Nam Phi ra cảnh báo về bệnh rubella sau khi ghi nhận hơn 10.000 ca mắc
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 19/12, Bộ Y tế Nam Phi đã cảnh báo công chúng về sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh rubella trên khắp cả nước với hơn 10.000 ca được báo cáo từ đầu năm nay đến tháng 11 vừa qua.
Hình minh họa về virus Rubella, thường được gọi là bệnh sởi Đức. Ảnh: AFP
Tuyên bố của bộ này dễn số liệu của Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm (NICD) cho thấy đã có tổng cộng 10.137 ca mắc rubella được ghi nhận tại quốc gia này trong giai đoạn trên, cao hơn so với số ca được ghi nhận hồi năm ngoái. Phần lớn các ca bệnh được ghi nhận ở các tỉnh Gauteng và Western Cape, trong khi hơn 90% tổng số ca bệnh là ở trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm hơn 8.300 ca và chỉ có một bệnh nhân trên 50 tuổi.
Bộ trên lưu ý mặc dù là một bệnh loại nhẹ và có thể tự khỏi ở trẻ em, song nguy cơ lây lan của rubella vẫn cao, đặc biệt là ở những người chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng tiếp xúc với virus gây bệnh.
Rubella, còn được gọi là bệnh sởi Đức, là bệnh do virus gây ra, rất dễ lây lan, nhưng có thể phòng ngừa bằng vaccine. Theo Bộ Y tế Nam Phi, căn bệnh này lây lan từ người sang người thông qua các giọt nước bọt do người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi vào không khí. Trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng do rubella.
Bộ trên khuyến cáo các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ em theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và chú ý đến các triệu chứng phổ biến của rubella bao gồm phát ban, sốt, đau họng, đau đầu, ho, sổ mũi, sưng hạch bạch huyết ở cổ và buồn nôn. Các triệu chứng này phát triển từ 2 đến 3 tuần sau khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Người dân cũng được khuyến cáo đến các cơ sở y tế công cộng thăm khám khi nghi ngờ có các triệu chứng của rubella để phát hiện và có biện pháp điều trị sớm nhằm đem lại hiệu quả cao và ngăn ngừa nguy cơ bệnh lây lan. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng sẽ vẫn mở cửa trong suốt mùa lễ hội cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Bùng phát đợt bệnh đậu mùa khỉ mới ở Nam Phi, 1 người tử vong
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 12/6, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết đợt bùng phát mới bệnh đậu mùa khỉ đã cướp đi sinh mạng của 1 người và lây nhiễm thêm 4 người khác tại quốc gia cực Nam châu Phi này.
Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Số liệu của Bộ Y tế Nam Phi cho thấy 5 trường hợp được báo cáo từ ngày 8/5 - 7/6 là những trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở nước này kể từ năm 2022.
Phát biểu với báo giới, ông Phaahla kêu gọi những người có triệu chứng nghi ngờ nên đến các cơ sở chăm sóc y tế và giúp truy vết những người tiếp xúc. Bộ trưởng Phaahla cho biết tất cả những người mắc bệnh gần đây ở Nam Phi đều là nam giới ở độ tuổi 30. Các bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng. Hiện tại, 2 người vẫn còn ở bệnh viện. Ông cũng lưu ý chính phủ nước này đang nỗ lực đảm bảo có thêm thuốc điều trị Tecovirimat để đề phòng nguy cơ virus bùng phát rộng hơn.
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus lây truyền qua tiếp xúc gần gũi với người hoặc động vật mắc bệnh, cũng như qua các vật liệu như khăn trải giường bị nhiễm. Bệnh gây ra các tổn thương đau đớn và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các triệu chứng phổ biến bao gồm phát ban trên da, sốt, nhức đầu, đau cơ và sưng hạch bạch huyết.
Đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, sau đó lây lan chủ yếu ở một số quốc gia Tây và Trung Phi. Tuy nhiên vào tháng 5/2022, số ca mắc bệnh gia tăng trên toàn thế giới, chủ yếu là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, khiến WHO phải tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. WHO đã chấm dứt cảnh báo vào năm ngoái nhưng việc lây truyền đậu mùa khỉ ở mức độ thấp vẫn tiếp tục trên toàn thế giới.
Theo WHO, trên 97.000 ca nhiễm và 186 ca tử vong đã được báo cáo tại 117 quốc gia trong 4 tháng đầu năm 2024.
Nhiều trường hợp mắc rubella, dấu hiệu nào nhận biết bệnh sớm? Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay nước ta đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc, trong đó có 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố. Cách nào giúp nhận biết sớm và phòng ngừa mắc rubella? 1. Nguyên nhân gây bệnh rubella Virus...