảnh lại một năm được tung hô như những ngôi sao đương thời, chẳng có mấy cái đương đại giá trị.
Ở nhóm Hướng ngoại, tiếp nhận và cập nhật những xu hướng âm nhạc và kỹ thuật hiện đại trong cơn bão tiền tệ dù cố gắng nhưng thực sự thất bát bởi yêu cầu đầu tư ngày càng cao nhưng lượng tiêu thụ lại giảm và thách thức về mặt bản quyền bành trướng. Quốc Bảo ra album riêng hôm trước, hôm sau phải gửi email cho nhà cung cấp dịch vụ download về hiện trạng phát tán mp3 ngang nhiên ở Việt Nam. Ưng Hoàng Phúc cố gắng nâng cấp dịch vụ chất lượng hình ảnh DVD Full HD bằng tiêu chuẩn đĩa blue-ray thì bị dư luận vùi dập về chuyện giá cả chơi trội đánh phủ đầu…
Nhưng trò đánh tráo khái niệm giữa cân bằng mức thu nhập chung với tư duy thử nghiệm về kỹ thuật, cùng với sự thờ ơ của nhà cung cấp dịch vụ Internet với sự sống chết của các nhà sản xuất… đã làm nản lòng cả… chính người tiêu dùng chờ đợi những sản phẩm âm nhạc đích thực, chất lượng kỹ thuật cao. Bởi ai sẽ dám bỏ tiền làm album biếu không như Quốc Bảo, ai dám in phiên bản blue-ray như Ưng Hoàng Phúc, ai dám quay DVD HD như Hồ Ngọc Hà? Nhìn mà thấy thương những người làm nhạc giải trí ở Việt Nam, hướng ngoại qúa thì bị nói bắt chước học đòi, hướng nội hoặc hoài cổ thì chỉ giết chết tính sáng tạo nghệ sĩ trong mỗi người mà thôi.
Năm thất bát và những đĩa hiếm hoi đáng nghe
Thực ra những cách làm như của Quốc Bảo, hay Hồ Ngọc Hà, Ưng Hoàng Phúc là những việc phải làm tất yếu. Việc nâng tầm chất lượng của sản phẩm, đạt những tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định để tương thích với chất lượng của những dàn âm thanh tối ưu tại gia của người nghe, tương thích với hệ thống của các Đài truyền hình chẳng hạn. Để đáp ứng được như vậy bắt buộc phải đầu tư, sản phẩm phải có giá cao. Đừng đem chuyện nhu cầu thị trường để bó người làm nghệ thuật. Ưng Hoàng Phúc là kẻ khôn ngoan khi chọn cách làm sản phẩm với nhiều mức giá thành khác nhau.
Hồ Ngọc Hà luôn cho ra mắt những sản phẩm chất lượng
Ai có nhu cầu nào thì lựa chọn mức đó, không sở hữu được đĩa blue-ray, tại sao lại đổ lỗi tại ca sĩ? Năm nay ca sĩ Việt cũng đã rục rịch quay lại xu hướng làm video clip vì sự phổ cập tốt đẹp của một số kênh truyền hình âm nhạc quốc nội. Mà khi họ đã chú trọng vào làm hình ảnh, thì nhất định nhu cầu tối thượng của họ là chất lượng hình ảnh, trong đó yếu tố kỹ thuật sản phẩm sẽ cao hơn. Sẽ còn nhiều đĩa HD ra đời. Giá sẽ còn thay đổi khác biệt. (Mà nhớ, giá CD rẻ như ở Việt Nam thì… chỉ có ở Việt Nam và đĩa nhái Trung Quốc mà thôi).
Bởi vậy mà một năm thất bát vừa qua, nhìn lại những sản phẩm hiếm hoi nghe được trong một năm như Hãy yêu nhau đi (Lan Anh), Đêm tình nhân (Phương Uyên – Lê Minh), Nơi bình yên (Thanh Lam), SaiGon Radio (Hà Anh Tuấn), Có đâu bao giờ (Hồng Nhung – Quang Dũng), Portrait 17 (Hiền Thục), Pha lê (Phương Linh), Yêu và mơ (Nam Khánh), Music of the night (Đức Tuấn), Bước kế tiếp (Hồ Bích Ngọc), Có đôi lần (Phương Vy), Làm sao nói hết (Phạm Anh Khoa), Q B (Quốc Bảo)… mới thấy lo cho… giải Cống hiến năm nay vì có qúa ít những điều đọng lại. Còn những Mỹ Linh, Mỹ Lệ, Thu Minh, 5 dòng kẻ, Tùng Dương, Nguyên Thảo, Khánh Linh… họ đang ở đâu?
Theo Thế giới Đàn ông