Năm thành tựu không gian của Liên Xô có thể bạn chưa biết
Liên Xô là quốc gia đầu tiên đưa người lên vũ trụ, còn Mỹ là nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng.
Tuy nhiên, có những thành tựu chinh phục không gian của Liên Xô trước đây nhưng không phải ai cũng biết đến.
Chuyến bay đầu tiên tiếp cận Mặt trăng
Liên Xô là quốc gia đầu tiên đưa một vệ tinh lên quỹ đạo (4-10-1957). Hai năm sau, ngày 2-1-1959, Liên Xô khởi động chương trình Luna, được truyền thông phương Tây gọi là Lunik, bằng việc phóng tàu Luna-1 lên quỹ đạo để chinh phục Mặt trăng. Luna-1 đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên trên thế giới có khả năng vượt qua lực hấp dẫn của Trái đất.
Tàu Luna-1 trên quỹ đạo. Ảnh: Sputnik.
Tuy nhiên, do quá trình đốt tên lửa đẩy trên không bị thực hiện sai thời điểm trong thời gian phóng, Luna-1 đã bỏ lỡ và chỉ đi sát qua Mặt Trăng. Theo Russia Beyond, Luna-1 đã bay 6.000km quanh vùng lân cận của Mặt trăng và trở thành phi thuyền đầu tiên rời khỏi quỹ đạo quanh Trái đất.
Bức ảnh đầu tiên về bề mặt bị che lấp của Mặt trăng
Trong năm 1959, Liên Xô lần lượt thực hiện thành công các chương trình thăm dò Mặt Trăng qua các chuyến bay Luna-1 (tháng 1-1959), Luna-2 (9-1959) và Luna-3 (10-1959). Nếu như Luna-1 không thành công trong việc hạ cánh xuống Mặt trăng thì tàu Luna-2 đã làm được điều đó. Trong khi đó, Luna-3 đã làm được một việc vô cùng quan trọng là chụp ảnh được phần khuất của Mặt trăng, đưa Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện được việc quan trọng này.
Bề mặt che khuất của Mặt trăng được tàu Luna-3 chụp được. Ảnh: sciencesetavenir.fr.
Theo Russia Beyond, tìm hiểu về bề mặt bị che lấp của Mặt trăng luôn là thách thức lớn trong cuộc chinh phục không gian của các cường quốc. Năm 1958, Mỹ là nước đầu tiên phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng nhưng không thành công do tính toán sai hành trình. Liên Xô đã nhận ra nỗ lực này của Washington nên bí mật chạy đua và đã thành công. Có điều, thành công này có được lại nhờ “sự giúp đỡ” của Mỹ, cụ thể là phim chụp ảnh vũ trụ.
Thực tế là, để có phim chụp ảnh Mặt trăng là vấn đề lớn. Tuy nhiên, vào nửa cuối thập kỷ 1950, trên lãnh thổ Liên Xô xuất hiện nhiều khinh khí cầu do thám của Mỹ, trên đó được trang bị máy ảnh chuyên dụng. Một số khinh khí cầu đã bị bắn hạ và Liên Xô đã thu được những cuộn phim trên khinh khí cầu. Những cuộn phim này sau đó đã được gửi đến Học viện Vũ trụ quân sự Nga để nghiên cứu.
Tháng 10-1959, tàu Luna-3 được phóng lên mang theo máy ảnh phù hợp để chụp Mặt trăng. Ba ngày sau, thiết bị đã chụp 40 bức ảnh và gửi về Trái đất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chất lượng ảnh kém nhưng 17 trong số ảnh đó vẫn có thể dùng phân tích được.
Chuyến bay đầu tiên bị lạc
Trong những năm 1961-1984, Liên Xô đã từng phóng các tàu thăm dò không người lái đến sao Kim. Con tàu đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này là tàu Venera-1, tuy nhiên Venera-1 đã sớm bỏ cuộc vào tháng 2-1961.
Tàu thăm dò Venera-1. Ảnh: fracademic.com.
Cũng trong năm 1961, Liên Xô đã phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng nhưng thất bại do mất tín hiệu liên lạc. Tàu thăm dò không thể điều chỉnh hành trình của mình và trôi vô định trong không gian, đi qua phía trước sao Kim ở khoảng cách 100.000km. Việc nối lại liên lạc được thực hiện khi tàu thăm dò trên cách Trái đất 2 triệu km.
Lần đầu tiên hạ cánh trên hành tinh khác
Nhiệm vụ chinh phục sao Kim – hành tinh gần Trái đất nhất – của Liên Xô kéo dài một thập kỷ. Sau 17 lần không thành công, năm 1971, thiết bị thăm dò của tàu Venera-7 do Liên Xô chế tạo đã hạ cánh mềm mại xuống sao Kim. Trong thực tế, đó là lần đầu tiên loài người đã thả thiết bị thăm dò xuống bề mặt một hành tinh khác. Do nhiệt độ cực cao trên sao Kim, khoang chứa thiết bị thăm dò được tàu vũ trụ Liên Xô thả xuống năm 1970 chỉ tồn tại được trong khoảng 2 giờ trên bề mặt của hành tinh này. Dù xảy ra một số sự cố, thiết bị thăm dò đã truyền được hình ảnh về Trái đất.
Xử lý thông tin trước chuyến bay của tàu Venera-7. Ảnh: TASS.
Đặc biệt là, cùng chinh phục sao Kim lần này còn có một tàu thăm dò khác có hình dáng tương tự Venera-7. Tàu Venera-7 “phiên bản 2″ được phóng lên quỹ đạo chỉ sau lần phóng Venera-7 có 5 ngày. Tuy nhiên, con tàu này không thể hỗ trợ “người chị” của mình do bị nổ động cơ.
Thiết bị đầu tiên trên sao Hỏa và bức ảnh đầu tiên về hành tinh này
Trước khi người Mỹ đưa tàu Curiosity lên sao Hỏa vào năm 2012, Liên Xô đã làm công việc tương tự từ năm 1971 (cùng năm chinh phục sao Kim).
Hình ảnh sao Hỏa được chuyển về từ thiết bị thăm dò của Liên Xô. Ảnh: Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Trên thực tế, vào thời điểm đó, tàu thăm dò Mariner 9 của Mỹ đã bay tới sao Hỏa và thậm chí đã đi vào quỹ đạo Hành tinh Đỏ sớm hơn 2 tuần so với tàu thăm dò của Liên Xô, nhưng việc thu thập dữ liệu gặp cản trở bởi một cơn bão bao phủ thiên thể. Bất chấp điều kiện thời tiết xấu, Liên Xô vẫn quyết định cho hạ cánh tàu thăm dò Mars-3 và thành công.
Tàu Mars-3 sau đó phát angten truyền dữ liệu về Trái đất. Quá trình truyền tải này kéo dài 14 giây, sau đó bị gián đoạn mãi mãi mà đến nay không tìm ra được nguyên nhân. Ngoài ra, tàu này cũng gửi về Trái đất bức ảnh đầu tiên chụp trên đất sao Hỏa nhưng không được rõ lắm.
HÒA AN
Cận cảnh loài cua có găng tay như võ sĩ boxing
Trên càng của cua đấm bốc có một lớp hải quỳ chứa nọc độc bao phủ, lớp găng tay tự nhiên này giúp chúng xua đuổi động vật săn mồi.
Cặp càng của loài cua này được bao phủ bởi một lớp hải quỳ trông giống như đôi găng tay của võ sĩ boxing. Cua đấm bốc và hải quỳ có mối quan hệ tương hỗ trong tự nhiên. Cua mượn hải quỳ để xua đuổi kẻ thù vì hải quỳ có chứa độc tố trong các xúc tu. Đổi lại, hải quỳ nhận được nhiều thức ăn hơn khi bám trên càng cua.
Cua đấm bốc đang tự tạo cho mình chiếc găng tay hải quỳ.
Cua đấm bốc đôi khi đánh nhau với đồng loại để tranh giành hải quỳ. Nếu mất một chiếc găng, chúng sẽ cắt một phần hải quỳ ở càng còn lại để tạo ra một chiếc gắng mới. Điều này không giết chết hải quỳ. Nó sẽ nhanh chóng mọc lại và bao phủ quanh càng cua.
Công Hiếu (t/h)
Viễn cảnh pin Mặt Trời bao phủ toàn bộ sa mạc Sahara Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới với diện tích 9,2 triệu km2. Chỉ 1,2% diện tích của sa mạc này được bao phủ bởi pin Mặt Trời cũng đủ cung cấp điện cho toàn thế giới. Phương Hà