Nậm Pồ dồn sức di dời gần 30 hộ dân nằm dưới cung trượt sạt trên đồi
Từ ngày 25/5, do mưa lớn, diễn ra trong thời gian dài, vị trí trên đỉnh đồi thuộc khu vực đầu bản Huổi Đắp (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã xuất hiện tình trạng sụt lún, đứt gãy nền đất tạo nên một cung trượt, sạt dài hơn 150m, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đồi và đe dọa trực tiếp đến gần 30 hộ dân với hơn 140 nhân khẩu sinh sống tại khu vực nằm phía dưới cung trượt sạt.
Đến hết ngày 30/5, các lực lượng đã tham gia tháo dỡ, vận chuyển nhà ở, tài sản được cho 21 hộ dân nằm dưới cung trượt sạt ở bản Huổi Đắp (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đến nơi ở mới an toàn. Ảnh: TTXVN phát
Ngay sau khi nắm bắt tình hình, khảo sát hiện trường, đánh giá mức độ ảnh hưởng của cung trượt sạt, chính quyền huyện Nậm Pồ đã huy động các lực lượng triển khai các biện pháp cấp bách, khẩn cấp di chuyển toàn bộ các hộ dân nằm dưới cung trượt sạt đến nơi an toàn.
Liên quan đến sự việc, ngày 26/5, sau khi nhận được nguồn tin báo từ chính quyền địa phương xã Nậm Tin, UBND huyện Nậm Pồ đã thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, xác minh hiện trạng, đánh giá mức độ nguy cấp.
Qua kiểm tra thực địa, đoàn kiểm tra nhận định: Toàn bộ khu vực cung trượt khu vực đầu bản Huổi Đắp đã sạt lở, hình thành một vết nứt có chiều dài hơn 150m tại vị trí trên đỉnh đồi. Ảnh hưởng từ sự vận động đứt gãy, sụt lún của cung trượt sạt nên nền đồi bị nứt toác, biến dạng mạnh mẽ. Vết nứt của cung trượt sạt tạo nên một khe lớn chạy theo đường bình độ trên đồi, chia cắt thành hai mảng địa chất có độ chênh lệch khoảng 1m. Đặc biệt, tình trạng đất, đá chảy xuống từ cung trượt sạt trên đồi đã khiến một nhà dân phải dỡ bỏ, di dời đồ đạc, vật dụng trong đêm 25/5. Tình trạng sạt lở của cung trượt khiến 25 hộ dân còn lại (với hơn 130 khẩu) trong tổng số 80 hộ dân (với hơn 400 nhân khẩu) của bản Huổi Đắp nằm trong diện phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, vì các hộ dân này nằm dưới đồi, bị ảnh hưởng trực tiếp trong phạm vi hoạt động của cung trượt sạt.
Ngay sau khi khảo sát tình hình thực tế, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ và cơ quan chức năng đã tổ chức cắm cọc, biển báo khoanh vùng sạt lở, cảnh báo nguy cơ; đồng thời huy động hàng trăm người gồm các lực lượng: Dân quân, Công an, Quân sự, đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn, nhân lực các đơn vị trường học trên địa bàn xã Nậm Tin và một số phòng ban của huyện Nậm Pồ, nhanh chóng tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc, vật dụng của các hộ dân nằm trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Khu vực được khảo sát, lựa chọn để làm nơi ở mới cho người dân cách khu vực sạt lở khoảng 800m. Đến hết ngày 30/5, sau 4 ngày thực hiện, với tinh thần khẩn trương các lực lượng đã tháo dỡ, di chuyển được 21 ngôi nhà.
Bí thư Huyện Đoàn Nậm Pồ Nguyễn Văn Thúy cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trong hai ngày 29 và 30/5, Huyện Đoàn đã huy động gần 60 lượt đoàn viên thanh niên phối hợp cùng với các lực lượng tham gia giúp đỡ tháo dỡ, vận chuyển nhà ở, tài sản cho các hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của cung trượt sạt tại bản Huổi Đắp.
Video đang HOT
Những ngày vừa qua, do thời tiết mưa to, kéo dài, đặc thù là huyện vùng núi cao, độ dốc lớn, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, đường di chuyển vận chuyển đồ đạc trơn trượt, công tác vận chuyển, di dời tài sản, khắc phục hậu quả thiên tai của lực lượng đoàn viên gặp không ít khó khăn. Phát huy cao nhất tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tham gia rất nhiệt tình, hăng hái, chủ động khẩn trương hoàn thành công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Hạng Nhè Ly cho biết: Qua rà soát, đánh giá, phát sinh, bổ sung thêm hai hộ dân cần phải di dời nhà cửa khỏi cung trượt sạt, nâng tổng số lên 28 hộ cần di dời, chuyển đến khu vực an toàn. Dự kiến đến hết ngày 1/6, địa phương sẽ di chuyển toàn bộ các hộ dân này ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Với tinh thần “chạy đua” với thời gian, khẩn trương trong công việc của các lực lượng tham gia hỗ trợ tháo dỡ nhà, di chuyển đồ đạc nên chỉ sau 4 ngày, 21 hộ đã được tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới an toàn. Với 7 hộ còn lại, các lực lượng tham gia sẽ cố gắng hoàn tất thực hiện việc tháo dỡ nhà cửa, di chuyển đồ đạc xong trong ngày 31/5.
Chủ động ứng phó, xử lý kịp thời với những tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện tháo dỡ, di dời nhà cửa cho người dân, UBND huyện Nậm Pồ đã bố trí ba tổ công tác gồm: Công an, Quân sự, Y tế túc trực 24/24 tại bản Huổi Đắp. Đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, di chuyển nhà cửa, đồ đạc cho người dân, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện đã huy động một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đưa máy xúc, xe tải cùng nhân dân san nền và vận chuyển nhà sau khi tháo dỡ đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Hạng Nhè Ly cho biết thêm, để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ gia đình thuộc diện phải di chuyển, trước mắt, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ hỗ trợ mỗi hộ gia đình 20 triệu đồng theo quyết định 07 của UBND tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, huyện Nậm Pồ sẽ kêu gọi các nhà từ thiện, hảo tâm giúp đỡ để thực hiện tốt hơn công tác an sinh xã hội, tạo những điều kiện tốt nhất cho người dân bản Huổi Đắp sớm ổn định cuộc sống.
Nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung từ tháng 10-11/2022
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7-9/2022.
Năm 2022 khả năng sẽ có nhiều thiên tai bất thường
Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngập chìm trong nước làm nhiều xe máy, ô tô bị chết máy, giao thông đi lại rất khó khăn. Ảnh tư liệu: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7-9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ tháng 6-9/2022. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh, thành phố miền Trung trong tháng 10-11/2022.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý, năm 2022 khả năng sẽ có nhiều thiên tai bất thường ở nước ta.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, ngày 29-30/5 chủ yếu là mưa dông xảy ra vào buổi chiều tối ở các khu vực Bắc Bộ (tập trung ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và miền Đông Nam Bộ. Trong những ngày tới, mưa dông và mưa lớn cục bộ liên tục xảy ra rải rác ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. Do vậy cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong mưa dông. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thông thường trong tháng 5 (tháng chuyển tiếp giữa gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam), dưới tác động của rãnh gió mùa, các tỉnh miền Bắc vẫn thường xuyên xuất hiện các đợt mưa rào và dông. Vì thế những đợt mưa tương tự như đợt mưa từ ngày 21/5 ở Bắc Bộ không phải xảy ra lần đầu tiên. Tuy nhiên, đợt mưa diện rộng lần này có cường độ lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm. Một số nơi như Vĩnh Phúc xuất hiện lượng mưa kỷ lục; tại Tam Đảo lượng mưa 4 ngày lên tới 808mm, đây là lượng mưa cao nhất trong tháng 5 từ trước tới giờ.
Trong hai ngày 23 và 24/5, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và một số nơi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) đã có mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến từ 250 - 300mm. Tổng lượng mưa hai ngày một số nơi đã vượt so với lượng mưa tháng trung bình nhiều năm từ 30-50%. Trong ngày 23/5, khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có mưa to với lượng mưa đo được là 464mm/ngày. Đây là lượng mưa ngày lớn nhất ghi nhận tại Tam Đảo từ năm 1962 tới nay, lượng mưa ngày kỷ lục trước đó là 379mm/ngày ghi nhận vào ngày 25/8/2003.
Trong quá khứ, đợt mưa lớn gần nhất trong tháng 5 có cường độ tương tự ở Bắc Bộ xảy ra vào ngày 23-26/5/2016.
Hiện tượng La Nina (bé Hài Đồng nữ - là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) được dự báo tiếp tục duy trì trong những tháng tới và chi phối mạnh đến diễn biến thiên tai trong năm 2022. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn La Nina sẽ gây ra thiên tai cụ thể thế nào nhưng theo phân tích thống kê, những năm,La Nina thường có mưa lũ nhiều và phức tạp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tổ chức thực hiện theo công văn số 272/VPTT ngày 20/5 của Văn phòng Thường trực.
Các tỉnh, thành phố từ Bình Định đến Cà Mau thông báo đến các chủ phương tiện, tàu thuyền trên biển tin cảnh báo mưa dông, sóng to, gió lớn trên biển; Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ 21-29/5 đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương.
Mưa lớn tại tỉnh Cao Bằng đã làm 1 người chết do sạt lở đất; 2 nhà bị ảnh hưởng, 213,24 ha ngô bị ngập nước và đổ gẫy (huyện Hà Quảng và huyện Bảo Lâm). Tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở đất đá ở các thôn Lũng Nặm - Lũng Tắc, xã Lũng Nặm; tuyến Lũng Tú -Trường Hà, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; một cầu tạm bị cuốn trôi.
Chiều 29/5, mưa lớn trút xuống Hà Nội kèm theo dông và gió mạnh, sấm chớp. Theo số liệu từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thoát nước Hà Nội, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 100 mm chỉ trong vòng hai giờ (13 giờ 50 đến 15 giờ 50). Ghi nhận tại thời điểm 16 giờ ngày 29/5, quận Cầu Giấy có lượng mưa lớn nhất thành phố là 172,6 mm. Tiếp đến quận: Tây Hồ 152,5 mm; Hoàng Mai 132,7 mm; Ba Đình 102,7 mm; Thanh Xuân 101,5 mm; Nam Từ Liêm 91,6 mm; Hai Bà Trưng 87,3 mm; Đống Đa 78,7 mm...
Mưa với cường độ lớn, diện rộng nên xuất hiện tình trạng úng ngập tại nhiều tuyến phố, có điểm ngập khá sâu từ 20 cm đến xấp xỉ 90 cm, nhiều phương tiện xe máy, ô tô đã bị chết máy do ngập nước, đi lại khó khăn. Nhiều hộ dân ven điểm ngập đã dùng những vật liệu để chặn nước mưa chảy vào trong nhà. Do mưa lớn, nhiều tuyến phố bị ngập nên đã xảy ra ắc tắc cục bộ tại một số khu vực. Điển hình Đại lộ Thăng Long hướng từ Ba Vì vào nội thành bị tắc cứng, phương tiện đang xếp thành hàng dài trên đường, do nhiều chủ phương tiện không dám đi qua chỗ úng ngập tại khu vực quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Thông tin từ Tổng cục phòng, chống thiên tai, mưa lũ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những ngày qua đã làm 6 người chết, 6 người bị thương; 512 nhà hư hỏng, di dời khẩn cấp; 26.767ha lúa, hoa màu ngập, 922ha thủy sản thiệt hại; 26.302 con gia súc, gia cầm chết, cuốn trôi; 39.382 m3 đất, đá sạt lở, 10 cầu dân sinh bị hư hỏng, cuốn trôi.
Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tổ dân phố Phố Núi thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên xảy ra sạt lở đất đá từ trên núi Nản xuống đường làm hư hỏng, sụt lún mặt đường. Hiện trên núi nhiều đá tảng kích thước lớn có nguy cơ lăn xuống dưới, có thể ảnh hưởng trực các hộ dân trong khu vực. UBND huyện Định Hóa đã họp khẩn và thống nhất phương án di dời ngay lập tức 6 hộ dân với 22 nhân khẩu đến nơi cách xa khu vực nguy hiểm.
Hiện chính quyền các địa phương đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc tiếp tục ứng phó với diễn biến thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định cuộc sống và sản xuất của nhân dân.
Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả...