Nam sinh có nhóm máu hiếm vượt 30km đi cứu người dù ngày mai phải thi
Thuộc nhóm máu O Rh(D) âm, Nguyễn Hồng Quân luôn muốn đi hiến máu để giúp đỡ cộng đồng.
Quân cũng rất tự hào về nhóm máu của mình và cảm thấy mình là người “hiếm có khó tìm”.
Vượt 30km để đi hiến tiểu cầu cứu người
Thuộc nhóm máu O Rh(D) âm, Nguyễn Hồng Quân (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp, Hà Nội) đã không ngại vượt 30km đường xa vào tối muộn để đến hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương cho một ca bệnh nhi bị ung thư.
18h ngày hôm đó, trưởng nhóm của Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm O Rh- nhắn tin vào nhóm Zalo chung rằng đang có một ca bệnh cần gấp một đơn vị tiểu cầu nhưng bệnh viện lại không có sẵn.
Đến khoảng 19h tối hôm ấy, Quân đi thi về, ăn cơm xong và mở điện thoại thì mới nhận được thông tin. Biết rằng chưa có ai đi, Quân liền nhanh chóng nhận “nhiệm vụ” và lên đường cùng một người bạn của mình dù ngày hôm sau cậu có môn thi ở trường.
Nguyễn Hồng Quân luôn thích được đi hiến máu, giúp đỡ mọi người (Ảnh: NVCC).
“Dù lúc đó mình chưa biết hiến tiểu cầu là thế nào nhưng vì đã lâu rồi mình chưa đi hiến máu nên lần này mình rất muốn đi. Mình có đăng ký hiến máu vào ngày 6/10 nhưng do trùng lịch thi nên không thể tham gia được. Thấy lần này có cơ hội nên mình đã đăng ký đi luôn”.
Tuy lo lắng đi về sẽ mệt nhưng may mắn rằng lần hiến tiểu cầu này không ảnh hưởng tới cả sức khỏe lẫn “phong độ” làm bài thi của Quân.
“Mình rủ bạn đi cùng, một là để cho vui, thứ hai là mình cũng sợ lúc về mình sẽ mệt mà lại không có ai chở mình về. Tuy nhiên, hiến máu không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của mình. Mình hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí còn tăng cân kể từ sau khi đi hiến máu”, Quân chia sẻ.
Mẹ của Quân rất lo lắng mỗi lần cậu đi hiến máu nhưng cũng không vì thế mà cấm cản Quân thực hiện nguyện vọng giúp đỡ cộng đồng của mình.
Video đang HOT
“Mặc dù mẹ vẫn cho mình đi nhưng vì lo cho sức khỏe của mình nên mẹ cũng không muốn để mình đi hiến máu nhiều”, Quân nói.
Giải thích cho sự hăng hái của mình mỗi lần có cơ hội đi hiến máu, Quân chia sẻ bản thân muốn được làm điều gì đó có ích và luôn thấy vui khi được giúp đỡ mọi người. Nhưng hơn cả, Quân từng chứng kiến nhiều trường hợp bị ung thư máu trong cuộc sống và đó là lý do bạn muốn giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn như vậy.
Thấy vui khi trở thành người “hiếm có khó tìm”
Đã đi hiến máu được 3 lần, Quân chia sẻ mỗi lần đi hiến máu lại đem đến cho bạn một cảm xúc khác nhau.
“Lần đầu đi hiến máu, mình cảm thấy bất ngờ khi biết bản thân thuộc nhóm máu hiếm. Tuy nhiên, bên cạnh đấy còn là cảm xúc lo lắng vì mình phải cẩn thận hơn trong cuộc sống, như vấn đề tham gia giao thông, để tránh bị thương”, Quân kể lại.
“Lần thứ hai, mình cảm thấy hơi đói sau khi hiến máu. Buổi sáng hôm ấy, mình ngủ đến 10h sáng mới dậy thì có người gọi đi hiến gấp. Vào lần thứ ba, cũng là lần gần đây nhất, mình thấy rất vui khi có cơ hội lần đầu tiên hiến tiểu cầu và giúp được một em bé đang điều trị ung thư”, Quân nói.
Quân với lần đầu tiên đi hiến tiểu cầu của mình tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương (Ảnh: NVCC).
Đặc biệt, trước đây khi biết bản thân có nhóm máu hiếm, bên cạnh nỗi lo về vấn đề tai nạn như đã nói, giờ đây Quân còn lo mình sẽ bị… bắt cóc rồi bị rút máu để bán.
Tuy sợ bị bắt cóc nhưng Quân vẫn tin rằng ngày đó sẽ không xảy ra. Bạn đã trang bị cho mình một số kỹ năng tự vệ, thoát thân cũng như luôn tin vào an ninh xã hội hiện nay.
“Nếu mình chẳng may bị bắt cóc, mình tin khi mình hô hoán thì mọi người xung quanh chắc chắn sẽ chạy ra cứu mình và không để chuyện ấy xảy ra”, Quân hài hước nói.
Tuy nhiên, trên cả những lo lắng và sợ hãi là niềm vui khi bản thân sở hữu nhóm máu hiếm. Quân nói: “Mình cảm thấy rất vui khi có máu “xịn”. Điều này khiến mình thấy bản thân là một người hiếm có khó tìm”.
Gần 1 tiếng "chiến đấu" với lũ, giành lại mạng sống cho nam thanh niên
Trong tình thế nguy cấp, tưởng chừng đã để trôi mất người gặp nạn dưới dòng nước siết nhưng những bộ đội ngoan cường này đã "giành lại" mạng sống cho nam thanh niên sau gần một tiếng dầm mình trong cơn lũ dữ.
Bộ đội cứu người gặp nạn trong đêm lũ. Ảnh THƯỢNG TÁ PHẠM VĂN QUÂN
Sợ người bị lũ cuốn đi
Do ảnh hưởng của bão số 5, đêm 14.10 tại TP. Đà Nẵng có mưa rất to gây ngập lụt cục bộ, đặc biệt khu vực chân đèo Đại La, quận Liên Chiểu có lũ quét rất mạnh gây tắc nghẽn giao thông.
Trong lúc đang trực diễn biến mưa bão, thiếu tá Trần Văn Tuấn, phó chủ nhiệm Kho K83, Cục Kỹ thuật Binh chủng công binh (ngụ tại đường Hoàng Văn Thái, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhận được thông tin có người đang bị lũ cuốn. Anh liền nhanh chóng huy động lực lượng cứu người gặp nạn.
Khi đến khu vực cứu nạn, anh Tuấn cùng thiếu tá Phạm Văn Quân, Đội trưởng Đội Bảo vệ Vệ binh phát hiện thấy có 3 thanh niên đang bị cuốn vào dòng nước siết, 2 người đã nhanh chóng bơi vào bờ còn lại một người thì đang bị kẹt lại giữa dòng lũ, tay đang ôm chặt lấy ngọn cây.
"Tôi chạy ra trước thấy nguy kịch quá nên cũng không suy nghĩ gì nhiều muốn làm sao cứu được người thanh niên đó nhanh nhất, nhưng vì nước lũ to quá nên không thể ra tận nơi được, vì thế mới lấy dây quăng ra cho người đó bám vào nhưng nước to quá nên dây bị trôi đi không tới được chỗ người bị nạn, một lúc sau người đó bị tụt tay rồi bị trôi đi hơn 50 mét", anh Quân nhớ lại.
Cứ tưởng mọi hy vọng như vụt tắt trong màn đêm, Thiếu tá Tuấn cùng đồng đội không nản chí cầm đèn pin soi rọi, cố gắng đi tìm người gặp nạn. Suốt gần 1 tiếng đồng hồ, đã may mắn phát hiện được nạn nhân vẫn còn đang bám trụ vào một thân cây khác nên các anh đã nhanh chóng quăng dây cứu nạn, cuối cùng đưa được người thanh niên đó lên bờ an toàn.
"Ban đầu khi tôi quăng dây ra mà nước chảy xiết mà người đó không bám vào được, lúc đó tôi thấy hụt hẫng vô cùng, nhìn thấy người thanh niên bị lũ cuốn đi thì tôi lo sợ: thôi chết rồi, mình không cứu được người ta mất rồi. Nhưng mà tôi vẫn hy vọng người đó sẽ cố gắng bám trụ lại, nên mới chạy vòng xuống dưới tìm đường soi đèn vào tìm kiếm và rất may vì người đó vẫn còn cứu được", Thiếu tá Quân xúc động kể lại.
Đến gần 22 giờ 30, cả 3 người gặp nạn đã được đưa đến trụ sở của Kho K83 để hồi sức, được các bộ đội tại đây nhường lại áo mặc và chia sẻ thức ăn, nước uống.
Không nghĩ gì ngoài cứu người
Thiếu tá Trần Văn Tuấn cho hay lúc đó tình hình rất nguy cấp, nước lũ chảy xiết dâng lên gần 4 mét, trời lại tối mịt, thiếu ánh sáng do cúp điện cục bộ nên việc tiếp cận ứng cứu là vô cùng khó khăn. Anh cũng bày tỏ sự bất ngờ khi lần đầu tiên TP. Đà Nẵng ngập sâu như vậy.
Người bị lũ cuốn được đưa vào nơi an toàn. Ảnh THƯỢNG TÁ PHẠM VĂN QUÂN
"Ở TP. Đà Nẵng nói chung và khu đơn vị nói riêng, từ lúc tôi về công tác gần 10 năm thì dù có mưa to, có bão rất nhiều nhưng đợt lũ này là lần đầu tiên tôi chứng kiến thiên tai nặng nề như thế này. Không chỉ bộ đội trong đơn vị mà tất cả người dân đều không nghĩ có một trận lụt quá lớn như thế này", anh Tuấn nói.
Khi được hỏi: "Với hoàn cảnh nguy hiểm như vậy, các anh có lo sợ hay không?", thì Thiếu tá Quân trả lời: "Thật ra lúc đó sức nước cũng rất nguy hiểm, nhưng khi thấy người ta đang chới với dưới dòng nước dữ thì trong đầu bọn tôi lúc đó chỉ có một suy nghĩ là làm sao cứu được thôi. Gần như là không nghĩ gì đến vấn đề khác, sau khi nhiệm vụ hoàn thành thì anh em ôm nhau mừng rỡ, cảm xúc lúc đó rất khó tả".
Là một trong 3 thanh niên được các bộ đội Kho K83 ứng cứu kịp thời, anh T.T.S (33 tuổi, ngụ tại Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho hay, lúc gặp nạn anh cùng 2 người bạn đang trên đường đi làm về thì không may lũ quét qua và cuốn trôi cả người lẫn xe máy.
"Bạn tôi trôi giữa dòng, nước to mà còn xoáy nữa nên các anh không bơi ra được vì quá nguy hiểm, bên kia lại cồn cát lún rất sâu. Lúc lên được hết rồi thì bản thân tôi vẫn chưa hết hoang mang vì từ nhỏ giờ chưa từng chứng kiến Đà Nẵng có đợt lụt khủng khiếp như vậy", anh S. kể lại.
Anh N.Đ.M. (26 tuổi, công nhân) cảm động nói: "Thật may mắn cho chúng tôi, lúc đó nhiều người đứng trên nhìn nhưng không biết làm cách nào. Nhờ có các anh không quản ngại hiểm nguy cứu được bạn tôi. Nếu không có các anh, bạn tôi không biết sẽ ra sao?".
Ngoài thành tích cứu người trong bão lũ, hơn 10 năm công tác tại Đà Nẵng, những người bộ đội của Kho K83 còn có nhiều câu chuyện giúp đỡ người hoạn nạn. Cách đây vài năm, khi người dân bị tai nạn giao thông, các anh đã cho đưa vào đơn vị để sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời. Thời điểm dịch bệnh thì đi mua thực phẩm, rau củ, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân xung quanh đơn vị khi toàn thành phố phong tỏa.
Đắk Nông: Tặng bằng khen đột xuất cho 2 thanh niên cứu người ở sông Sêrêpôk UBND tỉnh Đắk Nông vừa trao tặng bằng khen đột xuất cho 2 thanh niên ở H.Cư Jút vì vì đã hành động dũng cảm cứu người trên sông Sêrêpôk. Tối 13.10, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông đã trao bằng khen đột xuất của Chủ...